Chương trình tiêm ngừa sốt xuất huyết đầu tiên tại châu Á

Việt Hà, phóng viên RFA
2016.04.11
000_9B9GO Một học sinh mỉm cười sau khi được tiêm vắc-xin chống sốt xuất huyết tại Trường Tiểu Học Parang ở Marikina, phía tây thủ đô Manila vào ngày 04 tháng 4 năm 2016.
AFP photo

Hôm 4 tháng 4 vừa qua Philippines là nước đầu tiên trên thế giới thực hiện chương trình tiêm vaccine phòng sốt xuất huyết rộng khắp. Thông tin mới đem lại hy vọng làm giảm những ca nhiễm bệnh thậm chí tử vong vì sốt xuất huyết trên thế giới nói chung và châu Á nói riêng.

Bước đầu tiến đến kiểm soát bệnh dịch

Sau nhiều năm trời nghiên cứu và thử nghiệm, thế giới cuối cùng cũng đã bắt đầu chứng kiến vaccine phòng sốt xuất huyết được đưa vào sử dụng rộng khắp lần đầu tiên tại Philippines, quốc gia châu Á bị ảnh hưởng nặng nề bởi căn bệnh với con số khoảng 200,000 người mắc bệnh được báo cáo trong năm 2013, theo số liệu thống kê của hãng dược Sanofi, hãng sản xuất vaccine mới.

Nói với báo giới hôm 4 tháng 4 khi chương trình tiêm chủng vaccine mới được bắt đầu, Bộ trưởng Y tế Philippines, Janette Garin nói rằng Philippines là nước đầu tiên trên thế giới, giới thiệu và thực hiện chương trình tiêm vaccine sốt xuất huyết qua hệ thống y tế công cộng và trường học công.

Sanofi cho biết hơn 1 triệu học sinh của 6.000 trường công tại ba vùng bị bệnh sốt xuất huyết hoành hành mạnh nhất ở Philippines được tiêm chủng vaccine trong ngày 4 tháng 4.

Trong thông báo trên website của mình, hãng Sanofi viết ‘bước đi đầu tiên này đã gửi một thông điệp mạnh mẽ đến toàn thế giới rằng tiêm phòng sốt xuất huyết là một phần bổ sung quan trọng trong nỗ lực tổng hợp để phòng ngừa căn bệnh’

Thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) viết rằng đang có một nhu cầu ngày một gia tăng trong việc ngăn chặn hiệu quả sốt xuất huyết… một vaccine an toàn và hiệu quả chống lại 4 dòng virut gây sốt xuất huyết sẽ cho thấy một bước tiến quan trọng trong việc kiểm soát căn bệnh và có thể là một công cụ quan trọng để đạt được mục tiêu mà WHO đề ra là giảm tỷ lệ nhiễm bệnh ít nhất là 25% và tỷ lệ tử vong ít nhất là 50% đến năm 2020. Theo WHO, vaccine Dengvaxia của hãng dược Sanofi là một trong số khoảng 6 loại vaccine được nghiên cứu và thử nghiệm.

Theo thống kê của WHO, thế giới có khoảng 400 triệu người bị sốt xuất huyết hàng năm, trong đó 70% các trường hợp là tại châu Á.

Hiệu quả của vaccine mới

Theo hãng dược Sanofi, để đến được kết quả ngày hôm nay, hãng này đã bỏ ra 20 năm nghiên cứu với chi phí lên đến 1 tỷ rưỡi euro, tương đương khoảng 1,8 tỷ đô la.

Vaccine mới được bắt đầu đưa vào thử nghiệm giai đoạn 3 vào năm 2011 ở 5 quốc gia có bệnh dịch hoành hành là Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt nam. Bên cạnh các nước châu Á, hãng Sanofi cũng tiến hành thử nghiệm vaccine tại những nước Nam Mỹ bao gồm Mexico, Honduras, Puerto Rico, Columbia và Brazil. Nói về giai đoạn thử nghiệm này, bác sĩ Rose Capeding, người tham gia nghiên cứu vaccine tại Philippines cho biết:

Các thử nghiệm vaccine được tiến hành tại năm quốc gia là Philippines, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Việt Nam. Chúng tôi thử nghiệm trên 10,275 trẻ có độ tuổi từ 2 đến 14. Các em được cho ba liều vaccine…. Kết quả thử nghiệm cho thấy là vaccine có hiệu quả bảo vệ là 56,5%, có nghĩa là hơn 50% trẻ được bảo vệ chống lại sốt xuất huyết.

Tại Việt Nam, nghiên cứu do viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh triển khai từ tháng 9 năm 2011 thự hiện tại 2 điểm là thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang và Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang với 2,336 trẻ tham gia. Trẻ tham gia được phân ngẫu nhiên vào 2 nhóm tiêm vaccine hoặc tiêm giả dược, với 3 mũi tiêm cách nhau 6 tháng.

Theo Phó giáo sư Tiến sĩ Trần Ngọc Hữu, nghiên cứu viên chính thức tại Việt Nam, viện Pasteur thành phố HCM, sau 3 mũi tiêm, các nhà nghiên cứu đã theo dõi trẻ trong vòng 13 tháng để đánh giá hiệu quả vaccine. Kết quả chung của 5 quốc gia cho thấy vaccine giúp ngăn ngừa được 56,5% số ca sốt xuất huyết có triệu chứng gây ra bởi virut, giảm được 88,5% số ca thể nặng và giảm 67% nguy cơ nhập viện do bệnh.

Mức hiệu quả của vaccine mới ở khoảng trên 50% được cho là không cao. Nếu so với các loại vaccine phòng bệnh khác như bại liệt và sởi là 99% thì thấp hơn nhiều. Tuy nhiên, chuyên gia về dịch bệnh sốt xuất huyết, bác sĩ Rose Capeding cho rằng mức hiệu quả này hết sức quan trọng trọng nỗ lực phòng chống bệnh dịch:

Sốt xuất huyết là một vấn đề sức khỏe cộng đồng chính… cho nên ngay cả khi chỉ có 50% trẻ được bảo vệ, theo tôi đó cũng là một nỗ lực lớn trong điều kiện hiện nay chúng ta không có một điều trị cụ thể nào dành cho bệnh này và cũng chưa có một loại vaccine nào thành công, trong khi chúng ta cũng không có một biện pháp ngăn chặn nào đáng kể so với việc tiêm vaccine.

Một bệnh nhân sốt xuất huyết được điều trị tại bệnh viện Escuela Universitario ở Tegucigalpa, Honduras vào ngày 29 tháng 1 năm 2016. AFP photo
Một bệnh nhân sốt xuất huyết được điều trị tại bệnh viện Escuela Universitario ở Tegucigalpa, Honduras vào ngày 29 tháng 1 năm 2016. AFP photo
Một bệnh nhân sốt xuất huyết được điều trị tại bệnh viện Escuela Universitario ở Tegucigalpa, Honduras vào ngày 29 tháng 1 năm 2016. AFP photo

Bác sĩ Rose Capeding cho rằng điều quan trọng hơn nữa của vaccine mới chính là nó giúp giảm tính nghêm trọng của bệnh và đây là điểm đáng chú ý khi cân nhắc đến mức hiệu quả tổng thể của vaccine:

Nhưng điều quan trọng hơn cả là kết quả cho thấy vaccine giúp giảm sự nghiêm trọng của bệnh. Chúng ta đã biết về bệnh sốt xuất huyết chảy máu ồ ạt và khiến trẻ bị sốc do mất máu. Vaccine mới giúp giảm đến 88% các ca bệnh này, nhưng điều quan trọng hơn là nó giảm 2/3 nguy cơ phải nhập viện. Vì thế mức hiệu quả này theo tôi vẫn hết sức quan trọng đối với vaccine mới.

Theo bác sĩ Rose Capeding, vaccine mới cũng khá an toàn đối với trẻ.

Nhìn chung đây là vaccine an toàn. Thường thì chúng tôi theo dõi thấy sốt, và thấy vết sưng đỏ ở chỗ tiêm. Nhưng đó chỉ là phản ứng thường thấy khi được tiêm chủng…. không có dấu hiệu không an toàn nào được ghi nhận.

Bao giờ vaccine được sử dụng ở Việt Nam

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây đã cảnh báo sốt xuất huyết là căn bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh nhất trên thế giới và là nguyên nhân chính gây sốt mà những khách du lịch có thể mang theo mình về nhà. Từ mới chỉ 9 nước có bệnh dịch nghiêm trọng trước những năm 70 của thế kỷ trước, giờ đây bệnh đã trở thành bệnh dịch ở hơn 100 nước trên thế giới.

Tại Việt Nam, các ca nhiễm sốt xuất huyết đã tăng mạnh trong năm 2015 so  với năm trước đó, theo báo cáo của Bộ Y Tế. Chỉ riêng năm 2015, Việt Nam ghi nhận 80,000 ca mắc sốt xuất huyết. Nói về thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt với sốt xuất huyết, bác sĩ Raman Velayudhan, chuyên gia về kiểm soát dịch bệnh nhiệt đới của WHO cho biết:

Sốt xuất huyết gây ra bởi 4 loại virut, là 1, 2, 3, 4. 4 virut này không có đề kháng chéo, tức là nếu bạn đã bị sốt xuất huyết bởi vi rut 1 thì không có nghĩa bạn sẽ miễn dịch với các virut còn lại.
- BS Raman Velayudhan

Những thách thức bây giờ đối với các nước như Việt Nam là các dòng virut gây sốt xuất huyết. Sốt xuất huyết gây ra bởi 4 loại virut, là 1, 2, 3, 4. 4 virut này không có đề kháng chéo, tức là nếu bạn đã bị sốt xuất huyết bởi vi rut 1 thì không có nghĩa bạn sẽ miễn dịch với các virut còn lại. Nếu 2 năm sau đó bạn bị virut 2 thì có thể bạn sẽ bị nặng, bởi vì đôi khi nhiễm vi rút có thể dẫn đến những biến chứng phức tạp. Cho nên các nước như Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức là họ có nhiều trường hợp bị nặng vì cả 4 loại virut đã xuất hiện tại đây. Và nó sẽ ảnh hưởng tới nhiều người hơn, có những người sẽ bị sốt xuất huyết đến 2 lần. Điều này sẽ dẫn đến các trường hợp nặng và khó khăn trong việc điều trị.

Điều này đặt ra câu hỏi về hiệu quả của vaccine mới nếu được đưa vào sử dụng tại Việt nam nơi có đủ cả 4 dòng virut. Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nói với báo chí vào hồi cuối năm ngoái khi có tin Philippines cấp phép cho lưu hành vaccine sốt xuất huyết rằng hiệu lực bảo vệ của vaccine mới với dòng virut cao nhất là 60%, còn các dòng còn lại thấp hơn, có loại chỉ đạt trên 40%. Ông cũng thắc mắc không biết có khi nào tiêm vaccine phòng được dòng virut này nhưng người bệnh vẫn có thể mắc các dòng còn lại và bệnh nặng hơn.

Cục Y tế dự phòng cho biết sau khi có khuyến cáo mới từ WHO trong năm nay, Việt nam sẽ có quyết định riêng liên quan đến việc cho lưu hành vaccine mới. Tuy nhiên ông cũng cho biết muốn được lưu hành tại Việt Nam thì vaccine này phải đi qua một quá trình nghiên cứu lâm sàng, đánh giá hiệu quả và hoàn thiện các hồ sơ thủ tục dự kiến sẽ kéo dài hàng năm.

Xin quý vị chia sẻ các thông tin và câu hỏi về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.