Tư duy quản lý "xin - cho"

Chân Như, phóng viên RFA
2016.07.21
000_875K9.jpg Ảnh minh họa.
AFP

Kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2016, tất cả các tác phẩm nhiếp ảnh tại Việt Nam trên mạng internet đều cần phải có giấy phép triển lãm do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp theo nghị định 72/2016 về hoạt động nhiếp ảnh do thủ tướng chính phủ ký ban hành. Liệu quy định này có đi quá đà với quyền tự do của người dân hay không, Chân Như trò chuyện cùng các bạn trẻ Việt Nam về vấn đề này.

Muốn kiểm soát mọi thứ

Chân Như: Chắc chắn các bạn ai cũng đã xem qua bản tin với hàng tít “phổ biến ảnh trên facebook cũng phải xin phép” của tất cả các báo chính thống trong nước vào ngày vừa qua, khi thủ tướng chính phủ ký ban hành nghị định về hoạt động nhiếp ảnh.  Và ông Vi Kiến Thành, cục trưởng cục Mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm, đơn vị tham gia soạn dự thảo giải thích cho rằng “Về nguyên tắc là kể cả khi đăng ảnh trên Facebook mà có hình thức phổ biến, giới thiệu, quảng bá cho nhiều người thì vẫn phải xin phép”. Trước hết, các bạn đánh giá thế nào về nghị định này và việc xin phép như vậy có xâm hại quyền công dân không?

Lê Trí: Thực chất, em cũng chưa đọc rõ nghị định này. Tuy nhiên, nếu xem báo chí thời gian qua thì em thấy nghị định như vậy là can thiệp quá sâu vào đời sống riêng tư của người dân. Trước tiên, nếu muốn thì họ phải định nghĩa thế nào là ảnh có hình thức phổ biến, giới thiệu, quảng bá. Ví dụ như ảnh profile của facebook, đó thường là ảnh đặt chế độ xem là công cộng, như vậy cũng mang tính chất giới thiệu, tức là giới thiệu cho người khác biết cái tài khoản facebook đó là của ai, có hình dạng như thế nào. Như vậy mà cũng phải xin phép thì hơi phí thời gian và tiền của của xã hội.

Việt Nam có thể ban hành một luật lệ như vậy vì thực sự không có ai giám sát họ cả, họ tự làm và họ tự giám sát với nhau, nên sai sót nó mang tính hệ thống rất khó có thể sửa chữa được.
- Lê Trí

Tiến Toàn: Em được biết qua những trang mạng xã hội và báo chí, em thấy việc một khi muốn đăng hình ảnh hay quảng bá cho một việc gì đó, ví dụ những người bán hàng quảng cáo đăng kí hình ảnh như vậy thì có thể khi người ta quản lý sẽ thu được thuế để góp phần góp ích cho đất nước.  Còn những người đăng hình ảnh mang tính chất kêu gọi cộng đồng giúp đỡ như từ thiện, chẳng lẽ cũng đi thông báo để quản lý? Nếu không có những người đăng lên facebook hình ảnh về từ thiện thì làm sao có thể giúp đỡ cho những cảnh đời khó khăn hơn.

Trong khi đó, đất nước có bao giờ nhòm xuống được những cảnh đời khó khăn và đi đến tận nơi để trao tiền  hoăc những món quà để giúp cho những người đó hay không? Em thấy vô cùng bất công và làm cho quyền công dân của mình không được thoải mái. Vốn là một đất nước không được tự do và dân chủ rồi nhưng gò bó thêm những chuyện như vậy em cảm thấy giống như trở lại xã hội cũ như xã hội phong kiến vậy đó. Việc gì  cũng phải xin phép này nọ đâm ra đất nước giống như Bắc Triều Tiên.

Xuân Phúc: Dĩ nhiên là có xâm hại quyền công dân. Thật ra Việt Nam cũng muốn giống Trung Quốc, muốn kiểm soát hết mọi thứ từ rất lâu, nhưng ở Trung Quốc họ khó mà làm gì được vì số lượng người sử dụng quá nhiều, nên họ chọn cách chặn hết và phổ biến tiêu dùng các social network khác dưới sự giám sát của nhà nước.

Việt Nam cũng đã từng thử cấm, nhưng hầu như mọi người đều có thể tìm cách vượt tường lửa để vào, nên dần lại chuyển sang chuyện làm luật để dễ hợp thức hóa hơn thôi. Ở Việt Nam đi làm công chứng bản sao của giấy CMND đã lắm thủ tục. Giờ chờ đợi khi xin phép post ảnh lại khiến người ta dễ nản hơn và nó khiến người ta mất đi cái quyền riêng tư, quyền được nói của mình.

Thêm nữa, hơi lố bịch một tí nếu như nói là anh phải xin phép từng tấm ảnh post lên facebook  vì một ngày họ post lên hàng trăm, hàng ngàn tấm ảnh lên không lẽ tất cả cũng phải đi xin giấy phép hay sao?.

Điều luật mơ hồ

Chân Như: Sau khi cộng đồng mạng lên tiếng phản đối dữ dội và tất nhiên là có các bạn thì vào chiều ngày 14/7, cũng ông Vi Kiến Thành lại lên tiếng cho rằng hoàn toàn là sự hiểu lầm, xuất phát từ việc mọi người đọc không kỹ các điều khoản trong nghị định, và cho rằng chỉ áp dụng trong việc 1 cá nhân nào đó lập website riêng huy động gửi ảnh vào mới phải tuân thủ còn facebook là chuyện cá nhân nghị định không can thiệp.  Vậy cuối cùng thì ai là người hiểu lầm- cư dân mạng hay ông Vi Kiến Thành?

Tiến Toàn: Em nghĩ không ai hiểu lầm ai mà do tính chất của những người làm chức lớn thích nghĩ gì nói đó, những lời nói còn không chín chắn còn thua lời nói của một đứa con nít. Ông bà ta có câu nói “trước khi nói phải uốn lưỡi bảy lần”, còn những người này chợt suy nghĩ ra một cái là nói, nói thẳng nói nghiêng nói cỡ nào thì nói, ỷ quyền cao chức rộng muốn đưa ra gì nói cũng được.

Em nghĩ đây không phải là sự hiểu lầm của ai mà chỉ là suy nghĩ bất chợt trong đầu của những người đó, nhưng chẳng nêu ra được gì. Hoặc nữa là không chịu suy nghĩ kỹ trước khi nói, chứ không có sự hiểu lầm của cư dân mạng. Em nghĩ những người đó dựa vào chức lớn của mình muốn nói gì thì nói rồi bây giờ bị sức ép của cộng đồng mạng quá mạnh thì họ mới thay đổi ý kiến, mượn gió bẻ măng nói qua lại, và cuối cùng lỗi cũng không biết do ai.

Lê Trí: Theo quan điểm của em thì mình có thể thấy ở đây ông Thành đang nói theo kiểu bào chữa cho chính những phát ngôn của ông trước đây, có thể là do thấy dư luận phản ứng và có thể do chính ổng cũng chưa hiểu rõ nên giải thích sai nghị định. Nhưng trong lần giải thích này thì có thể hiểu rõ ý định của văn bản này. Tuy nhiên, nếu với nội dung như vậy thì cũng rõ ràng họ can thiệp sâu vào hoạt động cá nhân hay cộng đồng rồi.

Ví dụ có một người lập một open group hoặc một public fanpage thu thập ảnh của Saigon hoặc Hanoi chẳng hạn, mọi người vào xem cũng gọi là thưởng lãm, vậy cũng cần phải xin phép hay sao? Hay trang flickr, triễn lãm ảnh qua các group, cũng không thể xin phép. Tuy nhiên, mình nghĩ nghị định này khi ban hành thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các forum, website trong nước nhiều hơn so với các cộng đồng mạng có server hoặc công ty đặt ở nước ngoài.

Hình ảnh chống đường lưỡi bò ở biển Đông trên một tài khoản facebook tiếng Việt chụp hôm 10/6/2011 tại Hà Nội. AFP photo
Hình ảnh chống đường lưỡi bò ở biển Đông trên một tài khoản facebook tiếng Việt chụp hôm 10/6/2011 tại Hà Nội. AFP photo
Hình ảnh chống đường lưỡi bò ở biển Đông trên một tài khoản facebook tiếng Việt chụp hôm 10/6/2011 tại Hà Nội. AFP photo

Xuân Phúc: Thật ra không có ai hiểu lầm cả. Người dân đã quá quen với thể loại luật lạ từ trên trời rơi xuống như kiểu hồi xưa bộ y tế có cái luật dưới 1m60 không được lái xe máy, rồi chuyện đi từ thiện thì cũng phải xin giấy phép... rồi cứ đưa ra kiến nghị kiểu làm đại đi, rồi bị phản đối lại im im cất đi tìm luật mới. Đây là câu chuyện không hề hi hữu về việc đưa đại làm bừa ở Việt Nam. Tức là đã đưa ra luật rồi nhưng bị nói thì sửa lại, rồi nói bị hiểu lầm, nói không rõ rang, đổ thừa cho báo chí viết sai, nhưng thật ra không có chuyện hiểu lầm gì cả mà chỉ là cách chống chế cho bản thân thôi.

Chân Như: Nói tóm lại là nghị định này vẫn còn rất mơ hồ mặc cho ông Vi Kiến Thành vừa giải thích. Theo các bạn thì vì sao tại Việt Nam lại có thể ban hành quy định một cách tùy tiện, không theo một luật lệ nào như vậy ? Liệu Chính quyền Việt Nam có đạt được lợi ích gì trong việc này không?

Em nghĩ không ai hiểu lầm ai mà do tính chất của những người làm chức lớn thích nghĩ gì nói đó, những lời nói còn không chín chắn còn thua lời nói của một đứa con nít.
- Tiến Toàn

Xuân Phúc: Thật ra việc đưa ra những  luật lệ ở Việt Nam chỉ xoay quanh hai mục đích đó là thu lợi và kiểm soát, luật này em  nghĩ họ muốn kiểm soát nhiều hơn. Giống như chuyện bưng bít thông tin biểu tình cá chết trên báo chí gần đây nhất, rồi sau nhiều lần người dân làm cho tới cùng thì cuối cùng lòi ra kẻ phạm lỗi là đúng như ban đầu không gì thay đổi theo cách họ bưng bít. Và thậm chí chuyện kinh doanh trên facebook do không quản lý được nên sắp tới họ cũng áp dụng luật vì bị gọi là phạm pháp và bị thu thuế.

Em nghĩ ban hành những quyền như vậy chỉ là nhằm mục đích bảo vệ lợi ích và kiểm soát của nhà nước mà thôi còn người dân thật sự họ không có được hưởng lợi từ luật này và cảm thấy họ không được bảo vệ. Thậm chí, luật họ ban hành rất rườm rà nhưng tại sao doanh nghiệp Việt Nam mỗi năm lại có rất nhiều người trốn thuế lách luật? Cả chuyện vụ hai thanh thiếu niên quá đói bụng chỉ giật một ổ bánh mì thì lại bị xử phạt tới hơn 10 tháng tù, rất tức cười và làm cho người ta càng thấy càng ngày những luật này chỉ ban hành bừa bãi và mục đích đảm bảo quyền lợi cho nhà nước.

Tiến Toàn: Tất cả các nước trên thế giới khi người ta muốn đưa ra một luật hoặc nghị định gì đó, người ta phải thông qua rất nhiều ý kiến của dân. Còn Việt Nam muốn đưa ra luật gì cũng được, xin tô đậm đó là “luật rừng”. Muốn bắt hay làm gì cũng phải có luật nhưng Việt Nam mình muốn là đặt luật và đó gọi là luật rừng, em được biết từ đó đến giờ là vậy rồi. Đó là ý kiến của em.

Lê Trí: Em cũng chưa đọc rõ nghị định, nhưng trước đây có một lần đọc văn bản luật, họ miêu tả các trường hợp phạm luật cụ thể, sau đó còn kèm theo một dòng là “các trường hợp khác”. Dòng đó vô cùng nguy hiểm vì nó để ngỏ cho những người chấp pháp khả năng suy diễn vô cùng phong phú, thế là nếu họ không vừa lòng bạn thì quanh đi quẩn lại bạn cũng có thể phạm luật khi bị họ suy diễn. Nó cũng thể hiện khả năng có hạn của người làm luật, soạn thảo luật khi sợ sai sót, thế là bỏ lửng một câu “các trường hợp khác” vào; Nó làm cho người dân rất bối rối không biết như thế nào là không phạm luật và thế nào là phạm luật.  Việt Nam có thể ban hành một luật lệ như vậy vì thực sự không có ai giám sát họ cả, họ tự làm và họ tự giám sát với nhau, nên sai sót nó mang tính hệ thống rất khó có thể sửa chữa được.

Không hiệu quả

Chân Như: Nhân chúng ta đang nói đến các nghị định và luật lệ được ban hành hàng năm, các bạn có nhận xét tổng quan ra sao về các quy định quản lý hành chính trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội hiện nay tại Việt Nam?

Lê Trí: Xã hội thì luôn vận động, có những hành vi mới phát sinh thì họ cũng phải có luật để quản lý, nếu không thì xã hội cũng loạn thật. Tuy nhiên, thời gian gần đây, luật đưa ra bị người dân người ta phản ứng, một phần em nghĩ là trình độ học thức của mọi người đã nâng cao, mọi người có thể nói lên chính kiến của mình. Dân cũng có một khả năng phân tích sâu sắc hơn, cho nên họ nhận thức được cái nào trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống của họ để lên tiếng. Mặt khác, cũng có thể do những người làm luật mới, họ không đủ kiến thức xã hội, kiến thức thực tiễn, lý luận khoa học nên khi đưa ra luật luôn bị sai sót và phải chỉnh sửa, gây tốn kém cho xã hội.

Khi mình đóng thuế nuôi bộ máy làm luật nhưng họ cứ làm sai thì vòng lập cứ xoay mãi thì tiền đó sẽ đi vào đâu? Bản thân em hiện tại cũng là người đóng thuế và em cảm thấy tiền thuế em bỏ ra đang bị lãng phí một cách vô ích, ví dụ như một đồng tiền thuế đóng thì phải được 0.9 đồng hiệu quả, còn hiện tại một đồng đó chỉ được 0.1 đồng có hiệu quả thôi.

Em thấy càng lúc việc quản lý đời sống xã hội tại Việt Nam càng lúc càng tệ mặc dù luật càng lúc càng nhiều không hề có hiệu quả.  
- Xuân Phúc

Xuân Phúc: Chuyện luật lệ, quản lý hành chính cho dù có ban hành thêm nhiều luật nữa cũng chẳng giải quyết được gì, vì những luật đưa ra thứ nhất đọc vào là thấy không có lý rồi và việc quản lý hành chính đời sống nó cũng chẳng có gì thay đổi. Thậm chí, khi chúng ta làm những công việc rất nhỏ như là mình đi xin giấy tờ cũng phải tốn thời gian, rồi kể cả việc hộ khẩu. Thật ra trên thế giới chẳng ai dùng cuốn sổ hộ khẩu đó nữa ngoài Việt Nam, Trung Quốc và Bắc Hàn vì nó chẳng có lợi trong việc quản lý đời sống ngày nay cả.

Những chuyện cần làm thì nhà nước không làm, toàn làm những chuyện đâu đâu, thậm chí, đi bắt bán hàng rong trong khi có rất nhiều việc khác cần làm.  Em thấy càng lúc việc quản lý đời sống xã hội tại Việt Nam càng lúc càng tệ mặc dù luật càng lúc càng nhiều không hề có hiệu quả.

Tiến Toàn: Nhân chúng ta đang nói đến các nghị định và luật lệ được ban hành hằng năm, em xin trả lời là hằng năm Việt Nam đưa ra rất nhiều luật, mà nhiều luật đưa ra góp ích cho dân thì không nói làm gì, đưa ra càng nhiều luật mà nền kinh tế Việt Nam cũng không thể khá hơn và càng ngày càng đi xuống thì tốt nhất nên dẹp những luật đó đi. Nếu đưa ra những luật chính đáng (giống như ở Mỹ) có bao nhiêu tiểu bang thì mỗi tiểu bang đưa ra một luật rất nghiêm ngặt.

Việt Nam đặt ra chung một luật áp đặt dân, làm ra những luật mà nhiều khi em cảm thấy không xứng đáng và thích đáng. Đó là những suy nghĩ của em, em chỉ dám nói vậy thôi còn nói đụng chạm hơn về chính trị kinh tế thì em không dám nói thẳng tại vì em còn đang sống ở đất nước Việt Nam này, một nước gọi là không dân chủ nên em cũng không thể định chủ lời nói của mình.

Chân Như: Xin cám ơn ba bạn đã dành thời gian cho chương trình này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.