Khó đạt được COC trong năm 2017

Việt Hà, phóng viên RFA
2017.02.28
000_I98UL.jpg Từ trái qua: Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin của Nga tại Hội nghị APEC, Trung tâm Hội nghị Lima, Peru ngày 20/11/2016.
AFP photo

 

Trong cuộc gặp giữa các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN hồi tuần trước, Bộ trưởng ngoại giao Philippines đã lên tiếng quan ngại về hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc gần đây ở biển Đông.

Tuyên bố này được đưa ra giữa lúc có những thông tin cho thấy Trung Quốc đã triển khai tên lửa đất đối không ra Trường Sa, gia tăng hoạt động quân sự hóa khu vực biển Đông. Năm nay Philippines là chủ tịch luân phiên của ASEAN và tham vọng của nước này là đạt được bộ quy tắc về ứng xử của các bên trên biển Đông, gọi tắt là COC đã được chờ đợi từ hơn 10 năm qua.

Liệu mong ước này của Philippines và các nước ASEAN có thành hiện thực và lập trường của Philippines với các hành động của Trung Quốc có thay đổi trong thời gian tới hay không?

Việt Hà phỏng vấn giáo sư Renato Cruz de Castro, giảng dạy môn quan hệ quốc tế thuộc trường đại học de la salle, Philippines về những vấn đề này.

Việt Hà: Xin ông cho biết đánh giá của mình về tình hình biển Đông trong hai tháng đầu năm 2017?

Renato Cruz de Castro: Một mặt thì tình hình vẫn ổn định. Trung Quốc dường như không làm gì quá mức đến nỗi làm thay đổi tình hình ở biển Đông một cách đáng kể và đột ngột, nhất là nếu tôi so sánh tình hình những tháng qua với năm ngoái khi tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết có lợi cho Philippines. Nhưng mặt khác tôi vẫn thấy Trung Quốc đang xây dựng dần dần những cơ sở quân sự tại các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây lấp. Cho nên nếu chỉ nhìn bề mặt thì tôi thấy sự ổn định nhưng phía dưới là sự xây dựng dần dần các căn cứ quân sự của Trung Quốc ở các đảo đang tranh chấp.

Việt Hà: Trung Quốc mới đây đã triển khai tên lửa ra các đảo đang tranh chấp tại khu vực biển Đông. Theo ông, động thái này có ảnh hưởng thế nào tới an ninh khu vực và những giàn tên lửa này giúp gì cho Trung Quốc?

Renato Cruz de Castro: Một mặt, nó giúp cải thiện khả năng chống xâm nhập khu vực (anti access area denial) cho Trung Quốc nhắm vào hải quân Mỹ. Đó là mục đích chính. Trung Quốc về cơ bản nói với các nước trong khu vực là các tên lửa này không nhắm vào các ông mà nhắm vào hạm đội 7 của Mỹ ở Thái Bình Dương. Nó một mặt giúp cải thiện khả năng đối phó của Trung Quốc với hải quân Mỹ. Mặt khác Trung Quốc cùng tìm cách rang buộc các nước ASEAN, nhất là Philippines.

Philippines phải lên tiếng

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana trả lời phỏng vấn  AFP tại trụ sở quốc phòng Manila ngày 07 tháng 2 năm 2017.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana trả lời phỏng vấn AFP tại trụ sở quốc phòng Manila ngày 07 tháng 2 năm 2017.
AFP photo

Việt Hà: Theo ông thì những tên lửa này có đặt ra mối đe dọa nào đối với các nước có tranh chấp khác trong khu vực, nhất là Philippines?

Renato Cruz de Castro: Tất nhiên là có chứ. Hệ thống này cũng đặt ra mối đe dọa đối với các nước đòi chủ quyền khác trong khu vực như Philippines và Việt Nam. Về cơ bản mà nói thì việc triển khai hệ thống này là chỉ dấu cho thấy Trung Quốc vẫn có khả năng giải quyết vấn đề này ngay lập tức với các nước có tranh chấp khác. Cho nên hệ thống này là con dao hai lưỡi. Một mặt là nhắm về phía Mỹ, mặt khác là đối với các nước có tranh chấp khác với Trung Quốc trong khu vực

Việt Hà: Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay mới đây lên tiếng nói rằng ASEAN quan ngại về hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở biển Đông. Tuyên bố này được đưa ra trong khi Tổng thống Philippines nói muốn cải thiện quan hệ với Trung quốc và Philippines hồi năm ngoái đã tránh không lên án Trung Quốc ở diễn đàn ASEAN. Theo ông tại sao Philippines lại có tuyên bố này vào lúc này?

Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana đã rất mạnh mẽ khi lến tiếng về hoạt động quân sự của Trung Quốc ở các đảo đang tranh chấp.
- Renato Cruz de Castro

Renato Cruz de Castro: Họ có hai sức ép. Bộ Ngoại giao Philippines một mặt muốn kiểm soát được tranh chấp giữa hai nước một cách tốt nhất nhưng có một sức ép khác đến từ Bộ Quốc Phòng. Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana đã rất mạnh mẽ khi lến tiếng về hoạt động quân sự của Trung Quốc ở các đảo đang tranh chấp.

Năm ngoái, Bộ này đã gây sức ép lên Bộ Ngoại giao phải lên tiếng phản đối một cách nhẹ nhàng với Trung Quốc. Cho nên họ có hai sức ép, từ trong nước và sức ép khác từ các nước ASEAN vốn lo lắng về hoạt động xây lấp của Trung Quốc.

Cuối cùng thì hai sức ép này đã khiến Bộ trưởng Ngoại giao Philippines phải lên tiếng chỉ trích Trung Quốc ở một mức độ rất nhẹ nhàng và tất nhiên là tuyên bố này cũng có giá của nó. Bộ trưởng Thương Mại Trung Quốc đã hủy chuyến thăm đến Philippines. Đây là chỉ dấu cho thấy Trung Quốc không hài lòng với Philippines mặc dù tuyên bố của Philippines cũng rất nhẹ nhàng.

Việt Hà: Ngoại trưởng Philippines có nói là Trung Quốc đã hứa với Philippines là sẽ không xây dựng căn cứ quân sự ở bãi cạn Scaborough mà nước này chiếm của Philippines hồi năm 2012. Theo ông liệu Trung quốc có giữ lời hứa này hay không?

Renato Cruz de Castro: Chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình cũng đưa ra lời hứa tương tự với Tổng thống Mỹ Barack Obama trước kia rằng Trung Quốc sẽ không quân sự hóa các đảo. Nhưng các bạn có nhìn thấy những gì đang diễn ra không. Nếu Trung Quốc không thể giữ lời hứa với Tổng thống Mỹ thì làm sao ông ta có thể giữ lời hứa với Tổng thống Philippines? Cho nên lời hứa này vẫn còn cần phải chờ xem có được thực hiện hay không. Nhưng nhìn vào những gì Trung Quốc đã làm tôi không nghĩ Trung Quốc trung thành với những lời cam kết của mình liên quan đến việc quân sự hóa khu vực biển Đông. Vì vậy chúng ta cần phải coi đó như là lời hứa hơi quá mức.

Thế khó của Philippines

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trái) bắt tay Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc Trương Đức Giang tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 20 tháng 10 năm 2016.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trái) bắt tay Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc Trương Đức Giang tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 20 tháng 10 năm 2016.
AFP photo

Việt Hà: Nếu họ không giữ lời hứa thì liệu điều này có đẩy Philippines ra xa Trung Quốc và về gần hơn với Mỹ?

Renato Cruz de Castro: điều đó có thể xảy ra với thực tế về tính khí nóng nảy của Tổng thống Duterte, thêm vào đó là ông ấy đang có một mối liên minh rất dễ vỡ. Một mặt thì Bộ Ngoại giao muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc với sự ủng hộ của các nhóm các nhà doanh nghiệp. Nhưng mặt khác thì quân đội Philippines rất nghi ngờ Trung Quốc. Nếu Trung Quốc vượt qua lằn ranh đỏ bằng cách xây dựng các cơ sở quân sự ở bãi Scaborough shoal thì Tổng thống Duterte sẽ phải đứng về phía quân đội.

Việt Hà: Philippines là nước chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm nay, theo ông đâu là những thách thức mà Philippines đang phải đối mặt khi giải quyết những căng thẳng ở biển Đông giữa lúc ASEAN còn chia rẽ?

Renato Cruz de Castro: Đúng là ASEAN còn chia rẽ. Tuy nhiên có một thực tế là Bộ trưởng Ngoại giao Philippines có nói là có 4 nước ASEAN đã lên tiếng mạnh mẽ chỉ trích việc Trung QUốc xây dựng ở các đảo. Họ cũng kêu gọi Philippines nên tận dụng phán quyết của tòa trọng tài quốc tế là cơ sở để đàm phán với Trung Quốc.

Làm thế nào Philippines có thể duy trì được quan hệ với Trung Quốc trong khi phải đối phó với sức ép từ các nước ASEAN?
- Renato Cruz de Castro

Năm ngoái thì Tổng thống Duterte có hứa với Trung Quốc là Philippines sẽ không dùng phán quyết của tòa là căn bản để làm sức ép chung mà là chỉ giữa hai nước. Nhưng quan điểm của ASEAN là phán quyết phải được sử dụng như cơ sở đàm phán chung của cả nhóm với Trung Quốc. Cho nên Philippines đang phải chịu sức ép từ ASEAN.

Đúng là ASEAN còn chia rẽ nhưng có 4 nước ASEAN rất mạnh mẽ trong việc sử dụng chính sách cứng rắn rõ ràng với hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở biển Đông. Cho nên đây có thể coi là một vấn đề nan giải cho phía Philippines. Làm thế nào Philippines có thể duy trì được quan hệ với Trung Quốc trong khi phải đối phó với sức ép từ các nước ASEAN?

Việt Hà: Ông đánh giá thế nào về khả năng Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở biển Đông COC có thể được hoàn tất trong năm nay như tham vọng mà Philippines đưa ra?

Renato Cruz de Castro: Tôi rất nghi ngờ khả năng COC có thể được hoàn tất vào năm nay. Indonesia đã cố gắng thực hiện điều này, Việt Nam đã cố gắng, Campuchia ở chừng mực nào đó cũng có cố gắng. Với tình hình thực tế mà Philippines đang có thì Philippines đang tìm cách duy trì mối quan hệ mới tốt đẹp với Trung Quốc. Nhưng mặt khác Philippines cũng phải đối mặt với lập trường cứng rắn từ Trung Quốc muốn xây dựng các cơ sở quân sự ở biển Đông. Tình hình này đặt Philippines vào một vị trí rất khó xoay xở liệu Philippines có thể đưa ra được một COC có tính rang buộc hay không và do đó có thể khiến Trung Quốc tức giận. Cho nên tôi nghĩ cam kết đó của Philippines cũng nên được coi là hơi quá mức.

Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.