Thư viện sách nói cho người khiếm thị

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2016.02.11
DSC_0129-622 Cô Hướng Dương, giám đốc Thư Viện Sách Nói Cho Người Mù, cùng các học sinh khiếm thị.
Hình do Cô Dương cung cấp

Nhiều người ủng hộ

Thư viện sách nói cho người khiếm thị và người sáng lập, cô Hướng Dương, là đề tài tạp chí truyền thanh Đời Sống Người Việt Khắp Nơi hôm nay.

Hơn 20 năm gắn bó với Thư Viện Sách Nói của người mù, chị Hướng Dương cũng là người tạo dựng nên thư viện đó, tự mình tìm phòng thu, tự đọc, tự biên tập âm thanh để ra những sách nói hay audio book cho người mù. Việc làm của chị đã thu hút được sự ủng hộ của nhiều người.

Không chỉ người mù mà những người lớn tuổi mắt mờ hoặc những người quá bận rộn không thể đọc sách thì người ta có thể truy cập vào trang web của Thư Viện Sách Nói Cho Người Mù để nghe. Bản thân chúng tôi, những người làm sách và sản xuất sách, thì chúng tôi rất ủng hộ chị

Chị Dương Ngọc Hân, tổng biên tập Công Ty Sách Trí Việt Firstnews, cho biết như vậy:

Ví dự ở công ty tôi thì tôi cùng với ban giám đốc hỗ trợ chi tất cả những gì có thể trong khả năng của mình. Bất kỳ quyền sách nào của Firstnews thực hiện thì không cần thông qua chúng tôi chị có thể đọc và chuyển thanh sách nói cho người mù.

Đó là sự ủng hộ vô điều kiện của Công Ty Sách Trí Việt Firstnews đối với Thư Viện Sách Nói dành cho người mù. Duy có một điều mà chị Dương Ngọc Hân chưa nói hết, rằng có Hướng Dương là một người khuyết tật, là tác giả tập truyện Đứng Dậy Và Bước Đi, và con đường đi tới Thư Viện Sách Nói là một sự cố gắng phi thường bên cạnh nước mắt và sức chịu đựng.

Từ một thiếu nữ lành lặn và yêu đời, năm 1996 trong một lần bị té ngã kẹt chân vào thanh sát đường rầy khi băng ngang Cổng Xe Lửa Số 9 đường Hoàng Văn Thụ, Hướng Dương bị xe nghiến đứt lìa hai chân, trở thành người tàn phế:

Lúc đó Hướng Dương mới 25 tuổi thôi, bị một tai nạn giao thông khủng khiếp, bị xe lửa cán đứt lìa hai chân dưới gối 20 centimét. Từ một cố gái bình thường Hướng Dương trở thành người khuyết tật, rơi vào trạng thái trầm cảm, thất vọng, đau khổ đến cùng cực, cảm tượng như đời mình chấm dứt rồi, không còn hy vọng gì cho tương lai cả.

Ý nghĩ tự tử, tự kết liểu cuộc sống đã ám ảnh cô từng ngày đen tối đó của 20 năm về trước:

Nhưng làm sao để Hướng Dương có thể tiếp tực bước đi, để hôm nay trở thành một người yêu đời và có ích cho cuộc sống bằng những công việc từ thiện mà Hướng Dương làm được thì kinh nghiệm đó được truyền lại cho những người mà cũng đng rơi vào cái hoàn cảnh như Hướng Dương ngày xưa. Từ yêu cầu đó mà Hương Dương viết quyền sách Đứng Dậy Và Bước Đi.

Hướng Dương không phải là nhà văn, thứ hai nữa là trong lòng Hướng Dương có rất nhiều nỗi đau mà mình đã cố gắng hết sức để quên đi rồi nhưng khi viết thì mình phải gợi lại, khơi lại những nỗi đau. Đó là một thử thách lớn với Hướng Dương, có những đoạn vừa viết vừa khóc, nước mắt rơi ướt những trang giấy luôn. .

Hồi tưởng lại quá trình gian nan trong thời gian tập đứng và tập đi bằng hai chân giả, với cô cũng là một trải ngghiệm nhớ đời: :

Hướng Dương gặp rất nhiều khó khăn vì bị cụt hết cả hai chân. Đối với người cụt một chân thì người ta tập đi rất nhanh, còn một chân thiệt thì người ta tựa vào đó mà đi. Còn Hướng Dương cụt hết hai chân nên khi đứng trên chân giả nó không có thăng bằng, nó cứ liu xiu. Hướng Dương nhớ mãi lần đầu tiên khi đeo cặp chân giả vô để đứng lên thì đau buốt như có hàng trăm mũi kim đâm vào da thịt mình.

Sau nhiều lần muốn bỏ cuộc vì những cơn đau lúc đầu, dần dà Hướng Dương đã có thể đứng vững vàng trên đôi chân giả của mình:

Nhưng bác sị nói với Hướng Dương là nếu không cố gắng tập đi thì suốt đời phải ngồi xe lăn, nghĩ tớ cái đó Hướng Dương rất sợ. vì ở Việt Nam đi ra ngoài đường hay tới những chỗ công cộng mà đi xe lăn thì rất khó khăn, không có lối đi riêng cho người tàn tật như bên nước ngoài.

Còn ở trong nhà, tự giam cầm mình như người tù ở trong nhà, không có đi làm cái gì được hết thì điều đó rất khủng khiếp. Cho nên Hướng Dương phải cắn răng chịu đau ròng rả suốt 3 tháng, có cả mồ hôi,  nước mắt  và cả những giọt máu rỉ ra từ vết thương nữa. Sau 3 thang Hướng Dương đã thành công, tự mình bước đi được trên đôi chân giả mà bây giờ Hướng Dương đi lại rất bình thường.Nếu mới gặp Hướng Dương thì không ai có thể biết Hướng Dương là người cụt hai chân mà đi chân giả hết.

Cô Hướng Dương đang hướng dẫn một học sinh mù sử dung sách nói.
Cô Hướng Dương đang hướng dẫn một học sinh mù sử dung sách nói.

Đứng dậy với ý tưởng phải làm điều gì ích lợi cho đời sống, năm 1998 cô bắt đầu đi trên hành trình sách nói dành cho những người khiếm thị:

Thực ra Hướng Dương thành lập thư viện sách nói dành cho người mù là trước khi viết cuốn sách kìa. Bị tai nạn năm 1996, mất hai năm tập đi rồi phục hồi sức khỏe, năm 1998 Hướng Dương chính thức sáng lập Thư Viện Sách Nói Dành Cho Người Mù đầu tiên và cũng là duy nhất ở Việt Nam cho đến ngày hôm nay.

Năm 1998, tình cở đi thăm trườngNguyễn Đình Chiểu dành cho các em bé bị mù ở TP Hồ Chí Minh, các em yêu cầu Hướng Dương đọc truyện cho các em nghe. Từ đó các em dặn Hướng Dương là mỗi ngày phải vào trường đọc cho các em vì các em mê nghe truyện mà không ai độc cho các em hết. Hướng Dương phát hiện ra một điều là đối với người mù, cái khao khát rất lớn là được tiếp nhận thông tin và kiến thức qua đôi tai, qua âm thanh, giọng nói, lời đọc. Nhưng mà chưa có ai ở Việt Nam làm điều đó cho họ, Audio Book, Talking Book ở Việt Nam chưa hề có thì tại sao mình không làm cho người mù.

Khi đó Audio Book hay Talking Book ở Việt Nam hãy còn là khái niệm mới mẻ, cô phải cáng đáng tất cả mọi công đoạn:

Thứ nhất là đi vận động kinh phí, xin tiền những người hảo tâm, rồi mua một cái máy thu âm Hồi đó, thời điểm năm 98 người ta chưa dùng CD nhiều mà người ta dùng băng cassette. Hướng Dương tự đọc tự thu âm rời đem những băng đó đi duplicate nghĩa là sang ra để cho nhiều băng để cho những em mù ở khắp nước Việt Nam. .

Càng ngày càng có nhiều cơ sở hay trung tâm khiếm thị yêu cầu cung cấp băng đọc truyện, càng ngày công việc đọc và thu âm càng phát triển dần:

Một mình không thể nào làm nỗi hết thì Hướng Dương mới mở rộng ra, quyên góp nhiều hơn nữa cho công việc này. Cũng nhờ báo chi, các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều người biết và tìm đến ủng hộ cho Hướng Dương.

Quĩ từ thiện sách nói cho người mù

Người Mù, Hướng Dương được sự hỗ trợ để từ từ nâng lên thành Quĩ Từ Thiện Sách Nói Cho Người Mù với nhiều xuất học bổng cho người khiếm thị. Thư Viện Sách Nói Cho Người Mù phát triển đến mức được các nhà hảo tâm vận động xây dựng và trang bị hai phòng thu âm (studio) với máy móc hiện đại:

Đồng thời có nhiều người tình nguyện đến đọc để thu âm . Hiện đội ngũ volunteer đọc và thu âm cùng với Hướng Dương là trên 25 người rồi. g Đội ngũ tình nguyện chọn những quyển sách cho từng người đọc.

Trang web của Thư Viện Sách Nói: www sachnoionline. com viết liền nhau, có thể nghe được rất nhiều những quyển sách, truyện của Thư Viện Sách Nói. Hiện Thư Viện Sách Nói phân phối cho 90 Hội Người Mủ trên khắp cả nước Việt Nam bằng dạng đĩa mp3, hoàn toàn cho không tại vì mình là quĩ từ thiện. Có nghĩa là cả nước Việt Nam có khoảng gần 2 triệu người mù thì Thư Viện Sách Nói Dành Cho Người Mù phục vụ cho tất cả những người đó hoàn toàn miễn phí. Nguồn kinh phí là Hướng Dương phải đi vận động.

Điều thú vị là người già, người mắt kém không đọc được sách người ta lên đó nghe hoặc tải xuống để nghe khi lái xe hơi ở ngoài đường cũng rất tiện lợi.

Theo thạc sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, một người khiếm thị từng nhận học bổng của Quĩ Từ Thiện Sách Nói Cho Người Mù, hiện là trợ lý giám đốc Trung Tâm Hướng Nghiệp Và Công Nghệ Trợ Giúp Cho Người Mù Sao Mai, sách nói tức audio book tiện lợi cho người mù hơn là dùng tay rà đọc chữ nỗi (braille) của người khiếm thị:

Từ lúc còn là học sinh , còn là sinh viên thì sách nói đã đóng góp và giúp đỡ rất nhiều cho tôi trong quá trình học tập, nghiên cứu. Theo tôi thì sách nói đóng vai trò rất quan trọng để người mù nắm bắt tình hình văn hóa, xã hội, kinh tế. cơ hội để phát triển cao hơn về tri thức.

Một điều quan trọng nữa là sách nói còn đóng vai trò cơ bản hơn, tức là giúp cho tâm hồn và tinh thần của người khiếm thị được thoải mái, được thăng hoa qua những tác phẩm văn học, tiểu thuyết, truyện ngắn.

Đối với ông Vũ Xuân Trường, chủ tịch Hội Người Mủ thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng:

Thư viện sách nói của chị Hướng Dương đã tham gia chia sẻ với Hội Người Mủ tỉnh Lâm Đồng nói riêng cũng như với nhiều người mù trên toàn quốc. Các em học sinh khi đến trường, được sử dụng sách nói online này thì rất thuận lợi trong việc tiếp cận với bài học, bài giảng hoặc là ôn bài.

Bản thân tôi, cũng là người khiếm thị, thường hay truy cập vào trang sách nói online này để tìm hiểu hoặc ôn lại một số kiến thức bị mai một. Ở trang sách nói online này tôi cũng tham khảo được một số tài liệu rất bổ ích.

Về phần cô giám đốc Hướng Dương của Thư Viện Sách Nói Cho Người Mù và Quĩ Từ Thiện Dành Cho Người Mù, ước mơ mãnh liệt nhất khi bước sang năm mới Bính Thân này:

Là có được một trụ sở để hoạt động lâu dài mà 18 năm qua chúng tôi mơ ước mà chưa có được.

Rất may năm 2013 Thư Viện Sách Nói được cấp cho một miếng đất 168 mét vuông ngày trung tâm thành phố Sài Gòn:

Có miếng đất rồi chúng tôi phải tự đi vận động kinh phí để xây. Chúng tôi đã đưa cho kiến trúc sư vã bản thiết kế và chi phí xây khoảng 10 tỷ. Cho đến nay chúng tôi đã vận động được 5 tỷ rồi thì mới nhất là có một anh tên Kiên Phạm ở Mỹ nói với tôi là sẽ tài trợ “3-3-1-1” có nghĩa trong thời hạn 3 tháng, từ ngày 1tháng Hai đến 1 tháng Năm anh sẽ cho 3 tỷ với điều kiện có người nào bỏ vô 1 đồng thì anh sẽ bỏ vô 1 đồng , chúng tôi donate được 1 tỷ thì anh cũng sẽ bỏ vô 1 tỷ.

Đến ngày 1 tháng Năm, nếu chúng tôi donate được 3 tỷ thì anh cũng sẽ bỏ vơ 3 tỷ, có nghĩa chúng tôi được 6 tỷ. và như vậy thì đủ số tiền vừa xây dựng vừa trang thiết bị bên trong tất cả các phòng thu vân vân...

Tâm nguyện lớn nhất là làm sao cho đến ngày 1 tháng Năm thì Hướng Dương có đủ tiền quyên góp như thế này để xây trụ sở hoạt động cho Thư Viện Sách Nói.

Cầu chúc Thư Viện Sách Nói Cho Người Mủ đạt ước nguyện trong tháng Năm năm nay. Mục Đời Sống Người Việt tạm ngưng nơi đây. Thanh Trúc sẽ trở lại cùng quí vị tối thứ Năm tuần tới.

Liên lạc và góp ý với Thanh Trúc: nguyent@rfa.org

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.