Giúp học sinh người dân tộc đi học để xây dựng tương lai

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2015.10.29
nha-noi-tru-dak-glei-622.jpg Các em người dân tộc thiểu số ở Nhà nội trú Dak Glei, Kontum, dưới sự quản lý của Sơ Nguyễn Thị Kim Loan, nữ tu giòng Phao Lô.
Hình do Sơ Kim Loan cung cấp

Đời sống khó khăn

Huyện Dakley, thị trấn Dakley, tỉnh Kontum, là nơi có ba sắc tộc Thượng gồm người Dẻ, ngưởi Xê Đăng, người H’lăng. Ở Dakley cũng có người Kinh lên buôn bán, trao đổi hàng hóa, có các giáo viên từ miền xuôi lên dạy học, và một số người lên làm việc cho nhà nước. Hầu hết người Kinh ở ngoài thị trấn chứ không ở trong buôn làng.

Sơ Nguyễn Thị Kim Loan, nữ tu giòng Phao Lô, về Dakley từ năm 2010, cho biết thực phẩm ở Dakley có phần đắt hơn những nơi khác:

“Chẳng hạn cá ở Đà Nẵng chỉ 40.000/ký thôi, ở đây họ bán 60.000 hoặc 80.000/ký. Tại vì đường đi hiểm trở, thuộc về vùng núi thành thử ra không có đồ ăn. Người dân tộc thường họ vô trong núi họ hái lá măng lá sắn chi đó rồi về luộc lên, trộn với tí muối, tí bột ngọt với ớt họ ăn thôi. Ở đây khô khan cằn cỗi, xung quanh là núi, ít người có cá có thịt mà ăn lắm. Những người dân tộc bị phong cùi ở trong hóc núi lại càng không có mấy thứ chi để ăn.”

Đời sống của dân tộc Dẻ khổ cực hơn nhiều, không có ăn người họ khô khan lắm. Xê Đăng thì kha khá. Đúng ra nhìn người Xê Đăng rất đẹp gái, con gái hơi giống như lai Tây, đẹp lắm. H’lăng thì cũng giống như Dẻ thôi.
-Sơ Nguyễn Thị Kim Loan

Ba dân tộc ba tiếng nói khác nhau, có khi người Dẻ không hiểu người H’lang, ngược lại người Xê Đăng có thể không rõ người kia Dẻ hay người H’lăng nói gì:

“Đời sống của dân tộc Dẻ khổ cực hơn nhiều, không có ăn người họ khô khan lắm. Xê Đăng thì kha khá. Đúng ra nhìn người Xê Đăng rất đẹp gái, con gái hơi giống như lai Tây, đẹp lắm. H’lăng thì cũng giống như Dẻ thôi.”

Nói đến người miền núi là nói đến sự nghèo khó, thua thiệt, bệnh tật, thất học. Thế nhưng những điều này đã ít nhiều thay đổi, ít nhất là từ năm sáu năm nay, khi mà chính sách nâng đỡ người sắc tộc của chính quyền địa phương mang lại kết quả, cộng thêm sự trợ giúp tinh thần lẫn vật chất của những người hảo tâm trong và ngoài nước.

Với người sống trong buôn làng hoặc rừng núi như người Dẻ, Xê Đăng và H’lăng, cho con đi học là phương cách tốt nhất để tiếp cận với đời sống bên ngoài, trẻ đến trường học tiếng Kinh thì cuộc sống mới vươn lên được dù rằng con đường đi học lắm gian nan vất vả:

“Các em đó từ trong buôn làng về đây đi học. Khoảng 45 em Cấp Ba, Lớp Mười, Mười Một, Mười Hai. Còn khoảng 35 hay 36 em Cấp Hai trong các buôn làng, con cái của người phong người cùi ở khắp núi ở phía trong, cách chỗ các em đi học khoảng 15 cây số. Các em đạp xe đạp từ trong núi ra đây, đường đi nhỏ, hiểm trở và lầy lội, đến trưa thì đạp về.”

Các em sắc tộc Gia Rai và Ba Na ở Nhà nội trú Dak Glei, Kontum.
Các em sắc tộc Gia Rai và Ba Na ở Nhà nội trú Dak Glei, Kontum.

Vì đường xa, các em phải dậy sớm và ra đi từ lúc 5 giờ sáng, 6 giờ 30 mới đến nơi:

“6 giờ rưỡi thì phải vô lớp rồi thành thử nó không ăn cái gì hết. Trưa khoảng 11 giờ rưỡi các em tan học, đạp xe về nhà ăn một tí rồi đạp lên lại.”

Nhìn hoàn cảnh học hành và đường đi nước bước vất vả, Sơ Loan đề nghị các em buổi trưa đừng đạp xe những 15 cây số về lại nhà rồi trở ra, mà hãy ghé nhà giòng ăn cơm và tạm nghĩ nơi hàng hiên trước khi trở lại học buổi chiều:

“Còn em nào buổi chiều không học thì ăn xong rồi đạp xe đạp về, 15 cây số cũng xa nó đói bụng.”

Từ chỗ có nhiều em xin ở lại cho tiện việc đi học, một nhà bán trú cho học sinh người Dẻ, Xê Đăng và H’lăng được Sơ Loan tiến hành thực hiện:

“Sơ cũng đang xin chỗ này chỗ kia để cho các em có tí ăn buổi trưa, nhà các em nghèo lắm, không có tiền cũng không có gạo đóng góp nên Sơ cho ăn không thôi. Đó là các em bán trú, các em Cấp Hai, từ Lớp Sáu tới Lớp Chín. Còn Lớp Mười, Mười Một, Mười Hai thì ở tại nhà Sơ. Tất nhiên ở tại nhà Sơ thì con gái không thôi. Còn các em đạp xe, đạp đi đạp về, là vừa con trai vừa con gái.

Đối với các em ở nhà Sơ ở đây thì lúc đầu mỗi tháng đóng cho Sơ 50.000 Đồng vừa tiền ăn, tiền điện, tiền nước vừa sách vở cho nó nữa. Bây giờ vật giá lên cao quá thì Sơ nói gia đình mỗi tháng đóng cho Sơ 100.000 để Sơ lo.”

Tổ chức “Giúp em đến trường”

Tới đây Thanh Trúc phải cảm ơn Help Kids To School Giúp Em Đến Trường, tổ chức thiện nguyện ở Toronto Canada, đã giúp Thanh Trúc tìm hiểu về đời sống người dân tộc ở Dakley, Komtum. Bốn năm trước, Help Kids To School từng về Lạng Sơn ngoài miền Bắc, dựng một trường cho học sinh tiểu học người H’mong do các nữ tu Công giáo trông coi và hiện đang vận hành rất tốt.

Cùng thời gian đó, tổ chức Giúp Em Đến Trường ghé về Kontum ba lần. Lời Sơ Kim Loan:

Một năm các anh chị gởi tiền cho Sơ để Sơ mua đồ ăn cho các em hoặc cho tiền mua sách vở. Mùa lạnh thì cho áo lạnh, chẳng hạn năm ngoái mua khăn quang, mua gạo, mua mì tôm, mua bánh kẹo về cho các em ở đây.
-Sơ Nguyễn Thị Kim Loan

“Chị Hồng Miên với anh Khoa có vể đây thăm các em, thấy các em sống trong hoàn cảnh như vậy chi Hồng Miên với anh Khoa tiếp tay vô giúp các em có điều kiện ăn học để phát triển trí thức. Một năm các anh chị gởi tiền cho Sơ để Sơ mua đồ ăn cho các em hoặc cho tiền mua sách vở. Mùa lạnh thì cho áo lạnh, chẳng hạn năm ngoái mua khăn quang, mua gạo, mua mì tôm, mua bánh kẹo về cho các em ở đây.”

Hai người về Dakley mà Sơ Kim Loan nhắc tên, cô Hồng Miên, sáng lập Help Kids To School, và anh Khoa, thành viên của tổ chức này:

Cô Hồng Miên: “Vấn đề thiếu nước sạch rất trầm trọng cho nên dự án lúc đầu là xây giếng, từ đó đi sâu vào những thôn làng hơn nữa thì mới biết rằng các em dân tộc không có được đi học. Từ đó mới bắt tay vào vấn đề vừa xây giếng vừa tài trợ cho các em đi học luôn.

Những người dân tộc chỉ biết đi làm mướn, làm công, rất vất vả. Trong làng thì mấy cô có gia đình rất sớm, sanh con rất sớm. Thậm chí 12, 13 tuổi mà có gia đình rồi thì coi như là xong. Muốn cho họ có nghề nghiệp và tương lai vững chắc hơn từ đó mới bắt tay gom góp tiền để giúp cho các em được đi học ở nơi Sơ Loan.”

Anh Khoa: “Theo thông tin mới nhận được thì năm nay có tất cả 19 em ra trường Lớp 12 với số điểm 100/100. So với mọi năm thì năm nay rất khá Có 19 em Lớp Mười xin vào nhà của các Sơ để học tiếp Cấp Ba. Đó là mấy em mới, còn năm nay số em lên Đại Học rất cao.

Sơ Loan ở Dakley là người phụ trách nuôi dưỡng các em. Ba năm trước Help Kids To School có về thăm lúc đó là 40 em. Hiện giờ là 48 em. Số tiền mà Help Kids To School giúp chỉ là một phần nhỏ trong chi phí, ăn uống và tiền học của các em thôi. Để bù đắp vô thì Sơ có được tài trợ của một số nơi khác.

Ngoài ra thì Help Kids To School được nhóm Generously Giving Back ở Edmonton  cho các em ở Dakley một cái Solar Boiler tức một máy nấu nước bằng năng lương mặt trời. Số tiền để xây cái máy đó được gởi qua Help Kids To School. Gần đây nhất, nơi ở của các em ở Dakley thì Help Kids To School có giúp đào một cái giếng. Đó là tất cả những gì mà Help Kids To School đã làm giúp cho các em ở Dakley.”

Các em sắc tộc Gia Rai và Ba Na ở Nhà nội trú Dak Glei, Kontum.
Các em sắc tộc Gia Rai và Ba Na ở Nhà nội trú Dak Glei, Kontum.

Kết quả học tập của các hoc sinh dân tộc trong nhà Sơ Kim Loan chính là phần thưởng tinh thần lớn nhất cho riêng các Sơ cũng như cho Help Kids To School. Trở lại với Sơ Kim Loan:

“Hôm vừa rồi Sơ cũng báo cho anh Khoa là năm nay thi 19 em thì đậu tất cả 19 em. Mười lăm em đi đại học tức nhiên là vô Đà Nẵng, Komtum, Quảng Nam. Huế. Bây giờ hoàn cảnh rất khó, hiện có 6 hay 7 em là cha mẹ không có thể cung cấp được nhưng vì nó ao ước quá đi thì Sơ cũng giúp đem nó ra Đà Nẵng cho nó học ở Đà Nẵng.

Về lâu về dài, khi mà các em ra trường rồi, nếu có về thì nó về làng để giúp các em khác của nó.”

Được hỏi từ lúc về đây 5 năm trước rồi đến lúc này cuộc sống của bà con dân tộc Dẻ, Xê Đăng, H’lăng có khá hơn hay vẫn nghèo và vẫn khó khăn, Sơ Kim Loan trả lời:

“Năm 2010 Sơ tới thì có vẻ là nó cực khổ lắm, nhưng bây giờ phát triển rất nhiều, chịu khó chăm chỉ làm ăn hơn. Trước họ chỉ sống dựa sống gởi thôi, họ không chịu làm gì hết. Bây giờ mình tới mình ở với họ, mình giúp họ, cắt nghĩa chỉ cho họ làm việc thì họ bắt đầu trồng khoai, trồng sắn, trồng rau, Sơ thấy họ càng ngày càng tiến bộ ra.

Trước không khi nào họ nghĩ tới cho con học cao hết, chỉ hết Lớp Năm, Lớp Sáu là cho con vô nương rẫy thôi. Nhưng bây giờ họ còn có khả năng, bằng số tiền họ làm, họ có thể lo cho con cái vô Đại Học được nữa. Điều đó làm các Sơ rất mừng là vì bây giờ họ đi ra đời, họ tiếp xúc với đời, họ biết và họ cũng tiến bộ rất nhiều. Đo là Sơ ở đây Sơ nhận thấy như vậy.”

Sau cùng, có những mảnh đời khốn khổ ở Dakaley cần được nhắc tới là những người dân tộc chẳng may bị chứng bệnh phong cùi. Khi một người dân tộc bị vướng bệnh phong cùi thì làng xóm xua đuổi cả gia đình họ vào rừng xa chứ không cho ở trong thôn bản. Hậu quả là, cuộc sống thiếu ăn, lạnh lẽo, lây lất trong rừng sâu, người trong nhà truyền bệnh cho nhau và tình cảnh càng lúc càng bi đát hơn.

Rất may phong cùi không phải bệnh nan y, nếu được chữa chạy đúng lúc và uống thuốc đều đặn theo một chương trình do chính phủ tài trợ thì người phong cùi có thể được chữa dút bệnh trước khi lây qua cho con cái. Xơ Kim Loan giải thích:

“Đối với những người nặng thì họ đem đi bệnh viện riêng của phong cùi, còn những người chữa khỏi rồi họ mới cho về làng. Cho về làng như vậy thì các em vẫn đi học bình thường, không có gì phân biệt hết. Chúng tôi cũng mừng vì vấn đề đó và theo với đó thì Sơ cũng xin chỗ này chỗ kia để thuốc thang cho họ.

Mỗi năm mùa Giáng Sinh, Tết hoặc lễ thì mình phát quà cho họ, nào là gạo, mì tôm, xì dầu, nước mắm, cá. Lần đầu tiên họ ra với mình họ sợ lắm, họ cứ nấp trong xó thôi, nhưng mà về sau quen rồi mình vô tận trong gia đình của họ thành thử ra bây giờ họ ra chỗ Sơ như thường. Còn đối với các em nếu phát hiện thì mình báo cho gia đình biết mà đem nó đi chữa bệnh.”

Đó là đời sống người dân tộc Dẻ, Xê Đăng và H’lang trên cao nguyên Dalkey tỉnh Kontum miền Trung Việt Nam.

Thanh Trúc kính chào tạm biệt.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.