Quyền phụ nữ - luật và thực tế

Ngoài quyền lợi của một công dân, phụ nữ còn có các quyền được quy định rõ trong Hiến pháp Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là quyền có địa vị pháp lý bình đẳng với nam giới về mọi mặt, quyền được bảo vệ khỏi mọi hành vi phân biệt đối xử, quyền được bảo vệ tạo điều kiện để có thể thực hiện tốt chức năng làm mẹ, là người lao động (Điều 40, Điều 63).
Khánh An phóng viên đài RFA
2009.11.12

Tuy nhiên trong thực tế, nhiều phụ nữ Việt Nam không có khái niệm và cũng chưa từng bao giờ đặt câu hỏi về các quyền của mình. Kỳ này, Tạp chí Phụ Nữ sẽ tìm hiểu về ý thức của một số phụ nữ về các quyền của mình cũng như vai trò của các tổ chức phi chính phủ trong việc nâng cao sự bình đẳng cho phụ nữ Việt Nam.

Những quyền lợi người phụ nữ không biết

Action Aid, một tổ chức phi chính phủ đang hoạt động trong việc xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam, nhận xét rằng “có một khoảng cách giữa quy định và thực tế” trong vấn đề quyền và bình đẳng giới ở Việt Nam. Mặc dù các quyền của phụ nữ đã được đưa vào luật từ rất lâu, nhưng nhiều phụ nữ hoàn toàn không được hưởng lợi từ các luật định này.

Có thể thấy rõ nhất sự thiệt thòi của phụ nữ trong vấn đề sở hữu tài sản, đặc biệt là phụ nữ ở nông thôn hoặc ở các vùng cao tây nguyên. Tổ chức Action Aid đã phỏng vấn và khảo sát tình trạng này ở một số tỉnh thành tại Việt Nam. Rất nhiều phụ nữ chưa bao giờ đặt vấn đề về việc đồng sở hữu nhà cửa, đất đai về mặt luật pháp với chồng mình. Quỳnh Anh, phụ trách về lĩnh vực Quyền phụ nữ của tổ chức Action Aid, kể về kết quả khảo sát như sau:

Có thể thấy rõ nhất sự thiệt thòi của phụ nữ trong vấn đề sở hữu tài sản, đặc biệt là phụ nữ ở nông thôn hoặc ở các vùng cao tây nguyên. Tổ chức Action Aid đã phỏng vấn và khảo sát tình trạng này ở một số tỉnh thành tại Việt Nam. Rất nhiều phụ nữ chưa bao giờ đặt vấn đề về việc đồng sở hữu nhà cửa, đất đai về mặt luật pháp với chồng mình.

Bọn em có làm khảo sát về tình hình tiếp cận đất đai của phụ nữ trong 6 vùng dự án của bọn em thôi. Ở Việt Nam, chính phủ Việt Nam có luật quy định là cả nữ và nam đều có quyền đứng tên trên sổ đỏ, tức là Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất. Nhưng trong thực tế khi bọn em đi làm khảo sát, rất nhiều phụ nữ không biết được việc họ có quyền đứng tên trong sổ đỏ đấy. Bởi vì từ xưa đến nay, họ vẫn quan niệm là đứng tên trên sổ đỏ là người chủ gia đình. Mà ở Việt Nam, phần lớn vẫn quan niệm chủ gia đình là người đàn ông. Thế cho nên họ vẫn nghĩ rằng là người đứng tên là người đàn ông và họ không biết là họ cũng có quyền đứng tên trong sổ đỏ đấy.

Cũng từ thực tế trên mà khi đối diện với vấn đề ly hôn hay người chồng qua đời, người phụ nữ gặp rất nhiều thiệt thòi và rắc rối về mặt giấy tờ và luật pháp. Chính vì vậy, công việc mà tổ chức Action Aid đang cố gắng thực hiện là trang bị các kiến thức về quyền phụ nữ, tạo điều kiện, thúc đẩy phụ nữ thực hiện các quyền này. Đây là một yếu tố quan trọng mà theo tổ chức này có thể giúp đẩy lùi tình trạng đói nghèo tại Việt Nam. Quỳnh Anh cho biết những nỗ lực mà Action Aid đã làm để giúp một số phụ nữ thực hiện quyền được tiếp cận và sử dụng đất đai:

Nhưng trong thực tế khi bọn em đi làm khảo sát, rất nhiều phụ nữ không biết được việc họ có quyền đứng tên trong sổ đỏ đấy. Bởi vì từ xưa đến nay, họ vẫn quan niệm là đứng tên trên sổ đỏ là người chủ gia đình. Mà ở Việt Nam, phần lớn vẫn quan niệm chủ gia đình là người đàn ông.

Thứ nhất là bởi vì họ thiếu thông tin thì mình sẽ cung cấp thông tin để cho tất cả mọi người hiểu rằng họ có quyền được như vậy, tức là người phụ nữ biết rằng là họ có quyền đứng tên trong sổ đỏ. Thứ hai nữa là ở những vùng các chị gặp khó khăn khi làm sổ đỏ có thể mất một số chi phí thì mình có thể can thiệp với các lãnh đạo địa phương để làm thế nào có thể giảm chi phí hoặc hỗ trợ một phần chi phí để người ta có thể chuyển sổ đỏ sang có tên cả vợ và chồng.

Truyền thống và luật pháp

Một trong những vấn nạn lớn liên quan đến quyền phụ nữ là tình trạng bạo hành trong gia đình đối với nữ giới. Mặc dù bạo hành xảy ra phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng riêng tại Việt Nam, quan niệm “đàn ông làm chủ” truyền thống đã góp phần làm cho những họat động chống bạo hành có phần khó khăn hơn. Thạc sĩ Nguyễn Vân Anh, Giám Đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Giới, Gia Đình và Phụ Nữ, đã có lần trả lời phóng viên Phương Anh như sau:

Họ không chấp nhận tình trạng có cưỡng hiếp trong hôn nhân bởi vì trong luật bạo hành giới, người ta có đưa ra một cái là “cưỡng hiếp trong hôn nhân” và người vợ tố cáo thì cũng bị vi phạm luật. Nhưng mà người ta cho rằng là trong hôn nhân thì không có cái gọi là “cưỡng hiếp” vì trong văn hóa Việt Nam, người ta cho rằng đã là vợ thì phải chiều chồng. Thế nhưng mà người ta quên đi mất là có một cái quyền con người và quyền phụ nữ là người ta có quyền từ chối khi mà sức khỏe hay là ngay cả cảm giác không được tốt lắm thì người ta có quyền từ chối.

Trước những thực trạng trên, vai trò của các tổ chức xã hội là rất quan trọng. Trong bài viết nghiên cứu về “Vai trò của các tổ chức phi chính phủ trong việc thực thi pháp luật về bình đẳng giới ở Việt Nam”, Tiến sĩ Vương Thị Hạnh, thừa nhận một thực tế là “Nếu như trong nền kinh tế kế họach hóa tập trung, bao cấp, Nhà Nước lo tất cả cho dân, thì trong nền kinh tế thị trường Nhà Nước không thể can thiệp vào mọi việc” và “Trong tình hình mới, sự tồn tại chỉ duy nhất những tổ chức chính trị, xã hội như Hội Phụ Nữ, Hội Nông dân, Đòan Thanh Niên, Tổng liên đòan Lao động Việt Nam, Hội Cựu chiến bình v.v… tỏ ra bất cập, không đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cộng đồng và các nhóm đối tượng đa dạng”.

Thêm một thực tế khác nữa là giữa luật và việc thi hành luật tại Việt Nam thường tồn tại một khỏang cách khá lớn. Điều này góp phần tạo ra tâm lý thiếu niềm tin hay tách bạch luật và thực tế. Có nhiều phụ nữ vẫn biết đến luật chống bạo hành, thế nhưng khi rơi vào tình huống tương tự, lại không dám lên tiếng vì không tin sẽ có một tổ chức hay cá nhân nào có thể can thiệp hay giải quyết chuyện nhà của mình. Cũng trong lần phỏng vấn trước, Thạc sĩ Nguyễn Vân Anh, nhận xét:

Thực ra, mình nghĩ là từ luật được ban hành cho tới việc thực thi được tất cả những cái điều đấy được tốt, thì còn phải mất một khỏang thời gian vì ở Việt Nam rất nhiều luật đã có rồi, đã ra đời, nhưng việc thực thi vẫn chưa được tốt lắm. Mình hy vọng là trong thời gian tới, nói chung là phải dần dần, bởi vì phải làm truyền thông cho cộng đồng để họ thay đổi nhận thức, đòi hỏi quyền được thực thi các luật.

Nói tóm lại, chính những họat động tích cực của các tổ chức phi chính phủ đã giúp thu hẹp khỏang cách giữa luật định và thực tế. Qua các nghiên cứu, khảo sát thực tế, các tổ chức trên góp phần tăng cường năng lực quản lý Nhà Nước, đồng thời đóng vai trò như những giám sát viên theo dõi việc thực hiện quyền con người nói chung và quyền phụ nữ nói riêng tại Việt Nam.


Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
16/01/2010 22:25

Chúng tôi là những người phụ nữ vẫn biết nhà nước ta đã có luật chống bạo hành gia đình và bảo vệ quyền phụ nữ. Nhưng vấn đề bạo hành gia đình ở địa phương tôi đặc biệt là giáo viên nam ngày càng phổ biến. khi chúng tôi lên tiếng cũng chẳng biết tổ chức nào thực sự đứng ra bảo vệ cho phụ nữ chúng tôi. xin tổ chức action aid chỉ giúp hay có giải pháp nào hữu hiệu để giúp địa phương mà đặc biệt là ý thức trách nhiệm của giáo viên nam ở địa phương huyện KrôngPăk tỉnh ĐăkLăl này.(hãy cho tôi quyền làm người)

Anonymous
02/06/2011 14:28

Tôi là người phụ nữ bị bạo hành cả về thể xác và tinh thần, nhưng khi ly hôn, lại mất luôn quyền nuôi con,tôi hoàn toàn mất niềm tin vào cái gọi là nhân quyền người phụ nữ và công lý trong xã hội ngày nay.
Nếu có kiếp sau, tôi không bao giờ mong mình là phụ nữ Việt Nam, thiệt thòi trăm bề.