Muốn Là Ngoại Tệ Dự Trữ

Việt long & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2015.04.15
Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lou Jiwei tại lễ ký kết thành lập AIIB, 24 Tháng 10, 2014. Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lou Jiwei tại lễ ký kết thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Châu Á (AIIB) ở Bắc Kinh, 24 Tháng Mười, 2014.
AFP

Qua dự án thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Á châu, gọi tắt là AIIB, lãnh đạo Bắc Kinh có thể còn mong ước xây dựng một kiến trúc tài chính mới để thay thế hệ thống do Tây phương lập ra, trong đó, đồng Nguyên của Trung Quốc sẽ giữ vị trí trọng yếu với hy vọng sẽ thay thế đồng Mỹ kim khi sản lượng kinh tế của họ sẽ vượt Hoa Kỳ. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu vì sao đấy chỉ là một ảo vọng nguy hiểm ngay cho kinh tế Trung Quốc.

Việt Long: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, khi Bắc Kinh đề nghị lập ra Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Á châu, gọi tắt là AIIB, với số vốn 100 tỷ và tính đến ngày 14 thì đã có 50 nước hưởng ứng, thì dư luận thế giới cho rằng các nước này đã công nhận vị thế kinh tế của Trung Quốc, mặc dù Hoa Kỳ vẫn muốn cưỡng chống. Bên cạnh sự kiện đó, người ta còn cho là Bắc Kinh đang muốn xây dựng một kiến trúc tài chính quốc tế khác để dần dần thay thế hệ thống do Tây phương thành lập sau Đệ nhị Thế chiến và muốn đồng Nhân dân tệ của họ sẽ trở thành ngoại tệ dự trữ có thể cạnh tranh rồi thay thế đồng đô la của Hoa Kỳ. Ông nghĩ thế nào về chuyện này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi cho là trong vụ ngân hàng AIIB, người ta bị nhiều hiểu lầm tai hại.

- Trước hết, hàng năm các nước Á châu cần ngàn tỷ đô la để xây dựng hạ tầng cơ sở, chứ không chỉ là 800 tỷ theo một báo cáo từ năm năm trước của Ngân hàng Phát triển Á châu ADB. Trong điều kiện đó và sau khi bị lỗ nặng vì tự mình thực hiện các dự án hạ tầng trên thế giới, Bắc Kinh muốn lập ra một cơ chế quốc tế với sự hùn vốn và đóng góp kỹ thuật của các nước khác thì đấy cũng là điều tốt. Đáng lẽ khéo hướng dẫn việc này cho mối lợi chung của Châu Á thì Chính quyền của Tổng thống Barack Obama lại muốn cản mà không thành, và gây ra một ấn tượng xấu về một nước Mỹ già nua và bất lực trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Thật ra, đây là một ấn tượng sai.

Việt Long: Xuyên qua vụ AIIB, rất nhiều người cho là Trung Quốc còn có tham vọng thay thế Hoa Kỳ với một đồng bạc có thể cạnh tranh với đồng Mỹ kim. Ông thấy rằng việc ấy có khả thi không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ đến câu “dê cỏn húc dậu thưa” của bà Hồ Xuân Hương và xin riêng nói về chuyện ấy dù sẽ phải nói tới một số khía cạnh khá chuyên môn.

- Từ nhiều năm qua, một số quốc gia đã nêu vấn đề về vị trí quá lớn của Mỹ kim trong hệ thống tài chính được thiết lập từ 70 năm trước, đấy là quan điểm của Trung Quốc, Ấn Độ, Liên bang Nga hay Brazil. Chúng ta có thể hiểu tâm lý đó của các nước đi sau để theo kịp và vượt qua các nước công nghiệp hóa với ảo tưởng là mình đã đủ mạnh để phát huy ảnh hưởng và bảo vệ quyền lợi. Trong số đó, dĩ nhiên là có Trung Quốc với nền kinh tế có sản lượng đứng hạng nhì thế giới sau Hoa Kỳ. Nhưng không phải ngẫu nhiên mà các nước có tham vọng đó đều đang bị khủng hoảng!.

- Bước sang vai trò của đồng Nguyên thì ngoài ảo tưởng, Bắc Kinh còn mắc bệnh quên trí nhớ. Hoa Kỳ từng có nền kinh tế dẫn đầu thế giới từ những năm 1870 về sau mà các nước khi ấy vẫn dùng đồng Bảng Anh, Phật lăng Pháp và đồng Đức Mã của  Đức làm ngoại tệ chính để thanh toán các giao dịch. Phải năm chục năm sau, và khi nước Mỹ đã lập ra hệ thống Ngân hàng Trung ương độc lập cách nay trăm năm, thì đô la mới thay thế dần các ngoại tệ kia của Âu Châu và lên tới vị trí có thể gọi là thống trị từ sau Thế chiến II. Cho nên, sức mạnh kinh tế không nhất thiết làm cho đồng bạc của mình trở thành ngoại tệ thông dụng nhất.

Bắc Kinh chưa có sức mạnh kinh tế ấy và dù đã cố vận động thì đồng bạc của họ vẫn chưa được sử dụng một cách phổ biến. Mãi tới cuối năm ngoái thì đồng Nguyên mới là một trong năm ngoại tệ chính của thiên hạ mà chỉ để thanh toán có 2,2% lượng giao dịch, so với tỷ lệ 45% của Mỹ kim hay 28% của Euro

Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Bắc Kinh chưa có sức mạnh kinh tế ấy và dù đã cố vận động thì đồng bạc của họ vẫn chưa được sử dụng một cách phổ biến. Mãi tới cuối năm ngoái thì đồng Nguyên mới là một trong năm ngoại tệ chính của thiên hạ mà chỉ để thanh toán có 2,2% lượng giao dịch, so với tỷ lệ 45% của Mỹ kim hay 28% của Euro, thế rồi qua Tháng Hai thì tỷ lệ của đồng Nguyên lại còn sụt tới số 1,8%.

Việt Long: Xin hỏi ông một câu rất chuyên môn là thế nào là một ngoại tệ phổ biến và vì sao đồng Nguyên chưa được sử dụng nhiều hơn dù Trung Quốc đã giao dịch với nhiều nước trên thế giới?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đồng bạc là phương tiện thanh toán nghiệp vụ mua bán giữa các nước, cho nên phải là một đơn vị khả tín, đáng tin, vì giá trị tự nhiên của nó trên thị trường, chứ không vì một quốc gia hay chính quyền nào đó tự tiện tuyên bố là nó đáng giá chừng này. Theo tiêu chuẩn ấy thì đồng tiền của một quốc gia nào giao dịch nhiều với các nước thì dễ thành thông dụng hơn.

- Thứ nữa, đồng bạc cũng là một phương tiện bảo vệ giá trị của tài sản nên chỉ trở thành ngoại tệ dự trữ, là được cất giữ trong lâu dài, nếu được các nước hay nói chung là thị trường tin cậy. Một yếu tố tin cậy là không bị chính quyền phát hành ra đồng bạc tự ý can thiệp để thay đổi giá trị.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
File photo

- Cứ theo các tiêu chuẩn đó thì đồng Nguyên chưa thể là ngoại tệ phổ biến và càng khó là ngoại tệ dự trữ cho dù kinh tế Trung Quốc có thể vượt sản lượng của Hoa Kỳ, là điều chưa chắc. Nếu lại duy ý chí vì tưởng sẽ bành trướng ảnh hưởng nhờ đồng Nguyên là ngoại tệ dự trữ thì Trung Quốc càng sớm bị khủng hoảng. Nhìn từ giác độ chủ quan dễ hiểu của một người Việt Nam trước sự hung hăng của Trung Quốc, tôi thầm mong là Bắc Kinh sẽ nuôi tham vọng đó mà chóng tan tành!

Việt Long: Chúng ta bắt đầu đi vào phần hấp dẫn của đề tài. Vì sao ông cho rằng đồng bạc của Trung Quốc chưa thể là một ngoại tệ dự trữ có giá trị phổ biến?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin đi vào một số chi tiết chuyên môn và mong thính giả của chúng ta cùng nắm vững để hiểu ra thực tế ở ngoài đời.

- Trước hết, nếu ta tin là một đồng bạc nào đó, giả dụ là đồng Nguyên, có hy vọng thành ngoại tệ dự trữ đáng tin cho tương lai thì ta sẽ mua đồng Nguyên về trữ trong nhà hay trong ngân hàng để bảo vệ giá trị tài sản của mình. Khi ấy, ta mua bằng gì, ở đâu? Ta mua bằng đồng bạc của mình ở nơi có bán đồng Nguyên, và sau đó, đồng bạc ấy của mình sẽ chạy qua bên Tầu. Kết quả của những tính toán như vậy trên thị trường là đồng Nguyên sẽ lên giá vì được nhiều người ưa và Bắc Kinh thì ôm vào một số đồng bạc của thiên hạ, thường thì là những tờ giấy nợ vì thật ra đồng bạc là tờ giấy nợ có in trên đó sự cam kết thanh toán của quốc gia phát hành. Nhìn vào tờ đô la thì thấy liền.

- Từ chuyện ấy ta có thể suy ra một vấn đề rất nhỏ sau đây. Có những nơi nào trên địa cầu mà nhà đầu tư có thể thoải mái gõ cửa mua đồng Nguyên của Tầu cũng dễ như đổi đồng đô la của Mỹ? Câu trả lời là rất ít! Vài chục năm nữa thì may ra.

- Chuyện thứ hai là nếu thiên hạ chiếu cố đồng Nguyên khiến đồng tiền lên giá thì hàng của Tầu cũng lên giá và khó cạnh tranh với bên ngoài. Trung Quốc vẫn quá lệ thuộc vào xuất khẩu, lại chưa dám thả nổi đồng bạc để được giao dịch tự do, thì nói gì đến vai trò ngoại tệ dự trữ của thiên hạ?

- Lên đến tầng cao hơn thì cả triệu nghiệp vụ mua bán ấy cần một mạng lưới trung gian và kết quả sau cùng tập trung về các ngân hàng trung ương là tổ chức tài chính then chốt có thẩm quyền điều tiết lượng tiền giao dịch này. Các ngân hàng trung ương, kể cả của Hoa Kỳ, Âu Châu hay Trung Quốc, thì nhìn vào cái mà ta gọi là “tài khoản vãng lai” hay “cán cân chi phó”. Nếu thiên hạ ham đồng bạc của mình mà mua về thì điều ấy có nghĩa là tư bản của mình lặng lẽ chảy ra ngoài, làm cán cân vãng lai của mình bị thâm hụt. Người ta cứ than Hoa Kỳ bị thiếu hụt chi phó, là tư bản vào ít ra nhiều, mà không thấy rằng đấy là cái giá phải trả khi đồng Mỹ kim là ngoại tệ dự trữ phổ biến!

Chẳng ai muốn mua tiền của Tầu về nhà khi đảng Cộng sản đằng sau Nhà nước và Ngân hàng Trung ương họp kín rồi bất ngờ ra lệnh có ảnh hưởng bất lợi cho tài sản của thiên hạ!

Nguyễn-Xuân Nghĩa

Việt Long: Ông nêu ra một chi tiết lý thú. Thế nếu Bắc Kinh mở rộng mạng lưới giao dịch để đồng Nguyên dễ được trao đổi thì sẽ có một vấn đề về tài khoản vãng lai. Khi ấy thì họ có thể làm gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Khi ấy họ sẽ gặp vấn đề tam tứ nan chứ chẳng phải là lưỡng nan.

- Một là Bắc Kinh phải can thiệp vào thị trường ngoại hối để đồng bạc khỏi lên gía mỗi khi được thiên hạ mua vào. Khi can thiệp như vậy thì mặc nhiên làm đồng bạc mất chức năng phản ảnh quy luật cung cầu. Chẳng ai muốn mua tiền của Tầu về nhà khi đảng Cộng sản đằng sau Nhà nước và Ngân hàng Trung ương họp kín rồi bất ngờ ra lệnh có ảnh hưởng bất lợi cho tài sản của thiên hạ!

- Hai là Bắc Kinh phải giữ thế vô tư như nhà cái trong sòng bạc, là không can thiệp vào trị giá của các đồng bạc được trao đổi hàng ngày hàng giờ hàng phút trên sòng bạc quốc tế. Khi ấy, đồng Nguyên mà lên giá vì được các nước mua vào sẽ dẫn đến một hiện tượng kế toán là số thặng dư của tài khoản vãng lai cứ giảm dần và mức thiếu hụt của cán cân tư bản lại tăng. Ít ai chú ý đến chuyện kế toán rắc rối này mà chỉ phản ứng theo cảm quan là Bắc Kinh muốn làm gì cũng được! Nếu họ lại tưởng rằng khôn mà cứ để Ngân hàng Trung ương ngồi yên nhưng ra lệnh cho các tập đoàn quốc doanh kín đáo mua vào tài sản của xứ khác để giảm đà lên giá của đồng Nguyên thì vẫn là có can thiệp vào thị trường, nghĩa là nhà cái thanh toán bằng bạc giả.

Việt Long: Câu chuyện này của chúng ta quả là phức tạp đến bất ngờ chứ không đơn giản là việc Bắc Kinh có thể tự tung tự tác với khối dự trữ ngoại tệ gần bốn ngàn tỷ đô la của họ.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta không quên hàng ngày hàng giờ các nước trao đổi với nhau trên thị trường ngoại hối một lượng tiền tương đương hơn năm ngàn tỷ đô la. Và ngoài thị trường có sức tiếp nhận cả trăm tỷ bạc chảy ra chảy vào mỗi giờ mà kinh tế không bị chấn động là nước Mỹ thì các trung tâm giao dịch sầm uất nhất vẫn nằm ở ngoài Trung Quốc. Sau cùng, cả mạng lưới của các ngân hàng hay công ty thanh toán việc giao dịch ấy đều được công khai hóa, với tiêu chuẩn kế toán minh bạch và kiểm soát chặt chẽ, được mọi quốc gia cùng chấp nhận. Bắc Kinh thì chưa đi tới trình độ tổ chức ấy mà mọi chi tiết liên hệ đến các doanh nghiệp nhà nước của họ đều là bí mật quốc gia được luật pháp lạc hậu của họ bảo vệ.

Việt Long: Kết luận ở đây là khi nào thì Bắc Kinh có hy vọng phát triển đồng bạc của họ thành một ngoại tệ dự trữ phổ biến, chứ chưa nói đến việc trở thành ngoại tệ sẽ thay thế đồng đô la?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau khi dẫn đầu kinh tế thế giới, Hoa Kỳ đã mất nửa thế kỷ rồi mới thấy Mỹ kim lên tới vị trí ngoại tệ giao hoán thông dụng. Trung Quốc chưa dẫn đầu kinh tế thế giới mà còn bị nguy cơ khủng hoảng. Nếu họ nóng vội can thiệp vào thị trường bằng sự chủ quan duy ý chí thì bị khủng hoảng còn sớm hơn nữa. Cho nên thế giới đừng vội lo về sức mạnh kinh tế của Trung Quốc mà nên lo về hậu quả của một hiện tượng đã từng xảy ra nhiều lần, là khi nước Tầu có loạn!

Việt Long: Xin cảm tạ ông Nghĩa về bài phân tích bất ngờ này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.