Nguyễn Phương tạ từ tri âm

Thưa quý thính giả, Nguyễn Phương thực hiện chương trình cổ nhạc Đài Á Châu Tự Do được đúng 4 năm, kể từ buổi phát thanh đầu tiên tháng giêng năm 2006. Tính đến tháng 11 năm 2009, có 200 chương trình cổ nhạc.
Soạn giả Nguyễn Phương, RFA
2009.12.06
nguyen-phuong-2-305.jpg Soạn giả Nguyễn Phương
Hình của Soạn giả Nguyễn Phương

Hôm nay Nguyễn Phương quyết định nghỉ việc nên xin được phép ngỏ lời cám ơn Ông Giám Đốc Ban Việt Ngữ và các anh em trong Ban Việt Ngữ của Đài Á Châu Tự Do đã thân ái giúp đỡ Nguyễn Phương trong khi Nguyễn Phương thực hiện chương trình cổ nhạc này.

Nguyễn Phương xin cám ơn quý thính giả trong một thời gian dài đã chú ý lắng nghe những chương trình cổ nhạc và có nhiều thính giả đã gởi email hoặc thư riêng khen ngợi và khuyến khích Nguyễn Phương, đặc biệt xin cám ơn các bạn đã gọi điện thoại nêu những thắc mắc để cho Nguyễn Phương có cơ hội đề cập đến nhiều khía cạnh của nghệ thuật sân khấu cải lương trong những năm đầu thế kỷ 21 này.

Nghỉ hưu hưởng nhàn

Anh Hai: Allô ! Anh Nguyễn Phương đó hả?

Nguyễn Phương: Dạ, tôi đây, anh Hai gọi điện thoại cho tôi có chuyện chi vậy, hả anh Hai?

Anh Hai: Tôi nghe nói anh Nguyễn Phương chấm dứt chương trình cổ nhạc do anh thực hiện cho Đài RFA. Tôi và nhiều bạn hữu, mà tôi tin là thính giả bốn phương thích cổ nhạc khi biết tin này thì cũng giống chúng tôi là rất tiếc về sự nghỉ việc của anh Nguyễn Phương. Chương trình cổ nhạc trên đài RFA là một chương trình rất nhiều thính giả yêu thích và có giá trị của một ngành nghệ thuật đang trong nguy cơ suy tàn.

Anh có thể cho biết lý do được không? Thời gian anh cộng tác với đài RFA, anh có cảm giác ra làm sao?

Tôi hy vọng qua các chương trình cổ nhạc trên đài RFA, tôi đóng góp những thông tin và tài liệu hữu ích cho kho sử liệu về nghệ sĩ và nghệ thuật cải lương trong hơn năm mươi năm cuối thế kỷ 20 vừa qua.

Soạn giả Nguyễn Phương

Nguyễn Phương: Anh Hai ơi…Tôi bây giờ đã 88 tuổi ta rồi. Tết này là tôi 89 tuổi, nghĩa là già quá rồi. Người ta nghỉ hưu từ năm 65 tuổi, tôi tới cái tuổi này, nghỉ làm việc là trễ quá rồi. Tôi tin là sẽ có nhiều bạn trẻ hiểu rành về bộ môn nghệ thuật sân khấu cải lương, biết rõ những nghệ sĩ trẻ sau năm 1975 và những tuồng tích mới, những cải tiến mà người ta gọi là nâng cấp cải lương đó, các bạn trẻ đó sẽ đưa những thông tin về cải lương và sẽ gợi lên những luận bàn của những nhà am hiểu nghệ thuật cải lương và khán thính giả ái mộ cải lương.

Trả lời câu hỏi của anh Hai: Tôi có cảm giác ra sao trong thời gian cộng tác với đài RFA. Tôi nói thật là tôi rất vinh hạnh được là cộng tác viên của Đài RFA vì tôi nhận thấy đây là một cơ quan truyền thông có tin tức mau lẹ, chính xác, khách quan và trung thật, nhất là những tin tức xảy ra trong đất nước Việt Nam và một số nước ở Á Châu, nơi mà người ta thường nói là có bức màn sắt, che dấu những tin tức liên quan đến đời sống, đến nhân quyền và ảnh hưởng đến sự tồn vong của nước Việt Nam trước tham vọng thôn tính của nước lớn.

Đài RFA được nhiều thính giả trong nước và khắp năm châu đón nghe nên chương trình cổ nhạc cũng được nhiều thính giả thưởng thức. Tôi rất vui và hạnh phúc khi thấy các chương trình cổ nhạc của tôi được các trang Web cải lương Việt Nam ở Việt Nam, các trang web cổ nhạc của tiến sĩ giáo sư Trần Quang Hải, giáo sư Phú Thứ ở Paris và nhiều trang web cổ nhạc ở Úc Châu, ở Westminster, San José và các báo Việt ngữ ở Úc Châu, ở Vancouver, ở Toronto đăng lại các bài phát thanh cổ nhạc của đài RFA.

Điều đó chứng tỏ những tài liệu về tiểu sử, hoạt động của các nghệ sĩ cải lương từ thế hệ nghệ sĩ tiền phong đến thế hệ các nghệ sĩ kế thừa đều chính xác. Tôi hy vọng qua các chương trình cổ nhạc trên đài RFA, tôi đóng góp những thông tin và tài liệu hữu ích cho kho sử liệu về nghệ sĩ và nghệ thuật cải lương trong hơn năm mươi năm cuối thế kỷ 20 vừa qua.

Sưu tập, học hỏi

Soạn giả Nguyễn Phương
Soạn giả Nguyễn Phương
Hình của Soạn giả Nguyễn Phương

Anh Hai: Thưa anh Nguyễn Phương, tôi biết là anh đã 88 tuổi ta, xin anh cho biết nhờ bí quyết nào mà anh có được một trí nhớ có thể nói là tuyệt vời. Anh nhớ đại đa số các nghệ sĩ qua nhiều thế hệ, nhớ tiểu sử, ngày sanh, ngày mất của các nghệ sĩ tiền phong, nhớ những đoàn hát nào các nghệ sĩ đó đã cộng tác, những tuồng tích, nhớ các rạp hát ở Saigon, rạp hát ở nhiều tỉnh. Anh cũng biết gia cảnh của nhiều nghệ sĩ tài danh trẻ, những gì đang xảy ra liên quan đến đời sống của nghệ sĩ và nghệ thuật hát cải lương. Anh có một tri thức vững chắc về kỹ thuật và nghệ thuật sân khấu. Nói chung các chương trình cổ nhạc do anh thực hiện trên đài RFA được các nghệ sĩ cải lương ở Việt Nam, các nghệ sĩ định cư ở Pháp, ở Úc, ở Hoa Kỳ công nhận là đúng đắn, đầy đủ. Những nghệ sĩ được anh đề cập đến trong chương trình cổ nhạc trên RFA, được trang web cải lương Việt Nam đăng lại, không có nghệ sĩ nào phản đối nói là anh nói không đúng về tiểu sử và hoạt động nghệ thuật của họ. Anh có thể chia sẻ bí quyết để có một trí nhớ như anh không?

Còn nhiều nghệ sĩ trẻ tài năng và tâm huyết với cải lương, tôi tin là sẽ có bạn trẻ nối tiếp con đường quảng bá và tìm cách phục hồi nghệ thuật sân khấu cải lương.

Soạn giả Nguyễn Phương

Nguyễn Phương: Tôi không có bí quyết đặc biệt nào cả. Tôi nhớ về nghệ sĩ và nhiều sự việc liên quan đến các đoàn hát và nghệ thuật sân khấu cải lương, là vì tôi sống và làm việc ở đoàn hát liên tục hơn bốn chục năm.

Khi đi định cư tại Canada thì hành trang tôi mang theo cũng là những hình ảnh các nghệ sĩ, các tuồng tích, các sách lý luận về kỹ thuật và nghệ thuật sân khấu.

Đến năm 1993, tôi viết về nghệ thuật sân khấu cải lương cho tờ báo Nghệ Thuật ở Montréal. Từ năm 1995 cho đến năm 2009 này, tôi viết trang nghệ thuật sân khấu cho tuần báo Thời Báo ở Montréal và Toronto, đồng thời phụ trách chương trình cổ nhạc trên đài Tiếng Nói Việt Nam phát thanh tại Montréal và Toronto.

Để cập nhật tin tức về nghệ sĩ cải lương và các hoạt động sân khấu ở trong nước và ở những nước có nhiều nghệ sĩ cải lương định cư, tôi liên lạc với các bạn nghệ sĩ, trao đổi tin tức. Tôi thường xuyên giúp đỡ tiền nong cho các bạn nghệ sĩ nghèo ở Việt Nam, đáp lại các bạn và đệ tử của tôi ở Việt Nam gởi qua cho tôi những số báo về Sân Khấu. Và từ đó đến nay, tôi thường xuyên nhận được tin tức và báo chí về nghệ sĩ và nghệ thuật cải lương. Về băng video và DVD tuồng cải lương, tôi sưu tập, mua bản gốc hoặc sang lại không dưới 500 tuồng.

Tôi có thói quen khi xem video một tuồng cải lương nào thì tôi viết lại tóm tắt cốt truyện, tên các nghệ sĩ thủ những vai nào trong tuồng và ghi nhận xét của tôi về nội dung và diễn xuất của tuồng đó, khi cần viết thì tôi không phải mất công sưu tầm tài liệu.

Tôi lập thành những tập hồ sơ ghi về tiểu sử và cuộc đời hoạt động của các nghệ sĩ tiền phong, hồ sơ về các nghệ sĩ tài danh các thập niên 50, 60, 70, hồ sơ về các nghệ sĩ sau năm 1975, thuộc về thế hệ kế thừa.

Khi về thăm quê hương, tôi nhiều lần đến nghĩa trang nghệ sĩ, chụp hình tất cả các mộ bia và hủ đựng tro cốt các nghệ sĩ để biết chắc ngày, năm sinh và ngày, tháng năm tử.

Nhiều lần tôi đi du lịch qua Pháp, Virginia, Westminster, Việt Nam, tôi được các nghệ sĩ bạn hữu và đàn con cháu tiếp đón, đãi tiệc hoặc tổ chức đàn ca vui với nhau, lần nào tôi cũng chuẩn bị sẵn những câu hỏi để hỏi biết về cuộc sống và hoạt động nghệ thuật của các bạn.

Tôi có máy ghi âm digital, có camera quay phim nên những phương tiện kỹ thuật đó giúp cho tôi ghi nhớ những gì các bạn kể cho tôi nghe. Tôi chỉ cần lắng nghe các băng ghi âm, ghi hình, viết lại thì tài liệu đó là tài liệu chính xác rồi.

Năm tôi 80 tuổi (2002) tôi bắt đầu học sử dụng computer, từ đó tôi lần lượt ghi vào bộ nhớ của máy tính tất cả những tài liệu về nghệ sĩ và nghệ thuật mà tôi sưu tầm trong hơn mười lăm năm liên tục. Sau đó, tôi tìm tài liệu trên các trang báo điện tử, phân loại những bài viết nào đúng hay sai, hiệu đính nếu cần để bổ sung cho những hiểu biết của tôi.

Anh Hai: Tôi khâm phục tinh thần học hỏi và sự làm việc kiên trì của anh trong một thời gian rất dài, nhất là ở tuổi 80 anh mới học sử dụng máy computer mà anh sử dụng được thành thạo, phải có một trí nhớ tuyệt vời mới được như vậy. Tôi thấy anh vẫn còn minh mẫn, giọng nói sảng khoái chứng tỏ sức khỏe anh vẫn tốt, sao anh không tiếp tục thực hiện chương trình cổ nhạc mà nhiều thính giả ưa thích và cũng rất có ích cho việc quảng bá nghệ thuật sân khấu cải lương, đó cũng là ý nguyện của anh, phải không anh?

Nguyễn Phương: Cám ơn mỹ ý của anh Hai. Tuổi của tôi là đến lúc phải được hưởng chữ Nhàn. Cuộc đời tôi đã có những thành công nhất định trong việc sáng tác tuồng cải lương, trong việc viết báo nghệ thuật và làm chương trình phát thanh cổ nhạc, tôi biết lúc này là lúc tôi phải dừng lại.

Còn nhiều nghệ sĩ trẻ tài năng và tâm huyết với cải lương, tôi tin là sẽ có bạn trẻ nối tiếp con đường quảng bá và tìm cách phục hồi nghệ thuật sân khấu cải lương.

Tôi có mấy câu thơ tự thán, xin tặng anh Hai và các thính giả yêu mến Nguyễn Phương:

        Nghệ sĩ định cư nơi xứ người

        Màn nhung rực sáng chỉ trong mơ

        Đào sâu nỗi nhớ, tìm sân khấu

        Chợt ngẫm ra mình sắp chín mươi!

Thưa quý thính giả, một lần nữa Nguyễn Phương xin cám ơn quý thính giả đã chịu khó lắng nghe các chương trình cổ nhạc. Nguyễn Phương xin kính chào quý thính giả!

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.