Phụ nữ Arap Saudi sẽ được bầu cử & ứng cử

Phụ nữ Arap Saudi sẽ được đi bầu vào năm 2015, và sẽ có đại diện tại hội đồng Shura, tương đương với quốc hội ở các nước khác.
Việt Hà, phóng viên RFA
2011.10.04
000_Nic249582-305.jpg Phụ nữ Saudi Arabia tại Triển lãm tác phẩm nghệ thuật ở thủ đô Riyadh.
AFP PHOTO / Hassan Ammar

Quyết định mới này của nhà vua Abdullah được thế giới coi là một bước ngoặt lịch sử quan trọng của đất nước lớn nhất trung đông này nơi phụ nữ chiếm đến hơn 45% dân số. Vậy người phụ nữ Saudi nghĩ gì về những thay đổi này và họ mong muốn điều gì? Trang tạp chí phụ nữ tuần này xin gửi đến quý thính giả những tìm hiểu về những thay đổi này qua lời kể của một blogger nữ nổi tiếng Saudi, cô Eman Al Nafjan hiện đang sống ở thủ đô Riyadh.

Một bước đột phá

Cứ sáng sáng mỗi ngày, Eman thức dậy và bắt đầu một ngày mới bằng tách café với chồng, chuẩn bị cho ba đứa con đến trường, sau đó chào từ biệt chồng để đi làm trên một chiếc xe con do người tài xế làm thuê cho gia đình cô lái. Cô Eman Al Nafian cho biết:

Đây là kết quả của một chiến dịch diễn ra trong một thời gian dài với nỗ lực của rất nhiều phụ nữ Saudi để nhà vua có thể đi đến quyết định cho phụ nữ đi bầu.

Eman Al Nafian

“Tôi thức dậy vào sáng sớm, uống café với chồng rồi rời nhà đi làm. Tôi có một tài xế riêng lái xe cho tôi mỗi ngày. Người này sống với gia đình chúng tôi, anh ta có một buồng riêng bên ngoài nhà.”

Eman là giáo viên. Mỗi sáng cô có lớp dạy đầu tiên vào lúc 8 giờ sáng, lớp cuối cùng kết thúc vào 2 giờ chiều. Sau đó cô sẽ về nhà trên chiếc xe do người tái xế lái. 
Cuộc sống đều đặn diễn ra như vậy đã từ nhiều năm nay với Eman và gia đình cô. Nhưng có thể chỉ trong một ngày không xa những gì mà Eman và gia đình vẫn làm thường ngày sẽ thay đổi bởi ảnh hưởng của những cải thiện trong quyền phụ nữ tại Arap Saudi.

Cải thiện đầu tiên trong quyền phụ nữ ở  Arap Saudi được cả thế giới chú ý và nói đến nhiều nhất trong suốt tuần rồi và có lẽ còn kéo dài trong nhiều ngày tới là lời tuyên bố của quốc vương Abdullah trước hội đồng Shura vào ngày 25 tháng 9 vừa qua:

“Bắt đầu từ nhiệm kỳ tới, phụ nữ sẽ quyền tham gia ứng cử trong các cuộc bầu cử cấp thành phố và được bầu chọn ứng cử viên theo đúng luật Hồi giáo.”

Lời tuyên bố này của nhà vua ngay lập tức đã nhận được sự đón chào nồng nhiệt của không chỉ những phụ nữ Arap Saudi mà còn của cả các nhóm nhân quyền quốc tế. Giám đốc Human Right Watch phụ trách khu vực Trung Đông, bà Sarah Leah phát biểu trong tuyên bố của mình vào ngày 26 tháng 9 rằng:

“Lời hứa hẹn sẽ cho phụ nữ được quyền đi bầu của quốc vương Abdullah được mọi người đón nhận, xem đó là bước đi cho thấy những phân biệt đối xử với phụ nữ của quốc gia này đang dần được xóa bỏ.”

Đối với Eman, lời tuyên bố này mang rất nhiều ý nghĩa với phụ nữ Saudi nhưng dường như vẫn chưa đủ, Cô Eman phát biểu:

INDIA_KASHMIR_PROTEST_AN_23-200.jpg
Hai Phụ nữ Hồi Giáo tại Kashmir. AFP PHOTO.
“Nó có ý nghĩa rất nhiều. Đây là kết quả của một chiến dịch diễn ra trong một thời gian dài với nỗ lực của rất nhiều phụ nữ Saudi để nhà vua có thể đi đến quyết định cho phụ nữ đi bầu. Đây là điều tuyệt vời và là lý do để chúng ta ăn mừng. Tuy nhiên thật khó mà lý giải làm thế nào để phụ nữ được tham gia vào quốc hội mà lại không được quyền lái xe. Khi có thể được bầu vào quốc hội thì làm sao họ lại không thể ngồi đằng sau tay lái được?”

Tại Arap Saudi, từ năm 1990 đã có lệnh cấm chính thức mọi phụ nữ được quyền lái xe trên đường phố. Những phụ nữ nào bị bắt gặp lái xe sẽ  phải chịu phạt. Thường thì hình phạt là bị cấm không cho đi làm một thời gian, hoặc bị giam trong vài ngày. Tuy nhiên chỉ vài ngày sau khi nhà vua công bố quyết định của mình, đã có một phụ nữ Saudi bị phạt đánh 10 roi vì tội lái xe. Đây là điều mà Eman chưa từng thấy trước đó. Nhiều phân tích gia cho rằng đây có thể là phản ứng của tòa án về quyết định mới đây của nhà vua. Ở Arap Saudi vẫn còn những người bảo thủ không muốn cho phụ nữ lái xe vì coi đây là một ảnh hưởng không tốt từ các nước phương Tây. Người phụ nữ này sau đó đã được quốc vương Abdullah ân xá.

Không những bị cấm lái xe, phụ nữ Saudi còn không được lên xe buýt công cộng. Theo Eman đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều phụ nữ Saudi không thể đi làm.

Cần thay đổi việc giám hộ

Hiện chỉ có đàn ông trong Hội đồng mà không có phụ nữ đại diện cho quyền lợi của người phụ nữ Saudi. Vì vậy có đại diện phụ nữ trong Hội đồng Shura là một bước đột phá.

Eman Al Nafian

Ngoài việc bị cấm lái xe, phụ nữ Arap Saudi còn bị bó buộc bởi một quy định về người giám hộ. Tất cả phụ nữ ở Saudi đều cần phải có một người giám hộ là nam giới trong gia đình khi làm bất cứ điều gì được cho là quan trọng. Phụ nữ Saudi muốn đi ra nước ngoài cũng phải có người giám hộ đi cùng. Một phụ nữ muốn có một phẫu thuật quan trọng ở bệnh viện cũng phải có giấy đồng ý của người giám hộ. Nhiều công ty ở Saudi và các cơ quan chính phủ yêu cầu những phụ nữ Saudi lần đầu tiên đi làm phải xuất trình giấy chứng nhận từ người giám hộ cho phép họ được đi làm.  Theo Eman, đây là điều hết sức vô lý:

“Tôi không nghĩ hệ thống giám hộ là cần thiết, đặc biệt là đối với phụ nữ ở độ tuổi 30 như tôi và là mẹ của 3 con, tôi đi học, đi dạy ở trường thì làm sao mà tôi có thể có trách nhiệm với những việc tôi làm nếu tôi không thể có trách nhiệm với chính bản thân mình?”

Theo Eman thì người phụ nữ theo đạo Hồi rất cần người giám hộ trong một trường hợp quan trọng duy nhất là khi kết hôn. Tất cả những trường hợp giám hộ khác tại Saudi là không cần thiết và cần phải dỡ bỏ vì kéo theo nhiều hậu quả. Cô giải thích:

“Trên thực tế có nhiều trường hợp người giám hộ tìm cách lợi dụng người phụ nữ. Người giám hộ có thể nói là vì cô cần giấy phép của tôi thì cô phải trả tiền cho tôi. Cho nên theo tôi hệ thống giám hộ cần phải được dỡ bỏ.”

Hệ thống giám hộ cũng khiến người phụ nữ ở Saudi không thể kết hôn theo ý muốn của mình. Bất cứ phụ nữ Saudi nào muốn kết hôn với ai đều phải được sự đồng ý của cha mình. Nếu người cha không đồng ý thì ông ta hoàn toàn có thể tới tòa để yêu cầu ngưng đám cưới hoặc thậm chí bắt họ ly dị nếu đã cưới. Theo Eman đã có những trường hợp người cha không muốn cho con gái kết hôn vì muốn cô tiếp tục đi làm và nộp thu nhập về cho gia đình.

000_Hkg2552726-200.jpg
Một phụ nữ Hồi Giáo người Uighur cao tuổi với một tấm màn che trên đầu. AFP PHOTO / Goh CHAI Hin.
Mặc dù quyền của người phụ nữ ở Arap Saudi bị hạn chế rất nhiều so với các nước khác trên thế giới nhưng phụ nữ Saudi lại có học vấn khá cao. Có khoảng 70% sinh viên đăng ký học tại các trường đại học ở nước này là nữ. Và có khoảng 60% sinh viên tốt nghiệp hàng năm là nữ. Điều đáng tiếc là phần đông trong số họ dù có học vấn cao nhưng lại không thể đi làm vì những quy định khắt khe trong luật. Eman giải thích:

“Có những mâu thuẫn ở Saudi, trong khi 60% sinh viên tốt nghiệp đại học ở Saudi là nữ nhưng những phụ nữ này sau khi tốt nghiệp đại học lại chỉ ở nhà vì họ không được lái xe. Nếu ai muốn thuê họ thì phải có khu vực làm việc riêng dành cho phụ nữ tách khỏi đàn ông, và còn có rất nhiều điều kiện khác khiến các công ty không muốn thuê phụ nữ làm việc. Vì thế mà có rất nhiều phụ nữ tốt nghiệp đại học ở Saudi nhưng lại không có tương lai.”

Hiện phụ nữ chỉ chiếm khoảng 5% lực lượng lao động ở Arap Saudi.

Tuyên bố mới của quốc vương Abdullah cũng cho phép phụ nữ Saudi được chỉ định vào các ghế trong hội đồng Shura, một cơ quan tương tự như quốc hội ở các nước khác. Eman cho rằng quyết định này còn quan trọng hơn cả quyết định cho phép phụ nữ đi bầu. Cô nói:

“Đây là điều thật tuyệt vời, nó còn quan trọng hơn cả được đi bầu vì Hội đồng Shura cũng tương tự như quốc hội và hiện chỉ có đàn ông trong Hội đồng mà không có phụ nữ đại diện cho quyền lợi của người phụ nữ Saudi. Vì vậy có đại diện phụ nữ trong Hội đồng Shura là một bước đột phá.”

Những thay đổi được nhà vua Abdullah hứa hẹn cho phụ nữ Saudi đến từ chính phong trào đòi đổi mới, dân chủ đang diễn ra ở các nước Arap. Quốc vương Abdullah cũng dường như đã thừa nhận điều này trong bài phát biểu của mình tại Hội đồng Shura:

“Hiện đại hóa cân bằng nằm trong khuôn khổ giá trị của đạo Hồi là một đòi hỏi quan trọng trong một thời kỳ không có chỗ cho những thất bại và chần chừ.”

Eman thì cho rằng cuộc cách mạng hoa nhài đòi dân chủ đang quét qua một lọat các nước Arap, và Bắc phi không có ảnh hưởng trực tiếp đến những thay đổi này mà chỉ truyền cảm hứng cho phong trào phụ nữ ở Saudi. Điều giống nhau giữa phong trào phụ nữ ở Arap Saudi và cuộc cách mạng hoa nhài chính là sự kết hợp của mọi người qua các trang mạng xã hội trên interent như Facebook, Twitter, hay Youtube. Eman giải thích:

Một khi nhà vua đã quyết định và tuyên bố như vậy thì điều đó phải thành sự thật. Có điều là nó có thể bị trì hoãn và đó là điều mà chúng tôi quan ngại.

Eman Al Nafian

“Chúng ta chỉ biết đến những người phụ nữ này khi họ bước ra công khai và có tuyên bố gì đó. Đây là những người phụ nữ từ khắp mọi nơi trên đất nước nhưng họ truyền cảm hứng cho nhau và cùng công khai lên tiếng. Không có một tổ chức nào cả, không có một người đứng đầu. Hoàn toàn qua các mạng xã hội.”

Bản thân Eman cũng là một người tham gia viết blog tích cực từ hơn 3 năm nay.

Mặc dù vui mừng với những hứa hẹn của nhà vua Abdulah, nhưng Eman cũng thận trọng bởi cô cho rằng còn rất nhiều người bảo thủ tại nước này đang tìm mọi cách kiềm chế sự đổi mới:

“Ở Arap Saudi, quyền lực cao nhất thuộc về nhà vua. Một khi nhà vua đã quyết định và tuyên bố như vậy thì điều đó phải thành sự thật. Có điều là nó có thể bị trì hoãn và đó là điều mà chúng tôi quan ngại, bởi có nhiều người bảo thủ cho rằng phụ nữ không nên tham gia vào Hội đồng Shura và không được phép bỏ phiếu. Họ sẽ tìm mọi cách để chống lại những thay đổi này.”

Nói thì nói vậy nhưng Eman vẫn rất lạc quan. Cô tin là dù trì hoãn thế nào đi chăng nữa thì cũng không quá được thời hạn 18 tháng như quốc vương Abdullah đã hứa. Cô cũng tin là phong trào của phụ nữ Saudi sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa bởi đó là đòi hỏi bức thiết của hàng triệu phụ nữ Saudi.

Tạp chí phụ nữ tuần này xin tạm dừng tại đây. Việt Hà thân ái tạm biệt quý thính giả và xin hẹn gặp lại vào thứ ba tuần tới. Mọi thư từ đóng góp ý kiến cho chương trình, xin quý vị gửi về www.facebook/VietHaRFA hoặc email về địa chỉ vietha@rfa.org

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.