Chút hơi ấm cho kẻ không nhà trong đêm đông

Sài Gòn những ngày cuối năm, có những ngày lạnh lẽo và những đêm giá buốt, thời tiết không dễ chịu chút nào đối với những người không nhà, sống lang thang trên đường phố về đêm.
Thanh Trúc, phóng viên RFA
2013.01.03
Anh Chu Vĩ Minh vốn dĩ là người khuyết tật thấy nhiều người vô gia cư khổ quá, so với những mất mát của mình thì mình vẫn còn may mắn, hạnh phúc hơn nhiều. Anh Chung Vĩ Minh, người sáng lập ra nhóm Thiện Tâm Tâm Hảo
Chung Vi Minh Facebook


Tải xuống - download

Mang ấm áp cho người vô gia cư

Hơn ba năm rồi, cứ mỗi độ đông về Chung Vĩ Minh vẫn cùng bạn bè, trong nhóm Thiện Tâm Tâm Hảo do anh sáng lập, lại mang áo ấm và chăn mền đến cho những người vô gia cư trong thành phố, giúp họ qua cơn rét khi mùa lạnh tràn về:

Năm ngoái chương trình “Mang Ấm Áp Cho Người Vô Gia Cư “ chỉ có trao quà cho họ là cái mền, chai dầu, bánh và một cái túi đa năng thôi. Năm nay em bổ sung thêm mì gói, cũng là ý kiến của các bạn, với thêm một bao lì xì mỗi người năm chục ngàn. Tụi em chú trọng chất lượng hơn là số lượng, tại vì món quà cho người ta phải mình cũng thích  thì mình mới cho được.

Năm chục ngàn đó không phải quá nhiều, em cũng nghĩ là phải chi nhiều hơn, nhưng mà những thành phần lang thang cũng có một số người xài không đúng chỗ chẳng hạn nhậu nhẹt, hoặc cũng có một số người gọi là hút chích, mình chỉ sợ mình cho nhiều quá họ sẽ xài sai mục đích của mình, giống như mình vô tình mình giúp họ thỏa mãn cái cơn của họ.

Đối với Chung Vĩ Minh, Sài Gòn có ba nơi mà người vô gia cư tập trung đông nhất, họ không khi nào ở yên một chỗ:

Nơi em thấy nhiều nhất là Quận Năm, Quận Sáu và Bình Thạnh. Nắm chính xác số lượng thì em không rõ lắm bởi tính chất của người vô gia cư là di động, cho nên hôm nay họ có thể ở chỗ đó một tuần hoặc một tháng rồi họ lại đi chỗ khác. Thí dụ năm nay mình phát nhưng sang năm tới chưa chắc

Khi thấy các bạn trẻ tình nguyện trong chương trình hỏi han tặng quà giữa đêm hôm, bà mẹ già bất khóc nghĩ đến con mình...Source chung vi minh Facebook
Khi thấy các bạn trẻ tình nguyện trong chương trình hỏi han tặng quà giữa đêm hôm, bà mẹ già bất khóc nghĩ đến con mình...Source chung vi minh Facebook
Source chung vi minh Facebook
mình gặp họ.

Trong một thành phố bao la và đông đúc, người vô gia cư là những thành phần không được ai hoặc ít có ai để mắt đến :

Năm ngoái chương trình “Mang Ấm Áp Cho Người Vô Gia Cư “ chỉ có trao quà cho họ là cái mền, chai dầu, bánh và một cái túi đa năng thôi. Năm nay em bổ sung thêm mì gói, cũng là ý kiến của các bạn, với thêm một bao lì xì mỗi người năm chục ngàn

Chung Vĩ Minh

Thiện Tâm Tâm Hảo chuyên đi giúp đỡ những người ít ai biết đến, không ai đăng báo không ai đưa lên TV. Tụi em thực sự tìm đến những người không ai biết như vậy. Bởi vì tính chất bên nhóm em là trên facebook, mạng xã hội đó, thì rất nhiều anh chị bên Mỹ và nước ngoài giúp đỡ em bằng tài chính. Còn ở đây đa số là sinh viên có thời khóa đi học cho nên cũng chập chờn về nhân lực lắm. Nhưng mà có một hai thành viên luôn sát cánh với em, chương trình nào cũng giúp đỡ em hết.

Mỗi lần đi như vậy thì em thông báo trên facebook  và các bạn sẽ tham gia. Trường hợp bất đắc dĩ mọi người bân đột xuất thì chỉ có em và một anh đi thôi. Đi khuya như vậy thì chỉ sợ an ninh về khuya thôi, anh em tránh những nơi vắng vẻ.

Thực tế thì có dễ dàng để các bạn trẻ của Thiện Tâm Tâm Hảo ở Sài Gòn tiếp cận và ứng xử với người vô gia cư  khi tặng quà cho họ? Về thế giới phức tạp này, Chung Vĩ Minh kể lại:

Rút kinh nghiệm từ năm đầu tiên khi mình xuống mình trao quà cho họ, có những trường hợp như người ta nhậu xỉn hay chỉ buồn gia đình trong đêm đó người ta mới ngủ lang thang thôi. Cho nên tốt nhất là mình phát đúng đối tượng mục tiêu.

Năm đầu tiên mình vẫn hỏi họ có gia đình có nhà cửa gì không nếu mình bắt chuyện với họ trước. Thường mình hỏi những câu đó thì họ rất sợ, họ sợ mình là cán bộ của nhà nước đến bắt họ vô trường trại cải tạo vì họ không nhà không cửa, cho nên họ từ chối và bỏ đi.

Như vậy mình trao quà mà tạo cho sự bất an như vậy thì tụi em cũng không thích. Năm nay có sự khác biệt là vừa tới em trấn an họ bằng cách em nói em là Phật tử ở Chùa. Như vậy người ta an tâm bắt đầu người ta chia sẻ. Lúc đó mình trao quà thì đúng đối tượng hơn.

Cũng trong thế giới phức tạp đó của người vô gia cư, thái độ, phản ứng và cư xử cũng có phần khác :

Đó là những cảm xúc rất đa dạng, có người cám ơn liên hồi, rất cảm động như chưa bao giờ được sự quan tâm, mình có thể cảm nhận được niềm vui của họ. Như là vừa rồi có một cụ bà khi mình trao quà thì cụ bà khóc ngay tại  chỗ luôn.

Cũng có người đáp trả bằng cử chỉ lạnh lùng. Cảm nghĩ riêng của em thì chắc những người đó có sự tổn thương sâu sắc hơn những người khác. Trái tim người ta khi chịu đựng tới mức nào đó của sự khổ thì  nếu có gì đó tác động, người ta sẽ òa khóc. Những cái đó còn thổ lộ được tình cảm, còn những

Một bạn trẻ tình nguyện trong chương trình tặng quà, chia sẻ. Source Chung Vĩ Minh Facebook
Một bạn trẻ tình nguyện trong chương trình tặng quà, chia sẻ. Source Chung Vĩ Minh Facebook
Source Chung Vĩ Minh Facebook
người mà họ băng giá luôn họ không có phản ứng gì hết, có lẽ tâm hồn họ đã bị chai lì vì họ khổ rất lâu dài rồi. Những người đó em thấy cần phải thương họ nhiều hơn.

Có người cám ơn liên hồi, rất cảm động như chưa bao giờ được sự quan tâm, mình có thể cảm nhận được niềm vui của họ. Như là vừa rồi có một cụ bà khi mình trao quà thì cụ bà khóc ngay tại chỗ...Cũng có người đáp trả bằng cử chỉ lạnh lùng

Chung Vĩ Minh

Cách hay nhất mình vẫn niềm nở, chỉ mong họ có cái áo để họ ấm thôi chứ mình cũng không giúp họ cách nào hơn nữa.

Đó là những người vô gia cư trong lòng đêm Sài Gòn khi trời đông bao phủ thành phố. Cái lạnh tối mùa đông ở Sài Gòn có thể không thấm vào đâu với người ăn no mặc ấm,  nhưng với kẻ không nhà và không ai ngó ngàng thì nó lạnh từ ngoài lạnh vào và buốt từ trong buốt ra. Bằng kinh nghiệm của mình, Chung Vĩ Minh quả quyết như vậy.

Sức mạnh vô địch của niềm tin

Nhưng mà bạn Chung Vĩ Minh này không phải là một người bình thường và khỏe mạnh. Năm 2005, khi đó 25 tuổi, anh là một hướng dẫn viên du lịch trẻ trung, yêu đời.

Thế rồi Minh đột ngột ngã bệnh, đi lần vào hôn mê. Bác sĩ bảo anh bị viêm màng não, mọi thứ trên đời như mờ nhạt đi với căn bệnh quái ác đó. Nam năm 2008, một biến cố lớn hơn xảy ra:

Năm đó em bị bệnh nặng hơn nữa, em bị di chứng luôn và bị liệt nửa người bên phải. Lúc đó cũng không ở chung với gia đình, ba mẹ em cũng lớn tuổi, chỉ có thể gởi em vào trong mái ấm tình thương của các xơ thôi. Ở trên đó em mới chứng kiến những cảnh sinh ly tử biệt, những hoàn cảnh khó khăn, mỗi ngày đều thấy người chết người ra đi. Chính những điều bất hạnh đó khiến em trải nghiệm được từng góc khuất của xã  hội,  từ đó em khởi ra ý niệm đi giúp những người khó khăn như vậy.

Trước đó, cuộc sống của Minh chỉ là sống cho mình, làm cho mình vui và không hại ai là đủ:

Nhưng sau cơn bị đó em mới thấy thật ra như vậy chưa đủ, mình còn phải biết thương yêu người khác nữa mới là đủ. Em chỉ nghĩ vậy chứ chưa hành động gì.

Nếu như ai cũng nghĩ những tư tưởng hồi trước của em là chỉ sống tốt cho mình thôi là đủ thì chắc chắn trong suốt thời gian khó khăn nhất của em em cũng không được ai cứu giúp hết. Cho nên em hứa sau này em khỏe lại em con sống sót được một ngày em sẽ làm một ngày

Chung Vĩ Minh

Thật đau lòng trong lúc nằm liệt như vậy thì mẹ em bịnh ung thư và đã ra đi mãi mãi. Đáng lý em cũng buông xuôi vì bác sĩ chê em rồi, em ăn uống không được em nằm một chỗ. Em cũng từng nghĩ là em sẽ tự tử vì trụ cột duy nhất là mẹ. Nhưng em suy nghĩ em biết em không thể làm được vì mẹ rất là thương em, em biết linh hồn mẹ vẫn hướng về em. Cho nên em hứa với mẹ em sẽ sống cuộc đời mạnh mẽ hơn hồi trước nữa và em sẽ làm cho mẹ rạng danh.

Sau cùng, ý chí muốn sống đã thắng, Chung Vĩ Minh cảm thấy mình khỏe mạnh trở lại, anh trở về với gia đình:

Anh chị em cũng có gia đình riêng, ba em cũng già, không có thể ai lo cho em được. Thậm chí có những ngày mà em không có cơm ăn, em đói và em khóc tới mệt rồi ngủ luôn.

Rồi có một người, mà Chung Vĩ Minh tin đó là do mẹ gởi đến, để săn sóc giúp đỡ anh, Minh bắt đầu thấy cuộc đời thực sự có quá nhiều tấm lòng biết thương xót biết nghĩ đến người khác:

Nếu như ai cũng nghĩ những tư tưởng hồi trước của em là chỉ sống tốt cho mình thôi là đủ thì chắc chắn trong suốt thời gian khó khăn nhất của em em cũng không được ai cứu giúp hết. Cho nên em hứa sau này em khỏe lại em con sống sót được một ngày em sẽ làm một ngày.

Vậy thì những công việc cần làm, đáng làm cho tha nhân từ hội Thiện Tâm Tâm Hảo mà Chung Vĩ Minh ấp ủ và hứa với người mẹ đã khuất khởi sự như thế nào:

Đó cũng là chuyện tình cờ, tại vì sau khi về nhà thì mới sắm được cái giàn vi tính. Em online thì tình cờ em phát hiện  facebook thì biết có ứng dụng sự kiện. Em với bạn em rất thích phóng sanh, hai người bàn nhau tổ chức phóng sanh thử, ai nhè tổ chức lần đầu tiên thấy rất hiệu quả, những người trên đó chưa biết mà gặp nhau hơn ba mươi mấy người để cùng tổ chức buổi phóng sanh.

Nếu không có những công việc đó em cảm thấy mình rất vô dụng, mình không có ích cho ai hết. Khi mà em làm được tự nhiên em quên hết bệnh tật, em cảm thấy mình mạnh mẽ khỏe khoắn hơn mà mình nên làm nhiều hơn

Chung Vĩ Minh

Thì em mới nảy ra ý tưởng mình có thể sử dụng ứng dụng này (facebook) mà tổ chức những hoạt động từ thiện khác. Bắt đầu em lấy số liệu những bạn tham gia phóng sanh, chi bao nhiêu thu bao nhiêu rõ ràng , để công khai lên cho những người khác. Em cũng nguyện với Trời Phật cho em làm những việc thiện được thuận lợi. Thế là lần thứ hai em bắt đầu tổ chức đi thăm trại mồ côi, thăm những người già ở viện dưỡng lão. Từ đó em phát triển nói chung mảng nào cần giúp đỡ em cũng giúp.

Ngoài người vô gia cư, đối tượng của Thiện Tâm Tâm Hảo của Chung Vĩ Minh và bạn hữu còn có trẻ em nghèo khó cần được đi học và những người lang thang cơ nhỡ:

Chủ yếu của Thiện Tâm Tâm Hảo là hoạt động chuyên giúp những người cần sự giúp đỡ, đơn giản là vậy thôi, hơn ba năm nay rồi. Hồi trước khi em bị liệt đó thì em cũng có tham gia công tác tại những trung tâm hỗ trợ giúp đỡ cộng đồng,  nơi đó em được tập huấn rất nhiều về tâm lý của những người hút chích, mại dâm, những người lang thang hoặc là bị mắc bịnh HIV/AIDS.

Em nghĩ những người lang thang họ có hoàn cảnh đặc biệt nào đó họ mới rơi vào tình cảnh như vậy. Về quá khứ họ em không tìm hiểu nhiều.

Từ một người bệnh hoạn với một cơ thể không lành mạnh, chỉ nhờ đức tin và lý tưởng, chỉ nhờ lòng thương nhớ mẹ đã qua đời mà Chung Vĩ Minh đã vượt thắng số phận, dù như anh biết tương lai với những hoài bảo cho ngày sau có thể không với tới được:

Nếu không có những công việc đó em cảm thấy mình rất vô dụng, mình không có ích cho ai hết. Khi mà em làm được tự nhiên em quên hết bệnh tật, em cảm thấy mình mạnh mẽ khỏe khoắn hơn mà mình nên làm nhiều hơn.

Bây giờ thì Chung Vĩ Minh còn một ước nguyện

Trong thâm tâm em có ước mơ là em có thể mở được một xưởng may xuất khẩu, nơi đó có khu nhà cho người vô gia cư sống. Họ vẫn làm việc vẫn có thể có một chổ ở và vẫn có cuộc sống như người bình thường.

Hy vọng khi em mất đi có một ai đó nghe được những lời tâm sự này họ có thể giúp em, giúp những người vô gia cư lang thang đó, cho họ có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Câu chuyện về Chung Vĩ Minh và một chút hơi ấm mùa đông cho người vô gia cư trong đêm Sài Gòn xin được tạm ngưng ở đây. Thanh Trúc sẽ trở lại cùng quí thính giả tối thứ Năm tuần tới.

Để liên lạc với Thanh Trúc, xin email về nguyent@rfa.org

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.