Nông nghiệp – Nông dân – Nông thôn lâm nguy

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2013.10.04
000_Hkg8682851-305.jpg Một cánh đồng lúa ở ngoại thành Hà Nội hôm 11 tháng 6 năm 2013.
AFP

 

Tam nông Nông nghiệp Nông dân Nông thôn trong tình trạng báo động là sự kiện được trình bày với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, khi ông làm việc với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chiều 2/10 ở Hà Nội.

Nông dân chán ruộng, bỏ ruộng

Theo báo điện tử Dân Việt, các lãnh đạo của Hội Nông dân Việt Nam trình bày rằng: “Nông dân hiện có nhiều cái nhất, như thiệt thòi nhất, nghèo nhất, thu nhập thấp nhất trong khi sản xuất, đời sống lại đối mặt với quá nhiều rủi ro, bấp bênh, phập phù. Tình trạng nông dân bỏ ruộng, chán ruộng rất đáng lo ngại.”

Trả lời Nam Nguyên, Bà Phạm Chi Lan nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ nhận định về những vấn đề chủ yếu, cần chú tâm khi tái cơ cấu nông nghiệp, cải thiện đời sống nông dân. Đó là vấn đề người nông dân không thực sự làm chủ ruộng đất của mình do Hiến pháp qui định đất đai sở hữu toàn dân, cũng như nhu cầu bức thiết phải tổ chức lại sản xuất. Bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh:

“Nếu như trong trường hợp không thể sửa được Hiến pháp và Luật Đất đai lần này theo hướng công nhận quyền sở hữu tư nhân của nông dân đối với đất đai nông nghiệp, thì ít nhất cũng phải đảm bảo quyền sử dụng của họ dài hạn thay vì 20 năm như trước lên 50 năm. Thứ hai phải bảo đảm quyền sử dụng đó là quyền được luật pháp công nhận như là một quyền tài sản và đã là quyền tài sản thì là bất khả xâm phạm. Ai muốn sử dụng tài sản của họ kể cả Nhà nước thì phải mua chứ không phải thu hồi. Vì vậy cho nên trong Hiến pháp điều qui định vể đất đai cũng như Luật Đất đai phải rất chú trọng điều về thu hồi đất.”

Lâu nay nhiều khi nông dân bị những sức ép này khác khiến họ không có được quyền tự chủ bao nhiêu và vì vậy trên mảnh đất.
-Bà Phạm Chi Lan

Theo lời bà Phạm Chi Lan, Nhà nước thu hồi đất vì mục tiêu quốc phòng thì điều đó có thể hiểu được, người dân kể cả những người nông dân có thể chấp nhận được. Nhưng Nhà nước lại muốn giữ quyền của mình kể cả thu hồi đất vì các dự án kinh tế xã hội thì là điều mà rất nhiều ý kiến không đồng tình, kể cả ý kiến của đại biểu Quốc hội. Vì qui định như vậy nó sẽ quá rộng và sẽ gây ra tình trạng bao nhiêu người có thể nhân danh Nhà nước mà lấy lại đất của nông dân. Nếu còn điều đó thì sẽ rất khó cho người nông dân yên tâm với đất đai lâu dài được. Bà Phạm Chi Lan tiếp lời:

“Đấy là vấn đề thiết yếu nhất, còn thứ hai về tổ chức sản xuất nông nghiệp thì phải tổ chức lại trên cơ sở tôn trọng quyền tự chủ của nông dân trên mảnh đất của họ, hoặc là trong các công việc canh tác của họ và tăng cường đầu tư hỗ trợ đối với nông dân. Chứ còn lâu nay nhiều khi nông dân bị những sức ép này khác khiến họ không có được quyền tự chủ bao nhiêu và vì vậy trên mảnh đất của mình thì rốt cục những năm gần đây cho thấy là thu nhập của nông dân cứ sa sút đi và thậm chí bây giờ tình trạng bỏ ruộng đang tràn lan.”

Thật ra tình trạng tam nông tụt hậu, nông dân nghèo hoàn nghèo trong khi gạo, cá tôm xuất khẩu chục tỷ USD mỗi năm, có thể đã phải được báo động từ nhiều năm trước, nếu Hội Nông dân VN và Mặt trận Tổ quốc làm đúng vai trò phản biện, giám sát của mình, thay vì làm kiểng và nói theo Đảng, như cách nói của Giáo sư Tương Lai tại Hội nghị Trung Ương MTTQVN lần thứ 6 vừa qua.

Báo cáo của Trung ương Hội Nông dân VN vẽ ra một bức tranh u tối của nông nghiệp, nông dân nông thôn. Đó là nông dân sản xuất qui mô nhỏ, tỷ lệ hộ nghèo cao, mức thu nhập tăng chậm hơn tăng vật giá; tình hình nông dân mất đất, chán ruộng, bỏ ruộng; những bất cập trong quản lý liên quan đến nông dân như đất đai, vốn tín dụng, vật tư nông nghiệp, việc làm, chất lượng và thị trường nông sản.

Một cánh đồng ở ngoại thành Hà Nội hôm 18 tháng 9 năm 2013. AFP PHOTO.
Một cánh đồng ở ngoại thành Hà Nội hôm 18 tháng 9 năm 2013. AFP PHOTO.

Đồng bằng sông Cửu Long khu vực cung cấp 90% gạo xuất khẩu của cả nước, nơi cuộc sống được cho là dể thở hơn người làm lúa miền Trung, miền Bắc. Nhưng nông dân cũng gặp muôn vàn khó khăn, những người sống được nhờ cây lúa chỉ là thiểu số. Một Nông dân Cần Thơ tâm sự:

“Theo như em nghĩ mấy ổng ăn ngủ tối ngày không quan tâm đến người dân không thấy cái khổ của người dân. Mấy doanh nghiệp lớn xuất khẩu gạo con ông cháu cha nhiều lắm, đâu có ai làm hai lúa đi trồng lúa đâu.”

Người nông dân này tính toán lời lỗ của người trồng lúa khá rành mạch, nếu hộ nào nhiều đất làm giỏi thì còn có chút đồng lời chứ người ít đất rất khó trang trải cuộc sống.

“Chi phí đầu vào từ lúa giống, tiền làm đất, vật tư nông nghiệp phân thuốc, gặt đập liên hợp sau thu hoạch cộng các cái luôn 1 công tầm cắt 1.296 m2 mất ba triệu đồng vị chi 1 mẫu tầm lớn 12.960 m2 chi phí 30 triệu, trên dưới một triệu đồng tùy theo phát sinh như vấn đề dậm lúa. Những người làm được 6 tấn lúa tươi thì lỗ nặng luôn không có đường… còn em làm hơn 9 tấn lúa tươi một mẫu lớn thì trừ chi phí 30 triệu cũng còn được chục triệu.”

Hội Nông dân làm nhiệm vụ chính trị?

Hội Nông dân Việt Nam là một thành viên của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, nhưng cũng như cơ quan cấp trên của nó không được người dân hoặc nông dân đánh giá cao. Mặc dù người nông dân nào có nơi cư trú hợp lệ đều trở thành hội viên Hội Nông dân Việt Nam, đóng một khoản hội phí và được cấp thẻ hội viên. Thay vì phải phản biện việc thực hiện chính sách nông nghiệp không mang lại hiệu quả từ nhiều năm qua, hoặc phải lên lên tiếng về những oan sai đất đai như vụ người nông dân nổi dậy Đoàn Văn Vươn, vụ Văn Giang Ecopark, nhưng đến nay Trung ương Hội đứng cuối sổ báo cáo bức tranh tam nông u tối.

Nếu Nhà nước thực thi điều 69 Hiến pháp cho phép công dân có quyền tự do lập hội, thì loại tổ chức mang tính hình thức như Hội Nông dân Việt Nam không có lý do tồn tại. Thay vào đó là hội, là nghiệp đoàn của những người sản xuất theo ngành nghề thực sự lo lắng cho quyền lợi nông dân.

Hội Nông dân Việt Nam làm nhiệm vụ chính trị tổ chức quần chúng ủng hộ chính quyền trong việc xây dựng xã hội, còn sản xuất ngành nghề thì họ không thể lo nổi.
-Ông Nguyễn Vịnh

Ông Nguyễn Vịnh, một người trồng cà phê ở Tây nguyên cũng là nhà tư vấn của nông dân sản xuất tiêu và cà phê nhận định:

“Hội Nông dân Việt Nam là một tổ chức chính trị mang tính xã hội rộng rãi chứ không phải một hiệp hội sản xuất, cái đó khác nhau về bản chất. Hội Nông dân Việt Nam làm nhiệm vụ chính trị tổ chức quần chúng ủng hộ chính quyền trong việc xây dựng xã hội, còn sản xuất ngành nghề thì họ không thể lo nổi.”

Từ tháng 6 vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án tái cơ cấu nông nghiệp với mục tiêu phát triển bền vững và tăng thu nhập cho nông dân. Nông nghiệp, nông thôn, nông dân của Việt Nam dường như chưa thấy được lối ra trong tình hình bế tắc khủng hoảng hiện nay. Tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, theo hướng có lợi cho nông dân sau 25 đổi mới sẽ vẫn là một chặng đường dài ở Việt Nam. Tổ chức lại sản xuất để thực hiện theo chuỗi ngành hàng từ nông dân tới chế biến kinh doanh tiêu thụ xuất khẩu phải mất rất nhiều năm dù thành công.

Theo nhận định của TS Phạm Văn Tấn chuyên gia công nghệ sau thu hoạch ở TP.HCM, trước mắt để giữ cho nông dân có dân có thu nhập cần chú ý một số vấn đề. Ông nói:

“Để có thể phát triển bền vững một sản phẩm nông nghiệp, hay một ngành nông nghiệp nói chung thì phải có thị trường. Tất cả các đối tác trong chuỗi ngành hàng đó phải căn cứ vào nhu cầu thị trường để sản xuất ra hàng hóa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Có như thế thì mới nâng cao được thu nhập của nông dân nói riêng và các đối tác trong chuỗi cung ứng nói chung. Để làm được việc này thì Nhà nước cần có sự hỗ trợ hơn nữa trong việc củng cố và phát triển hệ thống thông tin thị trường sản phẩm nông nghiệp. Thông tin thị trường phải được cập nhật thường xuyên và từng đối tác trong chuỗi cung ứng kể cả nông dân phải được tiếp cận.”

Câu chuyện tam nông với nhiều vấn đề đáng lo tiềm ẩn sự nguy hiểm,  được Trung uơng Hội Nông Dân báo cáo lên lãnh đạo cấp trên là ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, tân Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ông Nguyễn Thiện Nhân trong buổi làm việc ngày 2/10/2013 tại Trung ương hội Nông dân VN đã nhấn mạnh tới vai trò phản biện giám sát của Mặt trận Tổ Quốc cũng như Hội Nông dân. Các tổ chức này hầu như né tránh trước các vấn đề lớn gây bức xúc trong xã hội trong nhiều năm qua.

Được biết, tại Hội nghị lần thứ 6 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc vào ngày 5/9 tại Hà Nội, trước sự hiện diện của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, một diễn giả là GS Tương Lai nói rằng, chỉ khi nào đảng Cộng sản thay đổi nhận thức về vai trò, về sứ mệnh của Mặt trận thì lúc ấy Mặt trận Tổ quốc mới thôi đóng vai trò cây kiểng làm dáng, mà là phong trào hoạt động thực sự của một tổ chức xã hội dân sự rộng lớn như nó cần phải có.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.