Bản phúc trình về Afghanistan

Đầu tuần này, các tướng lãnh đang điều khiển chiến trường Afghanistan đã hoàn tất bản phúc trình thẩm định thành quả 8 năm cuộc chiến diễn ra, và những đề nghị cho các điểm cần phải thực hiện trong thời gian tới.
Nguyễn Khanh, biên tập viên RFA
2009.09.04

Phúc trình được gửi cho nhà lãnh đạo Mỹ trong lúc dư luận quận chúng Hoa Kỳ bắt đầu đặt những câu hỏi về cuộc chiến, trong đó câu hỏi lớn nhất vẫn là có nên tiếp tục ủng hộ cuộc chiến đang diễn ra ở Afghanistan hay không.

Đây cũng là đề tài được Ban Việt Ngữ chúng tôi gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Tạp Chí Thời Sụ Tuần Qua do Nguyễn Khanh phụ trách.

Vẫn có thể chiến thắng

Trong phúc trình gửi cho Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama.  vị tướng chỉ huy chiến trưiờng Afghanistan gọi tình hình tại chỗ “rất nghiêm trọng” nhưng vẫn có thể giải quyết được với nhiều đi kiện đi kèm. Điều kiện được ông nói đến là phải thay đổi chiến lược toàn diện, và phải tăng quân viện dưới những hình thức khác nhau để có thể ổn định chiến trường trong thời hạn sớm nhất. Cho đến bây giờ, tin tức từ nhiều nguồn khác nhau ở Washington đều nói cả Nhà Trắng lẫn Lầu Năm Góc đều đồng ý với nhận định được ghi trong phúc trình, nhưng chưa rõ ý kiến tăng quân viện sẽ được đáp ứng như thế nào.

Mặc dù toàn bộ phúc trình chưa được phổ biến, nhưng giới thạo tin cho biết bản phúc trình được soạn bởi Đại Tướng Tư Lệnh Stanley McCrystal viết rằng các hoạt động của quân Taliban đang mạnh hơn trước và quân đội cũng như cảnh sát địa phương chưa có khả năng tự đối phó. Để giải quyết khó khăn này, Đại Tướng McCrystal đề nghị Hoa Kỳ NATO gia tăng mức độ huấn luyện cho binh sĩ, cảnh sát Afghanistan càng sớm càng tốt. Chỉ riêng kế hoạch huấn luyện cáp tốc này không thôi cũng đã cần đến nhiều phương tiện khác nhau, cho dù Đại Tướng McCrystal không kê khai những gì quân đội Hoa Kỳ và NATO cần có để hoàn thành trách nhiệm.

Những quan chức cao cấp của hành pháp Hoa Kỳ được xem phúc trình dầy 20 trang cũng nói ngay ở phần mở đầu, Đại Tướng Tư Lệnh chiến trường Afghanistan nhấn mạnh rằng 8 năm sau ngày cuộc chiến xảy ra, vẫn “còn nhiều cam go” không thể một sớm một chiều giải quyết được, nhưng đồng thời ông cũng tin rằng “vẫn có thể chiến thắng” nếu các nhà lãnh đạo đồng ý thay đổi chiến lược. Một phần của chiến lược mới mà ông nói đến là  “thắt chặt quan hệ với các đơn vị quân sự của Afghanistan, kể cả các đơn vị ở cấp nhỏ nhất”, tức binh sĩ Mỹ sẽ hoạt động chung với binh sĩ Afghanistan ở cấp thấp nhất, thay vì phần lớn quan hệ được thực hiện ở cấp trung ương như hiện giờ. Một điểm khác nữa cũng được Đại Tướng McCrystal nói đến là ngay cả các hoạt động của lực lượng quân sự đa quốc do NATO lãnh đạo ở chiến trường “cũng phải được nâng cấp”, tức phải chặt chẽ hơn mức hiện nay.

Phúc trình nhìn lại thành quả 8 năm của cuộc chiến không nói đến việc có nên đưa thêm quân vào chiến trường hay không, nhưng cho biết “sẽ sớm yêu cầu được cấp thêm các phương tiện cần có” để thực hiện chiến lược hành quân mới, nhằm đối phó với quân Taliban và các phần tử khủng bố Al-queda đang gia tăng hoạt động. Tất cả các bản tin được phổ biến bởi giới truyền thông Mỹ đều nói yêu cầu này đã được gửi cho những vị nguyên thủ và các bộ trưởng quốc phòng những nước trong khối NATO để cứu xé. Ngay Nhà Trắng cũng nói trên đường đến tay Tổng Thống Obama, bản phúc trình “đã được trao cho nhiều người đọc và đóng góp ý kiến” để kế hoạch được thi hành thật hữu hiệu, đem lại kết quả tốt và ít tốn công sức của binh sĩ Mỹ và đồng minh NATO.

Phải tăng thêm quân viện?

Trong thời gian chờ đợi, tin đồn ghi nhận được từ thủ đô Washington cho rằng chiến lược mới đòi hỏi phải có thêm từ 20,000 đến 30,000 binh sĩ để thực hiện kế hoạch huấn luyện quân sự cấp tiểu đội và trung đội cho Afghanistan. Trong bài viết đăng tải trên tờ he Washington Times, ông Bruce Riedel, từng là thành viên của Ủy Ban Cứu Xét Chiến Lược Afghanistan dưới thời George W. Bush, cho rằng “đây là con số huấn luyện viên quá lớn” mà Hoa Kỳ và NATO không có ngay lúc này, vì thế có thể chính các binh sĩ đang tham chiến sẽ được huấn luyện cấp tốc để trở thành huấn luyện viên quân sự.

Các bản tin được phổ biến ở Hoa Kỳ trong một vài ngày qua đều nhắc lại lời của Trung Tướng Tham Mưu Trưởng Hành Quân David Buffaloe, cho hay cố vấn hay huấn luyện viên Hoa Kỳ và NATO “sẽ sống chung, làm việc chung, hành quân chung với tất cả các đơn vị của quân đội Afghanistan”. Trong cuộc họp báo mới nhất ở Kabul, Tướng Buffaloe còn nói rằng “kế hoạch này có thể đòi hỏi thêm quân” và ông mong “lời yêu cầu được Washington cũng như NATO đáp ứng trong thời hạn nhanh nhất”.

Ít nhất 2 nguồn tin khác nhau cho biết không chỉ yêu cầu tăng cường thêm binh sĩ, chiến lược mới còn đề nghị tăng cừng vai trò của dân sự, khởi đầu bằng các hoạt động tương tự như chương trình dân sự vụ từng được áp dụng ở chiến trường Việt Nam trước đây-. Nếu ý kiến này được Tổng Thống Barack Obama chấp thuận, các toán dân sự đại diện Cơ Quan Viện Trợ Phát Triển Hoa Kỳ USAID sẽ được đưa sang làm việc ở Afghanistan.

 Cũng trong chiều hướng này, hồi tuần trước Đại Tướng McChrystal đã gửi cho các binh sĩ dưới quyền một danh sách những điều cần làm, trong đó ông đòi hỏi “phải dành 95% cho công tác xây dựng quan hệ tốt với nhân dân địa phương và phải bảo vệ mối quan hệ có được”. Trong chỉ thị gửi các cấp, Đại Tướng Tư Lệnh Chiến Trường nói rõ “sẽ chiến thắng nếu được dân chúng địa phương ủng hộ”, xem điều này quan trọng hơn chuyện “con số dịch quân bị bắn hạ hay bắt giữ”.

Phúc trình của vị tướng tư lệnh chiến trường Afghanistan nói lên điều gì? Trích dẫn nhận xét của những người đã được đọc qua bản phuc trình, tờ The Washington Post gọi đó là cái nhìn rõ ràng nhất về những thử thách mà chính phủ Obama phải đương đầu cũng như phải tìm cách giải quyết ở Afghanistan, trong nỗ lực tiêu diệt Al-queda và chận đứng hẳn các hoạt động của những nhóm dân quân quá khích, song song với những mục tiêu khác cũng được đặt ra là đảm bao an ninh cho người dân, giúp họ xây dựng một chính quyền do dân và của dân, và giúp chính phủ Kabul xây dựng lại nền kinh tế sau những thảm cảnh gây nên bởi chiến tranh.

Những viên chức hoạch định chính sách của Washington cũng đồng ý với Đại Tướng McCrystal, tin rằng dân sự sẽ giữ một vị trí rất quan trọng trong việc xây dựng một quốc gia thời hậu chiến. Trong phúc trình, Đại Tướng Tư Lệnh Chiến Trường nói rõ rằng phải thúc đẩy các viên chức dân sự cấp địa phương của Afghanistan hiểu và làm đúng trách nhiệm của họ, là phải phục vụ dân và bài trừ tệ trạng tham nhũng.

Người dân Mỹ đã nản về cuộc chiến kéo dài

Bản phúc trình hoàn tất vào đúng thời điểm cuộc bầu cử Tổng Thống Afghanistan vừa kết thúc, và đương kim Tổng Thống Hamid Karzai vẫn dẫn đầu cuộc đếm phiếu, nhưng chưa vượt được tỷ lệ trên 50% cần có để tiếp tục đảm nhiệm vai trò lãnh đạo cho nhiệm kỳ 5 năm tới. Luật lệ của quốc gia này quy định nếu không ai thắng ở vòng thứ nhất, vòng thứ nhì sẽ diễn ra vào tháng Mười tới đây giữa hai ứng cử viên có số phiếu cao nhất. Mộgt số nhà quan sát chính trị cho rằng điều này nếu xảy ra, có thể tạo thành hố sâu tranh chấp chính trị giữa phe thân chính và đối lập ủng hộ Cựu Ngoại Trưởng Abdullah Abdullah. Ông Abdullah cũng là người đang đứng nhì trong cuộc kiểm phiếu.

Một yếu tố khác cũng được nói đến là sự ủng hộ của người dân Mỹ dành cho cuộc chiến Afghanistan hiện đang giảm dần. Kết quả những cuộc thăm dò mới nhất cho thấy số người không ủng hộ hiện đã lên đến 57%, và chỉ có 40% tin Hoa Kỳ có thể chiến thắng cuộc chiến mà chính các nhà lãnh đạo cũng biết là đang khó khăn hơn. Chính vì thế nên có dư luận cho rằng ngay lúc này nếu các tướng lãnh đang điều khiển chiến trường xin tăng thêm quân viện, có lẽ Washington sẽ phải cân nhắc rất nhiều trước khi gật đầu.

Trong một cuộc họp báo mới đây, phát ngôn viên Robert Gibbs của Nhà Trắng cũng nhắc lại thay đổi cục diện của cuộc chiến là điều không dễ làm: “Không thể nào chỉ trong một vài tháng mà chúng ta có thể thay đổi cục diện của một cuộc chiến kéo dài đã nhiều năm.”

Người phát ngôn của Nhà Trắng cũng bảo thêm: “Tôi nghĩ rằng dư luận chung đều đồng ý ở điểm là trong nhiều năm qua, các nỗ lực mà chúng ta thực hiện ở Afghanistan đều thấp hơn nhu cầu, thấp hơn về chính trị, quân sự lẫn kinh tế.”

Ngay ông Robert Gates, Tổng Trưởng Quốc Phòng Mỹ cũng nhìn nhận:  “Đánh giá của Đại Tướng McChrystal là những đánh giá rất thực tế, trình bày cho mọi người biết những thử thcáh trước mặt ở chiến trường Afghanistan”.

Nhưng ông Gates cũng nói với đại ý rằng tất cả mọi yêu cầu tăng viện “đều được cứu xét một cách nghiêm chỉnh”, nhưng cũng nói thêm là “có những vấn đề lớn hơn” mà Washington phải cân nhắc  trước khi đi đến quyết định cuối cùng.

Điều này khiến một vài nhà quan sát nhắc lại chuyện đã xảy ra cách đây gần nửa thế kỷ, khi quân đội Hoa Kỳ còn hiện diện ở chiến trường Việt Nam và đề nghị tăng viện được cân nhắc ở Washington. Chưa ai nghĩ đến chuyện các yêu cầu của những tướng lãnh điều khiển chiến trường Afghanistan sẽ không được đáp ứng, nhưng chắc chắn chữ “cân nhắc” sẽ  còn được nói đến trong thời gian tới, thay thế cho chữ  “không do dự” từng được sử dụng lúc ban đầu, khi cuộc chiến mới diễn ra.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.