Mối nguy của kháng sinh trong thực phẩm và sức khỏe con người

Việt Hà, RFA
2016.10.19
000_HKG2004120493929.jpg Tôm xuất khẩu tại một nhà máy chế biến hải sản tại Quảng Bình. Ảnh minh họa.
AFP photo

Những thông tin gần đây về việc châu  Âu cảnh báo các lô hàng thủy sản của Việt Nam có dư lượng kháng sinh khiến không chỉ nhà xuất khẩu thủy sản mà cả người tiêu dùng cũng quan tâm. Vấn đề dư lượng kháng sinh trong thực phẩm được các chuyên gia về sức khỏe cảnh báo có thể dẫn đến hiện tượng kháng thuốc kháng sinh ở người và trong trường hợp xấu nhất là sẽ có lúc có bệnh viêm nhiễm đơn thuần không thể điều trị khỏi vì vi khuẩn kháng thuốc.

Tại sao thực phẩm có kháng sinh

Những năm gần đây, người tiêu dùng ở nhiều nước trên thế giới lo ngại về tình trạng dư lượng kháng sinh trong các thực phẩm mà họ ăn hàng ngày bao gồm các loại thịt gà, vịt, lợn đến các loại hải sản như tôm cá vì những cảnh báo về tình trạng kháng thuốc kháng sinh.

Những loại động vật này thường được nuôi với số lượng lớn trong các nông trại, sông hồ để đáp ứng nhu cầu đối với thực phẩm ngày một tăng của con người. Chúng cũng có thể bị nhiễm các loại vi khuẩn gây bệnh. Trong điều kiện nuôi tập trung, khả năng lây lan càng lớn và vì vậy việc dùng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn, tránh bệnh lây lan là điều cần thiết. Bác sĩ thú y Randy Singer thuộc trường đại học Minnesota, Hoa Kỳ cho biết.

Cũng như bất cứ sinh vật nào, gia súc cũng bị bệnh. Chúng tôi sẽ phải dùng những thuốc kháng sinh để tránh cho chúng không bị bệnh hoặc trong trường hợp bệnh xuất hiện thì chúng tôi xác định được sớm loại và liều kháng sinh thích hợp để dùng cho chúng để ngăn ngừa không cho bệnh đó lây lan nhanh chóng ra toàn đàn.

Tương tự đối với các nơi nuôi cá tôm, kháng sinh cũng được dùng để tiêu diệt và năng ngừa sự phát triển của các loại vi khuẩn trong vùng nước nuôi thủy sản. Thông thường kháng sinh dùng để trị các bệnh gây ra bởi vi khuẩn, nhưng hiện nay việc dùng kháng sinh để ngăn ngừa bệnh xuất hiện trong vùng nước nuôi thủy sản được dùng phổ biến hơn để tránh những trường hợp thủy sản chết hàng loạt, gây tổn hại cho nhà sản xuất. Cũng bắt đầu từ đây, nhiều người lo ngại rằng việc dùng tràn lan kháng sinh không đúng cách có thể khiến người tiêu dùng khi ăn các loại thịt cá tôm này cũng đồng thời ăn vào người các loại kháng sinh không cần thiết và lâu dần có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Theo bác sĩ Randy Singer, quan niệm về kháng thuốc kháng sinh ở người và việc dùng kháng sinh ở các động vật nuôi cần phải được hiểu đúng.

Việc con người làm ra kháng sinh và sử dụng kháng sinh ở người và động vật có thể làm đa dạng hóa hơn tình trạng kháng thuốc kháng sinh và làm mức độ thêm nặng. - Bs. Randy Singer

Có một sự hiểu sai lệch cho rằng việc bỏ hoàn toàn kháng sinh sẽ loại bỏ hoàn toàn tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Vì nhiều lý do thì quan niệm này hoàn toàn không đúng. Hiện tượng kháng thuốc kháng sinh đã xảy ra từ rất lâu. Nó tồn tại độc lập đối với những gì con người tạo ra, bao gồm cả việc làm ra kháng sinh. Nó xảy ra trong tự nhiên. Việc con người làm ra kháng sinh và sử dụng kháng sinh ở người và động vật có thể làm đa dạng hóa hơn tình trạng kháng thuốc kháng sinh và làm mức độ thêm nặng. Nhưng nếu chỉ đơn giản là bỏ hoàn toàn kháng sinh thì cũng không loại bỏ được tình trạng kháng thuốc kháng sinh.

Một báo cáo của  Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được công bố hồi năm 2014 về tình trạng kháng thuốc kháng sinh trên toàn cầu đã cảnh báo tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở một số bệnh viêm nhiễm thông thường đã trở nên nghiêm trọng và có thể trở thành mối đe dọa lớn với sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới. Một trong những nguyên nhân được WHO đưa ra là tình trạng dùng kháng sinh không hợp lý trong chăn nuôi. Bác sĩ Vivian Lin, Giám đốc bộ phận Phát triển Sức khỏe của văn phòng khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO cho biết:

Chúng ta cũng biết là thuốc kháng sinh cũng thường được sử dụng trong công nghiệp thực phẩm. Nó được dùng cho súc vật đôi khi không cần thiết hoặc không đúng cách. Một số nước, vì mối lợi kinh tế, xuất khẩu nhiều các sản phẩm thịt có sử dụng nhiều kháng sinh.

Chính vì vậy, WHO và những nước phát triển ở châu Âu và Mỹ từ lâu đã có những quy định chặt chẽ về việc dùng các loại kháng sinh trong chăn nuôi khác với các loại kháng sinh dùng cho người. Bác sĩ Randy Singer cho biết:

Khi chúng tôi nói về tầm quan trọng y tế liên quan đến việc sử dụng kháng sinh chúng tôi muốn phân loại kháng sinh theo mức độ quan trọng của nó cho con người. Những tổ chức như WHO hay cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ đã cố gắng phân loại các loại kháng sinh dùng cho động vật dựa vào mức độ nặng của bệnh khi điều trị cho người. Mục đích của việc này là để hạn chế việc sử dụng những loại kháng sinh hết sức quan trọng sử dụng cho động vật. Điều mà chúng tôi muốn thấy là những loại kháng sinh dùng cho động vật không phải là quan trọng đối với con người.

Ngoài ra, tại những nước phát triển như Mỹ hay châu Âu, cơ quan quản lý an toàn thực phẩm cũng quy định rất chặt về việc bán các loại thịt và hải sản đã có sử dụng kháng sinh trước đó trên thị trường để đảm bảo không có dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép có thể ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở người

Những thông tin gần đây cho thấy một số loại tôm của Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ, châu Âu và Nhật bản có dư lượng kháng sinh vượt quá mức cho phép. Các nhà nhập khẩu đã yêu cầu Việt Nam phải điều chỉnh những dư lượng kháng sinh này. Theo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Nhật bản mới đây đã phá hiện một số lô tôm từ Việt Nam có dư lượng sulfamethoxazole, và sulfadiazine. Đây là những loại kháng sinh khá phổ biến trong các điều trị viêm nhiễm ở người như viêm nhiễm đường tiểu, viêm tai.

Thủy sản Việt Nam nhập vào Nhật bản và EU cũng bị phát hiện vẫn còn dư lượng oxytetracycline. Đây là loại kháng sinh phổ rộng có thể dùng để trị nhiều bệnh viêm nhiễm ở người.

Việc dùng kháng sinh thường xuyên ở nông trại có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc ngay chính ở vật nuôi và từ đó lây sang người. Bác sĩ Lance Prince, Giám đốc Trung tâm hành động về kháng thuốc kháng sinh, thuộc viện sức khỏe cộng đồng Milken ở Washington DC, Hoa Kỳ, cho biết:

Dường như ở các nước đang phát triển, người ta sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi rất nhiều và đã tạo ra vấn đề. - Bs. Lance Prince

Điều mà chúng ta biết là những loại vi khuẩn sống trong động vật có thể lây sang người. Khi chúng ta sử dụng thuốc kháng sinh cho các con vật đó dù là với bất kỳ lý do gì, có thể là để trị viêm nhiễm hoặc để chúng lớn nhanh lên, hoặc để ngăn viêm nhiễm thì bạn đã giúp tạo ra các vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh nhất định. Khi vi khuẩn này vào người, nó thành vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh ở người. Rất không may, dường như ở các nước đang phát triển, người ta sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi rất nhiều và đã tạo ra vấn đề.

Việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi kết hợp với lạm dụng kháng sinh ngay cả ở người đã khiến WHO gần đây phải lên tiếng báo động về một số bệnh viêm nhiễm vốn có thể được điều trị bằng kháng sinh thông thường trước kia nay trở nên khó khăn hơn. Bác sĩ Vivian Lin của WHO cho biết.

Theo báo cáo thì vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh đường ruột giờ đây đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh điều trị đường tiểu là loại bệnh khá phố biến cũng đã tưng lên từ 0 trường hợp 30 năm về trước thành 50% số bệnh nhân hiện nay. Chúng cũng thấy tình trạng kháng thuốc kháng sinh mức ba trong điều trị bệnh lậu ở 10 nước.

Bác sĩ  Vivian Lin cho rằng nếu các nước không có các hành động khẩn cấp ngay từ bây giờ để đối phó với tình trạng kháng thuốc kháng sinh, tình trạng này sẽ ngày càng trở nên tồi tệ

Tình trạng tồi tệ nhất là nếu chúng ta không có hành động cấp quốc gia và quốc tế, và chúng ta sẽ thấy ngày một nhiều hơn cá ca kháng với nhiều loại thuốc kháng sinh hơn. Sẽ đến lúc mà chúng ta sẽ chẳng còn một loại kháng sinh hiệu quả nào để điều trị bệnh, và một số bệnh viêm nhiễm có thể điều trị dễ dàng bây giờ sẽ không còn có thể được điều trị nữa.

Theo bác sĩ Vivian Lin, đã đến lúc các nước cần phải có những quy định chặt chẽ hơn trong ngành công nghiệp thực phẩm ở cả những nước đang phát triển và phát triển để đảm bảo vật nuôi được dùng kháng sinh đúng cách.

Xin quý vị chia sẻ các thông tin về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.