Hoa Kỳ bỏ hay thay kế họach phòng thủ Châu Âu ?

Sáng thứ Năm 17-9-2009, Thống Hoa Kỳ Barack Obama đã loan báo quyết định hủy bỏ kế hoạch dựng lá chắn phi đạn để bảo vệ các nước đồng minh Châu Âu, đặc biệt là những nước trong vùng Đông Âu.
Nguyễn Khanh, biên tập viên RFA
2009.09.18
Phi đạn SM-3 được phóng lên từ một chiến hạm Phi đạn SM-3 được phóng lên từ một chiến hạm. SM-3 là một phi đạn "phòng thủ" của Hoa Kỳ có thể truy tìm phát giác các hỏa tiễn địch trên không rồi phá hủy.
Photo courtesy Wikipedia

Kế hoạch dựng lá chắn này được Tổng Thống George W. Bush đưa ra lúc còn ngồi ở Nhà Trắng. Kế hoạch gặp sự chống đối mạnh mẽ của Nga, những được sự ủng hộ khá nồng nhiệt của những nước từng có thời theo chủ nghĩa cộng sản và nằm trong quỹ đạo của Liên bang Sô Viết.

Kế hoạch mới hữu hiệu và nhanh hơn

Tổng Thống Obama nói rằng quyết định của ông dựa vào những đề nghị của các viên chức quốc phòng và an ninh, qua những cuộc bàn thảo trực tiếp và những bản phúc trình cho thấy Washington không cần thiết phải dựng một hệ thống phòng thủ tốn kém và gây nhiều tranh cãi, thay vào đó là những dàn hỏa tiễn có khả năng bắn rớt các phi đạn tầm trung và tầm ngắn của Iran:

“Kế hoạch mới sẽ có khả năng bảo vệ các nước bạn nhanh hơn, qua những hệ thống phòng thủ đã được thử nghiệm và có kết quả tốt, cũng như giúp bảo vệ các nước bạn của chúng ta vững chắc hơn trước nguy cơ bị tấn công bằng phi đạn, so với kế hoạch dựng hệ thống lá chắn phi đạn được đưa ra hồi năm 2007.”

Kế hoạch mới sẽ có khả năng bảo vệ các nước bạn nhanh hơn, qua những hệ thống phòng thủ đã được thử nghiệm và có kết quả tốt, cũng như giúp bảo vệ các nước bạn của chúng ta vững chắc hơn trước nguy cơ bị tấn công bằng phi đạn, so với kế hoạch dựng hệ thống lá chắn phi đạn được đưa ra hồi năm 2007.
Tổng thống Obama

Tên Iran được nhắc đến vì tới nay, tất cả các quan chức Mỹ đều nói nhà cầm quyền Hồi Giáo Tehran có thể đe dọa an ninh các nước đồng minh của Hoa Kỳ bằng cách bắn hỏa tiễn gây hấn. Trước đây từng có lúc chính các quan chức Mỹ nói rằng Iran có khả năng chế tạo hỏa tiễn tầm xa, nhưng qua lời trình bày của Tổng Thống Hoa Kỳ và ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Robert Gates, nguy cơ này hầu như không có nữa.

Ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Mỹ giải thích rõ hơn: “Mối đe dọa bởi những hỏa tiền tầm trung và tầm ngắn của Iran lớn hơn mọi dự đoán trước đây.”  nói thêm: “Hiện nay chúng ta có cơ hội để đặt những hệ thống báo động ở Bắc Âu và Nam Âu và chỉ trong một thời gian không xa có thể chống đỡ được đe dọa đến từ Iran và những nước khác.”

Những ai bảo rằng chúng tôi hủy bỏ chương trình lá chắn phi đạn ở Âu Châu là những người hoặc không biết rõ chi tiết hoặc không biết thật sự chúng tôi đang làm gì
Ô.Robert Gates TT.Quốc Phòng

Các viên chức cao cấp quốc phòng Mỹ cho biết kế hoạch sẽ được thực hiện qua 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là những chiến hạm của Mỹ có khả năng phá hủy những phi đạn tiến vào bầu trời của các nước đồng minh Âu Châu. Giai đoạn thứ nhì sẽ khởi đầu vào năm 2015, với những dàn hỏa tiễn được đặt trên đất liền.

Ông Gates cũng nói rõ Washington có trách nhiệm và luôn quyết tâm bảo vệ an ninh cho các quốc gia đồng mình, vì thế ông nhấn mạnh:  “Những ai bảo rằng chúng tôi hủy bỏ chương trình lá chắn phi đạn ở Âu Châu là những người hoặc không biết rõ chi tiết hoặc không biết thật sự chúng tôi đang làm gì.”

Giải tỏa căng thẳng ngoại giao Nga Mỹ

Ngược dòng thời gian, mọi người đều không quên đã từng có lúc quan hệ giữa Washington và Maxcơva trở thành nguội lạnh, ngay sau khi Tổng Thống George W. Bush quyết định dựng hê thống lá chắn hỏa tiễn ở Châu Âu, hay nói đúng hơn là tại Đông Âu.

Đã từng có lúc ông Bush gọi Tổng Thống Nga Vladimir Putin là “ông bạn của tôi”, nhưng từ khi Washington loan báo quyết định bảo vệ an ninh cho đồng minh EU và NATO, đặc biệt hơn nữa là sau ngày bà Ngoại Trưởng Condoleeza Rice thành công trong việc thuyết phục Ba Lan cho Hoa Kỳ đặt 10 dàn hỏa tiễn và chính phủ Cộng Hòa Czech cũng chấp thuận để cho Mỹ dựng một dàn radar ngay trên lãnh thổ của họ, mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nga đã nguội lạnh hẳn đi.

Việc chính quyền Bush muốn làm đã biến Châu Âu nằm ngay giữa lò thuốc súng. Ý định của Hoa Kỳ đã khiến tình hình Châu Âu trở nên xấu hơn, và sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua võ trang
Ô.Vladimir Putin

Trong suốt 2 năm cuối cùng trước khi rời Nhà Trắng, Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush luôn nói rằng trước hiểm họa mà những nước chuyên gây hấn như Iran hoặc Bắc Hàn có thể gây nên, việc dựng hệ thống lá chắn là điều cần thiết phải làm. Mặc dù đích thân ông Bush cũng đã nhiều lần khẳng định Washington không hề có ý đe dọa an ninh của Nga, nhưng những lời trấn an của ông Bush vẫn không được các nhà lãnh đạo Điện Kremlin chấp nhận. Theo quan điểm của Maxcơva, Hoa Kỳ sư dụng lá bài bảo vệ đồng minh để đóng chốt ngay ở sân sau của Nga, tiếp tục thái độ nghi kỵ của thời chiến tranh lạnh.

Trong một cuộc họp báo, Tổng Thống Nga lúc đó là ông Vladimir Putin từng giận dữ nói: “Việc chính quyền Bush muốn làm đã biến Châu Âu nằm ngay giữa lò thuốc súng. Ý định của Hoa Kỳ đã khiến tình hình Châu Âu trở nên xấu hơn, và sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua võ trang.”

Việc hai chính phủ Ba Lan và Cộng Hòa Czech đồng ý tham gia vào chương trình dựng lá chắn lại khiến Nga bực dọc hơn. Phó Thủ Tướng Nga Sergei Ivanov từng nói:  “Chúng tôi không bao giờ đồng ý với những lý do được đưa ra để giải thích tại sao phải dựng hệ thống lá chắn. Những lời giải thích bảo rằng hệ thống này được dùng để ngăn chận đe dọa đến từ Bắc Hàn và Iran là những giải thích không đứng vững.”

Căng thẳng ngoại giao giữa hai nước tiếp diễn cho đến khi ông Obama vào Nhà Trắng hồi đầu năm nay. Lúc còn vận động tranh cử, ông chỉ hứa “nếu đắc cử sẽ cứu xét vấn đề” và trong 100 ngày đầu tiền lãnh đạo quốc gia không nghe thấy ông nói gì về chuyện này.

Giữa tháng Bảy vừa rồi, ông Obama đến Maxcôva với lời cam kết “sẵn sàng mở một quan hệ mới giữa hai nước”. Cam kết của ông được Điện Kremlin đáp ứng nồng nhiệt bằng quyết định cho phép Hoa Kỳ sử dụng đường xe lửa của Nga và máy bay Mỹ dùng không phận Nga để chở quân dụng cho binh sĩ Mỹ đang hoạt động tại chiến trường Afghanistan.

Đến cuối tháng Sáu, tin đồn chính trị ở Washington cho hay ông Obama có gửi thư riêng cho lãnh đạo Điện Kremlin, để nghị sẽ bỏ chương trình lá chắn đánh đổi lấy sự hợp tác của Nga trong việc thúc đẩy Iran ngưng ngay các hoạt động về hạt nhân. Nhà Trắng không hề lên tiếng xác nhận hay cải chính tin này. Cũng trong khoảng thời gian đó, ông Obama lên tiếng nói sẽ có quyết định về việc nên hay không nên tiếp tục kế hoạch dựng lá chắn ở Châu Âu.

Giữa tháng Bảy vừa rồi, ông Obama đến Maxcôva với lời cam kết “sẵn sàng mở một quan hệ mới giữa hai nước”. Cam kết của ông được Điện Kremlin đáp ứng nồng nhiệt bằng quyết định cho phép Hoa Kỳ sử dụng đường xe lửa của Nga và máy bay Mỹ dùng không phận Nga để chở quân dụng cho binh sĩ Mỹ đang hoạt động tại chiến trường Afghanistan. Đây là điều chính quyền George W. Bush mong muốn được Nga tiếp tay, nhưng Maxcơva không đồng ý.

Quyết định của ông Obama tạo nhiều phản ứng

Chính những sự kiện đã xảy ra khiến dư luận cho rằng quyết định ông Obama mới loan báo là quyết định làm vừa lòng Maxcơva, để đánh đổi lấy sự hợp tác của Nga trong các nỗ lực giúp xây dựng hòa bình cho vùng Trung Đông và cùng nhau chận đứng mọi ý đồ chế tạo võ khí hạt nhân mà Iran đang theo đuổi. Đi xa hơn nữa, một số chính trị gia và chiến lược gia Mỹ còn tin rằng việc làm này chưa hẳn đã có lợi cho nước Mỹ, chẳng hạn như Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa John McCain bảo với hang thông tấn Reuters rằng ông Obama đã có một quyết định “hoàn toàn sai lầm”, Cựu Đại Sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiêp Quốc John Bolton thì xem ngày này là “một ngày không thuận lợi cho an ninh của chính nước Mỹ” vì “chỉ có Nga và Iran là 2 nước chiến thắng”. Ông Bolton còn mỉa mai bảo hôm nay “Nga bỏ túi chiến thắng này, và trong tương lai họ sẽ đòi thêm những thứ khác nữa”.

John McCain bảo với hang thông tấn Reuters rằng ông Obama đã có một quyết định “hoàn toàn sai lầm”, Cựu Đại Sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiêp Quốc John Bolton thì xem ngày này là “một ngày không thuận lợi cho an ninh của chính nước Mỹ” vì “chỉ có Nga và Iran là 2 nước chiến thắng”.

Ngay chính các đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ ở Đông Âu cũng đưa ra những nhận định tương tự. Cố Vấn An Ninh Quốc Gia của Ba Lan là ông Aleksander Szczyglo xem quyết định của Tổng Thống Obama “là một quyết định không sáng suốt, về lâu về dài sẽ là thất bại chiến lược cho nước Mỹ”. Cựu Thủ Tướng Mirek Toplanek của Cộng Hòa Czech bảo sau 20 năm cất công xây dựng tuyến đường huyết mạch cho quan hệ xuyên Đại Tây Dương, cuối cùng “mọi chuyện bây giờ ngưng hẳn lại”. Ông cũng nhắc lại hồi tháng bảy vừa rồi, các chính trị gia tầm cỡ của Đông Âu như Cựu Tổng Thống Ba Lan Lech Walesa và Cựu Tổng Thống Cộng Hòa Tiệp Vaclav Havel đã viết thư cho ông Obama, kêu gọi đừng nhượng bộ Nga, đừng bỏ chương trình dựng lá chắn phi đạn.

Nhưng cũng có người nói rằng phải hiểu ông Obama đang ở trong giai đoạn khó khăn, không thể một mình giải quyết được tất cả mọi chuyện. Đại diện cho khối này là chiến lược gia Dân Chủ David Swayne bảo rằng Tổng Thống Mỹ đang phải đối phó với cuộc suy thoái kinh tế, đang phải đương đầu với sức bành trướng về nhiều mặt của Trung Quốc, đang phải giải quyết hai cuộc chiến Afghanistan và Iraq, và giữa lúc nước Mỹ đang lâm vào cảnh thiếu hụt ngân sách, thì cách hay nhất là bỏ chương trình lá chắn đầy tốn kém, thay bằng những phương tiện sẵn có mà mức độ hữu hiệu chưa hẳn đã khác nhau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.