Hiệp ước Xuyên Thái Bình Dương

Việt long & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2015.04.22
Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản tại sân bay quốc tế Tokyo ngày 21 tháng 4, 2015. Ông Shinzo Abe lên đường tham dự Hội nghị cấp cao Á-Phi tại Jakarta Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản tại sân bay quốc tế Tokyo ngày 21 tháng 4, 2015. Ông Shinzo Abe lên đường tham dự Hội nghị cấp cao Á-Phi tại Jakarta
AFP

Trong một tuần công du Hoa Kỳ vào tuần tới, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hy vọng sẽ đạt thỏa thuận với Mỹ về Hiệp ước Đối tác Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP. Tuy nhiên, hiệp ước này vẫn còn bị nhiều trở ngại trong Quốc hội Hoa Kỳ và ngay trong đảng Dân Chủ của Tổng thống Barack Obama. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu hồ sơ ấy qua phần phân tích của chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, tuần tới thì Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ thăm viếng Hoa Kỳ trong một tuần, sẽ hội kiến với Tổng thống Barack Obama và đọc bài diễn văn trước hai viện của Quốc hội Mỹ, là điều chưa từng có từ nửa thế kỷ nay. Vào dịp này, ông Abe cũng hy vọng rằng hai nước có thể đạt thỏa thuận về Hiệp ước Đối tác Chiến lược Xuyên Thái bình dương, thường được gọi tắt là TPP. Nếu hai quốc gia có nền kinh tế mạnh nhất trong 12 nước đang đàm phán hiệp ước này mà đạt được sự đồng thuận thì đấy là biến cố có lợi cho các nước khác. Người ta cũng không quên là Trung Quốc không có mặt trong dự án TPP và đấy có thể là khía cạnh kinh tế của việc Hoa Kỳ chuyển trục về Đông Á để xác định vị trí của mình trước ảnh hưởng của Trung Quốc. Vì vậy, chương trình chuyên đề của chúng ta sẽ chú trọng tới hồ sơ ấy. Theo ý kiến của ông thì hai nước Mỹ Nhật có hy vọng khai thông trở ngại để đạt môtt bước tiến quan trọng này không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đây là một hồ sơ cực kỳ phức tạp về nhiều mặt, và bên trong cả hai nước là Hoa Kỳ và Nhật Bản đều có những thế lực ủng hộ hoặc chống đối khiến cho việc thỏa thuận dự trù cách nay đúng một năm khi Tổng thống Mỹ thăm viếng Á Châu đã lại không thành. Năm nay thì phía Nhật Bản tin rằng sẽ có bước đột phá nhưng bên trong Hoa Kỳ vẫn còn nhiều trở ngại. Tôi xin được tóm lược bối cảnh trước khi ta tìm hiểu về các trở ngại đó.

Xuất phát từ một hiệp định cách nay 10 năm của một số quốc gia nhỏ tại Á Châu và Nam Mỹ trong vành cung Thái bình dương, Hoa Kỳ đã tham gia từ năm 2008 và vận động nhiều nước cùng hợp tác để tiến tới chế độ tự do và mậu dịch cho cả khu vực

Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Xuất phát từ một hiệp định cách nay 10 năm của một số quốc gia nhỏ tại Á Châu và Nam Mỹ trong vành cung Thái bình dương, Hoa Kỳ đã tham gia từ năm 2008 và vận động nhiều nước cùng hợp tác để tiến tới chế độ tự do và mậu dịch cho cả khu vực. Một bước then chốt là việc Nhật ngỏ ý tham dự từ năm 2013 và 12 quốc gia đang đàm phán hiện có sản lượng kinh tế bằng 40% của sản lượng toàn cầu, và gồm có Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Mexico, Úc, New Zealand, Brunei, Singapore, Chile, Peru, Malaysia, và Việt Nam. Các nước đã có 20 vòng đàm phán mà chưa xong.

- Về phía Nhật, Thủ tướng Shinzo Abe có kế hoạch cải tổ kinh tế rộng lớn và chấp nhận tham gia hiệp ước với ý hướng thúc đẩy việc cải cách ở nhà. Khi tham dự, Nhật phải giải tỏa thị trường nông sản để nhập lương thực từ các xứ khác, nhất là từ Hoa Kỳ, nhưng đổi lại thì dễ xuất khẩu  phụ tùng xe hơi qua Mỹ. Trở ngại về phía Nhật là sự chống đối của nông gia và về phía Mỹ là áp lực của các tập đoàn xe hơi, doanh nghiệp chế biến cùng nghiệp đoàn thợ thuyền vì phải cạnh tranh với hàng Nhật.

Việt Long: Thưa ông, cho đến Thứ Ba thì hai phái bộ Mỹ Nhật đã thu hẹp được một số dị biệt nên Thủ tướng Nhật Bản mới có vẻ lạc quan là hai nền kinh tế dẫn đầu cả khối TPP này có thể làm gương cho xứ khác và ông Abe sẽ tới Hoa Kỳ với một tin vui. Liệu sự thể có được như vậy không?

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản sau cuộc họp song phương ở Phòng Bầu dục tại Nhà Trắng, Washington ngày 22 tháng 2, 2013. AFP
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản sau cuộc họp song phương ở Phòng Bầu dục tại Nhà Trắng, Washington ngày 22 tháng 2, 2013. AFP
AFP

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng sự thể vẫn còn một bất trắc lớn đến từ phía Quốc hội Mỹ.

- Trước hết, cả Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ nay đang do đảng Cộng Hòa lãnh đạo và đảng này có khuynh hướng phát huy tự do mậu dịch và muốn ủng hộ một Tổng thống bên Dân Chủ để khai thông các trở ngại. Bên trong nước Mỹ lại có một đạo luật rắc rối là ủy quyền cho Hành pháp việc đàm phán các hiệp định thương mại theo thủ tục gọn nhẹ và khi hoàn thành thì mới đưa qua Quốc hội phê chuẩn trọn gói. Đạo luật đó gặp sự chống đối của nhiều dân biểu nghị sĩ Dân Chủ theo xu hướng bảo hộ mậu dịch và bị gạt qua một bên từ năm 2012.

Nếu hiệp định TPP hoàn thành năm nay như dự kiến thì lượng giao dịch có thể tăng mạnh từ năm tới. Nhưng ngược lại, nếu muốn gia nhập cuộc chơi vì mối lợi kinh tế thì các nước phải tuân thủ một số điều kiện về lao động, môi sinh, về chế độ bảo vệ tác quyền hay quyền sở hữu trí tuệ với một số hậu quả về xã hội và cả chính trị nữa

Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Tuần qua, một số dân biểu nghị sĩ đã đạt thỏa thuận về dự luật gọi là Phát huy Thẩm quyền Thương mại và tuần này thì dự luật đó sẽ được đưa ra Quốc hội phê chuẩn trong một phiên họp khoáng đại. Nếu đa số thông qua đạo luật thì Chính quyền Obama và vị Đặc sứ Thương mại của Tổng thống mới có rộng quyền thương thảo với các nước cho đến khi hoàn thành, chứ không phải trong từng bước lại phải xin phép Quốc hội. Nghịch lý ở đây là đảng Cộng Hòa thì muốn một Tổng thống Dân Chủ được rộng quyền thương thuyết, nhưng ông Obama lại bị trở ngại từ phía Dân Chủ.

Việt Long: Thính giả của chúng ta có thể thắc mắc về chuyện đó. Thưa ông nếu hiệp định thương mại này có lợi cho kinh tế và được Tổng thống Mỹ cổ võ thì vì sao vẫn còn nhiều người chống ở ngay trong đảng của Tổng thống?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Câu hỏi này rất hay vì cho thấy hai khía cạnh kinh tế và chính trị.

- Về kinh tế thì câu hỏi được nêu ra là hiệp định có lợi cho ai, bao giờ thì có lợi và ngược lại ai gặp sự cạnh tranh của hàng hóa hay dịch vụ ngoại quốc từ nay sẽ dễ nhập vào Mỹ? Chẳng hạn như giới bán nông sản hay linh kiện điện tử thì ủng hộ việc ấy vì có thêm cơ hội xuất cảng và tuyển người, mà giới sản xuất cơ phận chế biến thì sợ mất thị phần đang có của mình và phải sa thải nhân viên. Cả hai đều nói đến nhu cầu bảo vệ lao động mà lại có hậu quả trái ngược về mặt xã hội.

-Ngoài ra, và như chương trình của chúng ta đã đề cập cách nay ba tháng, việc Mỹ kim lên giá và nhiều nước mặc nhiên phá giá đồng bạc qua biện pháp bơm tiền cũng khiến cho hàng Mỹ thì đắt hơn và hàng xứ khác lại rẻ và dễ bán hơn. Cho nên, cũng vì lý do kinh tế mà nhiều doanh nghiệp và giới dân cử bên đảng Dân Chủ mới yêu cầu bao gồm cả hồ sơ ngoại hối vào việc đàm phán với các đối tác kia.

- Đã vậy, trong tiến trình thương thuyết hiệp định, các viên chức phụ trách đàm phán đều giữ kín nội dung để tránh bị tác động nên các thế lực liên hệ đều khó biết hậu quả. Họ mới vận động giới dân cử mở ra phong trào chống đối và đòi xét hỏi về từng cam kết từ phía Mỹ. Ngoài ra, xã hội Mỹ cũng còn xu hướng bảo hộ mậu dịch hoặc bảo vệ môi sinh, thậm chí chống toàn cầu hóa vì e ngại những thay đổi bất lợi cho họ. Vì Hoa Kỳ là một xứ dân chủ nên ngần ấy xu hướng đều mở chiến dịch tác động rất ồn ào mà nhiều người chẳng rõ bên trong là vì những lý do gì.

- Sau cùng, chúng ta cũng không nên quên rằng Hoa Kỳ đang thương thuyết một hiệp định tương tự với các nước Âu Châu gọi là Đối tác Xuyên Đại Tây Dương về Thương mại và Đầu tư, trong khi các nước Âu Châu chưa ra khỏi những khó khăn vì vụ khủng hỏag của khối Euro.

Việt Long: Nhìn từ các nước Á Châu thì hiệp định TPP này có lợi như thế nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Các nước Á Châu đều mong là hiệp định này mở ra cơ hội bán hàng nhiều hơn vào thị trường rộng lớn của Hoa Kỳ. Thí dụ như năm ngoái thì kim ngạch ngoại thương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ lên tới hơn 36 tỷ đô la, giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản thì đã vượt 200 tỷ. Nếu hiệp định TPP hoàn thành năm nay như dự kiến thì lượng giao dịch có thể tăng mạnh từ năm tới. Nhưng ngược lại, nếu muốn gia nhập cuộc chơi vì mối lợi kinh tế thì các nước phải tuân thủ một số điều kiện về lao động, môi sinh, về chế độ bảo vệ tác quyền hay quyền sở hữu trí tuệ với một số hậu quả về xã hội và cả chính trị nữa.

- Nói chung, với Hoa Kỳ thì hiệp định này chỉ ảnh hưởng đến hơn 10% của lượng hàng mà nước Mỹ mua bán với cả thế giới - là gần bốn ngàn tỷ đô la. Nhưng hơn 400 tỷ nước Mỹ mua bán với các nước của nhóm TPP là một triển vọng đáng kể và có thể dẫn đến nhiều đổi thay trong khu vực cho nhiều thập niên sắp tới.

Việt Long: Khi ấy, chúng ta lại nhìn về một đại gia trong khu vực là Trung Quốc. Thưa ông, xứ này có nền kinh tế đứng hạng nhì thế giới mà cũng là triển vọng làm ăn của nhiều nước Á Châu. Trong khi Hoa Kỳ đang xoay trở với hồ sơ TPP này thì Bắc Kinh cũng đề xướng một Hiệp định Thương mại Tự do Á châu Thái bình dương gọi tắt là FTAAP với 10 nước trong Hiệp hội ASEAN và năm nước bên ngoài là Nhật, Nam Hàn, Ấn Độ, Úc và New Zealand, tức là không có Hoa Kỳ. Ông nghĩ sao về sáng kiến ấy khi ta chẳng thể quên dự án thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Á châu mà mình có đề cập trong một chương trình trước?

Tuần qua Quốc hội Mỹ mới hoàn thành dự luật về quyền đàm phán của Hành pháp sẽ được biểu quyết trong tuần này. Đấy là bước khai thông quan trọng cho hiệp định TPP và nếu lại đạt thỏa thuận với Nhật Bản vào tuần tới thí đấy là một sự đột phá có lợi

Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi e rằng nhiều người Mỹ đã quên sáng kiến này của Trung Quốc khi cứ loay hoay vật lộn với hồ sơ TPP!

- Bắc Kinh có dự kiến lớn là mở ra kỷ nguyên phát triển Đông Á với Trung Quốc là trung tâm để thiết lập mạng lưới an ninh và kinh tế dưới cái dạng của "Con Đường Tơ Lụa" ngày xưa, ngày nay sẽ trải rộng trên biển và trong đất liền, từ Indonesia của Đông Nam Á qua đến Trung Á với kinh phí hơn 40 tỷ đô la. Để thực hiện dự kiến, Bắc Kinh tung tiền mua chuộc các nước Á châu qua đầu tư và mậu dịch và từ Thượng đỉnh APEC vào tháng 11 năm ngoái còn đề nghị Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện của Khu vực trải rộng từ Úc châu về tới Trung Quốc. Nếu tham gia dự án này, các nước Á châu sẽ có lợi thế buôn bán với thị trường đông dân nhất thế giới. Nhưng vì lý do an ninh trước sự bành trướng đáng ngại của Trung Quốc, các nước cũng muốn củng cố quan hệ với Hoa Kỳ và Nhật Bản, việc gia nhập nhóm TPP có thể là một bước có lợi cho chiều hướng ấy. Việt Nam nên cân nhắc sự lợi hại với cái nhìn toàn cảnh và tìm cơ hội ra khỏi bóng rợp của Bắc Kinh.

Việt Long: Ông nói đến một cái nhìn toàn cảnh về lợi và hại, liệu Quốc hội Hoa Kỳ có cái nhìn đó không nếu vẫn gây nhiều trở ngại cho một cơ hội hợp tác được chính nước Mỹ đề xướng từ năm 2008 mà đến nay vẫn chưa thành hình?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hoa Kỳ là một xã hội dân chủ đa nguyên và phức tạp với nhiều quyền lợi mâu thuẫn và chằng chịt nên khó đạt được sự đồng thuận và thường làm các nước khác thất vọng.

- Tuy nhiên, chính là các sáng kiến dồn dập của Bắc Kinh đi cùng nỗ lực bành trướng về quân sự ngoài vùng biển Đông Nam Á lại đang lay động nước Mỹ về thứ tự ưu tiên. Có lẽ đấy là một lý do khiến tuần qua Quốc hội Mỹ mới hoàn thành dự luật về quyền đàm phán của Hành pháp sẽ được biểu quyết trong tuần này. Đấy là bước khai thông quan trọng cho hiệp định TPP và nếu lại đạt thỏa thuận với Nhật Bản vào tuần tới thí đấy là một sự đột phá có lợi.

- Ngược lại, ta cũng chẳng quên rằng Trung Quốc đang có nhiều vấn đề nghiêm trọng ở bên trong cho nên chẳng thể tung tiền mua bạn như lãnh đạo xứ này trù tính từ nhiều năm nay.

Việt Long: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.