Cầu nối để trẻ em nghèo Việt Nam được mổ tim miễn phí

Humanitarian Services For Children, Hội Từ thiện cho thiếu nhi, là tổ chức nhân đạo do một người Hoa Kỳ đã về hưu, ông Charles Devet, sáng lập năm 2001.
Thanh Trúc, phóng viên RFA
2010.06.24
Một em bé được mổ tim miễn phí tại bệnh viện Việt Đức Hà Nội nhờ sự giúp đỡ của tổ chức HSCV và tổ chức CardioStart International. Một em bé được mổ tim miễn phí tại bệnh viện Việt Đức Hà Nội nhờ sự giúp đỡ của tổ chức HSCV và tổ chức CardioStart International.
Photo courtesy of HSCV.org

Hội từ thiện cho thiếu nhi Việt Nam

Hội Từ thiện cho thiếu nhi và ông chủ tịch Charles Devet đã đi nhiều nước trên thế giới, những nơi mà hội nghĩ là trẻ em nghèo ở đó cần được hỗ trợ. Năm 2002, ông Charles Devet đến Việt Nam:

“Đúng ra là tôi và con gái, Annetta, cùng đi Việt Nam năm 2002, thấy có quá nhiều trẻ cần được giúp đỡ, thế là chúng tôi quyết định sáng lập HSCV tức Hội Từ thiện cho thiếu nhi Việt Nam từ năm đó, để xem có thể làm được gì cho những mảnh đời thiếu thốn ấy.”

Khi bắt tay vào việc chúng tôi cũng chưa tìm ra phương hướng nào tốt nhất để giúp, chỉ biết có nhiều em đã phải bỏ học vì cha mẹ không đủ có tiền đóng học phí thì chúng tôi bắt đầu cấp học bổng cho các học sinh nghèo.

Tôi và con gái, Annetta, cùng đi Việt Nam năm 2002, thấy có quá nhiều trẻ cần được giúp đỡ, thế là chúng tôi quyết định sáng lập HSCV tức Hội Từ thiện cho thiếu nhi Việt Nam.

Ô. Charles Devet

Rồi khi thấy nhiều nhà không đủ ăn khiến con trẻ suy dinh dưỡng thì chúng tôi khởi sự cấp phát gạo, kế đó là cung cấp xe đạp cho họ di chuyển.

Càng làm việc với người nghèo bên Việt Nam thì chúng tôi càng thấy họ thiếu cả sự chăm sóc sức khỏe, trong lúc chúng tôi chỉ là một tổ chức nhân đạo chứ không phải một tổ chức y tế.”

Từ ý nghĩ đó, chủ tịch HSCV Charles Devet bắt đầu gây quĩ, kiếm thêm tiền để giúp thiếu nhi Việt Nam chữa bệnh, đặc biệt các em nhỏ bị bệnh tim bẩm sinh mà đa số chết sớm vì không có phương tiện và tài chánh để được giải phẫu.

Thế rồi ông Charles Devet gặp cô Trương Thủy Tiên, y tá chuyên ngành tim đã làm việc hai mươi hai năm trong một bệnh viện lớn ở Minnesota. Từ năm 2007, Trương Thủy Tiên từng đi theo Volunteer Medical Mission, một tổ chức thiện nguyện ở South Carolina, về tận những vùng sâu vùng xa của Việt Nam:

“Năm 2007 tôi có về để khám miễn phí cho khoảng ba ngàn bệnh nhân tại thành phố Đà Nẵng. Sau đó, năm 2008, thì tới Tiền Giang và Bến Tre khám và chữa bệnh cho khoảng năm ngàn bệnh nhân.”

Được ông Devet mời vào ban quản trị HSCV, nhận thấy hảo ý của ông là muốn giúp bệnh nhi Việt Nam có cơ hội mổ tim hầu kéo dài cuộc sống, Trương Thủy Tiên bằng lòng. Với sự quen biết sau bao năm trong nghề y tá, cô liên lạc với một vị bác sĩ người Anh, ông Aubyn Marath, sáng lập viên đồng thời cũng là chủ tịch CardioStart International tại bang Oregon, Hoa Kỳ.

Từ lúc thành lập đến giờ, CardioStart International đã đi qua mười chín nước trên thế giới. Đó là những chuyến đi hứa hẹn với đội ngũ bác sĩ chuyên nghiệp, dụng cụ y khoa tối tân. Những quốc gia mà CardioStart đến là những nước còn thiếu phương tiện y học lẫn khả năng hiện đại trong việc mổ tim, nhất là mổ tim miễn phí cho người nghèo và các em nhỏ bị tim bẩm sinh.

Sự kết hợp kỳ diệu

Một em bé được mổ tim miễn phí tại bệnh viện Việt Đức Hà Nội đang được Bác sĩ của tổ chức CardioStart International săn sóc. Photo courtesy of HSCV.org
Một em bé được mổ tim miễn phí tại bệnh viện Việt Đức Hà Nội đang được Bác sĩ của tổ chức CardioStart International săn sóc. Photo courtesy of HSCV.org
Sự kết hợp kỳ diệu giữa Humanitarian Services For Children Of Vietnam, cô y tá Trương Thủy Tiên nhiều năm trong nghề, và CardioStart International dẫn đến chuyến đi đầu tiên đến quốc gia thứ hai mươi, Việt Nam, mà điểm hẹn là bệnh viện Việt Đức ở Hà Nội. Tháng Mười Một năm 2009, mười tám bệnh nhân, phần lớn là trẻ em, lên bàn mổ bằng kỹ thuật y khoa tân tiến hiện đại nhất từ bên ngoài mang về.

Thống kê cho biết Việt Nam có khoảng hai chục ngàn trẻ bị bệnh tim bẩm sinh. Điều đáng tiếc là chỉ khoảng 10% trong số này được giải phẫu, một tỉ lệ nhỏ nhoi so với chừng một phần ba chết trước khi tròn một tuổi. Có thể nói hy vọng sống còn duy nhất của hầu hết những bệnh nhân bị tim bẩm sinh là được giải phẫu, bởi nếu không mổ thì mạng sống chỉ như mành treo chuông mà thôi.

Tưởng cũng nên rõ, giải phẫu tim đã là một vấn đề khó khăn ngay ở Mỹ và các nước tân tiến khác, huống hồ ở Việt Nam mổ tim lại tốn rất nhiều tiền bạc. Là người am hiểu chuyện mổ tim ở Việt Nam, Thủy Tiên chia sẻ:

“Theo những năm đó cho tới bây giờ thì tốn khoảng chừng hai ngàn rưỡi cho tới năm ngàn đô la. Bác sĩ thường hay nói mổ tim là 50% sống và 50% chết. Tôi thực sự có nguyện vọng là bất cứ ca mổ tim nào cũng phải thành công, bệnh nhân phải sống, còn trường hợp mất là bất đắc dĩ lắm mới xảy ra.

Đó là cái nguyện vọng khi CardioStart về đến Việt Nam, vì họ không những chỉ mổ tim thôi, mà họ còn chỉ dẫn rất tận tình rất nhiệt tình đối với những người chuyên môn giải phẫu tim ở Việt Nam.”

Năm 2008 cô Thủy Tiên hướng dẫn bốn người trong phái đoàn của CardioStart về Việt Nam để tìm hiểu tình hình giải phẫu tim ở đây:

“Họ đã đi bốn năm bệnh viện ở tại Hà Nội, cuối cùng họ chọn bệnh viện Việt Đức của bác sĩ Thành. Tấm lòng của CardioStart là mang người về giải phẫu và chỉ dẫn cho người ở Việt Nam có thể giải phẫu tốt đẹp hơn. Thứ nữa, điều kiện của họ là không được bắt bệnh nhân phải trả tiền.”

Chúng tôi thường để lại tất cả những máy móc và trang thiết bị y khoa cho bệnh viện mà chúng tôi đến giúp. Đó chỉ là một nghĩa cử thông thường.

BS Aubyn Marath

Bệnh viện Việt Đức và bác sĩ Lê Ngọc Thành, một bác sĩ khả kính trong mắt những nhà chuyên môn giải phẫu tim của CardioStart, đã đáp ứng được ba điều kiện mà CardioStart đưa ra, một là mổ miễn phí cho bệnh nhân, hai là ê kíp giải phẫu của bệnh viện và các bác sĩ trong CardioStart cùng trao đổi học hỏi lẫn nhau, ba là CardioStart sẽ để lại tất cả máy mọc dụng cụ y khoa cho Việt Đức, hầu trang bị thêm phương tiện tối tân cho bệnh viện, mặt khác là bù đắp vào chi phí mà Việt Đức phải gánh chịu khi tiến hành những ca mổ tim rất tốn kém đó.

Bác sĩ Aubyn Marath, giám đốc CardioStart International, giải thích thêm:

“Cơ bản là chúng tôi thấy được cái nhu cầu y khoa cấp bách ở Hà Nội qua ba điểm đáng lưu ý. Thứ nhất họ rất cần được hỗ trợ và họ đã yêu cầu chúng tôi giúp. Thứ nhì, không thể nghi ngờ khả năng tiếp thu cái mới của Hà Nội, chỉ có điều nền y tế ở ngoài này, về mặt hỗ trợ từ bên ngoài, chừng như không nhiều như trong Sài Gòn. Điểm thứ ba, chúng tôi không vui lắm khi biết quá nhiều người tự họ mang bệnh tim hoặc có con bị bệnh tim mà đã phải trả chi phí quá cao, thậm chí bán cả đồ đạc vật dụng để có tiền đi giải phẫu. Tôi nghĩ CardioStart có thể giúp đỡ những trường hợp như vậy, và chúng tôi tới để làm việc đó.”

Còn tại sao CardioStart yêu cầu bệnh viện Việt Đức phải mổ miễn phí cho bệnh nhân ư? Bác sĩ Marath nêu câu hỏi như vậy rồi trả lời tiếp:

“Chúng tôi phải nhấn mạnh yêu cầu mổ miễn phí vì đó là cách để giúp người nghèo. Điều tôi muốn chia sẻ ở đây là tại những nước mà CardioStart đi qua, đã có những bác sĩ chữa hoặc mổ tim rất giỏi. Nhưng thay vì mang cái kiến thức quí báu và những kỹ thuật tối tân đó ra để cứu nhân độ thế và dạy lại cho đồng nghiệp, thì họ đã dựa vào đó để bắt bệnh nhân trả một số tiền mà tự thân chi phí của ca mổ đã quá lớn rồi.

Tôi muốn nói với quí vị rằng ở Việt Nam cũng không khác, rằng phải chăng là trong một đất nước còn nghèo và lợi tức của một bác sĩ không cao mấy thì khó có thể mong người ta thỏa hiệp cùng những con bệnh không tiền được.”

Một nghĩa cử cao cả

Một Em trai được mổ tim miễn phí tại bệnh viện Việt Đức Hà Nội nhờ sự giúp đỡ của HSCV và CardioStart International. Photo courtesy of HSCV.org
Một Em trai được mổ tim miễn phí tại bệnh viện Việt Đức Hà Nội nhờ sự giúp đỡ của HSCV và CardioStart International. Photo courtesy of HSCV.org
Vẫn theo lời vị bác sĩ người Anh tốt bụng Aubyn Marath, bao nhiêu năm tìm hiểu hoàn cảnh những người cần mổ tim ở các xứ nghèo là bao nhiêu năm lòng ông ray rứt vì thấy họ như bị lãng quên bị đẩy vào đường cùng vậy. Và dù như CardioStart không thể ôm đồm hết, ông khẳng định, ít nhất tổ chức do ông sáng lập cũng đã cứu sống khá nhiều trẻ với bịnh tim ngặt nghèo.

“Chúng tôi thường để lại tất cả những máy móc và trang thiết bị y khoa cho bệnh viện mà chúng tôi đến giúp. Đó chỉ là một nghĩa cử thông thường, nhưng thực sự nguyện vọng của chúng tôi là trao truyền lại tấm lòng phục vụ từ ái của người bác sĩ đối với những con bệnh nghèo khó.”

Đó là bác sĩ Aubyn Marath của CardioStart International. Đợt giải phẫu tim đầu tiên của HSCV và CardioStart có mười tám ca mổ. Cô y tá Thủy Tiên kể lại:

“Trong số những người được giải phẫu thì phần đông là trẻ em, khoảng chừng mười tám tháng tới một hai tuổi. Lớn nhất là hai mươi mốt tuổi. Bác sĩ Aubyn đã xin được hai cái “human tissue valve,” là van tim đồng loại, có thể nói như vậy. Đây là van tim của người chết họ hiến tặng cho CardioStart. Ông tự tay mang về Việt Nam hai cái van tim này.

Thì lúc đó ông mới chỉ dẫn cho bác sĩ Thành và những người làm trong bệnh viện để làm sao bỏ cái van tim đó vào trong ngực của bệnh nhân tên là Vũ, hai mươi mốt tuổi. CardioStart đã giải phẫu được mười tám ca nhưng có hai ca, một rất nặng và một khẩn cấp thì bác sĩ Thành có yêu cầu ông Aubyn giúp ông giải phẫu. Đó là hai ca mà chúng tôi rất đau lòng vì bệnh nhân không qua được cuộc mổ.”

Cô Trương Thủy Tiên cũng không nén được xúc động khi nhắc tới trường hợp của em Đỗ Thúy Quỳnh, mười sáu tuổi, có trái tim nằm bên phải, chỉ mong được giải phẫu để tiếp tục đi học, nhưng khi đến với CardioStart thì đã quá muộn màng:

“Trường hợp của Đỗ Thúy Quỳnh là hồ sơ đã mang đến cho chúng tôi trước ngày chúng tôi tới Việt Nam. Ông Aubyn khi nhìn thấy phim chụp thì ông ấy bảo là đã quá trễ rồi. Trái tim ở bên tay phải mà cái pressure tức là tension máu của em rất cao ở trong phổi, em khó có thể sống được sau khi mổ dù mong ước thế nào.”

Về khả năng và công việc cũng như sự học hỏi của các y bác sĩ trong bệnh viện Việt Đức qua những ca mổ tim năm 2009, Thủy Tiên nhận xét:

“Quan trọng nhất là sự hợp tác giữa hai bên thì mới có thể thành công được. Bác sĩ Thành và nhân viên của ông làm việc rất tốt. Họ có tài năng, họ có khiếu về mổ. Nhưng bệnh viện không thể nào mổ một số lượng nhiều trong một thời gian rất ngắn.

Bệnh nhân thì nhiều, vả lại làm sao ở Việt nam có đủ dụng cụ y tế để chu cấp hay cúng ứng được hết tất cả những ca giải phẫu tim.”

Bác sĩ thường hay nói mổ tim là 50% sống và 50% chết. Tôi thực sự có nguyện vọng là bất cứ ca mổ tim nào cũng phải thành công, bệnh nhân phải sống.

Cô Trương Thủy Tiên

Đó là lý do khiến HSCV, CardioStart phải cố đi xin những máy móc những dụng cụ y khoa từ các bệnh viện và từ các công ty chế tạo để mang về Việt Nam, hầu giúp bệnh viện Việt Đức có đủ trang thiết bị y khoa tân tiến nhất để hoàn thành những cuộc giải phẫu cho có kết quả tốt đẹp hơn.

Dưới mắt bác sĩ David Baily, chuyên khoa tim mạch, lại nói được tiếng Việt, những ngày cùng với CardioStart và với bệnh viện Việt Đức là những khám phá mới mẻ, khó quên:

“Khi mình có mặt tại đó mình thấy đời sống của người Việt Nam cũng rất khó khăn. Ở đây người bị bệnh mà mình giúp họ mình không có thấy họ biết ơn giống như người ở bên Việt Nam.

Làm chung với bác sĩ bên Việt Nam thực sự rất đặc biệt vì thứ nhất họ rất thông minh, họ làm việc rất khó khăn hàng ngày. Thứ hai khi họ nói chuyện với mình thì mình thấy sự kính trọng với nhau vì có mục đích giống nhau, tập trung trong công việc giúp đỡ con nít bị bệnh.

Tất cả những người tới Việt Nam là người Mỹ, một số là người Việt nhưng lớn lên ở Mỹ, mình mới tới mình thấy phong tục khác nhau, mìmh hiểu như vậy. Mình thấy bên Mỹ rất khác ở bên Việt Nam. Y tá bên nước Mỹ có trách nhiệm lớn hơn y tá bên Việt Nam. Bên Mỹ thì y tá làm chung với bác sĩ, còn bên Việt Nam thì bác sĩ làm tất cả. Thì mình đã nói là nên cho người y tá làm nhiều hơn vì người y tá ở bên Việt Nam cũng rất khôn ngoan và họ có lực để làm.”

Đó là câu chuyện của HSCV, Humanitarian Services For Children Of Vietnam, CardioStart International chuyên giải phẫu tim miễn phí cho bệnh nhân các nước mà phương tiện y khoa còn thiếu thốn, và gạch nối của hai tổ chức nhân đạo này đến Việt Nam là nữ y tá Mỹ gốc Việt Trương Thủy Tiên với tấm lòng hướng về trẻ bệnh tim nơi quê nhà.

Còn giám đốc HSCV, ông Charles Devet, nói với mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi rằng ngày nào CardioStart còn về Việt Nam mổ tim miễn phí thì ngày đó Hội Từ thiện cho thiếu nhi Việt Nam mà ông sáng lập còn tổ chức gây quĩ để kiếm thêm tiền trang trải cho bao trẻ nghèo bị bệnh tim một cơ may sống khỏe.

Chuyến công tác sắp tới của CardioStart, Vietnam Medical Mission 2010, vẫn điểm đến là bệnh viện Việt Đức như cam kết, sẽ diễn ra tháng Mười Một năm nay.

Thanh Trúc kính chào và hẹn tái ngộ tối thứ Năm tuần tới.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.