Hòa Giải Ngân Sách tại Hoa Kỳ

Trong ba ngày liền, thị trường tài chính toàn cầu đã theo nhau rớt giá vì lo sợ khủng hoảng về đồng Euro có thể lan từ Hy Lạp qua các nước khác tại miền Nam Âu châu.
Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2011.07.13
000_Was4076632-305.jpg Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp lãnh đạo Quốc hội về các cuộc đàm phán ngân sách trong phòng nội các của Nhà Trắng ở Washington, DC hôm 11 tháng Bảy năm 2011.
AFP photo

Cùng lúc đó, cũng trong ba ngày, Tổng thống Hoa Kỳ đã ba lần gặp gỡ lãnh đạo của Quốc hội để dung hòa quan điểm về ngân sách mà vẫn chưa tìm ra giải pháp. Một mấu chốt trong cuộc là "định mức đi vay", là hạn ngạch tối đa mà Quốc hội cho phép chính quyền liên bang vay tiền để tài trợ mức thiếu hụt ngân sách.

Nếu không nâng định mức này thì đầu Tháng Tám tới đây, nước Mỹ sẽ không được phép vay tiền nữa và đương nhiên ở trong tình trạng kỹ thuật gọi là "vỡ nợ".

Vì sao một siêu cường dân chủ như Hoa Kỳ lại gặp tình trạng ách tắc lạ lùng như vậy? Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu hồ sơ này qua phần trao đổi do Vũ Hoàng thực hiện sau đây với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa .

Bội chi nhân sách

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Trong khi vụ khủng hoảng tài chính Âu Châu đang khiến cả thế giới rúng động thì Hoa Kỳ lại gặp ách tắc về một thủ tục dung hòa ngân sách và định mức đi vay khiến Hành Pháp và Lập Pháp đã ba lần hội họp trong ba ngày mà chưa tìm ra giải pháp. Viễn ảnh trước mắt có thể là chính quyền liên bang hết được phép vay tiền kể từ đầu Tháng Tám  này và như vậy hết tiền thanh toán chi tiêu, kể cả tiền lời của các khoản vay nợ trước đó. Kỳ này,

Diễn đàn Kinh tế muốn giúp thính giả tìm hiểu về một chuyện kỳ lạ như vậy nên xin ông Nghĩa trình bày cho bối cảnh của vấn đề.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa ông, trước hết, Hoa Kỳ là một xứ dân chủ nên việc chi thu của quốc gia đều phải từ những người đại diện do dân bầu lên quyết định. Giới đại diện dân cử này giải quyết công vụ dưới sự phán xét của cử tri, nếu không thì họ thất cử trong kỳ bầu cử sau. 

Thứ hai, trong lịch sử 235 năm của quốc gia này, chính quyền liên bang đã từng chi nhiều hơn thu và bị thiếu hụt ngân sách.
Thực tế thì bị bội chi từ thời lập quốc khi hụt tiền tài trợ chiến phí của cuộc chiến giành độc lập hoặc cuộc chiến năm 1812 với Đế quốc Anh để bảo vệ chủ quyền, rồi còn trận Nội chiến vô cùng tốn kém từ năm 1861 đến 1865 và các cuộc chiến sau này nữa....

Chuyện đáng sợ là các khoản chi bắt buộc mà giới dân cử không thể tránh được và sự thiếu hụt tích lũy của các quỹ xã hội như an sinh hay y tế, khiến ngân sách Hoa Kỳ còn bị bội chi.

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Là một quốc gia dân chủ, lại hay bị bội chi mà quyết định chi thu lại do dân chúng giám sát nên quốc gia này phát triển ra một hệ thống luật lệ vô cùng phức tạp để kiểm soát việc chi tiêu, hầu chính quyền không được phép tự tiện sử dụng tài nguyên công sản của quốc gia. Cũng hệ thống luật lệ ấy mới gây ách tắc khi đại diện dân cử, là Tổng thống và các Dân biểu Hạ viện và Nghị sĩ Thượng viện, không dung hoà nổi quan điểm về ngân sách quốc gia. Người Mỹ chấp nhận là thà rằng ách tắc như vậy còn hơn là trao cho ai đó một siêu quyền lực để quyết dịnh về mọi chuyện.

Vũ Hoàng: Cứ như ông vừa trình bày thì việc bị bội chi ngân sách và mâu thuẫn về chủ trương trong công chi thu ngân sách quốc gia không là điều hãn hữu mà đã từng xảy ra nhiều lần?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Nó xảy ra nhiều lần, gần như thường trực, và là một phần của sinh hoạt chính trị xứ này mà từ bên ngoài thì nhiều người không hiểu nên cứ cho rằng nền dân chủ rất dễ đưa tới khủng hoảng. Khi thế giới bị chấn động về đồng Euro mà cường quốc số một về kinh tế lại tranh cãi mãi về ngân sách thì ai cũng có thể cho là kỳ là lạ. Thật ra, chính thủ tục ấy mới có hy vọng tránh được lạm dụng. Và cần nói thêm rằng người ta có quyền tranh cãi mà tổng thống hay các phủ bộ cũng chẳng thể cấm đoán hay bỏ tù ai được! Trong khi ấy, xã hội dân sinh của dân chúng vẫn sinh hoạt bình thường.

Nợ - Vấn đề lớn?

Vũ Hoàng: Nhưng thưa ông, còn cái định mức đi vay kia? Nếu Quốc hội Mỹ không cho phép thì chính quyền liên bang bị bó tay và điều ấy có thể gây khủng hoảng trên thị trường tài chính chứ? Một quốc gia không còn khả năng đi vay để trả lương hay trả nợ thì đấy có là một vấn đề không?

000_118917745-250.jpg
Người tìm việc xếp hàng nộp hồ sơ xin việc tại hội chợ việc làm San Francisco hôm 12 tháng 7 năm 2011. AFP photo
Người tìm việc xếp hàng nộp hồ sơ xin việc tại hội chợ việc làm San Francisco hôm 12 tháng 7 năm 2011. AFP photo
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa rằng có là vấn đề, nhưng không là khủng hoảng!
Xin nói tiếp về bối cảnh, khi ngân sách bị bội chi – là trường hợp ngày nay – thì đại diện của dân tại Hành pháp và Lập pháp phải áp dụng một thủ tục pháp lý là "dung hoà ngân sách" để hoà giải các mâu thuẫn, thí dụ như phải giảm công chi hay tăng thuế. Trong hệ thống luật lệ phức tạp của Hoa Kỳ, thủ tục này có những đòi hỏi chính xác và từ 30 năm qua, Hoa Kỳ đã có 23 lần áp dụng, đa số là 17 lần thì khi có một Tổng thống Cộng Hoà cầm đầu Hành pháp.

Khi bị bội chi, chính quyền phải đi vay nhưng chỉ được vay trong giới hạn do Quốc hội cho phép, người ta gọi đó là "định mức đi vay". Tính đến cuối Tháng Sáu, Hoa Kỳ đã vay tổng cộng là 14 ngàn 460 tỷ Mỹ kim và con số 14,46 ấy là mức giới hạn cuối, nếu không được Quốc hội cho phép vay nhiều hơn thì người ta tính ra là đến mùng hai tháng tới là chính quyền sẽ bị kẹt. Thật ra, luật lệ cũng cho áp dụng một số biện pháp bất thường chứ không đến nỗi vậy nhưng khi hoà giải mâu thuẫn như giảm chi hay tăng thuế thì người ta nêu vấn đề về "định mức đi vay" và kỳ hạn cấp bách trước mắt để có sức thuyết phục cao hơn trong việc tranh luận.

Vũ Hoàng: Chúng ta đã xong phần bối cảnh về cuộc tranh luận hiện nay tại thủ đô Hoa Kỳ. Bước qua phần tìm hiểu về nội dung, thưa ông, kích thước của vấn đề là lớn hay nhỏ tới chừng nào? Như ông vừa nói thì nước Mỹ đang mắc nợ đến hơn 14 ngàn tỷ đô la, trong khi cả nước sản xuất ra một khoản tài sản cũng có chừng đó thôi, thì đấy là một vấn đề rất lớn chứ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa rằng đấy là một vấn đề rất lớn, phải nói rằng chưa từng thấy! Nói về sự vay mượn của chính quyền liên bang, số nợ hơn 14 ngàn tỷ này bằng 93% của Tổng sản lượng Nội địa GDP, khiến Mỹ đứng hàng thứ 12 của các nước mắc nợ nhiều nhất thế giới! Thật ra, số nợ ấy có cả khoản nợ của các cơ quan liên bang vay mượn nhau, chứ nếu chỉ kể tiền vay vay công chúng ở trong và ngoài nước thì gánh nặng gọi là "công trái" ấy lên tới 69% GDP.

Thứ hai, việc mắc nợ tăng đột ngột đến mức kỷ lục trong hơn hai năm qua vì bội chi ngân sách quá nặng giữa một chu kỳ suy trầm kinh tế do tăng chi để kích thích sản xuất mà ít hiệu quả. Nếu duy trì lề lối chi tiêu ấy thì tổng số nợ công chúng sẽ từ khoảng 70% lên đến 100% GDP vào năm 2021! Vì vậy, cử tri mới nổi giận và trong cuộc bầu cử vào Tháng 11 năm ngoái họ đã dồn phiếu cho đảng Cộng Hoà.

Số nợ hơn 14 ngàn tỷ này bằng 93% của Tổng sản lượng Nội địa GDP, khiến Mỹ đứng hàng thứ 12 của các nước mắc nợ nhiều nhất thế giới!

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Kết quả là đảng Cộng Hoà đang kiểm soát Hạ viện với sứ mệnh họ tuyên bố là quyết liệt giảm chi để tiến đến quân bình ngân sách trong một vài chục năm tới. Nhưng, đảng Dân Chủ vẫn còn kiểm soát được Thượng viện dù với đa số ít hơn trước. Họ chủ trương là cũng nên quân bình lại ngân sách nhưng không thể giảm chi nhiều quá mà cần tăng thuế nữa. Tổng thống Obama thuộc đảng Dân Chủ thì cố dung hòa quan điểm giữa đôi bên, nhưng ông cũng đang ra tái tranh cử năm tới nên rất e sợ sự phán đoán của cử tri.

Năm tới, dân Mỹ sẽ bầu lại tổng thống, toàn thể 453 dân biểu Hạ viện và cỡ một phần ba nghị sĩ Thượng viện nên ngần ấy giới chức dân cử đều quan tâm đến ý dân, tức là mọi người phải hòa giải nhưng cũng phải tiết giảm công chi, vấn đề là giảm chừng bao nhiêu, giảm những gì và tăng thuế bao nhiêu, cho những ai.... Vì vậy, họ vừa tranh luận với nhau vừa tìm cách thuyết phục quần chúng về lập trường quan điểm của mình.

Vũ Hoàng: Như ông vừa trình bày thì chúng ta có một lúc hai khía cạnh. Đó là tranh luận về thực tế phũ phàng của hệ thống tài chính công quyền vì bộ máy quốc gia vẫn hàng ngày chuyển động và cần tiền thanh toán các chương trình sinh hoạt của kinh tế quốc dân. Khía cạnh kia là cách trình bày và thuyết phục quần chúng về quan điểm của mình hầu cử tri sẽ tiếp tục ủng hộ mình. Thưa ông, có phải như vậy không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đúng như thế, và ở giữa thì có thị trường tư doanh và sự tính toán của cả triệu người ở trong và ngoài trước từng quyết định của chính trường, vì các quyết định này ảnh hưởng đến quyền lợi gần xa của họ. Mà phản ứng của thị trường cũng chi phối ngược quyết định của chính quyền vì có thể khiến lãi suất hay cổ phiếu lập tức lên hay xuống!

Thế rồi, trên cùng còn có truyền thông báo chí được tự do phán xét và trình bày lại cho dư luận. Muốn phán xét thì phải hiểu vấn đề và muốn trình bày cho trung thực thì phải biết trọng sự thật. Cử tri là thành phần sau cùng sẽ quyết định về lập trường của giới dân cử và về khả năng hay giá trị của truyền thông. Trong một hồ sơ kinh tế tài chính phức tạp, lồng vào thủ tục pháp lý rắc rối thì ta thấy ra trách nhiệm rất lớn của truyền thông.

Nhưng thà là vất vả tìm hiểu sự thật như vậy còn hơn là phó mặc cho ai khác quyết định tất cả rồi sau này con cháu sẽ phải trả nợ về các quyết định hay sự thờ ơ dại dột của mình. Có sự am hiểu tối thiểu về kinh tế cũng là một yêu cầu cần thiết để xây dựng dân chủ, nhưng trước hết thì còn phải có quyền tự do tìm hiểu và phát biểu.

Nước Mỹ sẽ ra sao

000_GYI0064970470-250.jpg
Các nhà đầu tư trên sàn giao dịch chứng khoán New York trước tiếng chuông đóng cửa ngày 01 tháng 6 năm 2011. AFP Photo
Các nhà đầu tư trên sàn giao dịch chứng khoán New York trước tiếng chuông đóng cửa ngày 01 tháng 6 năm 2011. AFP Photo
Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối, thưa ông, theo sự lượng định của ông, kết quả trận đánh về ngân sách này sẽ ra sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Chúng ta chưa biết được tương lai nhưng tôi nghĩ rằng đây là cơ sở cho sự xét đoán hay dự báo.

Thứ nhất, lãi suất dài hạn là tiền lời cho vay và đi vay khi mua bán Công khố phiếu Mỹ, hiện vẫn còn ở mức rất thấp nên hậu quả của tranh chấp hay ách tắc về ngân sách đối với thị trường vẫn chưa là cái gì đó mà ta gọi là khủng hoảng. Trong kho luật lệ thì bộ Ngân khố cũng còn nhiều khí cụ áp dụng để tránh tình trạng gọi là "nước Mỹ vỡ nợ" vì không được phép đi vay nữa, giả thuyết cứ gọi là kinh hoàng ấy thật ra có xác suất rất thấp!

Thứ hai, thực tế thì ngân sách quốc gia vẫn phải trang trải một số khoản chi bắt buộc về an sinh xã hội cho người dân nên thể nào Quốc hội cũng phải giảm chi, nhưng trong một chừng mực nào đó giữa hai thái cực là bốn ngàn tỷ và một ngàn 400 tỷ. Vì vậy, thể nào cũng phải nâng định mức đi vay nhưng trong khoảng 2.500 tỷ thôi, nếu không, cử tri sẽ nổi loạn và nhiều người thất cử!

Thứ ba, kinh tế Mỹ vẫn bị nguy cơ suy trầm từ nay đến cuối năm với thất nghiệp chưa thể giảm nên mọi chính trị gia đều bị  thực tế này chi phối. Trong hoàn cảnh đó, nếu mà tăng thuế nhà giàu để quân bình ngân sách, hoặc là không triển hạn giảm thuế đã quyết dịnh hồi tháng 12 năm ngoái thì sẽ lãnh hậu quả kinh tế vì người trả thuế nhiều cũng là người trả lương, là dân có tiền để đầu tư. Do đó, đảng Dân Chủ sẽ thận trọng khi đòi tăng thuế vì sợ bị kết án là làm cho nạn suy trầm kéo dài.

Thứ tư, nguồn thu thuế khóa cho ngân sách Hoa Kỳ hiện chỉ bằng khoảng 15% Tổng sản lượng GDP, là mức thấp nhất kể từ trước Thế chiến II. Với tình hình sản xuất đang sa sút thì số thu này khó tăng, ngay cả trong giả thuyết chấm dứt việc miễn thuế thời ông Bush hoặc chấm dứt việc triển hạn việc giảm thuế lương bổng đã áp dụng từ đầu năm nay. Nhưng về dài, việc tăng thuế Medicare áp dụng từ năm 2013 sẽ nâng nguồn thu thuế khoá về mức bình quân lâu dài của nước Mỹ là khoảng 18% GDP. Vì vậy, tôi thiển nghĩ rằng tranh luận về thuế có thể là gay go ồn ào chứ không là chuyện đáng sợ như dư luận thường nghĩ.

Chuyện đáng sợ là các khoản chi bắt buộc mà giới dân cử không thể tránh được và sự thiếu hụt tích lũy của các quỹ xã hội như an sinh hay y tế, khiến ngân sách Hoa Kỳ còn bị bội chi. Việc cải sửa thói tật tăng chi vô trách nhiệm của mấy năm qua là cần thiết trong trường kỳ, nhưng nếu chính người dân không chấp nhận việc điều chỉnh các khoản phúc lợi xã hội thì bội chi ngân sách vẫn là vấn đề. Và khi ấy, lãi suất trái phiếu sẽ vọt lên trời và nước Mỹ sẽ suy sụp. Nhưng đấy là chuyện lâu dài hơn một chu kỳ tranh cử!

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.