Góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu Trái Đất là trách nhiệm của mọi quốc gia

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2015.11.10
Ở các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan việc đốt chất thải nông nghiệp ngoài đồng như đốt rơm rạ tạo ra những chất độc như hạt muội đen (black carbon) và ozone tầng thấp do đốt cháy không hết mà ra Ở các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan việc đốt chất thải nông nghiệp ngoài đồng như đốt rơm rạ tạo ra những chất độc như hạt muội đen (black carbon) và ozone tầng thấp do đốt cháy không hết mà ra
Courtesy Rachgia.Kiengiang.gov.vn

Góp phần giảm thiểu những nguồn phát thải dẫn đến gây biến đổi khí hậu Trái Đất, cũng như tìm ra cách thức thích ứng với thay đổi là nhiệm vụ của tất cả các quốc gia cũng như mọi người.

Lâu nay nhiều nhà khoa học môi trường góp phần cho những công tác đó.

Trong chuyên mục Khoa học- Môi trường hôm nay giáo sư Nguyễn Thị Kim Oanh hiện giảng dạy tại Viện Công nghệ Châu Á- AIT ở Bangkok cho biết một số dự án đang thực hiện giúp nông dân Việt Nam từ bỏ những hoạt động trong canh tác gây phát thải dẫn đến tình trạng biến đổi khí hậu, cũng như một số thông tin liên quan.

Trước hết giáo sư Nguyễn thị Kim Oanh đưa ra nhận định về thái độ của các quốc gia đối với thượng đỉnh về biến đổi khí hậu sắp diễn ra tại Paris vào cuối tháng này kéo dài sang tháng 12, gọi là COP21.

Giáo sư Nguyễn thị Kim Oanh: So với những COP trước tôi thấy các quốc gia chú ý đến COP21 này hơn., bởi vì người ta đang nhắm đến một thỏa thuận mang tính pháp lý. Nếu như đạt được thỏa thuận này thì tốt quá mà tôi cũng có cảm tưởng các nước đều có sự chuẩn bị.

Bản thân tôi thì tôi tham gia trực tiếp vào chương trình Climate and Clean Air Coalition- CCAC. Chương trình này chủ yếu tập trung vào giảm thiểu biến đổi khí hậu trước mắt (theo hạn kỳ ngắn near term climate mitigation). Theo đó tập trung vào một số chất gây ô nhiễm tồn tại trong thời gian ngắn ( short-lived). Những chất đó không phải là CO2 nhưng là những chất độc như hạt muội đen ( black carbon) và ozone tầng thấp. Những chất này gây ra tình trạng ấm lên của khí quyển, dẫn đến biến đổi khí hậu. Trong khi đó chúng là chất thải độc hại. Nên khi giảm được những chất này thì có thể giảm được chất hại đến sức khỏe của con người. Rồi ozone gây ảnh hưởng đến cây trồng nên có thể tác động đến an ninh lương thực.

Nhóm của chúng tôi tại AIT chủ yếu làm về các chất độc đó, vì tôi làm về ô nhiễm không khí.

Gia Minh: Thực tế tại các nước trong khu vực ở đặc biệt ở Việt Nam thì những chất mà giáo sư vừa nhắc đến thải ra từ những nguồn nào?

Giáo sư Nguyễn thị Kim Oanh: Black carbon/ muội hay mình gọi là ‘bồ hóng’/ hạt đen này là do đốt cháy không hết. Chẳng hạn như trong giao thông xe tải chủ yếu chạy bằng dầu thải ra lượng chấy này rất lớn. Rồi trong các nguồn đun nấu dân dụng như khi đun nấu thấy khói đen bay lên, đó cũng là balck carbon. Còn chúng tôi ở AIT hiện nay quan tâm nhiều hơn cả đến việc đốt chất thải nông nghiệp ngoài đồng như đốt rơm rạ… Như vậy ‘balck carbon’ là từ rất nhiều nguồn do đốt cháy không hết mà ra.

Ozone tầng thấp như tôi vừa nói không phải do thải ra mà được hình thành ở trong không khí do phản ứng quang hóa. Ozone này do những chất thải trực tiếp như nitrogen oxide, oxide nitro, rồi thì các chất VOC- các chất bay hơi  vaporized organic compounds. Trong không khí những chất này gặp ánh nắng mặt trời phản ứng tạo ra chất ozone.

Ở các nước Đông Nam á như Việt Nam, Thái Lan… hiện nay đốt rơm rạ rất nhiều. Chúng tôi tại AIT nghiên cứu nếu giảm đốt rơm rạ như thế thì giảm được bao nhiêu lượng black carbon; rồi giảm bao nhiêu chất tiền ozone để giảm ozone trong không khí.

Ở các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan… hiện nay đốt rơm rạ rất nhiều. Chúng tôi tại AIT nghiên cứu nếu giảm đốt rơm rạ như thế thì giảm được bao nhiêu lượng black carbon; rồi giảm bao nhiêu chất tiền ozone để giảm ozone trong không khí

Giáo sư Nguyễn thị Kim Oanh

Chủ yếu làm về mô hình và nghiên cứu là chủ yếu. Còn hiện nay chúng tôi làm nhiều về dự án ứng dụng. Chúng ta đang có một dự án do Mỹ và Thụy Điển tài trợ tìm cách làm sao không đốt rơm rạ ngoài đồng. Có nhiều cách nhưng cách nào để nông dân chấp nhập là chuyện khó. Hiện nay chúng tôi muốn tạo ra một số loại sản phẩm gọi là viên nhiên liệu từ rơm rạ dùng để đun nấu. Nếu làm được như thế thì nông dân sẽ không đốt ( rơm rạ) nữa mà dùng những viên nhiên liệu để đun nấu dân dụng. Họ cũng sẽ không vào rừng để lấy củi để đun nấu. Như vậy sẽ có những lợi ích nhiều mặt.

Ngoài ra nông dân Việt Nam cũng tham gia trồng nấm… Cò nhiều giải pháp mà chúng tôi đang nghiên cứu. Mục đích để nông dân có thể sử dụng dễ dàng và không đốt rơm rạ ngoài đồng nữa.

Gia Minh: Như vậy cũng đang trong quá trình nghiên cứu thôi, chứ chưa có ứng dụng?

Giáo sư Nguyễn thị Kim Oanh: Thật ra cũng đang bắt đầu có ứng dụng rồi như đối tác của chúng tôi tại Đại học Nông Lâm làm biochar; tức là rơm ra trước hết đóng thành những viên gạch nhiên liệu rồi cho vào lò làm than và cho ra than sinh học ( biochar). Loại này Hà Nội cũng bắt đầu làm; tức là chất để hổ trợ cho đất đai. Hoặc từ biochar có thể sản xuất ra những sản phẩm khác. Hiện chúng tôi đang sản xuất biochar với đối tác Đại học Nông Lâm làm ở Tiền Giang. Sau biochar thì còn nhiều khả năng, giải pháp nữa.

Gia Minh: Giáo sư nói cần phải giúp cho nông dân hiểu và ứng dụng?

Giáo sư Nguyễn thị Kim Oanh: Đúng rồi, vấn đề quan trọng là nông dân hiểu và chấp nhận. Công nghệ thì nhiều lắm, cái gì cũng có rồi nhưng làm sao cho nông dân thấy có thể làm được và thích. Còn họ không chấp nhận thì khó lắm.

Gia Minh: Để vượt qua khó khăn đó thì lâu nay giữa các nhà khoa học và các nhà quản lý, đặc biệt ở Việt Nam, có sự hợp tác, hỗ trợ nhau ra sao để đạt mục tiêu cho nông dân chấp nhận các giải pháp được đưa ra?

Giáo sư Nguyễn thị Kim Oanh: Thật ra đối với rơm rạ khó lắm. Vì sau khi gặt hái xong rồi chỉ cần cho một ‘mồi lửa’ sẽ sạch trơn và ‘hôm sau’ đến cày bừa được. Nhưng bây giờ làm những thứ khác họ phải bỏ công, tốn sức, và rồi đắt hơn nhiều!

Khí hậu phải biến đổi thôi vì chất CO2 thải ra bao nhiêu năm qua vẫn còn trong không khí. Cho nên để chặn đứng biến đổi khí hậu ngay thì khó lắm, mà cũng không thể ngưng được. Có những nguyên nhân tự nhiên và những nguyên nhân do con người gây ra; cho nên theo tôi phải học cách để gọi là ‘sống chung với lũ’

Giáo sư Nguyễn thị Kim Oanh

Cho nên không phải chỉ nghiên cứu không thôi mà còn phải có chính sách nữa. Tức phải có những qui định, qui chế làm sao cho người nông dân không đốt ( rơm rạ) nữa. Sau khi họ không đốt nữa thì phải tìm cho họ cách có lợi cho họ thì họ mới làm. Thật ra như ở Thái Lan về vấn đề rơm ra, người ta cũng làm rất nhiều mà cũng chưa đạt được gì. Đây cũng là vấn đề đau đầu cho các nước.

Dự án của chúng tôi do Stockholm Royal Instittute tài trợ có hội thảo cho nông dân Việt Nam ở Huế, và sẽ có workshop cho nông dân ở Thái Lan và Kampuchia để hướng dẫn cho họ. Cũng đang dừng ở mức độ chuyển giao kiến thức và công nghệ thôi. Còn để đạt được gì thì cần phải có chính sách, biện pháp khuyến khích…

Gia Minh: Đó là bài học như Indonesia đang phải chịu đựng? Chỉ dùng một ‘mồi lửa’ chứ không cần dùng công nghệ? Và cháy rừng.

Giáo sư Nguyễn thị Kim Oanh: Họ đốt mà không kiểm soát được nên lan ra mà đến bây giờ vẫn chưa dập được.

Gia Minh: Ngoài những chuyện như giáo sư vừa nói ra, còn còn những biện pháp, công tác nào đang làm để giúp cho Việt Nam- nước được cho là (một trong những nước) chịu tác động nhiều nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng?

Giáo sư Nguyễn thị Kim Oanh: Thực ra ở Việt Nam làm nhiều hơn về thích ứng. Tức Việt Nam bây giờ phải học làm sao để ‘sống chung với lũ’. Phải tìm biện pháp để thích ứng với điều kiện thay đổi. Chứ còn COP21 người ta nói đến giảm thiểu ( mitigation). Tất nhiên Việt Nam cũng có trách nhiệm giảm chất thải nhất là những chất short-live pollutants.

Khí hậu phải biến đổi thôi vì chất CO2 thải ra bao nhiêu năm qua vẫn còn trong không khí. Cho nên để chặn đứng biến đổi khí hậu ngay thì khó lắm, mà cũng không thể ngưng được. Có những nguyên nhân tự nhiên và những nguyên nhân do con người gây ra; cho nên theo tôi phải học cách để gọi là ‘sống chung với lũ’ như ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Thế còn phải tìm ra những giống lúa, cây trồng mới có thể chịu được mặn, chịu được hạn, chịu được nắng… Rồi nhà cửa xây như thế nào, xây bằng vật liệu gì để chịu triều cường… Tức phải hướng đến thích ứng để chịu ít thiệt hại bởi biến đổi khí hậu.

Còn giảm thiểu thì rõ ràng Việt Nam cũng phải góp phần, nhưng để giảm thiểu thiệu hại thì ứng phó là rất quan trọng.

Gia Minh: Đội ngũ Việt Nam đang được đào tạo ở AIT có thể đáp ứng đến mức độ nào cho công tác quan trọng đó?

Giáo sư Nguyễn thị Kim Oanh: Thực ra Việt Nam không chỉ gửi đi đào tạo ở AIT mà còn ở những nơi khác nữa. Theo tôi nghĩ đào tạo rất đông rồi. Vấn đề là họ làm được gì thôi và họ được làm gì! Người tài của Việt Nam thì nhiều nhưng vấn đề là họ làm được gì không và được làm những gì! Làm được thì cũng phải có nhiều điều kiện lắm: ngoài tâm huyết thì còn phải có hổ trợ về tài chính… Đúng không?

Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại các bạn trong chương trình kỳ tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.