Tàu cá VN bị tàu tuần tiễu Đài Loan tấn công tại Trường Sa

RFA
2016.01.23
Tàu sắt của Trung Quốc ngang nhiên đâm thẳng vào tàu cá Việt Nam Tàu sắt của Trung Quốc ngang nhiên đâm thẳng vào tàu cá Việt Nam hồi tháng 7 năm 2014 ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (ảnh minh họa)
File photo

Tàu cá QNg 90649TS của Việt Nam bị hai tàu tuần tiễu của Đài Loan tấn công tại khu vực quần đảo Trường Sa.

Mạng báo Đất Việt loan tin này hôm qua 23 tháng giêng trích dẫn trình bày của chủ kiêm thuyền trưởng chiếc QNg90649TS là ông Nguyễn Thành Biên với Trạm kiểm soát Biên phòng Tịnh Kỳ, ngay sau khi về đến bến cũng trong cùng ngày.

Theo đó tàu cùng 13 thuyền viên trên chiếc QNg90648TS ra biển Trường Sa đánh bắt hải sản từ ngày 25 tháng 12. Đến sáng ngày 6 tháng giêng khi tàu đang neo cách đảo Sơn Ca, thuộc Trường Sa chừng 4 hải lý về phía đông thì phát hiện có hai tàu tuần tiễu của Đài Loan chạy ra từ đảo Ba Bình tiến đến. Hai chiếc tuần tiễu của phía Đài Loan mang số hiệu PP10052 và PP10053.

Thuyền trưởng Nguyễn Thành Biên kéo neo chiếc QNg90649TS và chạy đi nhưng chỉ 10 phút sau hai chiếc tàu tuần tiễu của Đài Loan áp sát đến hai bên mạn tàu của ông Biên. Rồi tàu tuần tiễu Đài Loan sử dụng phương tiện đâm va vào chiếc QNg90649TS, đồng thời dùng vòi rồng phun nước cho đến khi tàu của ông Biên chạy gần đến đảo Sơn Ca mới thôi.

Một số trang thiết bị của chiếc QNg90649TS bị hư, thiệt hại được nói ước tình hằng trăm triệu đồng Việt Nam.

Vụ việc được trình báo ngay với lực lượng chức năng Việt Nam hiện đang giữ đảo Sơn Ca.

Viên chức phụ trách, thượng tá Lương Duy Hãnh, chỉ huy trưởng Đảo Sơn Ca cho biết ngoài chiếc Ng90649TS còn có chiếc QNg90929TS cũng bị phía tuần tiễu Đài Loan sử dụng phương tiện đâm va tông và phun vòi rồng.

Cũng liên quan đến tình hình tranh chấp tại Biển Đông,

Hôm qua đại biểu Hoàng Bình Quân, trưởng ban Đối ngoại Trung ương, lên tiếng với báo chí bên lề đại hội đảng đang diễn ra ở Hà Nội về tranh chấp tại Biển Đông.

Theo ông Hoàng Bình Quân thì sự khác biệt giữa các quốc gia đang có tranh chấp ở Biển Đông, tức 5 nước 6 bên, gồm Trung Quốc, Đài Loan, Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam là một thực tế.

Do có khác biệt nên cần có những công cụ để giải quyết. Những công cụ được ông Hoàng Bình Quân nhắc lại gồm Công ước về Luật biển năm 1982, Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông- DoC năm 2002; cũng như cần có một Bộ quy tắc ứng xử- COC mang tính ràng buộc hơn.

Tuy nhiên ông này thừa nhận việc đạt cho được một bộ quy tắc ứng xử không đơn giản vì liên quan đến lợi ích, toan tính của các bên.

Trước đó vào ngày 22 tháng giêng, chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi, ông Lê Viết Chữ, thông báo tại diễn đàn đại hội đảng cộng sản Việt Nam từ tháng 5 năm 2014 đến tháng 12 năm ngoái có 135 tàu với hơn 1.600 lượt ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, ngăn cản, đập phá, xua đuổi, cướp tài sản khi đi đánh bắt tại các ngư trường truyền thống lâu nay của Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.