Lũng đoạn ngoại hối

Một trận đấu ngoại hối đang xảy ra trên các thị trường vì một vấn đề chung là trị giá quá thấp của đồng Nhân dân tệ.
Việt Long & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2010.09.22
Đồng Yuan Trung Quốc. Đồng Yuan Trung Quốc.
AFP PHOTO

Cụ thể là trong khi chính quyền Hoa Kỳ gây sức ép để Bắc Kinh nâng giá đồng bạc thì các nước Á Châu đã can thiệp vào thị trường ngoại hối để đồng bạc khỏi lên giá làm hàng hóa của họ mất thế cạnh tranh. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về trận đấu này qua phần trao đổi của nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa.

Chạy đua giảm giá

Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Thưa ông, thứ Tư 15 tuần trước, Nhật Bản đã bán ra một số lượng tiền Nhật trị giá khoảng 21 tỷ Mỹ kim. Đây là một vụ can thiệp mạnh vào thị trường ngoại hối, và lần đầu tiên kể từ sáu năm nay, nhằm hạ giá đồng Yen sau khi tiền Nhật tăng giá mạnh nhất kể từ 15 năm nay. Các thị trường tài chính thế giới đều kết luận là Nhật Bản cũng phải nhảy vào cuộc như nhiều xứ Á Châu khác để giảm giá đồng bạc của họ khi mà đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc vẫn được Bắc Kinh định giá quá thấp để chiếm lợi thế cạnh tranh nhờ hàng rẻ. Cùng lúc đó, Chính quyền Hoa Kỳ cũng lên tiếng đòi Bắc Kinh điều chỉnh lại trị giá đồng bạc, nếu không, Quốc hội Mỹ sẽ có biện pháp trả đũa. Vì những chuyển động ấy, giới quan sát cho rằng các nước đang có một trận đấu về ngoại hối. Chúng tôi xin đề nghị ông phân tích vụ đấu phức tạp này.

Bắc Kinh chủ động can thiệp vào thị trường ngoại hối để chiếm lợi thế cạnh tranh bất chính nhờ đồng bạc quá rẻ.

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyễn Xuân Nghĩa: Trước hết, tôi xin được có lời cáo lỗi về một sai lầm trong chương trình hôm 15 tuần trước dưới tựa đề "Rủi Ro của Thông Tin Mờ Ảo".

Đó là dự án hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc nhằm phát triển một khu vực kinh tế chung. Khu vực kinh tế giáp biên này là của hai thị xã Bằng Tường của Quảng Tây và thị xã Đồng Đăng của Lạng Sơn, có diện tích là 17 cây số vuông, mỗi bên dành ra 8 cây số vuông rưỡi, chứ không phải là tám triệu rưỡi cây số. Chúng tôi mong quý vị đã nhìn ra sai lầm đó và tự điều chỉnh. Dù sao, ta biết rằng diện tích tổng cộng của thị trấn Đồng Đăng chỉ có bảy cây số vuông thôi và như vậy toàn thể Đồng Đăng nằm trong khu kinh tế hỗn hợp ấy nên ta càng cần có thông tin cụ thể hơn về dự án quan trọng này. Biết đâu chừng dân gian sẽ lại có ca dao mới là "Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa, có nàng Tô Thị, có chùa Phục Ba!"

Việt Long: Xin cám ơn ông Nghĩa. Đài Á Châu Tự Do có thấy sai lầm ấy và đã sửa lại trên trang nhà. Nhân đây, cũng xin được nhắc lại rằng thị trấn Đồng Đăng nằm sát biên giới Trung Quốc là một trạm giao thông bằng xe lửa với Trung Quốc mà cũng là nơi đã có những trận giao tranh đẫm máu khi binh đội Trung Quốc đánh vào tỉnh Lạng Sơn năm 1979.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Trở lại đề tài về ngoại hối, chúng ta cần phân biệt bốn thành viên khác nhau trong hồ sơ phức tạp này.

Trước hết là Trung Quốc với chính sách ràng giá đồng Nhân dân tệ vào đô la Mỹ theo tỷ giá giả tạo và quá thấp, trong biên độ hẹp lại điều chỉnh rất ít vì tăng vỏn vẹn có 1,5% kể từ 19 Tháng Sáu khi Bắc Kinh tuyên bố để trị giá đồng bạc được chuyển dịch linh động hơn. Vì vậy, phía Hoa Kỳ than phiền là Bắc Kinh chủ động can thiệp vào thị trường ngoại hối để chiếm lợi thế cạnh tranh bất chính nhờ đồng bạc quá rẻ. Quốc Hội Mỹ đang gây sức ép với Chính quyền của Tổng thống Barack Obama để phải có biện pháp mạnh hơn với Trung Quốc.

Trong khi ấy, các nền kinh tế Á Châu ngoài Trung Quốc, như của Nam Hàn, Đài Loan, Thái Lan và Singapore, cũng thấy đồng bạc của họ lên giá so với đồng Nguyên của Trung Quốc, bình quân là 3% kể từ Tháng Sáu vừa qua. Vì vậy, họ e là hàng lên giá sẽ khó cạnh tranh hơn với Trung Quốc nên đã lặng lẽ can thiệp, bằng cách mua vào đồng Mỹ kim để đồng nội tệ của mình khỏi lên giá. Chuyện ấy khiến ra để ý thấy rằng nếu Trung Quốc đang có lượng dự trữ ngoại tệ trị giá gần 2.500 tỷ đô la thì dự trữ của các nước Á Châu còn lớn hơn, tương đương với 2.900 tỷ.

Đồng Yen Nhật Bản. AFP PHOTO.
Đồng Yen Nhật Bản. AFP PHOTO.
Bây giờ là trường hợp đại gia Nhật Bản. Xứ này chưa ra khỏi hoạn nạn kinh tế kéo dài từ  20 năm nay và cần xuất khẩu để kích thích sản xuất. Hai thị trường lớn của họ là Trung Quốc, nhận 19% tổng số xuất khẩu, và Hoa Kỳ, nhận 16%. Vậy mà đồng Yen lại tăng giá quá mạnh khiến hàng Nhật trở thành đắt đỏ hơn, khó bán hơn. Vì vậy mà Thứ Tư tuần trước, Ngân hàng Trung ương Nhật can thiệp vào thị trường ngoại hối và ngược với cam kết trước đó với các nước công nghiệp hóa trong nhóm G-7 là không nên can thiệp mà phải để quy luật thị trường quyết định.

Tổng kết lại thì ta có chế độ ngoại hối của Trung Quốc bị các nước kết án là có chủ đích cạnh tranh; có Hoa Kỳ đang cần xuất khẩu để tạo thêm công việc làm và tiết giảm nhập khẩu để bảo vệ thị trường lao động èo uột của mình nên không chấp nhận lối cạnh tranh bất chính đó. Ở giữa, các nước Á Châu cố xoay trở giữa hai thị trường Mỹ-Hoa, giữa Mỹ kim và đồng Nguyên, và cuối cùng thì cũng phải nhảy vào thị trường ngoại hối để điều chỉnh hối suất.

Dùng đòn bẩy ngoại hối

Việt Long: Nếu mình lùi lại một chút để nhìn vào bức tranh toàn cảnh thì sau vụ tổng suy trầm vừa qua, kinh tế thế giới đang cần tái lập quân bình toàn cầu. Một bên là khối công nghiệp hóa Âu-Mỹ phải trả nợ nhiều hơn, xuất khẩu mạnh hơn, nhập khẩu ít hơn. Bên kia là các nước đang phát triển thì phải lệ thuộc ít hơn vào xuất khẩu và mở rộng thị trường nội địa của mình để tìm lực đẩy cho bộ máy sản xuất. Thế thì vì sao bây giờ Á Châu vẫn còn hiện tượng can thiệp vào chế độ ngoại hối để đẩy mạnh xuất khẩu?

Khi thu vào ngoại tệ, lãnh đạo Trung Quốc giữ lấy ngoại tệ đó - vì là độc quyền của nhà nước - và nhả ra một lượng tiền còn ít hơn đối giá đó. Nói theo thuật ngữ kinh tế thì họ "đông lạnh" số tiền ấy.

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyễn Xuân Nghĩa:Quốc gia nào tại Á Châu cũng thấy ra nhu cầu điều chỉnh ấy, nhưng việc tái lập quân bình về xuất và nhập và nhất là việc gia tăng sức mua của thị trường nội địa đòi hỏi thời gian. Trong khi ấy, Trung Quốc lại là đại gia về xuất khẩu, có dân số rất lớn mà chưa thể xoay được vì sợ nội loạn nên tiếp tục duy trì chế độ hối đoái lệch lạc của họ khiến các quốc gia kia đều bị thiệt hại và phải có phản ứng. Đó là một cách nhìn. Tuy nhiên, tôi thiển nghĩ là vấn đề Trung Quốc còn trầm trọng và rắc rối hơn chuyện ngoại thương, ngoại hối.

Việt Long: Ông nói rắc rối là như thế nào, và trầm trọng là như thế nào?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Trên lý thuyết thì việc giao dịch mua bán giữa các nước sẽ quyết định trị giá đồng bạc nước này so với đồng bạc nước khác. Thí dụ như mua nhiều hơn bán thì đồng bạc của mình sẽ mất giá khiến hàng hóa của mình trở thành rẻ hơn và dễ bán hơn nêu sẽ điều chỉnh lại thất quân bình trong cán cân ngoại thương. Vì vậy, các nước mới chủ trương áp dụng chế độ ngoại hối linh động, để quy luật thị trường quyết định về hối suất hay tỷ giá đồng bạc. Trong thực tế Trung Quốc lại có lối tính toán tinh vi hơn là chỉ cố tình định giá đồng bạc rất thấp.

Việt Long: Ông nêu ra một nhận xét rất lạ là Trung Quốc không chỉ dùng đòn bẩy ngoại hối để kiếm lời về ngoại thương. Chuyện ấy là như thế nào?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Xứ này chưa có nền kinh tế thị trường đích thực và vẫn duy trì vai trò kiểm soát rất mạnh của nhà nước. Nhà nước đó không chỉ nắm trong tay chế độ ngoại hối mà thôi. Thật ra, nhiều nền kinh tế khác trên thế giới cũng áp dụng chế độ ràng giá đồng bạc của họ vào một loại ngoại tệ dự trữ là đồng Mỹ kim mà có xứ nào than phiền đâu?

Lý do là khi xuất khẩu mạnh và thu vào nhiều ngoại tệ hơn thì các quốc gia đó để dòng tiền ngoại nhập này chảy vào kinh tế, cụ thể là gia tăng khối tiền tệ lưu hành trong nước cho dân chúng tiêu dùng dồi dào hơn. Kết quả là dân chúng được hưởng thành quả sản xuất và thị trường nội địa có gia tăng. Thứ nữa, khi khối tiền tệ lưu hành gia tăng, vật giá cũng tăng theo và yếu tố ấy sẽ tự nhiên điều chỉnh lại cán cân xuất nhập khẩu vì làm hàng xuất khẩu lên giá.

Việt Long: Còn trường hợp Trung Quốc thì khác nên họ mới bị thế giới than phiền phải không? Mà khác như thế nào?

Các loại tiền tệ. AFP PHOTO.
Các loại tiền tệ. AFP PHOTO.
Nguyễn Xuân Nghĩa: Người dân Trung Quốc không được sờ vào đồng ngoại tệ mà họ góp phần thu vào trong tiến trình lao động để xuất khẩu. Họ chỉ nhận được đối giá của đồng bạc đó, bằng tiền Trung Quốc, lại nhận được quá ít theo tỷ giá quá thấp của đồng bạc. Đấy là một lẽ.

Lẽ thứ hai, khi thu vào ngoại tệ, lãnh đạo Trung Quốc giữ lấy ngoại tệ đó - vì là độc quyền của nhà nước - và nhả ra một lượng tiền còn ít hơn đối giá đó. Nói theo thuật ngữ kinh tế thì họ "đông lạnh" số tiền ấy chứ không bơm vào kinh tế và không gia tăng khối tiền tệ lưu hành. Ta hãy nghĩ đến một bồn chứa nước do nhà nước quản lý cái vòi. Nước chảy vào thửa ruộng kinh tế lại không được tưới ra ngoài mà dùng vào việc khác mà ta sẽ nói sau. Kết quả của chính sách ấy là Trung Quốc không đưa vào lưu hành lượng Nhân dân tệ tương xứng với số xuất siêu đã đạt.

Trận chiến mậu dịch

Việt Long: Nếu họ bơm vào kinh tế cho dân được hưởng thì ngược lại họ cũng có thể gây ra nạn lạm phát hay làm cho vật giá gia tăng chứ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đúng vậy, nhưng vật giá mà gia tăng thì cũng tự nhiên điều chỉnh lại cán cân thương mại cho quân bình hơn với các nước khác. Đằng này, đã định giá đồng bạc quá thấp, họ lại đông lạnh số thu nhập ngoại tệ qua việc phát hành trái phiếu và nâng mức dự trữ pháp định của ngân hàng. Các quốc gia bị thiệt thòi, kể cả và nhất là Hoa Kỳ, chỉ chú trọng đến đòn bẩy ngoại hối và đòi Bắc Kinh điều chỉnh tỷ giá đồng Nhân dân tệ, tức là mới chỉ nêu ra một vấn đề biểu kiến ở ngoài mà thôi. Điều đáng lo ngại là khi gây sức ép về ngoại hối, Hoa Kỳ có thể thỏa mãn đòi hỏi của xu hướng bảo hộ mậu dịch rất mạnh bên trong đảng Dân Chủ, và có thể gây ra một trận chiến mậu dịch mà các xứ khác sẽ bị vạ lây.

Trong khi ấy, tôi thiển nghĩ rằng Trung Quốc phải cải cách cả chính sách tiền tệ và tín dụng của họ, và các nước khác cũng nên hợp tác trong việc cải cách này, qua kế hoạch ổn định trị giá đồng Nguyên, để Bắc Kinh khỏi lo sợ mà cứ cố thủ trong trò chơi nguy hại này. Có lẽ lãnh đạo của họ có thấy ra điều ấy và đang tranh luận mạnh về việc cải cách khi chuẩn bị Đại hội đảng khóa tới, vào năm 2012.

Việt Long: Hồi nãy, ông nói đến hai yếu tố "phức tạp" và "trầm trọng" của vấn đề Trung Quốc. "Phức tạp rắc rối" là chế độ ngoại hối và chính sách đông lạnh tiền tệ mà ông vừa trình bày. Còn "trầm trọng" là như thế nào?

Bắc Kinh có tham vọng trường kỳ là dùng thị trường rộng lớn của họ làm mồi nhử doanh nghiệp quốc tế và các quốc gia muốn mua bán với Trung Quốc nên đặt điều kiện cho việc mua bán ấy.

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyễn Xuân Nghĩa: Lãnh đạo Bắc Kinh có tham vọng trường kỳ là dùng thị trường rộng lớn của họ làm mồi nhử doanh nghiệp quốc tế và các quốc gia muốn mua bán với Trung Quốc nên đặt điều kiện cho việc mua bán ấy, thậm chí chủ động thi hành biện pháp can thiệp bất chính. Nhưng họ còn tính xa hơn một chu kỳ bầu cử hay sự sốt ruột nhất thời của các nước dân chủ, đó là dùng khối dự trữ ngoại tệ lớn lao này để mua chuộc hay khuynh đảo các nước, nhất là các thị trường cung cấp nguyên nhiên vật liệu mà họ rất cần. Sau cùng, với lượng dự trữ rất lớn và là chủ nợ của Hoa Kỳ khi nắm trong tay 900 tỷ đô la Công khố phiếu của Mỹ, họ có thể ảnh hưởng tới phân lời trái phiếu, lãi suất dài hạn và cả hối suất đồng Mỹ kim. Đấy mới là mối nguy cho an ninh của Mỹ mà có lẽ lãnh đạo Hoa Kỳ cũng thấy ra. Vì vậy, vấn đề không chỉ là chuyện tỷ giá.

Việt Long: Chẳng lẽ Trung Quốc lại có thể nắm dao đằng chuôi như vậy sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thật ra, chẳng quốc gia nào lại có thể toàn quyền tung hoành như vậy được. Vì vậy, ta mới chứng kiến hàng loạt phản ứng của các nước, ngày càng đa diện và gay gắt hơn với Bắc Kinh. Thứ hai và đáng chú ý nhất, cái thói trục lợi và tập trung quyền lực lẫn tiền tài vào tay nhà nước đang bị chính người dân Trung Quốc phản đối. Họ muốn hưởng thành quả của tăng trưởng và đòi nhiều quyền tự do hơn nên đang gây ảnh hưởng tới cuộc tranh luận nội bộ khi đảng Cộng sản chuẩn bị Đại hội vào năm 2012 để để cử lãnh đạo và chọn lựa hướng đi. Chúng ta nên theo dõi cuộc tranh luận này.

Việt Long: Xin cảm tạ ông Nguyễn Xuân Nghĩa.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.