Liên Hiệp Kinh Tế Âu-Á Của Liên Bang Nga

Việt long & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2015.04.08
Từ phải:  Vladimir Putin của Nga, Alexander Lukashenko của Belarus và Kazakhstan Nursultan Nazarbayev của Kazakhstan tham dự một cuộc họp Liên minh Kinh tế Á-Âu tại Minsk, 29 tháng 4 năm 2014. Từ phải: Vladimir Putin của Nga, Alexander Lukashenko của Belarus và Kazakhstan Nursultan Nazarbayev của Kazakhstan tham dự một cuộc họp Liên minh Kinh tế Á-Âu tại Minsk, 29 tháng 4 năm 2014.
AFP

Trong hai ngày thăm viếng Việt Nam, hôm Thứ Hai mùng sáu vừa qua, Thủ tướng Nga cho biết triển vọng hợp tác của Việt Nam với Liên hiệp Kinh tế Âu-Á, một tổ chức do Liên bang Nga thành lập và lãnh đạo. Ý nghĩa của việc này là gì? Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu cho quý thính giả qua phần trao đổi cùng chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa do Việt Long thực hiện sau đây.

Việt Long: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, trong hai ngày thăm viếng Việt Nam và bên cạnh những ký kết về hợp tác quân sự và năng lượng, Thủ tướng Liên bang Nga là ông Dmitri Medvedev cho biết là nội năm nay, Việt Nam có thể hoàn thành hiệp định tự do thương mại với Liên hiệp Kinh tế Âu-Á để sẽ nhân kim ngạch ngoại thương Việt-Nga gấp bốn trong năm năm tới. Thính giả của chúng ta có thể muốn biết rằng tổ chức Liên hiệp Kinh tế Âu-Á này là gì? Xin ông nói về bối cảnh của hồ sơ này, trước khi mình tìm hiểu về quyết định hợp tác của Việt Nam.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Có tên Anh ngữ là “Eurasian Economic Union”, Liên hiệp Kinh tế Âu-Á khởi sự hoạt động từ đầu năm nay với hy vọng trở thành cơ chế hội nhập như Liên hiệp Âu châu hay European Union. Đây là kết quả của một tiến trình vận động kéo dài từ 10 năm qua, theo từng bước liên tục của Tổng thống Vladimir Putin của Nga. Xin nói thêm là cuối Tháng Chín năm 2012, chương trình chuyên đề của chúng ta đã phân tích hồ sơ ấy khi Bộ trưởng Công thương Việt Nam ký một biên bản nghiên cứu để khởi sự đàm phán hiệp định thương mại tự do với Liên hiệp Quan thuế của Liên bang Nga. Khi ông Medvedev tuyên bố việc Việt Nam hoàn thành hiệp định thì ta biết rằng việc đàm phán ấy đã có kết quả. Đáng tiếc là nội dung ra sao thì chưa ai biết!

- Về bối cảnh thì mọi sự khởi đầu vào năm 1994, khi Tổng thống Kazakhstan là ông Nursultan Nazarbayev đề xuất sáng kiến thành lập một hệ thống thuế quan thống nhất giữa Liên bang Nga và hai nước Cộng hòa Belarus và Kazakhstan. Sáng kiến đó chỉ thành hình sau khi Tổng thống Putin khai triển năm 2006 và thúc đẩy đàm phán giữa ba nước để Liên hiệp Quan thuế chính thức ra đời từ năm 2010. Liên hiệp Quan thuế có nghĩa là ba nước có chung chế độ quan thuế duy nhất, hàng xuất nhập khẩu từ bên ngoài vào ba quốc gia này có cùng một thuế biểu, bên trong, ba nước chấp nhận với nhau tô suất thuế có tính chất ưu đãi. Vì sức nặng kinh tế và chính trị quá lớn của mình, nước Nga giữ vị trí trọng yếu trong hệ thống đó.

Mọi sự khởi đầu vào năm 1994, khi Tổng thống Kazakhstan là ông Nursultan Nazarbayev đề xuất sáng kiến thành lập một hệ thống thuế quan thống nhất giữa Liên bang Nga và hai nước Cộng hòa Belarus và Kazakhstan

Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Sau đấy, ba thành viên của Liên hiệp Quan thuế nói trên còn tiến xa hơn một bước để lập ra một "Không gian Kinh tế Thống nhất" giữa ba nước vào đầu năm 2012. Đấy là nền móng của cơ chế Liên hiệp Kinh tế Âu-Á vừa ra đời hôm mùng một Tháng Giêng năm nay gồm bốn nền kinh tế của  Nga, Belarus, Kazakhstan và Armenia. Cộng hoà Kyrgyzstan cũng sắp gia nhập hệ thống này.

Việt Long: Như ông vừa nhắc lại thì ta thấy ra ba bước thành hình, từ cơ chế thuế quan thống nhất giữa ba nước là Liên hiệp Quan thuế, qua Không gian Kinh tế Thống nhất giữa ba nước đó, rồi mới đến Liên hiệp Kinh tế Âu-Á vừa thành hình năm nay. Mục tiêu của cơ chế này là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ rằng ta cần nhớ lại từng diễn biến tuần tự thì mới hiểu rõ mục tiêu của các nước trong cuộc và từ đó suy ra chuyện lợi hại của quốc gia mình.

- Khởi đi từ một sáng kiến mậu dịch đơn lẻ của Tổng thống Kazakhstan từ 20 năm trước, Tổng thống Nga thúc đẩy thành một hệ thống hợp tác giữa nhiều nền kinh tế do Nga lãnh đạo. Cuối năm 2011, sau khi loan báo quyết định sẽ ra tranh cử Tổng thống vào Tháng Ba năm sau, ông Putin trình bày viễn kiến của mình trong một bài xã luận trên tờ Izvestia xuất hiện vào mùng ba Tháng 11 năm 2011. Đấy là việc thành lập một Liên hiệp Âu-Á chúng ta đang tìm hiểu.

Việt Long: Xin ông nhắc lại cho thính giả của chúng ta nội dung bài xã luận đó của ông Putin.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trong bài xã luận, ông Putin trình bày diễn tiến của sự hội nhập trên đại lục địa Âu-Á và ta nên mường tượng ra toàn cảnh với một tấm bản đồ và cuốn lịch.

- Bước đầu là Liên hiệp Quan thuế giữa ba nước để lập ra "Không gian Kinh tế Thống nhất". Bước kế tiếp, việc hội nhập kinh tế sẽ tăng cường phối hợp chánh sách và mở ra cho hai thành viên Trung Á nữa là Kyrgyzstan và Tajikistan. Rồi mới đến các nước trong hệ thống gọi là “Thịnh vượng chung của các nước Độc lập" hay “Commonwealth of Independent States", một tập thể của 11 quốc gia trong Liên bang Xô viết cũ, thành hình một cách tạm bợ vào cuối năm 1991 khi Liên Xô tan rã. Ngoài năm nước trên, trong tập thể này sẽ có thêm Armenia, Azerbaijan, Moldovia, Ukraina, Turkmenistan và Uzbekistan. Riêng Georgia thì đã vào rồi ra, và khi ấy đã bị Nga khống chế bằng quân sự, y như Ukraina ngày nay.

- Trong bài xã luận, ông Putin cũng đã trấn an dư luận, rằng Nga không muốn dựng lại Liên bang Xô viết cũ và thực tế sẽ không can thiệp vào tình hình nội chính của các thành viên Liên hiệp Âu-Á. Thứ hai, Liên hiệp Âu Á sẽ mở rộng hợp tác với Liên hiệp Âu châu và Trung Quốc, trở thành cây cầu giao tiếp giữa Liên Âu với Á châu Thái bình dương. Việc Việt Nam được mời gia nhập năm nay sau khi đàm phán từ lâu nằm trong viễn kiến đó của nước Nga.

Việt Long: Như vậy, phải chăng việc thành lập Liên hiệp Kinh tế Âu-Á ngày nay có thể nằm trong một kế hoạch rộng lớn, đó là Liên hiệp Âu-Á, với những thỏa thuận hợp tác vượt ra ngoài kinh tế?

Ông Putin cũng đã trấn an dư luận, rằng Nga không muốn dựng lại Liên bang Xô viết cũ và thực tế sẽ không can thiệp vào tình hình nội chính của các thành viên Liên hiệp Âu-Á. Thứ hai, Liên hiệp Âu Á sẽ mở rộng hợp tác với Liên hiệp Âu châu và TQ, trở thành cây cầu giao tiếp giữa Liên Âu với Á châu TBD

Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa đúng vậy. Cơ sở của hệ thống liên hiệp kinh tế là từng thành viên đồng ý hội nhập vào một cơ chế thống nhất các khu vực hoạt động như ngoại thương, kỹ nghệ, năng lượng, cạnh tranh và vận chuyển, với những luật lệ chung áp dụng cho toàn khối. Mục tiêu kế tiếp là thành lập một khối kinh tế thống nhất tương tự như Liên hiệp Âu châu. Bên trong là quyền tự do di chuyển hàng hóa, dịch vụ và cả nhân lực lao động. Để tiến tới đó, bốn quốc gia sáng lập đã tổ chức  bộ máy hành chính siêu quốc gia gồm có 23 cơ quan chuyên môn khác nhau.

- Khi ký kết hiệp định tự do thương mại với Liên hiệp Kinh tế Âu-Á, Việt Nam sẽ hội nhập vào hệ thống đó, nhưng hội nhập đến mức độ nào thì chưa ai rõ, vì lãnh thổ Việt Nam không tiếp giáp với nước Nga mà còn có sự cách trở của Trung Quốc. Và đấy là một vấn đề nằm ngoài kinh tế.

Việt Long: Nhờ ông trình bày lại bối cảnh rộng lớn của hồ sơ này, thính giả của chúng ta có thể hiểu vấn đề không chỉ giới hạn vào việc buôn bán hay gia tăng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam với một khối kinh tế đang thành hình. Phải chăng những ký kết hợp tác về năng lượng như việc mở rộng cho tập đoàn dầu khí Gazprom châm vốn vào nhà máy lọc dầu của Việt Nam, hoặc việc Nga sẽ hợp tác để cùng Việt Nam khai thác dầu khí ngoài Đông hải và nhất là Nga sẽ trang bị về võ khí quân sự cho Việt Nam cũng nằm trong khuôn khổ rộng lớn đó?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là mình có thể suy luận như vậy và đáng lẽ người dân cũng phải được biết về những thảo luận và cam kết của đảng và nhà nước trong một kế hoạch rộng lớn ấy. Trong chuyện này, ta cần thấy thứ nhất là những thỏa thuận chính thức, thứ nhì là sự vận hành hay chấp hành các quy định trong thực tế để còn nhìn ra cái lẽ được thua về quyền lợi.

Việt Long: Vì người dân không được biết gì nhiều về khuôn khổ làm việc của một tổ chức dù sao đã hình thành từ cả chục năm trước qua nhiều bước hội nhập, xin đề nghị ông trình bày tiếp về kinh nghiệm hợp tác của các nước trong kế hoạch quy mô này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ rằng về tổng thế, Liên bang Nga muốn xác định căn cước của mình về địa dư là vừa Âu vừa Á vì lãnh thổ trải rộng từ Tây sang Đông trên cả đại lục Âu-Á. Nhưng về chính trị thì Liên hiệp Âu-Á của Nga lại khác Âu Châu mà còn cạnh tranh với Liên Âu của các nước Âu Châu, và cũng chẳng thuộc về Á Châu với sức nặng quá lớn của Trung Quốc. Đây là một kế hoạch mang tính chất duy ý chí từ một cường quốc cần có không gian và ảnh hưởng riêng giữa hai thế lực kinh tế lớn ở hai đầu Đông Tây. Việt Nam đứng ở đâu trong kế hoạch đó?

- Thứ nữa, trong cơ chế quốc tế này, theo nguyên tắc thì mọi quyết định đều phải có sự đồng ý của từng thành viên. Thực tế thì Nga vẫn giữ vai trò chủ chốt và từng nước có thể thương thuyết với Nga một số ngoại lệ căn cứ trên quyền lợi của mình. Và quả nhiên là ngạch số buôn bán giữa ba nước trong Liên hiệp Quan thuế với nhau thì có tăng, mà thất thường và không nhiều như dự tính ban đầu. Then chốt nhất, các thành viên đều chấp nhận thuế biểu của Nga và bị thiệt khi buôn bán với các nền kinh tế nằm ngoài khối. Thật ra, các nước này đều nằm tại Trung Á và chẳng có hy vọng hợp tác hay hội nhập vào Liên Âu mà còn bị sức hút của Trung Quốc nên mới tựa vào Nga.

Việt Nam không ở vào hoàn cảnh địa dư ấy của Belarus hay Kazakhstan, vẫn buôn bán với cả Liên Âu, Hoa Kỳ và Trung Quốc nên có thể tìm ra mối lợi. Có lẽ lợi nhất sẽ là khỏi bị lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Nhưng lợi hơn cả vẫn là tìm cách hội nhập vào Hiệp định Đối tác Xuyên Thái bình dương TPP

Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Việt Nam không ở vào hoàn cảnh địa dư ấy của Belarus hay Kazakhstan, vẫn buôn bán với cả Liên Âu, Hoa Kỳ và Trung Quốc nên có thể tìm ra mối lợi. Có lẽ lợi nhất sẽ là khỏi bị lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Nhưng lợi hơn cả vẫn là tìm cách hội nhập vào Hiệp định Đối tác Xuyên Thái bình dương TPP với 11 quốc gia ngoài Trung Quốc, trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản và nhiều nước cơ bản là dân chủ với những quy định thông thoáng và minh bạch hơn.

Việt Long: Ông nhắc đến Hiệp định TPP cho đến nay vẫn chưa thành hình sau năm năm vận động rất mạnh của Hoa Kỳ. Nếu so sánh giữa việc hợp tác với Liên hiệp Kinh tế Âu-Á của Nga và việc hội nhập vào khối TPP này thì cái gì có lợi hơn cho Việt Nam?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thuần về quyền lợi thì Việt Nam nên hợp tác với mọi nước và tham dự vào cả hai cơ chế này nhưng cần thương thuyết cho chặt chẽ. Và qua mỗi bước phải công khai hóa mọi quy định để người dân và các doanh nghiệp biết trước mà chuẩn bị cạnh tranh cho thắng lợi.  Ngoài ra, ta chẳng thể quên rằng nếu thành hình, khối TPP quy tụ các nước có sản lượng kinh tế bằng 40% của sản lượng toàn cầu nên sẽ có tiềm năng và triển vọng lớn hơn cho Việt Nam.

- Trong khi đó, Nga đang bị khủng hoảng nặng về kinh tế và dù có hợp tác với Bắc Kinh về năng lượng chứ thâm tâm ông Putin cũng e ngại ảnh hưởng quá lớn của Trung Quốc. Vì vậy mà họ muốn bắt cá hai tay là bắt tay về năng lượng và cung cấp võ khí cho cả Trung Quốc lẫn Việt Nam!

- Kết luận ở đây là chuỗi kinh nghiệm mỉa mai. Sau năm 1975, lãnh đạo Hà Nội tự khoe công thắng Mỹ mà ngả theo Liên Xô và gây hiềm khích với Trung Quốc rồi bị Bắc Kinh tấn công vào năm 1979. Khi chế độ Xô viết sụp đổ thì Hà Nội mất chỗ tựa nên lại chạy theo Trung Quốc với cam kết bí mật tại Thành Đô. Bây giờ, có thể Hà Nội lại muốn nương vào Liên hiệp Âu-Á của Nga để phần nào giải tỏa sức ép mọi mặt từ Trung Quốc. Và còn hy vọng gia tăng quan hệ chiến lược với Hoa Kỳ sau 20 năm bình thường hóa ngoại giao với Mỹ. Trong Tháng Tư này, mọi nơi đều tổ chức kỷ niệm 40 năm sau biến cố 1975, Hà Nội nên kỷ niệm sự rồ dại triền miên của mình.

Việt Long: Xin cảm ơn ông Nghĩa về bài phân tích và kết luận thấm thía này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.