Những dự án hỗ trợ để người nghèo có thể tự túc trong cuộc sống

Việt Nam mình có những nơi nghèo thật là nghèo, dân ở đó cũng không đông, mà trẻ con thì thiếu ăn và thất học.
Thanh Trúc, phóng viên đài RFA
2009.05.17
orphanage-cantho-305.jpg Các trẻ em mồ côi ở Cần Thơ.
Photo provided by Bui Phuong.

Hoàn cảnh ấy khiến những người có lương tâm xót xa tự nguyện tìm cách cứu giúp. Lại cũng có những người Việt ở nước ngoài, khi ổn định cuộc sống rồi, nghĩ ngay đến việc giúp đỡ người nghèo khó bất hạnh đang vật lộn với đời sống tại những mảnh đất bị lãng quên, mà phải giúp đỡ làm sao để người nghèo rồi ra có thể tự đứng được trên đôi chân của mình. Đó là câu chuyện của mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi kỳ này.

Hôm nay Thanh Trúc mời quí vị đến Làng Tình Thương Dốc Mơ và Nhà Dưỡng Lão Cây Gáo, một trong những công trình từ thiện thành hình nhờ sự phối hợp của những người rộng lòng bác ái trong và ngoài nước. Người bên ngoài bỏ của và kẻ bên nhà bỏ công, để mang lại cuộc sống no đủ cho bà con nghèo khổ.

Những tấm lòng nhân ái

Trước hết xin được nói về người ngoài nước trong trường hợp này là ông Trần Văn Hóa, ngụ tại tiểu bang Minnesota. Định cư tại Hoa Kỳ từ 1975, trở thành chủ nhân của hãng điện tử Tran Electronic, ông Trần Văn Hóa đã cung cấp tài chánh ngay từ những ngày đầu của Làng Tình Thương, rồi nhờ một nữ tu dòng Đa Minh coi sóc. Nghĩa cử này sau đó đã được thêm sự hỗ trợ  của nhiều người hảo tâm khác ở hải ngoại. Trước Làng Tình Thương, ông Hóa đã giúp xây vài nhà thờ ngay khi có được ít tiền trong tay:

“Đầu tiên thì tôi có giúp một ngôi thánh đường ở Phương Lâm. Đấy là vùng kinh tế mới mà quá nghèo khổ, người ta lặn lội nhiều cây số mới đi được tới nhà thờ, cho nên tôi gởi tiền về để xây dựng thánh đường Trúc Lâm ở địa phận Xuân Lộc, khánh thành năm 1993. Sau đó thì tôi gởi tiền nhờ xơ Kim Hường xây thánh đường Bình Phước ở giữa đường từ Bình Triệu lên Bình Dương. Rồi tôi cũng có giúp xây cất một số nhà cửa bị đổ nát của giòng Đa Minh Tam Hiệp. Tôi cũng giúp xây một thánh đường ở Đà Lạt, đó là vùng sâu vùng xa, giáo xứ đó toàn là người dân tộc.”

Tôi thì tôi không kêu gọi ai nhưng mà xơ Hường thì có kêu gọi thêm người đóng góp trong Làng Tình Thương đó từ nhiều nơi chứ không phải một mình tôi.

Ông Trần Văn Hóa, bang Minnesota, Hoa Kỳ

Nữ tu Trần Thị Kim Hường mà ông Trần Văn Hóa nhắc đến từng là bề trên tổng quyền giòng Đa Minh ở Tam Hiệp, Biên Hòa, người sau này đảm trách việc xây dựng Làng Tình thương ở Dốc Mơ gần hồ Trị An thuộc tỉnh Đồng Nai. Ông Hóa kể tiếp:

“Sau khi mãn hai nhiệm kỳ tám năm rồi thì xơ Hường đi lên Dốc Mơ. Tôi thì tôi không kêu gọi ai nhưng mà xơ Hường thì có kêu gọi thêm người đóng góp trong Làng Tình Thương đó từ nhiều nơi chứ không phải một mình tôi. Một mình tôi chỉ giúp xơ xây được mười mấy căn nhà ở đó.”

Làng Tình Thương Dốc Mơ

Rồi Làng Tình Thương thành hình như thế nào, cơ duyên nào đưa xơ Kim Hường về Dốc Mơ là chuyện được xơ kể lại:

“Đầu tiên thì tôi vẫn đi làm các cái cầu ở miền Tây, thấy những em nghèo khổ đi học mà có khi chết đuối vì rớt xuống cầu, thì không riêng gì ông Hóa giúp mà cũng nhiều người nghe tiếng gọi của tôi thì cũng đã cộng tác để tôi làm những cái cầu đi qua sông lạch cho vùng Cà Mau vùng Rạch Giá.

Sau đó tôi được bề trên giao cho phụ trách các em đệ tử mà tốt nghiệp đại học rồi. Tôi thấy nếu mà mình huấn luyện các em trong một cái building đầy tiện nghi như vậy thì sau này các em sẽ không có được một trái tim dễ trắc ẩn trước nỗi khổ đau của nhân loại. Do đó tôi đưa các em đi vào những vùng rất nghèo và rất nghèo để tiếp cận với họ, cho các em nó nhìn thấy cái nỗi khổ của họ. Vùng đó là vùng Dốc Mơ Gia Kiệm nhưng mà lại đi vô trong lòng hồ Trị An đó. Thì tôi thấy đó là những lớp người từ Campuchia, từ miền Tây trốn lụt lên, rồi miền Bắc vào. Tôi thấy họ quá khổ đi. Lúc đó không riêng gì ông Hóa đâu, nói đúng một mình ông Hóa cũng không làm hết được vì người nghèo quá đông. Nên tôi kêu gọi rất nhiều bạn bè cũng như học trò của tôi. Và khi ông Hóa biết được thì ông Hóa tiếp tay với tôi, do đó người này một số, người khác một số nên tôi đã mua được đất, xây được ba mươi bảy ngôi nhà, xây xong tôi cho họ bắt thăm.”

Tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện phải tạo một nguồn sống cho người ta chứ không thể ngồi chờ lòng tốt của người khác được mãi.

Xơ Trần Thị Kim Hường

Đến năm 2004 Làng Tình Thương mới hoàn tất, trong lúc trẻ ở đó phần lớn bị mù chữ, và xơ Kim Hường nghĩ ngay tới việc dạy học:

“Và tôi mở lớp học tình thương, thì các em đệ tử tức các em sinh viên làm công tác đó. Em thì dạy học, em thì ở nhà nấu cơm, đến bữa thì đưa ra cho ăn bữa trưa để nó học tiếp buổi chiều. Bước đầu tôi mượn một cái nhà chuồng heo, tôi rửa ráy sạch sẽ đi rồi tôi đi xin bàn ghế cho các em đến đó học, ăn trưa ở đấy, chúng tôi nấu nướng. Sau khi làm được cái làng xong tôi mới làm một cái trường, gọi là trường nhưng cũng chỉ lợp tôn sơn vách thôi, nhưng mà cũng có cái chỗ đàng hoàng hơn cho các em học.

Về nếp ăn ở sinh sống của mấy chục gia đình trong làng tình thương từ năm 2004 đến giờ, xơ Kim Hường cho biết tiếp:

“Mùa mưa thì họ đi đánh cá, mùa nắng như bây giờ thì họ lại đi hái cà phê hái tiêu cho người ta hay là đi làm phân để bán cho những người canh tác. Họ làm đủ hết nhưng mà có cái là họ có ngôi nhà chắc chắn để ở rồi thì họ có điều kiện sống tốt, tự tạo nên những công việc khác để mà nuôi sống gia đình. Khi trở lại thăm thì tôi thấy họ cũng đỡ hơn trước nhiều. Trước đây thì nền xi măng, bây giờ họ dành dụm hơn ra một chút để làm cái nền gạch hoa, rồi có công ăn việc làm ổn định hơn.”

Nhà Dưỡng Lão Cây Gáo

Đó là Làng Tình Thương ở Dốc Mơ, Gia Kiệm. Năm 2006 xơ Kim Hường trở về vùng Cây Gáo thuộc tỉnh Đồng Nai, nơi có một viện dưỡng lão do giòng Đa Minh thành lập từ năm 1993, sau khi vị nữ tu coi sóc nơi này qua đời năm 2006. Kể từ lúc ấy, xơ Kim Hường biến cơ sở chuyên cưu mang người già nghèo khổ và neo đơn này thành Nhà Dưỡng Lão Tình Thương. Nhưng điểm khác biệt của Nhà Dưỡng Lão Tình Thương Cây Gáo là:

“Tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện phải tạo một nguồn sống cho người ta chứ không thể ngồi chờ lòng tốt của người khác được mãi. Do đó tôi xin chính quyền để chuyển mục đích tất cả các khu đất đang bỏ hoang để đào ao. Và khi tôi đề xuất vấn đề đó thì ông Hóa rất là tán thành, nói rằng muốn giúp cái gì lâu bền mà nhiều người được hưởng, vì thế khi tôi nói cái chương trình đào ao nuôi cá và tạo nguồn nuôi heo để có cái nguồn nuôi những người nghèo khổ thì ông đã cộng tác với tôi rất là đắc lực. Phải nói là nhờ ông bà ấy mà bây giờ cái nguồn sống của họ được ổn định hơn. Đương nhiên không phải là đáp ứng được tất cả mọi nhu cầu. Bây giờ tôi có tất cả bốn ao lớn, hai ao là tôi vừa nuôi cá và vừa nuôi vịt. Cứ hai tháng tôi bán vịt một lần. Và tôi có thể nuôi được khoảng ba chục heo thịt và mấy con heo nái. Mình có ao và có điều kiện nuôi thì cứ thêm cái này ra một chút cái kia một chút để thu nhập ổn định. Và tôi cũng an tâm để bất cứ ai xin mà điều kiện họ là thực sự cần thì tôi đón nhận mà không lo thiếu thức ăn.”

Ở đây thực sự là những người không một đồng dính túi. Họ được yêu thương, họ cảm thấy an tâm để vui sống trong ngôi nhà tình thương của chúng tôi.

Xơ Trần Thị Kim Hường

Năm 2006, khi Xơ Kim Hường về trông coi Nhà Dưỡng Lão Tình Thương ở Cây Gáo thì nơi đây chỉ có mười lăm cụ già neo đơn túng thiếu. Con số hiện tại là ba mươi bảy, được cung cấp nơi ăn chốn ở và chăm sóc y tế hoàn toàn miễn phí:

“Neo đơn thực sự, thực sự nghèo khó. Không phải tôi không cần tiền nhưng tôi không muốn nhận người có tiền. Lý do là khi tôi vào đây thì tôi thấy một người có tiền, trước đây có công ăn việc làm và bây giờ có một chút lương hưu, họ đối xử với người khác quá tệ đi, họ coi như là chủ là tôi vậy. Đo đó tôi không nhận những người có điều kiện sống rồi không cần đến tình thương của mình. Ở đây thực sự là những người không một đồng dính túi. Họ được yêu thương, họ cảm thấy an tâm để vui sống trong ngôi nhà tình thương của chúng tôi.

Ngôi Nhà Cho Người Bại Liệt

Công việc của xơ Kim Hường chưa dừng lại ở đây, vì xơ còn chờ đợi Ngôi Nhà Cho Người Bại Liệt sắp ra đời. Đây cũng là kết quả đóng góp của những người Việt Nam giàu lòng từ tâm đang sống ở nước ngoài:

“Nói đúng ra thì con người luật nào thì luật chứ luật bác ái là quan trọng hơn cả. Tôi luôn cảm tạ ơn trên đã làm chủ lòng người, thúc đẩy cho họ mở rộng lòng mà cộng tác với chúng tôi. Tuy rằng tôi rất là nỗ lực nhưng mà cũng cần có những bàn tay để tiếp tục giúp đỡ bởi vì số người mỗi ngày một đông. Hiện thời tôi đang làm một cái nhà cho những người bại liệt, người mà ăn uống cũng như mọi sự là trên một cái giường. Nếu mà ở chung với chúng tôi mà thật sự không thương họ thì không thể chấp nhận được, bởi vì mình cùng sống với họ, bại liệt cũng ở đó, hấp hối cũng ở đó, chết cũng ở đó. Chắc tuần tới này là xong rồi.”

Và câu chuyện giúp đỡ người nghèo tự lực cánh sinh, góp một bàn tay cho một tổ chức từ thiện có thể tự túc để nuôi sống người neo đơn khốn khó, mà người ở hải ngoại và người trong nước đang làm, dù nhỏ nhoi, dù khiêm tốn, vẫn mang ý nghĩa cao vời của tình người, của luật bác ái mà xơ Trần Thị Kim Hường trình bày.

Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi sẽ trở lại cùng quí vị tối thứ Năm tuần tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.