Việt Nam: Phá giá và lạm phát

Tuần qua, công ty lượng giá tín dụng Fitch đã quyết định xuống cấp trái phiếu Việt Nam thêm một nấc, và như vậy trái phiếu chính phủ tuột khỏi loại khí cụ đầu tư đáng tin cậy.
Việt Long & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2010.03.18
fitch-305.jpg Thông tin đánh giá của Fitch về tín dụng Việt Nam đăng trên Bloomberg.com
Ảnh chụp từ trang web Bloomberg.com. RFA photo

Quyết định ấy nghĩa là gì, mà vì sao trái phiếu chính phủ của Việt Nam bị đánh giá thấp hơn? Diễn đàn Kinh tế nêu câu hỏi đó cho nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa qua cuộc trao đổi do Việt Long thực hiện.  

Đánh giá của Fitch

Việt Long: Hôm 12 vừa qua, công ty Fitch đã đánh sụt giá trị trái phiếu chính phủ của Việt Nam thêm một cấp. Lý do được Fitch nêu ra về quyết định ấy là giá trị đồng bạc Việt Nam và nguy cơ lạm phát. Tin ấy lập tức được các thị trường tài chính trên thế giới loan tải.

Câu hỏi đặt ra là công ty này là gì; vì sao việc họ định giá trái phiếu lại ảnh hưởng tới quyết định của các thị trường; và điều ấy có nghĩa là thế nào cho Việt Nam? Nhờ ông giải đáp thắc mắc cho một số thính giả và đề nghị ông trình bày từng điểm.

Nguyễn Xuân Nghĩa:

Tôi xin được nói về bối cảnh chung rồi mới tập trung vào chuyện công ty này và giá trị của trái phiếu Việt Nam.

Nói chung, một cá nhân, một doanh nghiệp hay chính quyền của một quốc gia đều có thể cần tiền và đi vay, có thể là vay một người quen, một ngân hàng hay vay các nhà đầu tư có tiền trên thị trường tín dụng, cũng gọi là thị trường trái phiếu.

Dĩ nhiên là các công ty lượng cấp tín dụng phải dùng nhiều nguồn thông tin khác nhau để phối kiểm trước khi tổng hợp kết luận bằng một mã số chấm điểm.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Khi suy tính xem có nên cho vay hay không thì người ta cần đánh giá khả năng trả nợ của khách đi vay. Khả năng trả nợ càng cao thì rủi ro càng thấp. Khả năng đó mà kém thì rủi ro càng cao, khiến người cho vay phải phòng xa mất nợ mà đòi lãi cao.

Trên thị trường trái phiếu, người ta gọi mức lãi ấy là "phân lời", hay "yield", để phân biệt với lãi suất ngân hàng là "interest rate". Một thí dụ cụ thể khác là khi cần tiền, người ta có thể chơi hụi và càng cần nhiều thì người đi vay càng phải chịu trả tiền lời cao hơn. Tức là phân lời hay tiền lãi mình trả được quyết định qua sự thẩm lượng của người cho vay.

Trên thị trường trái phiếu, cũng gọi là thị trường tín dụng, có các công ty chuyên nghiệp vô tư có chức năng thẩm định khả năng vay mượn và trả nợ của các doanh nghiệp hay quốc gia. Đó là loại công ty xin được tạm gọi là "lượng cấp tín dụng" là thẩm lượng cấp độ cao thấp về khả năng hoàn trái hay trả nợ của khách nợ. Yếu tố thẩm định ở đây là rủi ro tín dụng thấp hay cao.

Hoa Kỳ có tám doanh nghiệp lượng cấp tín dụng đó, nhưng nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất thì chỉ có ba công ty là Standard & Poor's, Moody's và Fitch. Ba cơ sở này chiếm lĩnh từ 90 đến 95% phần thị trường của cả thế giới cho nên sự phê phán của họ rất có ảnh hưởng đến quyết định của giới đầu tư hay các ngân hàng trên thị trường tài chính quốc tế. Một thí dụ là họ cũng đã từng đánh sụt cấp của Hoa Kỳ khi Chính quyền nước Mỹ vay nợ quá nhiều kể từ năm ngoái.

000_Hkg3349948.jpg
Bảng giá lãi suất tiền gửi đồng VN và đôla Mỹ của ngân hàng Techcombank ở Hà Nội hôm 03/3/2010. AFP photo/Hoang Dinh Nam
AFP photo/Hoang Dinh Nam
Việt Long: Bây giờ, xin hỏi ông là các công ty thẩm định cấp độ trái phiếu này dùng những tiêu chuẩn gì để đánh giá yếu tố rủi ro?

Nguyễn Xuân Nghĩa:

Tôi xin được nói riêng về loại khách nợ là quốc gia, tức là chính quyền một nước phát hành trái phiếu để vay tiền và đưa chủ nợ một tờ giấy nợ, gọi là công khố phiếu, với lời giao hẹn là sẽ trả tiền lời định kỳ và trả cả vốn khi đáo hạn. Sau đó, tờ giấy nợ ấy còn được lưu hành cho tới ngày đáo hạn với phân lời cao hơn hay thấp hơn tùy theo mức rủi ro của khách nợ.

Trong trường hợp ấy, rủi ro của chủ nợ là chủ đầu tư có nghĩa là nếu khách nợ không thể hoặc không muốn trả nợ hay là phải xin triển hạn trả nợ khi công khố phiếu đáo hạn, hoặc không chịu đảm bảo các khoản nợ mà doanh nghiệp hay công dân của mình vay. Để trắc lượng loại rủi ro ấy, các công ty như S&P, Moody's hoặc Fitch thường phải cân nhắc các thành phần yếu tố sau đây.

Thứ nhất là quốc gia đó mắc nợ trước đấy bao nhiêu và hàng năm hàng tháng phải trả nợ là bao nhiêu tiền, cả vốn lẫn lời. Nôm na là nếu đã mắc nợ nhiều thì sẽ khó vay thêm.

Thứ hai, ngoài việc thanh toán ngoại trái, quốc gia đó còn phải nhập khẩu bao nhiêu, tức là sẽ còn chi ra bao nhiêu ngoại tệ so với dự trữ ngoại tệ sẵn có. Nói ngược lại là vốn liếng ngoại tệ còn đủ cho mấy tuần hay mấy tháng nhập khẩu? Dưới ba tháng là có rủi ro.

Thứ ba là khả năng xuất khẩu để thu hồi ngoại tệ nhiều hay ít, căn cứ trên tình hình chủ quan của quốc gia và khách quan của các thị trường quốc tế.

Thứ tư là quốc gia đó đầu tư bao nhiêu, có khả năng sinh lời chừng nào để sau này còn thanh toán nợ nần? Yếu tố ấy dẫn đến sự thẩm định chính sách kinh tế vĩ mô.

Sau cùng, lượng tiền tệ lưu hành và lãi suất tín dụng ngân hàng cao hay thấp so với sản lượng để ước tính ra rủi ro lạm phát vì lạm phát cũng trực tiếp ảnh hưởng đến giá trị đồng bạc và khả năng trả nợ bằng ngoại tệ qua hối suất hay tỷ giá đồng bạc.

Những yếu tố rất chuyên môn ấy đòi hỏi thông tin minh bạch và trung thực. Quốc gia nào thiếu sự minh bạch trong thông tin hoặc thống kê không khả tín đáng tin thì sẽ khiến các công ty này lượng giá sai và đôi khi quốc gia lãnh họa oan uổng. Che giấu thông tin hoặc làm láo mà báo cáo sai thì càng dễ chết.

Việt Nam vẫn úp mở không nói rằng mình phá giá mà chỉ nói là "điều chỉnh tỷ giá". Lối thông tin mập mờ ấy không lừa được thị trường và vì mập mờ, người ta còn chờ đợi sẽ có phá giá nữa.

Ô. Nguyễn Xuân nghĩa


Dĩ nhiên là các công ty lượng cấp tín dụng phải dùng nhiều nguồn thông tin khác nhau để phối kiểm trước khi tổng hợp kết luận bằng một mã số chấm điểm. Uy tín của họ tùy thuộc vào sự chuẩn xác của cách chấm điểm này.

Việt Long: Các công ty đó chấm điểm thế nào mà Việt Nam bị công ty Fitch đánh tuột hạng bào loại BB-?

Nguyễn Xuân Nghĩa:

Mỗi công ty lại có một thang điểm riêng, tuy nhiên họ có cùng chung một số nguyên tắc đã áp dụng từ hơn tám chục năm nay. Trên đại thể, họ xếp theo thứ tự A, B và C, D từ cao xuống thấp. Loại trái phiếu an toàn nhất, coi như không bị rủi ro gì cả thì có mã số AAA, là ba chữ A, dưới đó là hai chữ A và xuống dần. Tới loại B là có rủi ro thì cũng từ ba chữ B đi xuống. Tới cấp nguy ngập có thể vỡ nợ là loại C và rủi ro nhất là loại D.

Nói vắn tắt, xứ nào được chấm điểm A trở lên thì trái phiếu là nơi đầu tư có giá trị, ít rủi ro. Xứ nào bị chấm điểm B thì trái phiếu bị coi là không đáng là nơi đầu tư vì có rủi ro. Giữa các mã số A hay B hay C ấy các công ty có thể còn đánh dấu cộng hay trừ để có thang điểm tinh vi hơn, gồm có chừng hai chục nấc. Việt Nam bị Fitch đánh tuột giá vào loại BB mà lại còn thêm dấu trừ (-) thì quả là đáng lo.

Khó vay tiền

Việt Long: Hậu quả của việc định giá như vậy là thế nào?

000_Hkg3320568.jpg
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ ông Karel De Gucht, ủy viên Hội đồng Thương mại châu Âu tại Hà Nội hôm 02/3/2010. AFP photo/Hoang Dinh Nam
AFP photo/Hoang Dinh Nam
Nguyễn Xuân Nghĩa:

Các thị trường tài chính, ngân hàng hay giới đầu tư không thể và chẳng cần vào tận Việt Nam để cứu xét mà thường chỉ căn cứ trên cách lượng giá đó để quyết định là có nên cho Việt Nam vay tiền không và nếu cho vay thì phải có phân lời tối thiểu là bao nhiêu để trang trải các rủi ro có thể xảy ra. Điểm càng thấp thì phải trả phân lời càng cao. Sau đó, sự lượng giá ấy cũng chi phối trị giá hay phân lời của công khố phiếu đã phát hành và đang lưu hành trên thị trường.

Thí dụ như trong tháng Giêng vừa qua, Việt Nam nhờ một số ngân hàng quốc tế như Barclays của Anh, Citigroup của Mỹ và Deutsche Bank của Đức làm trung gian và công ty tư vấn Allen &Overy của Mỹ làm cố vấn cho việc phát hành một tỷ 500 triệu Mỹ kim công khố phiếu dài hạn và phải trả phân lời các hơn các xứ khác hơn 250 điểm, tức là hơn 2,5%.

Tức là phải trả giá cao mới chào được khách cho mình vay tiền. Nếu khách nợ thấy trước rằng công ty Fitch giáng cấp tín dụng của Việt Nam thì sẽ còn đòi phân lời cao hơn. Bây giờ, trị giá công khố phiếu ấy sẽ giảm tức là phân lời sẽ tăng làm nhiều người đã lỡ mua sẽ không muốn giữ nữa.

Tất nhiên là sau khi công ty Fitch công bố sự thẩm định của mình, các ngân hàng trung gian đã giúp Việt Nam phát hành công khố phiếu hai tháng trước, như Barclays hay Citigroup đều lật đật trấn an khách đầu tư của mình là tình hình Việt Nam không đến nỗi tệ như vậy để khách khỏi bán tháo bỏ chạy.

Nhưng thực tế là nếu bây giờ các ngân hàng này lại được mời làm trung gian đi vay tiền cho Việt Nam thì họ sẽ đòi phân lời cao hơn. Nếu chỉ vin vào ý kiến vuốt đuôi của các ngân hàng đã ăn tiền hoa hồng ở giữa để nói rằng tình hình Việt Nam không đến nỗi tệ thì có khi lãnh đạo kinh tế của Việt Nam lại lầm nữa!

Việt Long: Như vậy, ông có vẻ cho rằng sự thẩm định của công ty Fitch là trung thực và có lý do chính đáng?

Nguyễn Xuân Nghĩa:

Căn cứ trên sự lệch lạc trong chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam để ứng phó với nạn suy trầm toàn cầu và để kích thích sản xuất; căn cứ trên khả năng xuất khẩu và yêu cầu nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu cho sản xuất; căn cứ trên khối dự trữ ngoại tệ đang bị bào mỏng và nay chỉ còn chừng 15 tỷ đô la so với hơn 23 tỷ trước đây nên chỉ đủ thanh toán cho nhu cầu nhập cảng trong khoảng hai tháng rưỡi tới ba tháng; căn cứ trên áp suất rất nặng trên tỷ giá đồng bạc và sự khan hiếm đô la khiến chính quyền phải đòi các doanh nghiệp nhà nước tuồn ra đồng Mỹ kim họ ghim chặt bên trong; và căn cứ trên rủi ro lạm phát rất cao của Việt Nam trong những tháng tới thì người ta thấy rằng cách lượng định của hãng Fitch là chính đáng.

Việt Nam bị Fitch đánh tuột giá vào loại BB mà lại còn thêm dấu trừ (-) thì quả là đáng lo.

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa


Nói cho gọn lại từ năm yếu tố kể trên thì Việt Nam đang bị hai rủi ro trước mắt là đồng bạc sẽ còn mất giá và lạm phát sẽ còn tăng. Đây là nhận định tổng hợp của hãng Fitch. Ngoài ra, cũng nên nhấn mạnh là vì yêu cầu chính trị là thổi lên không khí lạc quan để chuẩn bị cho Đại hội đảng vào năm tới, Chính quyền Việt Nam sẽ cố nâng đà tăng trưởng và càng dễ gây ra lạm phát, vốn dĩ đã lên tới gần 8,5% trong tháng Hai vừa rồi so với cùng kỳ năm ngoái.

Vì vậy, Fitch mới kết luận là phải canh chừng theo dõi hoàn cảnh của Việt Nam vừa tụt vào hạng tiêu cực, đáng ngại.

Việt Long: Nhưng ta đừng quên Việt Nam đã vừa phá giá đồng bạc vào tháng 11 rồi tháng hai vừa qua mà vẫn không cải thiện được tình hình hay sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa:

Thứ nhất, Việt Nam vẫn úp mở không nói rằng mình phá giá mà chỉ nói là "điều chỉnh tỷ giá". Lối thông tin mập mờ ấy không lừa được thị trường và vì mập mờ, người ta còn chờ đợi sẽ có phá giá nữa. Nhất là ngay sau khi chính quyền tuyên bố là không phá giá, như mọi lần trước. Thứ hai, lãnh đạo Việt Nam nêu lý cớ phá giá hay điều chỉnh tỷ giá là vì nạn đầu cơ tích trữ đô la.

Lý do thật của vụ phá giá chính là vì kế hoạch kích cầu tới ngàn tỷ đô la vào năm ngoái, chủ yếu là qua tín dụng ngân hàng và thổi lên nạn tích trữ đô la. Thực tế là thị trường và các doanh nghiệp nghĩ rằng mình không dại để bị lỗ nếu xả đô la ra bây giờ rồi lại phải trả đắt hơn khi cần đô la cho yêu cầu nhập khẩu. Nghĩa là Việt Nam đã mở ra một vòng luẩn quẩn khó gỡ vì chính sách vĩ mô.

Nguyên do chính yếu của sai lầm ấy là vừa giữ hối suất hay tỷ giá đô la quá cao so với sức mua thực tế của đồng bạc và rồi lại còn bơm tiền qua ngả tín dụng để kích thích sản xuất khiến vật giá leo thang, nhất là khi tín dụng lại chủ yếu trút vào các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu năng.

Y như trường hợp Trung Quốc mà chúng ta đã phân tích kỳ trước, doanh nghiệp nhà nước và các đại gia không nâng cao sản xuất mà lại thổi lên bong bóng đầu tư và lạm phát. Trong hoàn cảnh đó, Việt Nam càng khó vay tiền, là điều ta rút tỉa được từ cách lượng định của hãng Fitch. Và càng khó vay tiền càng bị rủi ro về ngoại hối.

Việt Long: Xin cám ơn ông Nguyễn Xuân Nghĩa.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
19/03/2010 07:10

Một bài phan tich qua hay.Kinh tế phải co quy luật của nó,đâu phai thuần chính tri mà lừa người ta được