Đi tìm sự dung hòa kinh tế

Cử tri Hoa Kỳ còn đúng hai tháng để bầu lên lãnh đạo mới.
Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2012.09.05
000_150946128-305.jpg Bảng điện tử chỉ số nợ quốc gia Hoa Kỳ tại Đại hội Đảng Cộng Hòa diễn ra tại Tampa, Florida hôm 29/8/2012.
AFP photo

Những người cầm đầu Lập pháp và Hành pháp sau này sẽ phải dung hòa quan điểm để tìm ra giải pháp kinh tế cho một siêu cường mắc nợ và có quá nhiều vấn đề. Một trong các vấn đề này lại là nạn phân cực quá lớn giữa hai xu hướng chính trị. Vì kết quả tranh cử và giải pháp dung hòa kinh tế sẽ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về khả năng dung hòa này. Vũ Hoàng có cuộc trao đổi cùng chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa.

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Cuộc tổng tuyển cử tại Hoa Kỳ sẽ còn hai tháng dứt điểm để bầu lại các chức vụ cầm đầu Hành pháp, toàn thể 435 Dân biểu Hạ viện và cỡ một phần ba của 100 Nghị sĩ Thượng viện. Kể từ ngày 20 Tháng Giêng, lãnh đạo mới sẽ phải giải quyết nhiều hồ sơ kinh tế, đầu tiên là nạn bội chi ngân sách quá lớn và thất nghiệp quá cao bốn năm sau khi đã phục hồi trong sự èo uột chưa từng thấy kể từ hơn 80 năm nay.

Tiếp theo phần phân tích về nguyên nhân của vụ khủng hoảng tài chính toàn cầu, kỳ này, tạp chí chuyên đề của chúng ta sẽ tìm hiểu về khả năng giải quyết các hồ sơ kinh tế đó. Câu hỏi đầu tiên thưa ông, làm sao nước Mỹ có thể giải quyết trong tình trạng phân cực quá lớn hiện nay giữa hai đảng cùng đang cầm quyền?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Trước hết, ta biết rằng theo Hiến pháp, quyền lực Tổng thống Mỹ không lớn lao như ấn tượng của nhiều người và ảnh hưởng mạnh nhất, nếu có, là chỉ về đối ngoại. Chứ về nội trị, quyết định kinh tế của Tổng thống bị giới hạn bởi hai định chế có thế lực là lưỡng viện Quốc hội - nhất là Hạ viện trong việc chuẩn chi ngân sách - và một định chế độc lập là ngân hàng trung ương. Cũng về nội trị, quyết định pháp chế của Tổng thống không thể vượt qua Tối cao Pháp viện. Vì thế, ta nên dè dặt khi thấy dư luận cứ kể công hay gán tội cho Tổng thống về các hồ sơ kinh tế mà ông ta hay bà ta không có toàn quyền. Cũng vì thế, ta nên chú ý hơn đến bầu cử Quốc hội để xem hai chính đảng lớn sẽ xử trí ra sao với quyền kinh tế rất lớn của Lập pháp.

Khó dung hòa giữa hai chính đảng

Vũ Hoàng: Thưa ông, trong việc xử trí đó, người ta thấy ra và than phiền về tình trạng khó dung hoà giữa hai chính đảng lớn. Thưa rằng đấy có phải là vấn đề hay chăng?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đúng vậy và chuyện này cũng có một bối cảnh lịch sử sâu xa mà ta cần thấy ra.

Người ta thường nói đảng Cộng Hòa chú trọng đến tăng trưởng kinh tế và chất hàng lên cỗ xe thịnh vượng, còn đảng Dân Chủ thì quan tâm đến công bằng xã hội và muốn rỡ hàng hoá trên xe để phát cho người khác. Trong quá khứ, dân Mỹ đã có lúc bầu cho đảng này hay đảng kia tùy hoàn cảnh kinh tế xã hội vào từng giai đoạn. Vấn đề là cỗ xe đó nay gần cạn tài nguyên và đang tuột dốc vì gánh nợ. Đấy là một chuyện.

Chuyện thứ hai, Hoa Kỳ đã có hai xu hướng trái nghịch từ thời lập quốc. Một là muốn thu hẹp vai trò của chính quyền trung ương và phân quyền cho các tiểu bang. Hai là muốn có nhà nước mạnh để cáng đáng một số trách nhiệm. Tiêu biểu cho hai xu hướng ấy là hai nhân vật thuộc hàng "quốc phụ", công trình sư của bản Hiến pháp và có mặt trong Nội các đầu tiên thời Tổng thống George Washington, đó là Thomas Jefferson và Alexander Hamilton.

Đề cao quyền tự do mậu dịch, nghi ngờ các tài phiệt và muốn thu hẹp vai trò của chính quyền liên bang là ông Jefferson, Tổng trưởng Ngoại giao đầu tiên của Mỹ rồi là Tổng thống thứ ba. Chủ trương tăng cường vai trò can thiệp của nhà nước về kinh tế và tài chính và ủng hộ chế độ bảo hộ mậu dịch là ông Hamilton, Tổng trưởng Tài chính đầu tiên. Dù như vậy, hai xu hướng trái ngược này vẫn thỏa hiệp và tồn tại song hành cho đến ngày nay. Và quan điểm của hai chính đảng hiện nay cũng phần nào phản ảnh hai triết lý kinh tế và chính trị đó mà thôi.

Vũ Hoàng: Thưa ông thế tại sao mà ngày nay người ta không còn tìm thấy sự đồng thuận này nữa?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Các nhà nghiên cứu chính trị Hoa Kỳ theo dõi kỹ kết quả bỏ phiếu của hai đảng từ 150 năm qua và thấy ra vài đặc tính sau đây. Thứ nhất, sinh hoạt chính đảng tại Mỹ không có kỷ luật cứng ngắc như ở nhiều xứ khác, nhất là kỷ luật sắt máu của một đảng độc tài, nên trong đảng này người ta vẫn có thể bỏ khiếu ủng hộ lập trường của đảng kia. Phe ôn hoà bên đảng Cộng Hoà có tiếng bảo thủ thực ra lại không bảo thủ bằng nhiều đảng viên cực đoan bên đảng Dân Chủ có tiếng là cấp tiến. Thứ hai, tại Mỹ, hai chữ "cấp tiến" và "bảo thủ" không hàm ý tốt xấu như tại Âu Châu, hai chữ khuynh tả thay thiên hữu cũng chẳng có ý nghĩa mạt sát và các đảng viên có thể từ bỏ đảng này bước qua đảng kia mà không là vấn đề gì ghê gớm cả.

Thế rồi kể từ năm 1979 trở đi, người ta thấy ra hiện tượng phân cực qua các cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội là khi mà sự dung hòa quan điểm giữa hai đảng ngày càng hiếm. Hơn 30 năm sau, là ngày nay, họ gặp hoàn cảnh gọi là bế tắc vì không tìm ra điểm dung hòa. Thí dụ như hai đạo luật cực kỳ quan trọnh là An sinh Xã Hội Social Security năm 1935 và Bảo dưỡng Y tế Medicare năm 1965 được biểu quyết dưới chính quyền Dân Chủ với lá phiếu Cộng Hoà. Còn Đạo luật cải tổ chế độ Bảo hiểm Y tế năm 2010 đầy rắc rối tới 2.700 trang lại không có lá phiếu Cộng Hoà nào, nay đang bị đa số dư luận chống đối khi hiểu ra nội dung và hậu quả cho cuộc sống của họ. Nó trở thành một đề mục tranh luận và phân cực nữa và gây hậu quả cho nhiều hồ sơ khác.

Vì sao?

Chủ tịch Hội đồng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Ben Bernanke nói về khủng hoảng nợ quốc gia tại trụ sở chính của ngân hàng tại Washington, DC hôm 07/8/2012. AFP photo
Chủ tịch Hội đồng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Ben Bernanke nói về khủng hoảng nợ quốc gia tại trụ sở chính của ngân hàng tại Washington, DC hôm 07/8/2012. AFP photo
Chủ tịch Hội đồng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Ben Bernanke nói về khủng hoảng nợ quốc gia tại trụ sở chính của ngân hàng tại Washington, DC hôm 07/8/2012. AFP photo
Vũ Hoàng: Ông giải thích thế nào về hiện tượng ấy?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Giới nghiên cứu chưa thống nhất về các nguyên nhân giải thích. Bản thân tôi thì thấy ra một lý do nhỏ từ thành ngữ là "người dân có lãnh đạo xứng đáng với mình". Sự nông nổi và nóng ruột của người dân có thể đã dẫn đến hiện tượng này.

Chúng ta thấy thế giới và xã hội Mỹ đã tiến lên trình độ quá phức tạp với cả triệu bài toán nan giải mà khó có đáp số đơn giản mau chóng. Cùng lúc đó, sự xuất hiện của truyền hình rồi cách mạng điện tử dẫn tới hiện tượng "thông tin tức thời", với tin tức tràn ngập và mau lẹ chưa từng thấy khiến người dân biết nhiều mà hiểu ít. Biến đổi ấy tác động vào chính trường khiến các chính trị gia phải trình bày chuỗi lập luận rắc rối thành lý luận đơn giản dễ nghe và có ý mị dân. Vậy mà quần chúng cứ tiếp nhận loại sản phẩm ăn liền đó, rồi thiếu thời giờ và khả năng suy xét thì họ cứ loan truyền tiếp như khẩu hiệu, là điều ta thấy phổ biến trên mặt báo hàng ngày. Chính là sự giản lược hoá mới dẫn tới nạn phân cực và nó càng dễ xảy ra khi đảng viên nào muốn dung hoà thì bị gán cho tội bội phản, kỳ thị hoặc "đầu hàng giai cấp" như trong các xứ cộng sản vậy.

Trở lại đề tài của chúng ta, trong hoàn cảnh đó, việc cải tổ chế độ hưu bổng và bảo dưỡng sức khoẻ đã ban hành từ các năm 1935 và 1965, với ngân quỹ sẽ bị lủng vì sự chuyển dịch dân số và đổi thay xã hội, việc cải tổ đó là cực kỳ cần thiết nhưng rất phức tạp mà hai bên lại không giải quyết nổi vì chỉ muốn tìm giải pháp đơn giản và đòi ăn thua tới cùng.

Vũ Hoàng: Hậu quả là tình trạng ách tắc hiện nay mà trong bài phân tích kỳ trước, ông nói đến một vụ khủng hoảng tài chính nhồi trong một vụ khủng hoảng chính trị. Có phải như vậy không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đúng vậy, hệ thống lãnh đạo chính trị phân cực và quá khích đang làm Hoa Kỳ bị suy yếu. Tôi nghĩ là dần dà thì người dân phải ý thức ra điều ấy và chính họ sẽ làm thay đổi.

Nhân đây, xin nói thêm rằng Tháng Ba vừa qua, Đại học Harvard có lập ra dự án nghiên cứu về sức cạnh tranh thua sút của doanh nghiệp Hoa Kỳ so với các nước khác. Khi khảo sát doanh gia vào Tháng 10 năm ngoái, họ phát giác là Mỹ thua kém các nước công nghiệp hóa khác ở sáu trong 17 tiêu chuẩn xếp hạng. Trong sáu tiêu chuẩn này, đứng đầu là hệ thống thuế vụ cồng kềnh và tốn kém. Kế tiếp là tiêu chuẩn về hiệu năng của hệ thống chính trị. Mà bốn tiêu chuẩn kia cũng thuộc phạm vi giải quyết của nhà nước, kể cả giáo dục trung tiểu học. Hoa Kỳ đang thua kém các nước chủ yếu là do hệ thống chính trị hiện hành và ngày càng có nhiều người hiểu ra.

Liệu có đạt được đồng thuận?

Một thương gia trên sàn giao dịch chứng khoán New York hôm 02/8/2012. AFP photo
Một thương gia trên sàn giao dịch chứng khoán New York hôm 02/8/2012. AFP photo
Một thương gia trên sàn giao dịch chứng khoán New York hôm 02/8/2012. AFP photo
Vũ Hoàng: Như ông vừa nói thì chính người dân phải ý thức được nhược điểm ấy và với quyền đầu phiếu, họ sẽ tạo ra thay đổi trong hệ thống chính trị. Nhưng đấy là chuyện lâu dài, chứ trước mắt thì Hoa Kỳ vẫn phải giải quyết ngay bài toán công chi thu với nạn bội chi ngân sách, sự thâm thủng của quỹ hưu bổng và y tế và tính chất quá phức tạp của bộ luật thuế vụ hiện hành. Liệu hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa có thể đạt được sự đồng thuận và dung hòa quan điểm để cùng giải quyết hay chăng?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa là ngày càng có nhiều người thấy ra nền tảng của sự dung hòa nhưng phải vượt qua nhiễu âm chính trị thì mới thấm vào đầu óc quần chúng và cử tri sẽ ép các chính trị gia phải thỏa hiệp, nếu không thì sẽ thất cử.

Trước hết là chế độ trợ cấp và tăng chi bứa phứa từ nửa thế kỷ nay đã vượt khả năng ngân sách. Vụ khủng hoảng tài chính sắp tới khiến mọi người đều ý thức được là không thể cứ biếu quyết tăng chi cho các dự án thuộc quản hạt của mình hay cho thành phần cử tri của mình. Thứ hai, nói về bội chi, người ta mới chú ý đến hai vực thẳm khác là quỹ hưu bổng và quỹ y tế.

Chuyện hưu bổng trong chế độ An sinh Xã hội tương đối dễ khắc phục nếu các chính khách có thực tâm giải quyết, thí dụ như giảm mức hưu bổng, kéo dài tuổi về hưu và tăng mức thuế đóng góp cho quỹ hưu bổng. Hồ sơ kia mới nan giải gấp bội vì liên quan đến sự sống chết của giới cao niên và đụng vào câu hỏi là "ai sẽ trả tiền để kéo dài cuộc sống của họ"? Thực tế thì người ta cũng có giải pháp, mọi người đều sẽ phải đóng góp nhiều hơn, miễn là đừng cáo buộc người khác là đòi giết chết người già trong khi từng gia đình cứ dung dưỡng nếp sống dễ sinh bệnh vì lý do là bảo vệ quyền tự do sinh hoạt của công dân. Ngày càng có nhiều người nói thẳng vào các hồ sơ nhạy cảm này nên sẽ có lúc dân Mỹ thấy ra sự thật là không thể ỷ lại mãi vào người khác.

Vũ Hoàng: Riêng hồ sơ thuế khóa thì có lẽ còn rắc rối hơn vì ai cũng có thể nghĩ rằng người khác phải trả thuế cho mình hưởng. Các nhà nghiên cứu hay viện đại học nghĩ sao về chuyện này?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Hoa Kỳ có hệ thống thuế vụ rắc rối, tô suất cao, lại quá nhiều khoản đặc miễn tích lũy từ đã lâu. Thí dụ như miễn thuế lợi tức trên phúc lợi y tế của công nhân viên khiến doanh nghiệp ngụy trang lương bổng thành phúc lợi y tế và ai mà trả lấy tiền bảo hiểm thì chịu bảo phí cao hơn, là điều bất công. Một thí dụ khác là tiền lời vay tiền mua nhà cũng được khấu trừ vào căn bản tính thuế nên khuyến khích người ta đi vay để đầu cơ, với sự ủng hộ của kỹ nghệ xây cất và gia cư. Đấy là loại lỗ hổng khiến ngân sách bị thất thâu nặng và cần phải bít lại.

Tính chất phức tạp còn gây bất công khác là các tập đoàn lớn có chuyên gia giúp họ lách thuế chứ tiểu doanh thương lại chết ngộp vì hồ sơ thuế quá nhiêu khê rắc rối. Nói chung thì ai cũng thấy sự bất toàn của thuế vụ, nhưng nhiều người lại cản trở cải tổ vì có lợi riêng trong đó.

Tuy nhiên, từ cả hai đảng đã thấy xuất hiện đề nghị gọi là "mở rộng căn bản tính thuế", tức là trám bớt các lỗ hổng miễn thuế hay trốn thuế, đồng thời hạ bớt thuế suất cho tiểu doanh thương và nâng thuế tiêu thụ. Dù có rắc rối, sự dung hòa lưỡng đảng này đang hy vọng thành hình miễn là vượt qua lý luận mị dân ngày nay là phải tăng thuế nhà giàu để lo cho dân nghèo. Nhà giàu vẫn có cách né thuế chứ dân nghèo ở dưới thì sẽ vất vả vì kinh tế không tăng trưởng. Hoa Kỳ đã từng gặp nhiều vụ khủng hoảng tương tự nhưng rồi vẫn tìm ra giải pháp và những tai biến ngày nay có thể là cơ hội cải cách cho thập niên tới.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.