Cảnh báo rác thải tràn ngập nông thôn

Rác thải làm mất vẻ mỹ quan và gây ô nhiễm môi trường sống không còn là vấn nạn tại các đô thị của Việt Nam, mà ở những vùng nông thôn trong lành cũng đang bị vấy bẩn bởi nhiều loại rác thải.
Gia Minh, biên tập viên RFA
2011.12.19
racthai-305.jpg Rác thải ở làng Thạch Thất, ngoại thành Hà Nội.
Courtesy dddn

80% rác không được xử lý


Từ năm 2008 đã có những cảnh báo về tình trạng nông thôn ngập tràn rác thải. Cảnh báo đó nay đã trở thành hiện thực làm đau đầu những cơ quan chức năng về môi trường tại khu vực nông thôn, nhất là những khu cận các thành phố lớn.
Một số có ý thức nhưng một số chưa tiếp cận văn minh nên vẫn thải ra bờ suối, ven đường, chỗ vắng người.
Mai Ngọc Hưng
Một thống kê được Ts Vũ Thị Thanh Hương làm việc tại Trung Tâm Tài Nguyên Nước và Môi trường, thuộc Viện Khoa học Thủy Lợi nêu ra hồi cuối năm 2008 cho thấy mỗi người dân nông thôn cũng thải ra mỗi ngày hơn 0,34 kg chất thải. Có chừng một phần ba người dân tự xử lý bằng cách chôn lấp hay đốt rác thải, còn lại đổ ra bất cứ nơi lộ thiên nào mà họ có thể đổ như ven đường, cạnh sông, suối...

Tình hình mỗi lúc một kém hơn bởi trong thực tế số địa phương ở nông thôn chăm lo đến công tác thu gom rác thải vẫn còn rất ít. Trong khi đó người dân một lúc một đông lên , họat động xả thải tất nhiên tăng tương ứng.

Hiện nay,mỗi khi đi qua các khu vực nông thôn, cảnh bao nylon và các lọai rác thải đuợc đổ nhiều nơi không còn là hiếm hoi nữa.

Con số mới nhất do Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông Thôn đưa ra là lượng rác thải nông thôn trong năm năm qua tăng hơn 17% từ chừng 10 triệu tấn hồi năm 2006 lên 13 triệu tấn rưỡi hiện nay. Có đến 80% rác thải nông thôn không được xử lý.

Một nông dân tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long cho biết thực tế về tình hình xả thải ra môi trường tại địa phương của ông:

image20579-250.jpg
Rác thải được người dân thải thảng vào ao ở Sóc Trăng. Courtesy soctrang.vn
"Hiện cấp huyện có những trung tâm đổ rác, cấp xã thì chưa thấy. Bao nylon thì đưa ra ruộng được, ruộng ĐBSCL rộng, dân đốt. Nơi nào chưa có chỗ tập trung thì họ đổ ra hầm sau nhà và đốt. Nhà vệ sinh thì hầu như ở thị trấn đã có cầu tự hủy, về vùng nông thôn còn cầu cá tra."

Anh Mai Ngọc Hưng ở khu vực Đồng Nai, một người tham gia họat động thu gom rác thải lâu nay ở đó, cho biết về tình hình tại địa phương nơi anh sinh sống về rác thải:

"Một số có ý thức nhưng một số chưa tiếp cận văn minh nên vẫn thải ra bờ suối, ven đường, chỗ vắng người. Thường đó là những nơi xa dân cư, thưa dân nên công tác thu gom chưa có. Dân nông thôn hay đốt và thải ra môi trường nhưng không nghĩ đến hậu quả sau này. Dù nhiều chỗ được khắc phục, nhưng một phần cũng còn như vậy."

Nguy cơ gây ô nhiễm


Một cán bộ nông nghiệp tại Khu vực Đồng bằng Bắc Bộ cũng nói về tình hình tại nơi ông ở:
Mong muốn cơ quan chức năng tạo điều kiện cho việc vận chuyển rác. Nếu có rỉ nước thải ra một chút cơ quan chức năng nên tạo điều kiện giúp khắc phục.
Mai Ngọc Hưng
"Theo Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn Việt Nam thì hiện nay có từ 30 đến 40% các xã ở nông thôn có những tổ dịch vụ thu gom rác thải theo hình thức tự quản. Tuy nhiên thực tế khiến nhiều người nghi ngờ về con số đó."

Bản thân anh Mai Ngọc Hưng từng họat động trong lĩnh vực này lâu nay cho biết về thực tế thuận lợi, khó khăn của công việc mà anh đang thực hiện:

"Bây giờ đang làm cầm chừng vì còn mưa, khi nào sang tháng nắng mới làm nhiều được. Trước đây tự phát, bây giờ các cơ quan chức năng cũng thành lập ra hợp tác xã để thu gom và mình đến mua về. Một số là tư nhân, một số theo hình thức hợp tác xã. Đội ngũ thu gom còn mỏng. Lý do thứ nhất vì có chỗ quá ít dân nên một hai tuần mới đến thu gom, thứ hai do ý thức dân nông thôn họ còn nghĩ đến chuyện tiền nên không dám bỏ tiền ra trả cho người thu gom.

Làm thu gom rác chủ yếu một phần mang lại thu nhập nhưng không thể làm giàu nhờ nghề này được. Tại nông thôn mà phát động được như thế để nâng cao nhận thức cho người dân.

racthai2-250.jpg
Rác thải ở làng Thạch Thất, ngoại thành Hà Nội. Courtesy dddn.
Lúc đầu nhiều người nghĩ làm việc này khấm khá nên một số người có tham gia nhưng sau đó vì vất vả mà không thu nhập cao nên ai cũng bỏ.
Mong muốn cơ quan chức năng tạo điều kiện cho việc vận chuyển rác. Nếu có rỉ nước thải ra một chút cơ quan chức năng nên tạo điều kiện giúp khắc phục. Nên thành lập nên nhiều hợp tác xã để thu gom rác…"

Nguồn thải ra ở nông thôn được nói nếu biết tận dụng sẽ là nguyên liệu để sản xuất ra những lọai phân bón hữu cơ phục vụ cho công tác trồng trọt trở lại.

Dẫu biết thế nhưng quan tâm của các cấp quản lý xạ hội trong lãnh vực này có thể nói chưa đúng mức nên các chất thải nông thôn vẫn tràn ra mỗi lúc mỗi nhiều mà không được xử lý đúng mức, và trở nên một nguy cơ gây ô nhiễm.

Mục Khoa học - Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ tới. Gia Minh chào tạm biệt.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.