Người dân Lý Sơn đối mặt với nắng hạn

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2014.07.01
ly-son-1-305.jpg Thiếu nước, cây tỏi ở Lý Sơn khô héo, mất sức sống.
RFA

 

Hai tháng nay, ngư dân Lý Sơn nói riêng và người dân huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi luôn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, trong đó, ngư dân bị Trung Quốc đâm chìm tàu, mất trắng tài sản, người bị thương vong, nông dân trồng hành, tỏi thì bị nắng hạn hoành hành, nguồn nước thiếu hụt khiến cho đời sống của người dân huyện đảo trở nên ngột ngạt, teo tóp khó bề trụ nổi. Đã có nhiều tiếng thở dài, nhiều tiếng khóc bởi đời sống quá khó khăn trên đảo Lý Sơn mặc dù về mặt truyền thông, người dân ở đây nhận được chính sách ưu đãi cao nhất. Nhưng trên thực tế thì sao?

Cây tỏi, cây hành bị đánh tráo

Ông Trung, một cư dân Lý Sơn chia sẻ: “Cỡ 35-37 độ C gì đó, cạn nước không có nước để uống luôn. Gần biển thì nước nó mặn, mình lên vùng hơi cao lên chút lấy nước ngọt về uống nhưng giờ cũng cạn rồi đây. Bình thường thì mua nước bình lọc hoặc đi xa xa lên chút rồi chở nước về uống. Toàn dùng nước giếng không à, thì mình mua nước về uống, ví dụ như ở đây có một ông, ổng chở nước về bán. Thì mình tới đó mình mua về uống còn sinh hoạt, tắm rửa thì dùng nước giếng bình thường.”

Ông Trung chia sẻ thêm rằng hiện tại, các nông dân huyện đảo Lý Sơn đang gặp khó khăn vượt ngoài khả năng chống chọi, cây hành cây tỏi vốn là mũi nhọn kinh tế nông nghiệp của Lý Sơn và là thương hiệu nông nghiệp của Lý Sơn đang bị xâu xé bởi người Trung Quốc, bởi thời tiết khô hạn.

Sở dĩ nói rằng cây hành cây tỏi Lý Sơn bị xâu xé bởi người Trung Quốc là vì suốt ba năm trở lại đây thương hiệu tỏi Lý Sơn trên thị trường đã bị đánh tráo thê thảm mà nguyên nhân lại do một phần không nhỏ của người Việt Nam, đặc biệt là các nhà buôn Việt Nam ở phía Bắc. Giải thích thêm, ông Trung nói rằng trước đây, một số người Lý Sơn vào Ninh Thuận sinh sống và mang theo giống tỏi Lý Sơn để trồng ở đất này. Đương nhiên là điều kiện thổ nhưỡng của Ninh Thuận không thể cho ra sản phẩm tỏi Lý Sơn thơm tho và có những củ tỏi đặc biệt gọi là “tỏi một” chỉ có một tép duy nhất tròn trịa trên một củ tỏi.

“Tỏi một” là đặc sản chỉ có duy nhất của Lý Sơn. Thế nhưng nhà buôn Trung Quốc đã sang Lý Sơn quậy phá bằng cách nhờ các nhà buôn phía Bắc mua tỏi Ninh Thuận có hình dáng và màu sắc giống y hệt nhưng lại có chất lượng kém xa so với tỏi Lý Sơn. Họ mua toàn bộ tỏi của Ninh Thuận và mang ra ém hàng ở cảng Sa Kỳ, sau đó họ cử một số nhà buôn Việt Nam vào mua tỏi Lý Sơn trên đảo, mang về trộn lẫn hai thứ vào với nhau với tỷ lệ một ký tỏi Lý Sơn trộn với ba ký tỏi Ninh Thuận.

Thời tiết nắng nóng tại Lý Sơn. RFA PHOTO.
Thời tiết nắng nóng tại Lý Sơn. RFA PHOTO.

Trộn xong, họ lại đưa tỏi ra thị trường và bán với cái tên tỏi Lý Sơn, và cũng vì nguyên nhân này, tỏi Lý Sơn không còn hấp dẫn đối với người tiêu dùng. Rất tiếc là chuyện này không loại trừ ngay cả với những chùm tỏi Lý Sơn bày bán trong siêu thị.

Hơn nữa, tỏi Lý Sơn được sản xuất trong điều kiện khó khăn nên sản lượng hết sức hạn chế, không bao giờ đủ đáp ứng thị trường, trong khi đó thổ nhưỡng ở Ninh Thuận, Bình Thuận lại rất phù hợp với cây tỏi nên việc sản xuất khá thuận lợi. Rất tiếc là người trồng tỏi ở Ninh Thuận, Bình Thuận không thể giúp gì được cho người dân Lý Sơn trong vấn đề bảo vệ thương hiệu và uy tín của mình.

Hơn nữa, suốt hai tháng nay, kể từ khi giàn khoan HD 981 xâm lăng vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, thuyền nhân Lý Sơn đã bị họ gây hấn, đâm tàu, đánh đập và hành hạ đủ điều, đã có thuyền nhân bị tử nạn do kẻ xâm lược gây nên, người dân Lý Sơn lại một lần nữa đối diện với tai ương, khốn khó.

Nắng hạn và nạn thiếu nước

Bà Ký, vợ của một ngư dân ở Lý Sơn than thở: “Mấy bữa nay nắng nóng lắm, thành ra tưới hành tỏi, nước mặn cũng phải tưới, họ hút nước dưới giếng lên họ tưới. Ở đảo bé thiếu nước, bên đó không đủ, bên đảo lớn mình cũng không đủ. Còn tàu bè bị ấy thì ấy chứ vẫn phải hoạt động, chiếc nào bị tông thì lại chạy vô, sửa lại rồi lại đi lại!”

Theo bà Ký, việc đi biển của ngư dân Lý Sơn hiện nay quá nguy hiểm, cái chết có thể cận kề và ập đến bất kì giờ nào. Mùa thu hoạch của ngư dân Lý Sơn thường đạt bội thu kể từ tháng Giêng đến tháng Sáu, đặc biệt tháng Sáu là tháng cao điểm bởi lượng cá đi tìm mồi và sinh sản tăng cao. Thế nhưng suốt hai tháng nay, việc đi biển luôn gặp trở ngại, chỉ lo chạy thoát thân và lòng vòng ở những vùng không có cá nên ngư dân Lý Sơn đi từ thua lỗ đến mất trắng. Hầu như nguy cơ nợ nần và phá sản của đa phần ngư dân Lý Sơn đã bắt đầu chạm trần.

Mà với ngư dân, chỉ cần liên tục hai đợt không ra khơi được thì xem như úp nồi gạo, chỉ còn biết hy vọng vào mảnh vườn để tồn tại qua ngày. Thế nhưng không khí nắng hạn suốt hai tháng nay khiến cho nguồn nước dự trữ ở hầm hải đăng bị sụt giảm nghiêm trọng, các giếng nước trên đảo bị tuột xuống mức thấp nhất, chỉ cần múc vài gàu đã thấy trơ đáy, nước sinh hoạt hằng ngày của người dân Lý Sơn bị thiếu hụt trầm trọng.

Đó chỉ mới là chuyện nước sinh hoạt, riêng nước để tưới hành tỏi thì khó khăn gấp bội, các máy bơm hoạt động hết công suất vẫn chỉ đưa được một lượng nước rất nhỏ lên mặt đất để tưới duy trì cho cây hành, cây tỏi khỏi bị khô héo, chết yểu. Và tuy phải bơm tưới duy trì nước liên tục nhưng cái nắng đã đốt cháy nhiều diện tích hành, tỏi trên đảo. Bà con chỉ biết lắc đầu chép miệng tiếc nuối nhìn cánh đồng khô dần, giấc mơ kiếm cơm tuột dần khỏi tầm tay, nắng như thiêu như đốt, ruột gan, lòng người cũng như thiêu như đốt.

Trong tình thế dầu sôi lửa bỏng, kẻ xâm lăng Trung Cộng đang lăm le ngoài biển Đông, ngoài khơi, người trực tiếp chịu trận với chúng không ai khác ngoài ngư dân Lý Sơn, trên bờ, nếu chúng đổ bộ lên giết tróc, có thể người dân Lý Sơn sẽ chịu trận đầu tiên. Mọi sự bình yên và hiền hòa cố hữu ở Lý Sơn đang mất dần bởi lòng người khô khốc, mệt mỏi vì đau khổ do con người gây ra và thiên nhiên quái ác không chịu buông tha cho họ!

Không biết bao giờ người dân Lý Sơn mới có được bình yên và nét hiền hòa, thơ mộng trên hòn đảo nhỏ này bao giờ mới quay trở lại?!

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.