Du lịch nhà vườn miền Tây, một kiểu lừa bịp mới

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2014.08.12
du-lich-vuon-305.jpg Khách du lịch đi xuồng ở ĐBSCL không có áo phao (ảnh minh họa).
RFA

 

Về miền Tây sông nước mênh mang, nghe đàn ca tài tử và dạo trên xuồng ba lá vào thăm những miệt vườn xanh mướt, nghe giọng hát các cô gái miệt vườn ngọt lịm, ăn trái nhãn vườn, uống ly trà sữa ong chúa mát lòng mát dạ… Đó luôn là lời mời chào, là chiêu quảng cáo của các tour du lịch miệt vườn Tây Nam Bộ của các công ty lữ hành. Tuy nhiên, hiện nay, ngoại trừ một số công ty lữ hành có uy tín, đa phần các công ty cò con mọc lên ở khắp ba miền đất nước đều mang dáng dấp của không thật thà, hay nặng nề hơn là lừa bịp khách hàng.

Hệ thống công ty lộn xộn

Một hướng dẫn viên du lịch ở Sài Gòn, yêu cầu giấu tên, chia sẻ:“Nói chung là một số công ty du lịch mới mở muốn giá cả cạnh tranh trên thị trường với những công ty lâu đời đó, người ta sẽ giảm giá thành xuống nhưng thật sự khi mình mua tour như thế đó, thì chất lượng không đảm bảo. Khi đã chấp nhận mua tour như thế thì nhiều khi chất lượng không đảm bảo, mình comment lại điều hành nhưng điều hành cũng cùng một giuột vậy thôi, khi mà công ty nó đã chấp nhận bán anh giá thấp. Như khi chào tour thì nó bảo ăn nhà hàng 2 sao, ngủ khách sạn 2 sao chẳng hạn, nhưng khi thực tế thì nó cho anh ăn, ngủ khách sạn 1 sao, nửa sao cộng… Khi anh comment về cho bộ phận điều hành thì họ sẽ bảo, tụi em bán giá tour đó anh, trong chương trình tour tụi em đã viết sẵn rồi, như thế mình không comment được. Người ta muốn bán được tour người ta làm vậy, nhiều khi người sell và người hướng dẫn bắt tay với nhau.”

Theo người này, vấn đề bán tour du lịch miệt vườn vô tội vạ hiện nay có nguyên nhân chính xuất phát từ những trận khủng hoảng kinh tế trên cả nước. Thay vì trước đây, người ta chuyên tâm vào lĩnh vực mà họ có chuyên môn để đầu tư, kinh doanh. Đa phần các công ty bị phá sản đều chuyển dịch sang lĩnh vực du lịch mặc dù họ thừa sức biết rằng trong tình hình kinh tế eo hẹp, lĩnh vực du lịch cũng chẳng mấy khấm khá so với trước đây.

Một số công ty du lịch mới mở muốn giá cả cạnh tranh với những công ty lâu đời, sẽ giảm giá thành xuống nhưng thật sự khi mình mua tour như thế đó, thì chất lượng không đảm bảo.
-Một HDV du lịch

Thế nhưng tại sao đa phần các ông chủ đều chuyển hướng sang dịch vụ du lịch? Bởi vì họ có hai thứ mà ngành du lịch có thể vớt vát được đời sống cho họ, đó là lượng lớn những chiếc xe dùng cho công ty và những mối quan hệ làm ăn trước đây, kể cả yếu tố nước ngoài. Nếu như trước đây họ quảng cáo cho sản phẩm ngành sở trường thì bây giờ họ lại chuyển sản quảng cáo cho sản phẩm của lĩnh vực du lịch và kết nối, mời chào các sản phẩm, các gói du lịch với những mối quan hệ trước đây.

Rất tiếc là họ có tiềm năng về khách hàng nhưng chuyên môn và khả năng quản lý du lịch của họ thì lại rất yếu kém, làm ăn theo kiểu rị mọ đi đêm, được chăng hay chớ mặc dù họ hiểu rất rõ ý nghĩa của tên tuổi cũng như uy tín trong ngành du lịch. Và xuất phát bởi nguyên nhân không có chuyên môn, đa phần những công ty lữ hành mới mọc lên chỉ để giải quyết một vấn đề duy nhất là làm cò cho các công ty lâu năm và bán tour hoặc mua tour của các công ty này nếu thấy có ăn.

Trong khi đó, cơ sở hạ tầng cũng như đường dây kết nối du lịch hay nói khác là điểm đến có trách nhiệm là họ hoàn toàn không có. Nghĩa là nếu bắt được khách, kết đủ tour, họ sẽ tổ chức cho khách đi tham quan, thuê một hướng dẫn viên đưa khách đến những điểm du lịch miệt vườn trong tình trạng đi chui, không có bất kỳ dịch vụ bảo hiểm nào cho khách. Điều này hết sức nguy hiểm nếu xảy ra sự cố, đặc biệt là trong những chuyến đi trên sống bằng xuồng ba lá, không có áo phao cũng không có lực lượng cứu hộ đi kèm trong lúc khách toàn phụ nữ và trẻ em.

Khách du lịch ở ĐBSCL (ảnh minh họa). RFA PHOTO.
Khách du lịch ở ĐBSCL (ảnh minh họa). RFA PHOTO.

Một khi khách du lịch gặp phải những công ty lữ hành kiểu này, chỉ còn nước nín thở qua sông. Riêng về mảng dịch vụ ăn uống và chỗ ở, các tour kiểu này sẽ chọn những loại phòng rẻ bèo và những điểm đến có thể chặt chém khách với giá cao ngất. Và điều này na ná với những chuyến xe giang hồ đường dài, bắt khách gặp chăng hay chớ, đến khi gặp quán ăn, nhà xe lại thỏa thuận với chủ quán chém khách để trích phần trăm cho họ. Trong hai trường hợp du lịch bịp và xe giang hồ đường dài, người thiệt hại nặng nhất vẫn là khách và kẻ đắc lợi là những chủ quán và nhà xe.

Đương nhiên, có những thứ thiệt hại rất cụ thể mà các công ty lữ hành ăn xổi ở thì có nhắm mắt cũng nhận ra nhưng lại cố tình làm ngơ, tiếp tục bịp khách. Đó là sự khủng hoảng về uy tín cũng như niềm tin của đại bộ phận khách hàng, điều này làm ảnh hưởng trầm trọng đến ngành du lịch nói chung.

Bùng phát dịch vụ phượt

Một tay phượt chuyên nghiệp, đồng thời cũng là hướng dẫn viên du lịch phượt ở Long Xuyên, An Giang, tên Khánh, chia sẻ: “Có chiếc xe Honda, hai thằng ngồi lên, đi đường mòn Hồ Chí Minh hoặc đi phượt từ Nam ra Bắc. Phượt là một từ chỉ đi du lịch tự do, gọi là hành trình khám phá đó. Khi mà em chở người muốn đi phượt thì họ đi phượt, còn nếu họ đi chung thì họ chung tiền vô. Còn khi họ thuê mình thì họ thuê mình – người đi kiếm ăn, làm việc. Còn họ thì đi phượt, thuê người, thuê một chiếc xe để đi phượt…”

Có chiếc xe Honda, hai thằng ngồi lên, đi đường mòn Hồ Chí Minh hoặc đi phượt từ Nam ra Bắc. Phượt là một từ chỉ đi du lịch tự do, gọi là hành trình khám phá đó.
-Một HDV du lịch phượt

Song song với sự bùng phát hàng loạt công ty lữ hành “có tên không tuổi, có tuổi không tên” là hàng loạt các nhóm dịch vụ phượt ra đời ở ba miền đất nước. Trong đó, các sinh viên ngành du lịch đã tốt nghiệp lâu ngày nhưng chưa có việc làm cũng tìm cách tổ chức những chuyến đi phượt cho khách. Trong thú vui du lịch, có vẻ như phượt là một loại hình ít tốn kém nhất và gần với thiên nhiên nhất, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi sức khỏe của người tham gia nhiều nhất.

Và trong vài năm trở lại đây, các dịch vụ liên quan đến phượt như cung cấp hành lý cho dân phượt, dịch vụ cho thuê xe phượt đường gần, phượt leo núi, dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho dân phượt và ngoài ra, có cả dịch vụ cung cấp các cô chân dài giá rẻ cùng phượt với các ông mất vợ, bị vợ bỏ tuy có nhiều tiền. Và mọi lộn xộn trong dịch vụ phượt cũng nhen nhóm từ chỗ này. Dân phượt chuyên nghiệp cảm thấy khó chịu bởi một số nhóm mà họ cho rằng đó chỉ là học đòi.

Tuy dân phượt chuyên nghiệp khó chịu nhưng trên thực chất, các hướng dẫn viên phượt chẳng ưa gì những tay phượt chuyên nghiệp bởi ông/bà ta tiết kiệm và không vung tiền thoải mái giống như các nhóm phượt bị cho là học đòi. Những nhóm này có tiền rủng rỉnh trong túi, sẵn sàng chi cho hướng dẫn viên và cũng không yêu cầu hướng dẫn viên phải có kiến thức vùng miền cho mấy, miễn sao dắt họ vào các quán có nhiều thức ăn ngon, dắt đi chơi các điểm thật thoải mái và có giải trí mát mẻ. Đa phần khách phượt không chuyên nghiệp mà theo Khánh nhận định thì dù nam hay nữ đều có khuynh hướng thích hưởng lạc và không cần biết nhiều lắm về văn hóa vùng miền.

Hay nói cách khác là các nhóm này đi hưởng lạc nhiều hơn là đi khám phá văn hóa vùng miền. Và cũng nhờ vào các nhóm phượt này mà ngành du lịch có thêm một số cò con, hướng dẫn chui có thể sống được. Nhưng điều này không có nghĩa là các nhóm công ty lữ hành phát sinh cũng như các nhóm hướng dẫn viên du lịch phát sinh đều tử tế. Vì đã có rất nhiểu khách du lịch méo mặt vì hai loại hình này!

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.