Tranh luận về Ngân sách và Kinh tế học

Sau nhiều tháng tranh luận, cho đến tuần này, Hành pháp và Lập pháp Hoa Kỳ vẫn chưa hòa giải về ngân sách, với viễn ảnh là Chính quyền Liên bang sẽ đụng trần, là định mức đi vay, vào mùng hai tới.
Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2011.07.20
000_Par6344424-305.jpg Nhân viên công ty thuộc sở hữu nhà nước Hy Lạp phản đối trước Quốc hội, chống lại việc tư nhân hóa công ty vào ngày 21 Tháng 6, 2011.
AFP photo

Bên cạnh bất ổn của kinh tế Hy Lạp và Liên hiệp Âu châu, ách tắc chính trị tại Hoa Kỳ khiến mọi người đều lo ngại một trận suy trầm nữa trong khối kinh tế đã phát triển. Đã thế - và đây là chi tiết đáng chú ý - dường như cả hai phe tranh luận tại Hoa Kỳ đều có vẻ có lý! Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu về nghịch lý này qua phần trao đổi cùng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa. Xin thính giả cùng theo dõi cuộc phỏng vấn do Vũ Hoàng thực hiện sau đây.

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, "ách tắc vẫn hoàn ách tắc" là tình trạng chung của chính trường Hoa Kỳ khi Tổng thống và hai viện Quốc hội vẫn chưa thoả thuận về chi tiêu ngân sách. Tuy nhiên, trong cuộc tranh luận, người ta thấy hai lý luận được nêu ra mà hình như đều có vẻ có lý. Trong hoàn cảnh mà dân Mỹ thấy là bất khả vì bội chi ngân sách quá cao, đảng Dân Chủ cho rằng bây giờ mà giảm chi như đảng Cộng Hoà đòi hỏi thì nền kinh tế èo uột của Mỹ sẽ càng suy trầm. Bên đảng Cộng Hoà thì cho rằng kinh tế đang bị suy trầm với thất nghiệp cao, nếu lại tăng thuế như đảng Dân Chủ đề nghị thì giới đầu tư sẽ ngần ngại mở mang cơ sở và tuyển thêm nhân viên và vì vậy họ mới chống và đòi phải trước hết tiết giảm công chi!

Thưa ông, khi cả hai lý luận này đều có vẻ hợp lý thì làm sao người dân có thể biết là ai sai ai đúng? Vì vậy, dù rằng đây là một vấn đề khá chuyên môn, chúng tôi đề nghị ông trở lại bài học cơ bản về kinh tế để thính giả có cơ sở suy xét về lẽ đúng sai. Ông nghĩ thế nào?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa ông vấn đề quả thật là chuyên môn mà qua làn sóng điện chúng ta khó trình bày cho rõ nghĩa được. Nhưng mình vẫn có thể cố gắng sau khi nhớ bài học cơ bản về kinh tế mà diễn đàn này có nhắc lại nhiều lần. Rằng "giá trị của mọi quyết định kinh tế - như được gì và mất gì - cần được thẩm định một cách toàn diện, là cho nhiều thành phần dân chúng, và một cách trường kỳ, là cho một tương lai lâu dài hơn là kết quả trước mắt.

Chúng ta nhắc đến quy luật này vì dễ thấy ra cái "được" mà không nhìn  ra cái "mất" trong từng quyết định kinh tế.

Trước hết về bối cảnh thì Hoa Kỳ đã bị bội chi ngân sách kỷ lục dưới Chính quyền của Tổng thống Barack Obama từ gần ba năm qua sau khi đã bị bội chi trong tám năm cầm quyền của vị Tổng thống tiền nhiệm là ông George W. Bush. Trong khi ấy, kinh tế đã ra khỏi chu kỳ suy trầm từ Tháng Bảy năm 2009 mà chưa phát đạt và thất nghiệp vẫn còn cao. Vì thế, cuộc tranh luận xoay quanh hai đề mục chính, thứ nhất là phải tiệm tiến quân bình lại ngân sách quốc gia trong khi vẫn phải kích thích sản xuất để tạo thêm việc làm.

Bây giờ, có một cách suy xét cái lẽ được mất đó trong cuộc tranh luận về ngân sách tại Hoa Kỳ là trở lại một định nghĩa cơ bản về sản lượng quốc gia, là tổng số tài sản một nước có thể tạo thêm trong một năm. Chúng ta gọi đó là Tổng sản lượng Nội địa hay Tổng sản phẩm Quốc nội GDP. Định nghĩa này còn giúp chúng ta hiểu ra vì sao kinh tế Trung Quốc có thể bị lạm phát và khủng hoảng, là nội dung của một chương trình khác.

Vũ Hoàng: Như vậy, ông cho rằng nếu chúng ta tìm lại một định nghĩa cơ bản của GDP thì cũng có thể hiểu ra cuộc tranh luận hiện nay tại Mỹ và sự suy sụp sau này tại Trung Quốc?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đúng vậy, và vì thế kỳ trước mình mới nói rằng nếu người dân có sự hiểu biết tối thiểu về kinh tế thì sẽ có cơ sở xét đoán chính xác hơn về các quyết định kinh tế của chính quyền. Tôi xin phép đi vào nội dung khá rắc rối này.

Trước hết, tổng sản lượng GDP là tổng số tài sản mà nền kinh tế sản xuất thêm trong một thời khoảng nào đó trên một vùng lãnh thổ. Hãy mường tượng rằng đó là "trị giá gia tăng" của cả nền kinh tế. Cơ bản thì ta có ba cách đo lường khác nhau tổng số trị giá gia tăng đó, là qua sản xuất, qua lợi tức và qua chi tiêu.

Cách thứ ba là qua sức chi tiêu giúp mình nhìn ra tương đối rõ ràng là thành phần nào trong xã hội tạo ra cái "trị giá gia tăng" đó cho cả nền kinh tế quốc dân. Định nghĩa cơ bản mà học trò lớp kinh tế nhập môn đều biết là: "GDP bằng với Chi tiêu của Tư nhân, cộng với Đầu tư của Tư doanh, cộng với Chi tiêu của Nhà nước và cộng với Xuất khẩu thuần, tức là Xuất khẩu trừ Nhập khẩu." Định nghĩa này được tóm gọn qua công thức GDP = C + I + G + Ex-Im.

Ngân sách và công chi thu

Vũ Hoàng: Chúng tôi cố theo dõi phần trình bày này để hiểu vì sao mà cả hai đảng đều có vẻ có lý trong cuộc tranh luận đầy khúc mắc về ngân sách và công chi thu tại Hoa Kỳ!

000_Was4076632-250.jpg
Tổng thống Obama gặp lãnh đạo Quốc hội đàm phán về ngân sách hôm 11 tháng Bảy năm 2011 tại Washington DC. AFP
Tổng thống Obama gặp lãnh đạo Quốc hội đàm phán về ngân sách hôm 11 tháng Bảy năm 2011 tại Washington DC. AFP
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi hiểu rằng đây là một đề tài khó nuốt! Nhất là khi ta nghe qua làn sóng điện, nên xin quý thính giả thông cảm cho. Bây giờ, xuyên qua định nghĩa và công thức ấy mình mới nói đến quy luật về "được" và "mất" trong kinh tế học, tức là gây thêm một tầng rắc rối nữa trong cái bối cảnh vừa phải quân bình ngân sách vừa phải kích thích sản xuất! Nhưng nếu hiểu ra mình sẽ đỡ bị chính quyền lừa phỉnh hay lường gạt.

Trước tiên, nhìn vào công thức trên, kinh tế Hoa Kỳ đã có tăng trưởng nhờ sức tiêu thụ rất cao của tư nhân, tức là của người dân và các doanh nghiệp. Trong công thức trên thì đó là chữ C. Nhưng, khi đi vay tiền để tiêu xài như vậy thì cái giá phải trả, cụ thể là tiền lời, ai đó sẽ phải gánh chịu sau này. Chuyện "sau này" đó đang thực sự xảy ra nên dân Mỹ tiết giảm chi tiêu và vì vậy, kinh tế mới èo uột.

Khi thấy kinh tế bị suy trầm, Chính quyền Bush rồi Chính quyền Obama đã ráo riết tăng chi, với gói kích cầu trị giá hơn 180 tỷ của ông Bush vào đầu năm 2008 và gần 800 tỷ của ông Obama vào đầu năm 2009, cộng thêm mấy ngàn tỷ bội chi ngân sách trong ba năm qua. Đó là quyết định nâng mức Chi tiêu của Nhà nước là chữ G trong công thức nói trên.

Vũ Hoàng: Chúng tôi lờ mờ hiểu ra là khi Chi tiêu của Tư nhân hay của Nhà nước mà tăng thì điều ấy nhất thời có nâng cao Tổng sản lượng. Vì vậy, nếu trong lúc này mà giảm chi ngân sách, là giảm bớt Chi tiêu của Nhà nước như đảng Cộng Hoà chủ trương, thì Tổng sản lượng sẽ giảm và đấy là một bất lợi về kinh tế nên đấy là một lý luận có vẻ hợp lý. Có phải vậy không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đúng thế và ta đụng vào quy luật kinh tế cơ bản về chuyện được và mất. Vì cách giải quyết bằng công chi như vậy chỉ là du di hay chuyển dịch việc chi tiêu từ khu vực tư nhân về khu vực Nhà nước. Tức là người ta chỉ thấy cái "được" từ biện pháp tăng chi của nhà nước mà không thấy cái "mất" là sự hao hụt chi tiêu của khu vực tư nhân vì nhà nước không sản xuất gì thêm mà chỉ thay người dân quyết định việc chi tiêu, với hậu quả là làm cho guồng máy công quyền thêm phình nở.

Thực tế thì từ cả chục năm nay, kinh tế Hoa Kỳ không tăng trưởng mạnh và sức tăng trưởng duy nhất đến từ khu vực nhà nước, từ công nhân viên nhà nước.

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Thực tế thì từ cả chục năm nay, kinh tế Hoa Kỳ không tăng trưởng mạnh và sức tăng trưởng duy nhất đến từ khu vực nhà nước, từ công nhân viên nhà nước. Vì vậy, các nghiệp đoàn công chức rất ủng hộ việc nhà nước tăng chi theo chủ trương của đảng Dân Chủ. Nếu lại tăng thuế để quân bình ngân sách và có thêm phương tiện kích thích kinh tế thì người ta chỉ duy trì sự yếu kém cố hữu của kinh tế Hoa Kỳ. Đấy là trên đại thể của lý luận.

Đi vào cụ thể thì nếu Hoa Kỳ chấp nhận giảm chi, thí dụ như 1% một năm trong suốt năm năm tới đây, thì cái vế G trong công thức nói trên sẽ giảm 1%. Trong hoàn cảnh mà đà tăng trưởng sản xuất của GDP hiện chỉ ở mức 2% là nhiều thì việc giảm chi sẽ trước mắt đánh sụt phân nửa đà tăng trưởng trong năm năm liền, trước khi tình hình trở lại khả quan hơn! Vào năm tranh cử, ít ai dám nói với cử tri là xin thắt lưng buộc bụng thêm năm năm nữa thì mình mới khá ra. Vì thế, cuộc tranh luận mới có sự nhập nhằng giữa hai lý do trái ngược mà đều có vẻ đúng!

Vấn đề đầu tư

Vũ Hoàng: Thưa ông, vừa rồi, ông nói đến phần Chi tiêu của Tư nhân và Chi tiêu của Nhà nước. Ở giữa, ta còn một mảng rất lớn ở giữa là Đầu tư, mà ta hiểu là đầu tư của tư doanh. Nếu không du di hai khoản chi tiêu công và tư, lồng bên trong là cái quyền quyết định về việc chi tiêu ấy, thì người ta có thể nào nâng sản lượng quốc gia bằng đầu tư hay không?

000_Par6142939-250.jpg
Cảng Marseille hôm 16/3/2011, ảnh minh họa. AFP
Cảng Marseille hôm 16/3/2011, ảnh minh họa. AFP
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đấy mới là vấn đề và thực tế là giải pháp!

Về lý luận, người ta có thể nâng đà tăng trưởng bằng cách gia tăng đầu tư. Khoản đầu tư này bao hàm hai phần, về lượng và về phẩm. Về lượng là lực lượng lao động, là số người tham gia vào sản xuất. Muốn nâng tổng sản lượng thì phải có thêm lao động, kể cả kéo dài thời gian hay tuổi lao động. Về phẩm là năng xuất, tức là khả năng sản xuất cao hơn với cùng một lực lượng lao động. Muốn tăng phẩm chất của lao động là năng xuất thì phải đầu tư vào giáo dục, đào tạo và công nghệ sản xuất. Đây là điều hoàn toàn đúng cho mọi thời và mọi nền kinh tế.

Trong thực tế của Hoa Kỳ, và từ hai chục năm nay rồi, khả năng đầu tư gia tăng do lực lượng và phẩm chất lao động chính là tiểu doanh thương, những cơ sở kinh doanh có chừng vài chục  tới một trăm nhân viên. Các tập đoàn lớn có sức tuyển dụng không nhiều như ta thường nghĩ và vì kích thước quá lớn, họ còn có khả năng tác động vào chính trường để bảo vệ quyền lợi riêng. Trường hợp điển hình làm nhiều người Mỹ ngạc nhiên và bất mãn là tổ hợp General Electrics năm qua có doanh thu là 14 tỷ đô la mà không trả thuế liên bang dù chỉ một đồng!

Khi nói đến việc "tăng thuế nhà giàu" như hiện nay, các đại tỷ phú hay doanh gia cầm đầu các tập đoàn lớn tất nhiên là không sợ vì có tiền và có khả năng tránh thuế. Chính là những người có phương tiện đầu tư vào cơ sở tiểu doanh thương mới bị ảnh hưởng nhất vì gánh nặng thuế khoá. Do đó, họ ngần ngại đầu tư và chúng ta rơi vào một vòng luẩn quẩn tích lũy từ nhiều năm rồi.

Vũ Hoàng: Nếu có thể tóm lược lại cho gọn thì cuộc tranh luận chính trị hiện nay nhắm vào hai vế Chi tiêu, là Tư nhân hay Nhà nước, ai sẽ có quyền quyết định? Trong khi ấy, cái vế Đầu tư là vị trí then chốt thì lại ít được chú ý vì liên hệ tới nhiều khía cạnh phức tạp và lâu dài hơn, như giáo dục, đào tạo và thuế khoá. Nhưng, và đây là câu hỏi cuối thưa ông, vì sao Hoa Kỳ lại để xảy ra cái vòng luẩn quẩn như ông vừa nói?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Mọi sự không xuất phát từ Tổng thống Obama hay nạn khủng hoảng tài chính năm 2008 như đa số thường nghĩ lầm. Nguyên ủy của vấn đề phải tìm thấy từ mấy chục năm trước.

Đầu tiên là chính sách bao cấp từ thời Tổng thống Jimmy Carter và rất mạnh trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống Bill Clinton khiến dân Mỹ có thêm tánh ỷ lại vào nhà nước. Rồi kinh tế Mỹ bị khủng hoảng về tín dụng thứ cấp sau vụ bể bóng gia cư ngay giữa một chu kỳ suy trầm đáng lẽ chấm dứt rất mau và thực tế đã chấm dứt từ giữa năm 2009.

Chính là những người có phương tiện đầu tư vào cơ sở tiểu doanh thương mới bị ảnh hưởng nhất vì gánh nặng thuế khoá. Do đó, họ ngần ngại đầu tư và chúng ta rơi vào một vòng luẩn quẩn tích lũy từ nhiều năm rồi.

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Thứ nữa là trách nhiệm của Chính quyền Bush và đảng Cộng Hoà cho đến năm 2006. Hoa Kỳ lâm vào chiến tranh từ năm 2003 mà ông Bush không tăng thuế để tài trợ chiến phí và trông cậy vào vế Chi tiêu của Tư nhân. Đã vậy, ông còn tiến hành cải cách chế độ phân phối dược phẩm là điều có lợi cho người cao niên mà gây tốn kém cho công quỹ. Là cái mất trong cái được mà mọi người đã quên rồi. Nhưng nghiêm trọng nhất là đảng Cộng Hoà đã quên hẳn kỷ luật chi tiêu cố hữu của họ mà còn tăng chi ào ạt ngay trong thời chiến. Vì vậy ngân sách mới bị bội chi nặng.

Thế rồi, khi lên cầm quyền và có đảng Dân Chủ chiếm đa số trong Quốc hội sau cuộc bầu cử năm 2006, Chính quyền Obama còn tăng chi mạnh hơn nữa và đẩy mức công trái, là nợ nần của khu vực công quyền, lên tới mức kỷ lục của lịch sử Hoa Kỳ. Đó là tình trạng ngày nay, khi các biện pháp kích thích kinh tế đầy tốn kém lại vô hiệu và toàn ban tham mưu kinh tế của ông Obama đã theo nhau ra đi. Vì vậy, người ta mới thấy giảm chi là đúng mà tăng thuế cũng chả sai.

Vào hoàn cảnh bấp bênh hiện nay thì cả hai loại biện pháp ấy đều sẽ gây bất lợi trong nhất thời mà chính trị gia nào cũng muốn né trách nhiệm. Thật ra chịu trách trách nhiệm lớn nhất chính là dân Mỹ trong cách sử dụng lá phiếu khi căn cứ vào chuyện được mất của họ: ai cũng muốn tăng thuế cho người khác mà không muốn giảm chi các khoản phúc lợi xã hội cho mình. Tinh thần tiêu cực ấy mới khiến các chính trị gia trong cả hai đảng đều tránh nói thật về liều thuốc đắng, và tình hình sẽ chưa khả quan trong nhiều năm tới.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nguyễn Xuân Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.