Trang trại Việt Nam được chứng nhận canh tác hữu cơ của USAD và EU

Gia Minh, biên tập viên RFA
2015.12.22
Ông Hồ Văn Đông, đại diện công ty Control Union, trao chứng nhận trang trại đạt tiêu chuẩn hữu cơ cho đại diện Organica - Ông Hồ Văn Đông, đại diện công ty Control Union, trao chứng nhận trang trại đạt tiêu chuẩn hữu cơ cho đại diện Organica -
Photo: Quang Huy/Saigontimes

Một trang trại trồng rau sạch tại Long Thành, Đồng Nai vào đầu tháng 11 vừa qua nhận được chứng nhận canh tác hữu cơ theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Mỹ ( USDA) và Liên minh Châu Âu (EU).

Thực tiễn của trang trại trồng rau sạch đó ra sao? Và chính sách của cơ quan chức năng nhằm khuyến khích hoạt động không sử dụng phân bón hóa chất trong lĩnh vực trồng rau nói riêng và các sản phẩn nông nghiệp nói chung thế nào?

Nhu cầu rau sạch

Gần đây người tiêu dùng tại những thành phố lớn của Việt Nam quan ngại về các loại thực phẩm được trồng và thúc phát triển nhanh bằng các loại hóa chất độc hại cũng như các loại phân bón hóa học . Nhiều người có điều kiện kinh tế tìm đến với sản phẩm rau hữu cơ hay thường gọi là rau sạch. Đây là những loại rau củ được trồng hoàn toàn không có hóa chất.

Ông Ngô Vĩnh Viễn, một cựu quan chức về bảo vệ thực vật của Việt Nam, từ Hà Nội cho biết về hoạt động tự trồng rau sạch tại nhà của những người có điều kiện và thực tế đáp ứng cho thị trường của những nơi trồng sau sạch trong nước:

“ Thực ra con số dân thành phố có điều kiện để trồng ở nhà chỉ dưới 1%. Dân thành phố phụ thuộc vào chợ, còn dân nông thôn tất nhiên họ cũng đa dạng rau.

Tôi thấy rằng cái này ( rau sạch) cũng chỉ mới đạt được 30% thôi. Nếu người trồng rau có ý thức bào vệ sức khỏe cộng đồng thì sẽ tăng lên, sẽ có hiệu quả hơn.”

Nổ lực để đạt chuẩn quốc tế

Trong số những người nhận thấy nhu cầu thiết yếu về rau củ quả sạch của người dân, cũng như về cái lợi cho môi trường khi không sử dụng các hóa chất, phân bón hóa học, là cô Phạm Phương Thảo. Hiện cô đang là chủ nhân của một trang trại chừng 2 héc ta tại Long Thành, Đồng Nai và hai cửa hàng phân phối ở Sài Gòn. Trang trại tại Đồng Nai chuyên canh gần 100 loại rau củ nhiệt đới theo qui trình hữu cơ.

Cô Phạm Phương Thảo trình bày lại cách thức làm sao để có thể được chứng nhận sản phẩm của trang trại đạt tiêu của USDA và EU như sau:

“ Một mảnh vườn để đạt tiêu chuẩn như vậy đầu tiên phải đáp ứng được những yêu cầu cơ bản về đất, về nước. Có nghĩa phải tìm hiểu những vùng đất, nước không bị nhiễm ví dụ như kim loại nặng. Nếu đất bị nhiễm kim loại nặng rồi thì phải mất khá nhiều thời gian để chuyển đổi hay ‘sửa chữa’. Do vậy trước hết phải kiểm tra môi trường đất, môi trường nước để đảm bảo an toàn trước. Sau đó đến môi trường về cảnh quan. Vườn của chúng tôi ở Long Thành, Đồng Nai là những vườn điều đã bỏ hoang lâu năm rồi và ba mặt giáp với đường và nhà dân không có canh tác. Ý tôi muốn nói môi trường cảnh quan chung quanh cũng quan trọng vì nếu vườn của mình không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hóa học nhưng vườn bên cạnh họ dùng thì cũng sẽ không đạt. Và phải có vùng đệm gọi là hàng  rào bảo vệ, ví dụ trồng những loại cây cách hàng rào từ 3-5 mét.

Như vậy trước hết chúng tôi phải cải tạo đất vì trước đó bị bỏ hoang. Và trong quá trình canh tác hoàn toàn không sử dụng phân bón hóa học mà sử dụng phân chuồng.

Khi lấy chứng nhận của Châu Âu và Mỹ này thì họ hướng dẫn mình rất chặt chẽ trong từng khâu: ví dụ trong khâu ủ phân phải có nhật ký ủ phân riêng, khâu gieo hạt, khâu nhà ươm, trồng trọt, thu hoạch, vận chuyển, sơ chế và ra đến cửa hàng đều có nhật ký riêng. Họ quản lý rất chặt chẽ, qua đó trên 2 héc ta họ biết mình canh tác bao nhiêu loại rau, sản lượng bao nhiêu.

Họ kiểm tra chéo, ví dụ rau tại cửa hàng họ có thể truy ngược lại thu hoạch vào ngày nào, trên những lô-luống nào, do ai thu hoạch, vận chuyển ra sao… Một bó rau muống mua ngày nào đó có thể bị truy 40 ngày trước có gieo hạt trên những lô, luống đó hay không.

Theo tôi quá trình lấy chứng nhận Châu Âu và Mỹ thì cái đề cao không chỉ là nguyên tắc canh tác không thôi mà còn phần quản lý canh tác cũng rất quan trọng.”

Tiêu chuẩn Việt Nam

Bộ Nông nghiệp Việt Nam cũng có đưa ra những qui chuẩn để chứng nhận các loại rau củ quả cũng như nhiều sản phẩm nông nghiệp khác đủ tiêu chuẩn không gây hại cho người tiêu dùng như lời của ông Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật Nguyễn Xuân Hồng sau đây:

Những luống rau sản xuất theo quy trình của VinEco-Tập đoàn Vingroup tại cánh đồng mẫu ở Long Thành Đồng Nai
Những luống rau sản xuất theo quy trình của VinEco-Tập đoàn Vingroup tại cánh đồng mẫu ở Long Thành Đồng Nai

“ Việt Nam quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng trong nước và người tiêu dùng ở các nước khác nơi Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang như nhau. Có nghĩa đều phải thực hiện các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Việt Nam- QCVN ( Qui Chuẩn Việt Nam) về sản phẩm rau an toàn.

Việt Nam cũng tuân thủ theo các tiêu chuẩn an toàn quốc tế ví dụ như ‘mức tồn dư tối đa cho phép’ ( theo tiếng Anh là MRL- maximum residue limit). Hiện nay Việt Nam xuất khẩu đi rất nhiều nước nên đều đáp ứng yêu cầu của những nước nhập khẩu. Tất nhiên có một số lô hàng bị cảnh báo, bị trả lại nhưng Việt Nam hiện nay cũng đáp ứng được rất tốt các yêu cầu của những nước nhập khẩu.

Có rất nhiều các tổ chức quốc tế hỗ trợ Việt Nam để xây dựng những chuỗi rau an toàn; đặc biệt với dự án của Đan Mạch, JAICA của Nhật, Úc… Nhiều dự án hợp tác quốc tế ưu tiên cho Việt Nam để làm thế nào phát triển bền vững nông nghiệp. Một trong những yếu tố để phát triển bền vững là phải sản xuất ra những sản phẩm an toàn vừa phục vụ cho người tiêu dùng trong nước, vừa phục vụ cho xuất khẩu.”

Qui trình trồng sau sạch để đạt chuẩn

Dù có nhiều khó khăn, nhưng cô Phạm Phương Thảo cho biết với tâm huyết và mong muốn sản phẩm rau củ sạch được sản xuất nhiều hơn tại Việt Nam, cô Phạm Phương Thảo nói rằng đã lên mạng tìm các thông tin liên quan và kiên trì mày mò để đạt được một số thành công mà cô cho rằng chỉ mới là bước đầu.

Cô Phạm Phương Thảo trình bày lại quá trình đến với sản phẩm rau sạch và lập trang trại sản xuất:

“ Ban đầu khi làm organic tôi chỉ nghĩ làm phân phối thôi; nhưng thực ra khi bắt tay vào làm phân phối ở Việt Nam thì mình thấy rằng quá khó. Thứ nhất người tiêu cùng ít và nông dân cũng ít không mấy người biết làm ra thực phẩm hữu cơ ( organic).

Lúc đầu khi tôi làm phân phối, mở cửa hàng ra thì sản phẩm rất ít, đếm trên đầu ngón tay thôi. Những người trồng rau tươi dùng hằng ngày thì không thể kiểm soát được họ. Ví dụ muốn kiểm tra rau theo quí một lần thì họ không làm được.

Do đó, cực chẳng đã tôi phải làm nông dân, đầu tư vào vườn. Đầu năm 2013 tôi mới chính thức làm vườn. Khi tìm được mảnh vườn 2 héc ta ở Long Thành, Đồng Nai thì bắt đầu kiểm tra ( test) đất nước, cảnh quan và sau khi ổn rồi thì bắt đầu trồng trọt theo hướng organic.

Do thông tin không có nhiều nên chúng tôi phải tìm thông tin trên mạng, dự án của các tổ chức phi chính phủ với những thông tin về cách ủ phân, cách trồng trọt. Sang nửa đầu năm 2014, chúng tôi chính thức thuê một công ty tư vấn để họ tự vấn làm sao nguồn ( sản phẩm) của mình đạt chuẩn organic; tức chúng tôi muốn lấy chứng nhận organic quốc tế.

Thực ra việc lấy chứng nhận quốc tế Mỹ hay Châu Âu là ngay từ đầu chúng tôi cũng đã muốn làm đúng và các sản phẩm làm ra phải có chứng nhận quốc tế. Chúng tôi muốn đưa ra những sản phẩm tốt và thông quan đó cũng muốn biết quản lý một nông trại được chứng nhận là như thế nào. Lúc đó khi quay trở lại với nông dân thì mình sẽ có những phương pháp, giải pháp cho nông dân. Trước đây khi làm với nông dân chỉ áp dụng những nguyên tắc như không sử dụng phân bón hóa học, hay không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học hay không sử dụng giống biến đổi gien; thế nhưng khi cây bị sâu bệnh thì thường không có giải pháp cho nông dân. Do đó bị thất bại và mối quan hệ với nông dân không duy trì được lâu dài.

Bây giờ làm nông trại có chứng nhận rồi, trong quá trình suốt hai năm qua chúng tôi cũng ‘ghi chép’ rất nhiều, nay trong trường hợp quay lại với nông dân để mở rộng trong tương lai mình sẽ có giải pháp cho nông dân làm sao phòng ngừa sâu bệnh, hoặc khi bị sâu bệnh thì có những loại thảo dược nảo được sử dụng. Tại vì không phải loại thảo dược nào về vi sinh hay sinh học bán trên thị trường đều được dùng trong chứng nhận organic, mà phải là những loại theo chứng nhận Châu Âu và Mỹ mà chúng tôi đang lấy mới được dùng.

Trong hai năm qua chúng tôi cũng dần xây dựng được hệ thống bán lẻ với hai cửa hàng, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Bây giờ mình cũng thấy tự tin hơn khi quay trở lại hợp tác với nông dân. Trước đây khi hợp tác với nông dân mình không có giải pháp và đầu ra không có nhiều. Bây giờ tốt hơn một chút.”

Chính sách của Nhà nước

Ông Cục trưởng Bảo vệ Thực vật Nguyễn Xuân Hồng cho biết một số chính sách khuyến khích của chính quyền Việt Nam đối với hoạt động trồng rau sạch:

“ Vấn đề khuyến khích trước hết là giá cả. Những người sản xuất được rau an toàn theo đúng tiêu chuẩn thì bán được với giá cao hơn và thị trường ổn định hơn. Thứ hai họ cũng được Nhà nước khuyến khích bằng cách tuyên truyền, giới thiệu về địa chỉ tin cậy. Thứ ba hỗ trợ tập huấn cho người nông dân. Cũng có những hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng: đường giao thông, hệ thống thủy lợi nước tưới đảm bảo an toàn. Những người ở trong khu vực qui hoạch và tham gia vào chuỗi an toàn đó có những lợi ích như vậy.”

Theo cô Phạm Phương Thảo thì việc thực thi tốt những chính sách của Nhà nước, tạo ra được sự tham gia rộng rãi của người nông dân trong lĩnh vực này sẽ giúp giải quyết khó khăn lớn hiện nay là giá của sản phẩm rau củ quả sạch vẫn còn cao.

Một khi sản xuất được đại trà thì giá sẽ giảm và nhiều người dân có điều kiện sử dụng. Cũng từ đó canh tác sẽ mở rộng ra.

Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại các bạn trong chương trình kỳ tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.