50 triệu nông dân điêu đứng

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2013.06.14
000_Hkg8682847-305.jpg Một người nông dân cày xới đất cho vụ lúa tiếp theo ở ngoại ô Hà Nội vào ngày 11 tháng 6 năm 2013.
AFP photo

 

Tiêu thụ nông sản ở Việt Nam đang lâm vào một cuộc đại khủng hoảng. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát ngày 12/6 nhìn nhận trước Quốc hội:“khó khăn lớn nhất mà ngành nông nghiệp đang gặp phải là thị trường tiêu thụ, hiện lúa đang chín đầy đồng, trái cây, lợn gà, cá tra…rất nhiều nhưng tiêu thụ rất chậm.”

Bế tắc thị trường

Trong buổi chiều ngày 12 và sáng 13/6, ông Cao Đức Phát nhận được 21 câu hỏi của các đại biểu Quốc hội và phần trả lời chất vấn trực tiếp của ông được Chủ tịch Quốc hội nhận xét là thiếu khí thế. Theo VnExpress và Dân Việt Online, đại biểu Trần Hoàng Ngân đơn vị TP.HCM tỏ ra thất vọng vì người đứng đầu ngành nông nghiệp Việt Nam không đưa ra được một giải pháp đột phá nào để phát triển nông nghiệp và nông dân thoát nghèo, trong khi nông dân đang lỗ kép, doanh thu thì suy giảm nhưng chi phí tiêu dùng vẫn tăng.

Ở Việt Nam, nước xuất gạo nhiều thứ nhì thế giới, câu chuyện được mùa mất giá không có gì mới. Nhưng chưa khi nào tất cả các sản phẩm chủ lực của nông nghiệp đều bế tắc đầu ra cùng một lúc. Lúa ế bán dưới giá thành vẫn khó, gạo xuất khẩu rẻ nhất thế giới vẫn không dễ có hợp đồng, người nuôi cá tra phá sản vì nạn chiếm dụng vốn, còn gia súc, gia cầm thì người chăn nuôi bỏ nghề vì lỗ vốn kéo dài. Nhận định về tình trạng vừa nêu, bà Phạm Chi Lan chuyên gia kinh tế từ Hà Nội phát biểu:

“Chúng tôi cũng cảm thấy rất lo ngại đối với nông nghiệp nông sản và những người trực tiếp gắn với số phận của nó là nông dân. Nông dân chiếm một lực lương đông đảo nhất trong xã hội Việt Nam, họ cũng đã làm rất nhiều việc để nuôi sống được cả một đất nước 90 triệu dân và lại làm ra các sản phẩm xuất khẩu với số lượng rất lớn.”

Theo Thanh Niên Online, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhìn nhận với Quốc hội là với giá lúa tại ruộng giảm sâu như hiện nay, người nông dân không thể có lãi 30% như mong đợi. Theo lời ông Bộ trưởng, giá thành 1 kg lúa là 4.100đ/kg như vậy giá thu mua lúa phải đạt 5.400đ/kg thì người trồng lúa mới lãi 30%. Nhưng hiện nay giá lúa khô loại thường nông dân cũng chỉ bán được 4.500đ, lúa hạt dài khoảng 4.800đ. Theo tính toán của chúng tôi, với giá này người trồng lúa chỉ lời dưới 10% giá thành.

Chúng tôi cũng cảm thấy rất lo ngại đối với nông nghiệp nông sản và những người trực tiếp gắn với số phận của nó là nông dân.
-Bà Phạm Chi Lan

Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức phi chính phủ Oxfam công bố hồi tháng 4 vừa qua, người trồng lúa đồng bằng sông Cửu Long có lợi tức rất thấp, với mức bảo đảm có lãi 30% giá thành thì một nông dân cũng chỉ có lợi tức trung bình khoảng 550.000 đồng/một tháng.

Nay với mức lời lúa hè thu chưa tới 10% giá thành như Bộ trưởng NN-PTNT báo cáo Quốc hội, thì tình trạng nông dân thật muôn vàn khó khăn.

TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế hiện sống và làm việc ở Hà Nội đề cao sự đóng góp của nông dân và nông nghiệp như một trụ đỡ của nền kinh tế. Tuy vậy ông nhận xét:

“Việc sản xuất lương thực của Việt Nam hiện nay đang có vấn đề là chưa kết hợp được giữa khâu sản xuất với khâu thu mua lưu thông chế biến và xuất khẩu. Giữa khâu sản xuất và khâu thu mua, xuất khẩu này lại chưa có hợp đồng một cách ổn định vì vậy bị cắt đứt đoạn và hạt gạo Việt Nam phải qua quá nhiều tay thì mới đi đến xuất khẩu được. Cứ mỗi lần như vậy thì những cá nhân thu mua, công ty thu mua đều có một phần lãi nhưng người nông dân thì ít được lãi. Tôi nghĩ vấn đề ở đây trước hết Việt Nam sẽ phải tổ chức lại sản xuất phải ký kết hợp đồng giữa người sản xuất và người tiêu thụ người chế biến và người xuất khẩu.”

Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, bà Phạm Chi Lan bày tỏ quan ngại là, trong mấy năm vừa qua mức đầu tư vào nông nghiệp liên tục bị giảm về tỷ trọng tương đối so với các lãnh vực khác. Thí dụ trước khi Việt Nam gia nhập WTO thì tỷ trọng đầu tư toàn xã hội vào nông nghiệp nhất là đầu tư của Nhà nước cũng còn tương đối cao chiếm tới 13,8% trong tổng mức đầu tư nhưng sau vài năm tham gia vào WTO thì mức đầu tư vào nông nghiệp giảm xuống chỉ còn 6,4% trong tổng mức đầu tư phát triển. Thế mà suốt những năm vừa qua năm nào Việt Nam cũng tăng đầu tư lên rất lớn như vậy chứng tỏ mối quan tâm đối với nông nghiệp thực sự không đạt yêu cầu.

Theo lời bà Phạm Chi Lan, hầu hết các nước khi hội nhập họ đều lo bảo hộ nông sản, nhưng Việt Nam thì ngược lại buông nông sản, buông nông nghiệp và ngành này phải tự bơi tự bươn chải. Vì vậy sản lượng thì vẫn có tăng lên và mỗi lúc Việt Nam gặp khó khăn về kinh tế thì lại coi nông nghiệp là bệ đỡ cho nền kinh tế, để đỡ những khó khăn những thách thức cả về kinh tế cũng như về xã hội, đặc biệt đối với những người mất việc ở đô thị lại quay trở về nông thôn để sinh sống, dựa vào bà con mình, dựa vào công việc trên đồng ruộng hoặc gắn với nông thôn để tạm sống cho đỡ gánh nặng cho nền kinh tế về nạn thất nghiệp. Bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh:

“Nhưng như vậy đối xử với nông thôn nông nghiệp là không thích hợp và thực sự là không công bằng so với các ngành khác. Trong khi đó nguồn lực đầu tư dồn quá nhiều cho doanh nghiệp Nhà nước, quá nhiều cho các Tập đoàn Kinh tế để rồi họ gây biết bao vấn đề cho nền kinh tế hiện nay.”

Vấn đề tạm trữ

Một nông dân vùng ven Hà Nội. RFA photo
Một nông dân vùng ven Hà Nội. RFA photo
Một nông dân vùng ven Hà Nội. RFA photo

Theo Dân Việt Online, trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Khá đơn vị Trà Vinh, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết với kế hoạch tạm trữ  1 triệu tấn gạo tương đương 2 triệu tấn lúa hè thu, doanh nghiệp được cung cấp nguồn vốn tín dụng 7.000 tỷ đồng và hưởng phần cấp bù lãi suất 0% trong ba tháng. Ông Phát cho là doanh nghiệp hưởng lợi khoảng 200 tỷ đồng và phần được của nông dân là giá lúa sẽ không rớt thêm và có thể tăng 150 đồng/kg. Bộ trưởng NN-PTNT nhấn mạnh, việc thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo tương đương 2 triệu tấn lúa chỉ là biện pháp hỗ trợ thị trường, chứ không phải là bao tiêu nông sản cho nông dân.

Trong tư liệu của chúng tôi, TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Cần Thơ từng nhận định, cơ chế mua tạm trữ gạo hiện nay không mang lợi ích trực tiếp cho nông dân đồng thời làm biến dạng thị trường. Ông nói

Tôi không ủng hộ lắm tạm trữ theo hình thức hiện nay và chưa có cách thức nào khác hơn hình thức hiện nay là nhờ qua các công ty thu mua. Nhưng nếu nhờ các công ty thu mua lúa gạo thì lợi ích nếu có là ở họ, cũng có thể họ tận dụng được để hưởng lãi suất cấp bù chứ cũng không chắc chắn lắm là họ tạm trữ trong kho theo kỳ vọng đâu.”

Nói chuyện với chúng tôi, bà Phạm Chi Lan giải mã tình trạng bất cập liên quan tới chiến lược tiêu thụ nông sản và có nghi vấn về vấn đề nhóm quyền lợi. Bà nói:

“Về mặt tổ chức kinh doanh thì tôi nghĩ là đã để tình trạng kéo dài rất lâu là một số mặt hàng lớn trong kinh doanh giao cho một số Tổng công ty hoặc Doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh mang tính chất gần như độc quyền khá là lớn. Ở đây điển hình nhất là lúa gạo giao cho Hiệp hội Lương thực (VFA) có quyền quá lớn trong việc quyết định về giá cả, quyết định về các thương vụ kinh doanh lớn, họ dùng vị thế của họ như vậy làm cho Hiệp hội nằm trong sự chi phối của một số Tổng công ty Lương thực lớn của Nhà nước như Tổng Công ty Lương thực I, Tổng Công ty Lương thực II. Như vậy cũng có phần nào lấn áp các doanh nghiệp khác cũng kinh doanh lúa gạo và kết quả thua thiệt cuối cùng bao giờ cũng là nông dân.”

Theo VnExpress, các đại biểu Quốc hội cũng đặt nhiều câu hỏi về tình trạng bê bết của ngành chăn nuôi, khiến cho nhiều trại nuôi phá sản, người nuôi bỏ nghề. Bộ trưởng Cao Đức Phát nói, ngoài việc giám sát dịch bệnh, thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ rà soát để tái cơ cấu ngành chăn nuôi như xác định gia súc phù hợp với các tiểu vùng. Bên cạnh đó, khuyến khích sản xuất thức ăn bằng nguyên liệu trong nước.

Tôi không ủng hộ lắm tạm trữ theo hình thức hiện nay và chưa có cách thức nào khác hơn hình thức hiện nay là nhờ qua các công ty thu mua.
-TS Võ Hùng Dũng

Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng một nước nông nghiệp mà ngành chăn nuôi lại quá bế tắc, sau khi đã phát triển đàn gia cầm ba trăm triệu con cũng như tổng đàn heo khá lớn. TS Lê Đăng Doanh chuyên gia kinh tế từ Hà Nội nhận định:

“Năng suất lao động trong chăn nuôi của chúng ta rất thấp, kể cả chăn nuôi gia cầm lẫn chăn nuôi lợn, chúng ta phụ thuộc vào (nguyên liệu) thức ăn chăn nuôi nhập từ nước ngoài và năm 2012 đã có hạn hán nặng ở Hoa Kỳ, cho nên giá bắp đã tăng lên rất cao và giá thức ăn chăn nuôi đã tăng lên, trong khi đó giá bán sản phẩm chăn nuôi lại bị sức cầu thấp không tăng lên được. Vì vậy chăn nuôi của Việt Nam đang bị thua lỗ. Tôi nghĩ ngành chăn nuôi của Việt Nam cũng phải cải tổ lại tính đến  việc nâng cao hàm lượng nội địa của thức ăn chăn nuôi của Việt Nam.”

Trong khi không thể đưa ra một giải pháp đột phá nào nhằm khai thông thị trường tiêu thụ cho nông sản Việt Nam, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói chuyện chiến lược đường dài với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đề án này vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hôm 10/6, định hướng quan trong được nói tới là thực hiện các mục tiêu ưu tiên về phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng.

Nhưng người nông dân thở vắn than dài, cây lúa, con cá tra, con gà, con lợn hiện nay đang mắc kẹt, chưa giải quyết được chuyện một mùa vụ thì làm thế nào có thể vẽ ra một bức tranh tòan màu hồng cho tương lai.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.