Ông Obama và Châu Á

Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đã rời Washington để lên đường đi Châu Á. Đây là chuyến công du Á Châu đầu tiên của ông, và đương nhiên dược sự chú ý của mọi người.
Nguyễn Khanh, biên tập viên RFA
2009.11.13

Vì thế Tạp Chí Câu Chuyện Thời Sự Hàng Tuần của Ban Việt Ngữ chúng tôi cũng được đành dể nói về chuyến đi quan trọng này, qua cuộc thảo luận giữa Thy Nga với Việt Hà, Mặc Lâm và Nguyễn Khanh.

Thy Nga: Cám ơn các bạn nhận lời tham dự buổi nói chuyện hôm nay. Như các bạn cũng biết, Tổng Thống Hoa Kỳ đã từng sang Châu Âu, đi Nga, đến Châu Phi và nhiều nơi khác nữa, nhưng tại sao chuyến đi Châu Á của ông Obama lại được chú ý đến nhiều như thế?

Yếu tố Trung Quốc

Mặc Lâm: Theo tôi thì có rất nhiều lý do khiến mọi người chú ý chuyến đi của ông Obama. Trước hết, chắc chị và quý thính giả cũng đồng ý là chuyến đi nào của Tổng Thống Mỹ cũng được cả thế giới chú tới, chứ không phải chỉ có chuyến đi Châu Á mà thôi. Nhưng lần này mọi người còn chú ý đến nhiều hơn nữa vì Trung Quốc đang vươn mình trở thành một cường quốc đúng nghĩa, tức là cả về kinh tế, chính trị, ngoại giao lẫn quân sự, thành ra mọi người đều chờ đợi xem ông Obama sẽ nói gì với Bắc Kinh, và những điểm các nhà lãnh đạo hai nước đạt được với nhau sẽ định hình thế giới như thế nào.

Tôi cũng cần phải nói thêm là Bắc Kinh không phải là trạm dừng chân đầu tiên của ông Obama, vì ông đến Tokyo, sau đó sang Singapore dự Thượng Đỉnh APEC 2009 trước khi đặt chân sang Hoa Lục và chuyến đi kết thúc ở Nam Hàn.

Chuyện nghe thì cứ như chuyện đùa, nhưng ít nhiều cũng dựa vào sự thật. Hiện giờ cứ 100 đô nước Mỹ vay thì có 10 đô vay của Trung Quốc, thành ra không biết ông Obama có thể mạnh miệng tới đâu khi thảo luận với giới lãnh đạo Bắc Kinh.

Thy Nga: Chị Việt Hà nghĩ gì về chuyến đi này của ông Obama?

Việt Hà: Tôi xin góp thêm ý với anh Mặc Lâm là trước khi ông Obama rời Washington, đã có những chuyện đùa nói về chuyến đi Trung Quốc của ông, trong đó lời nói đùa mà tôi thấy đáng chú ý nhất là ông Obama đến Bắc Kinh vơi tư cách con nợ, còn ông Trung Quốc thì vừa đóng vai chủ nhà vừa giữ vị thế của ông chủ nợ.

Chuyện nghe thì cứ như chuyện đùa, nhưng ít nhiều cũng dựa vào sự thật. Hiện giờ cứ 100 đô nước Mỹ vay thì có 10 đô vay của Trung Quốc, thành ra không biết ông Obama có thể mạnh miệng tới đâu khi thảo luận với giới lãnh đạo Bắc Kinh. Khi nghe câu chuyện đùa con nợ, chủ nợ, tự nhiên tôi nhớ lại chuyến đi Bắc Kinh đầu tiên của Bà Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Bà Clinton bảo trong lúc kinh tế suy thoái, cần sự hợp tác chặt chẽ của các nước thì không nên để cho những vấn đề khác gây cản trở, thí dụ như vấn đề nhân quyền.

Ngoài ra, tôi thấy là ông Obama cũng cần phải có sự ủng hộ mạnh mẽ của Trung Quốc để giải quyết những chuyện khác nữa, chẳng hạn như chuyện hạt nhân Bắc Hàn, chuyện đổi mới dân chủ Miến Điện… Có rất nhiều chuyện phải bàn, và chuyện nào cũng không ít thì nhiều, cần đến sự trợ giúp của Trung Quốc.

Ông Obama cũng cần phải có sự ủng hộ mạnh mẽ của Trung Quốc để giải quyết những chuyện khác nữa, chẳng hạn như chuyện hạt nhân Bắc Hàn, chuyện đổi mới dân chủ Miến Điện… Có rất nhiều chuyện phải bàn, và chuyện nào cũng không ít thì nhiều, cần đến sự trợ giúp của Trung Quốc.

Không thể quên Châu Á

Thy Nga: Anh Nguyễn Khanh nghĩ gì về ý chị Việt Hà mới nói?

Nguyễn Khanh: Tôi chia sẻ ý kiến của chị Việt Hà, chỉ xin đóng góp thêm là ngay sau ngày ông Obama nhậm chức Tổng Thống, Châu Á đã nói rõ là xin ông đừng quên chúng tôi. Lý do là vì dưới thời George W. Bush, ông Bush bận quá nhiều chuyện nên không ngó ngàng đến Châu Á đúng mức, đặc biệt là các nước Đông Nam Á. Thành ra lần này ông Obama đồng ý gặp lãnh đạo ASEAN bên lề thượng Đỉnh APEC, và có thể mời họ sang Washington vào năm tới là điều mọi người phải chú ý đến, vì chuyện này chưa từng xảy ra.

Ông Obama cũng từng nói sẽ thực hiện một chính sách ngoại giao khôn khéo hơn, không cứng rắn như các vị tiền nhiệm của ông đã làm. Vì thế,  mọi người cũng chờ đợi xem ông sẽ gặt hái được những gì trong chuyến đi Châu Á đầu tiên này. Nói rõ hơn là mọi người đang chờ xem ông có kế hoạch gì mới với Bắc Hàn, với Miến Điện hay không. Và riêng với vùng Đông Nam Á, người ta cũng chờ xem ngoài hứa hẹn mở rộng hợp tác về kinh tế, thương mại, văn hóa chẳng hạn, liệu ông có đưa một ý kiến hay đề nghị nào về hợp tác chiến lược hay không. Đương nhiên là nếu có thì phản ứng của Trung Quốc sẽ như thế nào? Đó là những điều mọi người đang chờ xem có xảy ra hay không.

Ông Bush bận quá nhiều chuyện nên không ngó ngàng đến Châu Á đúng mức, đặc biệt là các nước Đông Nam Á. Thành ra lần này ông Obama đồng ý gặp lãnh đạo ASEAN bên lề thượng Đỉnh APEC, và có thể mời họ sang Washington vào năm tới là điều mọi người phải chú ý đến, vì chuyện này chưa từng xảy ra.

Thy Nga: Trạm dừng chân đầu tiên của ông Obama là Nhật Bản. Tại sao lại là Nhật Bản?

Nguyễn Khanh: Tôi nghĩ là ông Tổng Thống Dân Chủ này học được kinh nghiệm của ông Tổng Thống Dân Chủ khác. Đầu thập niên 1990 ông Clinton sang thăm Bắc Kinh mà không ghé Tokyo, ngay tức khắc dư luận thắc mắc không biết có phải là Hoa Kỳ bắt tay với Trung Quốc và vai trò của Nhật trở nên yếu hơn trước hay không. Tôi nhớ mãi lúc đó Nhà Trắng phải bỏ ra bao nhiêu công sức để giải thích hay nói rõ hơn là “chữa cháy chính trị”. Đương nhiên ông Obama không muốn thấy chuyện này tái diễn.

Ông đến Tokyo vào thời điểm Nhật mới có tân chính phủ, và Thủ Tướng Yukio Hatoyama từng nói là chính phủ của ông sẽ “đến gần với Châu Á hơn” và “giữ vị thế độc lập hơn” đối với Mỹ, trong khi năm tới là kỷ niệm 50 năm ngày hai nước ký hiệp ước an ninh. Vì thế ông Obama chọn Nhật là địa điểm để đọc bài diễn văn nói về chính sách của Hoa Kỳ với Châu Á-Thái Bình Dương.

Ngoài ra cũng có một vài điều ông Obama phải bàn với các nhà lãnh đạo Nhật Bản. Trước hết là vấn đề căn cứ quân sự ở Okinawa, liệu tân chính phủ có đồng ý cho Hoa Kỳ tiếp tục đóng quân trên đảo hay phài dời đi một chỗ khác.

Ông đến Tokyo vào thời điểm Nhật mới có tân chính phủ, và Thủ Tướng Yukio Hatoyama từng nói là chính phủ của ông sẽ “đến gần với Châu Á hơn” và “giữ vị thế độc lập hơn” đối với Mỹ, trong khi năm tới là kỷ niệm 50 năm ngày hai nước ký hiệp ước an ninh.

Kế đến là vai trò của Nhật với Afghanistan, vì tân Thủ Tướng Hatoyama từng nói rằng ông sẽ chấm dứt chương trình đưa tầu đến Ấn Độ Dương yểm trợ cho bình sĩ Mỹ và NATO. Đương nhiên chuyện Bắc Hàn cũng sẽ được nói đến, không chỉ ở Nhật mà còn ở cả Trung Quốc lẫn Nam Hàn. Đừng quên là hầu hết phi đạn của Bắc Hàn đều có khả năng bắn tới lãnh thổ Nhật Bản.

Thy Nga: Còn ở Singapore?

Việt Hà: Tôi xin được trả lời câu hỏi này. Kinh tế suy thoái toàn cầu và biến đổi khí hậu là hai đề tài sẽ được ông Obama đưa ra thảo luận với lãnh đạo của 21 thành viên APEC. Theo dự đoán thì có lẽ bản thông cáo chung sẽ kêu gọi thế giới tiếp tục kế hoạch kích cầu kinh tế vì hiện giờ dù không còn chạm đáy nhưng thoát ra khỏi suy thoái thì chưa.

Cuộc gặp gỡ với ASEAN cũng nằm trong chương trình làm việc của ông Obama và mọi người đang chờ đợi xem chương trình của ông có thay đổi vào giờ chót hay không…

Thy Nga: Ý chị muốn nói là thế nào?

Việt Hà: Trong 10 nước ASEAN thì Miến Điện là chuyện gai góc nhất mà Hoa Kỳ muốn giải quyết. Tôi đang đợi xem liệu cuộc tiếp xúc riêng giữa ông Tổng Thống Mỹ với Thủ Tướng Miến Điện có xảy ra hay không. Có tin nói bất ngờ nay sẽ xảy ra, nhưng chưa rõ mức độ chính xác tới đâu.

Chiến lược ở Biển Đông

Thy Nga: Thế còn xung đột biển Đông? Đây là điều đang được nhiều người quan tâm tới. Chị có nghe nói gì về điều này không?

Chuyện duy nhất liên quan đến Biển Đông mà tôi nghe được là trong các cuộc thảo luận với lãnh đạo của Bắc Kinh, hai bên sẽ đưa ra cam kết cũng như tìm giải pháp để tránh va chạm về quân sự như chuyện xảy ra hồi đầu năm nay giữa tầu Mỹ và tầu của Trung Quốc. Đương nhiên Washington không muốn thấy Bắc Kinh bành trướng thế lực hay lấn áp các nước Đông Nam Á,

Việt Hà: Theo tôi hiểu thì Hoa Kỳ vẫn theo duổi chính sách là kêu gọi mọi quốc gia bình tĩnh, đừng gây thêm những xáo trộn không cần thiết và giải quyết mọi khúc mắc theo đường lối ngoại giao. Chuyện duy nhất liên quan đến Biển Đông mà tôi nghe được là trong các cuộc thảo luận với lãnh đạo của Bắc Kinh, hai bên sẽ đưa ra cam kết cũng như tìm giải pháp để tránh va chạm về quân sự như chuyện xảy ra hồi đầu năm nay giữa tầu Mỹ và tầu của Trung Quốc. Đương nhiên Washington không muốn thấy Bắc Kinh bành trướng thế lực hay lấn áp các nước Đông Nam Á, nhưng nếu bảo rằng Hoa Kỳ sẽ nghiêng về phía bên này hay phía bên kia thì tôi chưa được nghe nói. Đừng quên ông Obama từng bảo chính sách ngoại giao của ông sẽ là chính sách ngoại giao khôn khéo, mọi người đang chờ xem ông ta thực hiện chính sách đó như thế nào, sẽ khôn và khéo đến mức nào.

Thy Nga: Còn ở Bắc Kinh thì sao?

Mặc Lâm: Theo tôi hiểu thì ông Obama có rất nhiều điều phải nói với Bắc Kinh và phía Trung Quốc cũng có rất nhiều chutyện muốn bàn với ông Obama. Ngoài quan hệ song phương trong nhiều lãnh vực khác nhau, thì các đề tài liên quan đến nhân quyền, Tây Tạng, và cả chuyện Đài Loan cũng là những điểm nằm trong nghị trình thảo luận. Ông Obama sẽ kêu gọi cởi mở hơn về nhân quyền, áp dụng chính sách mềm mỏng hơn với Tây Tạng và với người Hồi Giáo Tân Cương. Phía Bắc Kinh cũng sẽ lên tiếng nhắc lại là họ sẽ phản đối mạnh mẽ nếu Hoa Kỳ bán võ khí cho Đài Loan.

Ông Obama sẽ kêu gọi cởi mở hơn về nhân quyền, áp dụng chính sách mềm mỏng hơn với Tây Tạng và với người Hồi Giáo Tân Cương. Phía Bắc Kinh cũng sẽ lên tiếng nhắc lại là họ sẽ phản đối mạnh mẽ nếu Hoa Kỳ bán võ khí cho Đài Loan.

Thy Nga: Chính phủ Đài Loan do Tổng Thống Mã Anh Cửu lãnh đạo đang có quan hệ tốt với Bắc Kinh, như vậy họ có cần phải mua võ khí của Mỹ không?

Mặc Lâm: Câu trả lời là có. Mới đây chính ông Mã Anh Cửu lên tiếng nói với dân chúng là ông sẽ tiếp tục đẩy mạnh quan hệ với Hoa Lục cho tốt đẹp hơn, nhưng cũng chính ông nói vẫn phải lo bảo vệ an ninh lãnh thổ. Một trong những giải pháp để bảo vệ an ninh lãnh thổ là phải hiện đại hóa quân sự, và muốn hiện đại hóa thì phải có vũ khí tối tân. Dưới thời ông George W. Bush Hoa Kỳ đã từng hứa bán, dư luận Quốc Hội Mỹ cũng có vẻ ủng hộ. Ông Obama thì chưa nói gì về chuyện này cả, nhưng sớm muôn gì cũng phải nói tới thôi.

Thy Nga: Cuối cùng là Nam Hàn. Anh Nguyễn Khanh thấy ngoài chuyện liên quan tới vấn đề Bắc Hàn và hạt nhân thì có gì đáng chú ý trong chuyến viếng thăm Nam Hàn của ông Obama?

Nguyễn Khanh: Tôi thấy vấn đề trao đổi mậu dịch giữa hai nước là điều cũng phải chú ý tới. Mặc dù quan hệ chính trị, quân sự tốt đẹp –phải nói là rất tốt đẹp-, nhưng những dàn xếp để hai bên có thể ký kết hiệp ước trao đổi mậu dịch tự do vẫn chưa đi đến đâu. Lý do là vì các tổ chức công đoàn và 2 trong số 3 đại công ty chế tạo xe hơi ở Nam Hàn không ủng hộ, và các nhà quan sát đều nói họ không nghĩ sẽ có những biến chuyển tích cực sau chuyến đi của ông Obama.

Thy Nga: Cám ơn các bạn. Cũng xin nhắc lại là chuyến đi của Châu Á của Tổng Thống Hoa Kỳ kéo đài đến thứ Bảy tuần sau mới kết thúc. Một lần nữa, cám ơn các bạn.


Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.