Ngọn hải đăng Nelson Mandela

Gia Minh & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2013.12.11
000_ARP3571183-305.jpg Một người đàn ông đi ngang bức chân dung của cựu tổng thống Nam Phi Nelson Mandela bên ngoài bệnh viện Medi Clinic Heart, nơi ông nhập viện hôm 30/6/2013.
AFP photo

 

Tuần này, cả thế giới thương tiếc trong niềm ngưỡng mộ ông Nelson Mandela, một nhà lãnh đạo của Cộng Hoà Nam Phi vừa từ trần ở tuổi 95 sau một đời đấu tranh cho tổ quốc. Nhìn từ giác độ kinh tế, và từ Việt Nam, kinh nghiệm của ông Mandela có gì là đáng nhớ và đáng học hỏi?

Gia Minh: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Thưa ông, tuần này chúng ta sẽ tạm ngưng phần tổng kết cuối năm vì khi thực hiện chương trình này khi Cộng Hoà Nam Phi đang tổ chức lễ quốc táng cho ông Nelson Mandela với sự tham dự của cả trăm nguyên thủ quốc gia trên thế giới. Từ nhiều năm qua, thế giới ngưỡng mộ nhân vật xuất chúng này với Giải Nobel Hoà Bình, Huân chương Tự Do của Tổng thống Hoa Kỳ và Huân Chương Lenin cho Hoà Bình Quốc Tế của Liên bang Xô viết. Nhìn từ Việt Nam và theo giác độ kinh tế thì ông Nelson Mandela có để lại những kinh nghiệm gì mà chúng ta nên học không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ là nếu muốn học thì người ta có thể học được rất nhiều, đầu tiên là từ di sản ông Mandela nhận được từ lịch sử trên mảnh đất gọi là Cộng Hoà Nam Phi.

Khác với Việt Nam đã là quốc gia độc lập trong ý nghĩa là một cộng đồng dân tộc hiện hữu từ mấy ngàn năm trước, nước Cộng Hoà Nam Phi chỉ manh nha thành hình từ giữa thế kỷ 17, khi Công ty Đông Ấn của Hà Lan bành trướng hoạt động xuống miền Nam của Phi Châu để tiến về Ấn Độ dương và qua Châu Á. Vào thời ấy, ta chưa có kênh đào Suez để vận chuyển hàng hóa giữa hai lục địa Âu Á bằng đường biển mà phải vòng qua Mũi Hảo Vọng ở cực Nam Phi Châu.

Sau Hà Lan, các nước Âu Châu khác cũng tìm đến vùng đất này làm tiền trạm phát triển cơ sở kinh doanh và còn tranh chấp hoặc gây chiến với nhau. Khi đó, lãnh thổ xứ này có các bộ lạc của nhiều sắc tộc khác nhau và trở thành một quốc gia của di dân da trắng, gọi là dân Afrikaners. Họ chỉ là thiều số, ngày nay khoảng 9%, mà thống trị đa số còn lại gồm có 80% là người Phi Châu da đen, 9% là dân da màu và chừng 2,5% là người gốc Á Châu, đa số là Ấn Độ.

Khi muốn giành quyền bình đẳng cho dân da đen, ông Mandela đấu tranh trong một tổ chức do Đệ tam Quốc tế của Liên Xô lập ra tại Nam Phi, là Nghị Hội Quốc Gia Phi Châu, gọi tắt là ANC. Ông ta thành công vì sớm hiểu rằng tổ chức này xuất phát từ lòng dân chứ không thể là định chế khai sinh ra quốc gia như nhiều người cộng sản Việt Nam ngày nay vẫn lẩm tưởng và làm người dân hiểu lầm theo, rằng không có đảng Cộng sản thì Việt Nam không có độc lập.

Gia Minh: Ông nêu ra bài học về ý thức dân tộc lồng trong sự kiện tổ chức đấu tranh ANC này của Nam Phi lại do Liên Xô lập ra, có lẽ chẳng khác gì đảng Cộng sản Việt Nam từ đầu nguồn vào chín mươi năm về trước.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng đúng vậy. Vì nước Nam Phi này do người da trắng lập ra với chế độ phân biệt chủng tộc "apartheid", là một từ ngữ Hà Lan, dân Nam Phi da đen có thể lầm tưởng quốc gia của họ chỉ thành hình từ khi có tổ chức Nghị hội ANC, chứ dân Việt Nam thì đấu tranh chống thực dân Pháp từ thế kỷ 19, và trước khi có chủ nghĩa cộng sản. Đó là một bài học.

Bài học thứ hai từ quá trình đấu tranh của ông Nelson Mandela là ta có nhiều phương thức khác nhau. Xứ Nam Phi ở giữa Đại Tây Dương ở hướng Tây và Ấn Độ Dương tại hướng Đông đã tiếp nhận nhiều di dân Ấn Độ. Ngày xưa, lãnh tụ Gandhi của người Ấn đã từng tới Nam Phi quảng bá phương thức đấu tranh bất bạo động. Nhìn lại thì cũng không khác gì chủ trương ôn hòa của cụ Phan Châu Trinh nếu so với tinh thần bạo động của cụ Phan Bội Châu. Nhưng dù có khác biệt về chủ trương, hai cụ không coi nhau là kẻ thù phải tiêu diệt. Ban đầu, luật sư Nelson Mandela cũng theo chủ trương ôn hòa của Gandhi, khi thấy không thành công thì mới đổi qua phương thức bạo động và đánh bom các cơ sở an ninh của người da trắng. Vì vậy mà ông bị kết án năm năm tù rồi đổi qua tù chung thân từ năm 1964. Trong 27 năm ngồi tù, ông nghiền ngẫm lại bài học đấu tranh và chuyển về phương thức ôn hòa bất bạo động căn cứ trên hoàn cảnh của đất nước.

Gia Minh: Thưa ông hoàn cảnh của Nam Phi khi đó là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ta không quên Nam Phi có một lãnh thổ rất lớn, rộng gấp bốn Việt Nam, với nhiều tài nguyên đáng kể hơn các nước Phi Châu ở chung quanh. Ngoài canh nông, xứ này có trữ lượng rất cao về kim cương và vàng để bán cho các nước Âu Châu và một kho kim loại hiếm rất cần thiết cho các nước muốn công nghiệp hóa tại Á Châu. Vào thời đó, việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên này nằm trong tay các tập đoàn kinh tế Tây phương và dân da đen chỉ làm công ở dưới và bị thiểu số da trắng ngược đãi. Chính là chế độ bất công ấy mới bị thế giới kết án và trừng phạt qua chính sách phong toả kinh tế, gọi là cấm vận. Gặp hoàn cảnh đó, ai cũng có thể nghĩ tới giải pháp triệt để là lật đổ và tiêu diệt chế độ cai trị của người da trắng để dân da đen lên làm chủ đất nước. Ông Mandela lại nghĩ khác.

Gia Minh: Khi đó, ông Nelson Mandela chủ trương những gì?

Một bức chân dung của cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela tại Bảo tàng Nelson Mandela, Nam Phi hôm 07/12/2013. AFP photo
Một bức chân dung của cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela tại Bảo tàng Nelson Mandela, Nam Phi hôm 07/12/2013. AFP photo
Một bức chân dung của cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela tại Bảo tàng Nelson Mandela, Nam Phi hôm 07/12/2013. AFP photo

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Là lãnh tụ kỳ cựu của dân da đen ở trong tù, Mandela được chính quyền da trắng tiếp xúc khi xứ Nam Phi của dân da trắng bị thế giới lên án và trừng phạt. Qua các cuộc tiếp xúc ở trong tù, ông Mandela thương thảo ngay về quy chế sống chung giữa đa số da màu và thiểu số da trắng. Rồi chính là sự thiết tha của Mandela về số phận của dân da trắng mới làm Tổng thống Nam Phi khi ấy là F. W. de Klerk tin vào thiện chí hòa giải và bắt đầu tiếp xúc. Từ các cuộc tiếp xúc và đàm phán ấy mới có quyết định ân xá ông Mandela vào năm 1990 và việc tổ chức bầu cử sau này. Nhờ thiện chí của đôi bên mà cả hai ông Mandela và de Klerk đều được Giải Nobel Hoà Bình vào năm 1993, một năm trước khi ông Mandela đắc cử Tổng thống và ông de Klerk làm Phó Tổng thống. Ta không quên là trong cuộc tranh cử để thành Tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi, ông Mandela có sự ủng hộ của nhiều người da trắng vì họ tin vào thực tâm sống chung của ông. Bài học ở đây của Mandela là ta muốn sống thì phải để người khác sống, chứ tiêu diệt người khác thì xứ sở không có hoà bình thịnh vượng. Đây không là giả thuyết mà là thực tế nếu ta để ý đến hoàn cảnh bi đát của một nước láng giềng là Cộng Hoà Zimbabwe sau khi dân da đen nổi lên và tiêu diệt Cộng Hoà Rhodesia của dân da trắng từ năm 1979 trở về sau.

Gia Minh: Sau khi đắc cử Tổng thống trong tinh thần thật sự hoà giải, ông Nelson Mandela đã làm những gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Có một chi tiết do Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nam Phi kể lại là đầu năm 1992, ông Mandela dự hội nghị của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos của Thụy Sĩ. Nơi đây ông có gặp đoàn đại biểu của Trung Quốc và Việt Nam và trình bày với họ chủ trương của tổ chức Nghị hội ANC một khi thắng cử. Đó là quốc hữu hóa các doanh nghiệp để nhà nước tập trung quản lý.

Ta nhớ rằng Nghị hội ANC là một tổ chức cộng sản bên trong có nhiều xu hướng khác nhau nhưng đa số còn lầm tưởng về con đường xã hội chủ nghĩa. Thế rồi nhờ tiếp xúc với bên ngoài, kể cả các viên chức của Bắc Kinh và Hà Nội, ông Mandela mới thấy rằng quốc hữu hóa tư doanh và quản lý theo kiểu tập trung là đi ngược trào lưu phát triển. Khi trở về, ông dùng uy tín rất lớn của mình để thuyết phục các đảng viên. Nếu ông ta dại dột cải tạo kinh tế theo kiểu lạc hậu thì xứ Nam Phi sẽ chứng kiến nạn tẩu tán tài sản rồi di tản, và xứ sở non yếu sẽ kiệt quệ vì thiếu tư bản và kỹ thuật khai thác nguồn tài nguyên phong phú của họ. Khi đó, dân Nam Phi sẽ chết đói trên đống vàng và chắc chắn là bị khủng hoảng. Đấy là một bài học về lý luận dựng nước.

Gia Minh: Có lẽ chi tiết ông vừa nêu là điều khá lý thú mà vẫn có ý nghĩa hiện đại nếu ra nhớ tới tình trạng tiêu cực của hệ thống quốc doanh tại Trung Quốc và Việt Nam. Ngoài ra, ông còn thấy bài học nào khác từ ông Mandela khi ông ta lên làm Tổng thống?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi cho rằng các nước nhược tiểu Á Phi đều có một nếp văn hóa rất tệ là "ở đời muôn sự của chung". Vì là của chung, những kẻ có quyền rất dễ tự nhiên biến quyền thành lợi. Họ trưng thu công sản làm tài sản riêng cho gia đình, tay chân, thân tộc hay thị tộc. So với nhiều lãnh tụ Á Phi, Tổng thống Mandela ít bị tai tiếng như vậy chính là do tinh thần đạo đức của ông ta hơn là vì cơ chế dân chù hay luật lệ minh bạch. Lý do là sau Mandela, nhiều lãnh tụ Nam Phi chẳng được như vậy và bị phê bình khá nặng về tội tham nhũng và chính sách bất công.

Bài học còn quan trọng hơn là sau khi làm Tổng thống hết nhiệm kỳ năm năm, ông Mandela thật sự rút khỏi chính trường để làm thường dân. Ta thấy nhiều anh hùng độc lập Á Phi đã nhiễm bệnh mê quyền và tưởng rằng họ là người không ai thay thế được. Hoặc thiếu họ là xử sở sẽ bị loạn. Từ đó, họ biến dần thành nhà độc tài và được tay chân tổ chức ra việc sùng bái để trục lợi. Vì vậy, sau khi các quốc gia này giành lại độc lập là bị ách độc tài di cùng nạn tham nhũng khiến xứ sở và người dân còn lụn bại hơn thời trước. Sau khi ra về, với uy tín rất cao, ông Mandela không thủ vai thái thượng hoàng hoặc đồng chí Cố vấn để tiếp tục chi phối vào chính trường. Ông chỉ có tiếng nói của tinh thần đạo đức và để người kế nhiệm quyết định về việc lãnh đạo. Tôi nghĩ rằng đây là bài học của nền dân chủ, rằng chẳng có ai là người không thay thế được.

Gia Minh: Nếu đếm lại thì có lẽ người ta tiếp nhận được sáu bảy bài học từ đạo đức tới chính trị và kinh tế của ông Nelson Mandela. Lời kết của ông là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ông Nelson Mandela nhận lãnh di sản địa dư và lịch sử trên một xứ sở có nhiều tài nguyên và lợi thế lẫn nhiều thách đố và vấn đề. Ông ta hy sinh bản thân, giải quyết vấn đề của đất nước và để lại một di sản tốt đẹp hơn cho các thế hệ về sau. Thế giới kính phục và ngợi ca ông Mandela chính là vì các đức tính hiếm hoi đó, nhất là tinh thần khắc kỷ quên mình, và vì ông tin vào sự tử tế của con người, một niềm tin có khía cạnh tôn giáo, của người đốt đuốc soi đường cho người khác.

Sau đó, là ngày nay đây, Cộng Hoà Nam Phi cũng có rất nhiều vấn đề kinh tế và xã hội mà các thế hệ nối tiếp phải cùng nhau giải quyết. Tang lễ dành cho ông Mandela có thể là cơ hội cho các thế hệ này suy ngẫm và có can đảm giải quyết như ông Mandela đã từng làm khi còn tại thế.

Gia Minh: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.