Giáo sư Phạm Minh Hoàng nhận quyết định tước quốc tịch Việt Nam

RFA
2017.06.10
QD tuoc QT GS PMH Văn bản tước quốc tịch VN của GS Phạm Minh Hoàng
GS Phạm Minh Hoàng

Cuối cùng, quyết định tước quốc tịch của Cựu tù nhân lương tâm, Giáo sư Phạm Minh Hoàng đã được gửi đến cho ông vào chiều Thứ Bảy, 10 tháng 6, 2917, từ Bộ Tư pháp Việt Nam.

Từ Sài Gòn, giáo sư Phạm Minh Hoàng cho chúng tôi biết quyết định được gửi đến gia đình ông qua đường bưu điện, gồm hai văn bản đều của Bộ Tư pháp.  Trong đó, một là văn bản thông báo của Bộ Tư pháp, ký ngày 9 tháng 6, 2017 và một là bản sao quyết định của Chủ tịch nước ký ngày 17 tháng 5, 2017  nhưng do Bộ Tư pháp sao y lại và ký ngày 22 tháng 5, 2017.

Giấy báo quyết định tước quốc tịch Việt Nam của Giáo sư Phạm Minh Hoàng

Theo lời Giáo sư Hoàng cho biết, ông sẽ kháng kiện lại quyết định trên.

“Tôi đã nói ngay từ đầu và qua phân tích của luật sư, chuyện này là không thể, đã vi phạm pháp luật Việt Nam. Song song đó tôi cũng đã gửi một lá thư bảo đảm  cho toà đại sứ Pháp, theo thủ tục của Pháp là xin tước quốc tịch Pháp. Nhưng nó sẽ có nhiều chuyện để làm chứ không phải như Việt Nam, ký một cái là xong được.”

Giáo sư Hoàng nhấn mạnh thêm một lần nữa ông đã có ý muốn và đã thực hiện quyết định từ bỏ quốc tịch Pháp trước khi nhận được văn bản tước quốc tịch Việt Nam của ông từ Bộ Tư pháp Việt Nam.

Luật sư Đặng Đình Mạnh, người đại diện pháp lý cho giáo sư Phạm Minh Hoàng cho biết việc uỷ quyền cho luật sư sẽ có hiệu lực kể từ chiều ngày 10 tháng 6, 2017.

Giáo sư Hoàng cũng chính thức đăng tải trên trang Facebook cá nhân của ông sự việc này:

“Tôi cũng đã ủy quyền cho luật sư Đặng Đình Mạnh để tiếp tục việc khiếu nại.

Tôi cũng sẽ không ký vào bất cứ một văn bản nào đưa đến việc trục xuất và sẽ đấu tranh tới cùng để thực hiện ước vọng của tôi là được sống trên quê hương của chính mình.”

Giáo sư Phạm Minh Hoàng là người mang song tịch Việt Nam và Pháp. Ông từng là du học sinh, sinh sống ở Pháp từ năm 1973, đến cuối thập niên 1990 ông trở về nước dạy học tại Đại học Bách Khoa Sài Gòn cho đến khi bị bắt vào tháng 8 năm 2010 với tội danh lật đổ chính quyền Việt Nam theo điều 79 Bộ luật hình sự Việt Nam.

Sau khi mãn hạn 17 tháng tù giam, ông được trả tự do vào Tháng Giêng năm 2012 và chịu ba năm quản chế. Dù không được các trường đại học ở Việt Nam nhận giảng dạy, ông tiếp tục những gì đã làm trước đó là mở những lớp dạy tiếng Pháp và kỹ năng mềm cho các em học sinh tại Sài Gòn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.