Việt Nam và Ấn Độ đối thoại chiến lược

RFA
2017.10.25
000_Q8916_960.jpg Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (bên trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Đô Sushma Swaraj bắt tay trước cuộc gặp ở New Delhi hôm 4/7/2017.
AFP

Ấn Độ cam kết sẽ tiếp tục giúp Việt Nam tăng cường khả năng quốc phòng, chuyển giao công nghệ, đào tạo sĩ quan và cung cấp tín dụng mua vũ khí cho Việt Nam.

Đây là nội dung được đưa ra tại hai đối thoại là quốc phòng và chiến lược cấp thứ trưởng giữa Việt Nam và Ấn Độ diễn ra hôm 24/10 tại Hà Nội.

Chủ trì hai đối thoại lần này từ phía Việt Nam là Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, phía Ấn Độ là người tương nhiệm Preeti Saran.

Hai bên khẳng định việc duy trì hòa bình ổn định và an toàn, an ninh trên biển cũng như trên không, tuân thủ các nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật quốc tế, thực hiện đầy đủ Tuyên bố của các bên về ứng xử trên biển Đông (DOC), hướng tới đạt được một Bộ Quy tắc về ứng xử trên biển Đông là COC.

Ngoài ra hai bên cũng đồng ý sẽ tổ chức thêm các cuộc gặp nhằm chia sẻ kinh nghiệm đối phó với các vấn đề về biên giới, lãnh thổ và an ninh khu vực bao gồm an ninh biển.

Việt Nam và Ấn Độ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2016. Năm nay đánh dấu 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược

Vào năm ngoái, trong chuyến thăm của Thủ tướng Narenda Modi tới Việt Nam, hai bên đã ký kết thoả thuận về việc Ấn Độ cung cấp tàu tuần tra cao tốc cho Bộ đội Biên phòng Việt Nam. Nhân chuyến thăm này, Thủ tướng Modi cũng công bố khoản vay 500 triệu đô la cho Việt Nam để thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa hai nước.

Việt Nam và Ấn Độ cũng đã có những đàm phán để Việt Nam có thể mua tên lửa Brahmos của Ấn Độ hợp tác với Nga sản xuất.

Cả Ấn Độ và Việt Nam đều đang có những vấn đề về tranh chấp chủ quyền với một nước láng giềng chung là Trung Quốc. Ấn Độ đã từng có cuộc chiến biên giới với Trung Quốc vào năm 1962 và đến hiện nay hai nước vẫn có những tranh chấp dai dẳng ở biên giới. Cuộc chiến biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc là năm 1979.

Trung Quốc hiện là nước đòi chủ quyền phần lớn diện tích biển Đông nơi Việt Nam và một số nước khác trong khu vực cũng đòi chủ quyền.

Ấn Độ dưới thời của Thủ tướng Modi đã thực hiện chính sách Hướng Đông nhằm tăng cường hợp tác hơn với các nước Đông Nam Á, đối trọng với sự ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Trong đối thoại lần này, phía Việt Nam đã ca ngợi chính sách Hướng Đông của Ấn Độ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.