Bệnh ung thư vú – phần 2

Theo thống kê ở Việt Nam hiện nay cứ 100,000 phụ nữ thì có khoảng 25 người mắc bệnh ung thư vú. Phụ nữ Việt bắt đầu có nguy cơ mắc bệnh này ở độ tuổi 40, sớm hơn phụ nữ Mỹ 10 năm. Làm thế nào để truy tầm sớm căn bệnh này?
Quỳnh Như, phóng viên đài RFA
2009.12.15

Tiếp theo đề tài kỳ trước về bệnh ung thư vú, trong chương trình hôm nay chúng tôi xin trình bày tiếp  những vấn đề liên quan đến chứng bệnh này.

Bệnh ung thư vú đang gia tăng trên khắp thế giới. Mỗi năm có khoảng một triệu người ở trên thế giới mắc phải bệnh này. Theo thống kê ở Việt Nam hiện nay cứ 100,000 phụ nữ thì có khoảng 25 người mắc bệnh ung thư vú. Ung thư vú hiếm khi xảy ra đối với người dưới 30 tuổi. Tỉ lệ ca mắc bệnh tăng dần theo độ tuổi từ 30 đến 50. Nhưng đối với phụ nữ sau thời kỳ mãn thì tỉ lệ mắc bệnh giảm dần. Bác sĩ Nguyễn Bích Liên của Hội Ung Thư Việt-Mỹ trở lại với chúng ta trong chương trình hôm nay qua cuộc trao đổi với phóng viên Quỳnh Như của Đài RFA.

Phát hiện càng sớm, cơ hội chữa lành càng cao

Quỳnh Như: Thưa Bác Sĩ, xin Bác Sĩ cho biết sự tiến triển của bệnh ung thư vú nhanh hay chậm. Khi thấy những dấu hiệu đầu tiên thì đó có phải là ung thư hay chưa hay đến một giai đoạn nào đó thì bệnh mới phát triển thành ung thư? Từ khi thấy dấu hiệu đầu tiên cho đến khi phát bệnh thường là khoảng bao lâu?

Bác sĩ Nguyễn Bích Liên: Cái đó còn tuỳ. Ung thứ vú có nhiều loại khác nhau. Có những loại phát triển rất nhanh. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân mới tuần trước không cảm thấy gì hết mà chỉ sau một tuần họ đã cảm thấy có khối u xuất hiện. Khối u thật ra đã có mầm mống rồi, nhưng tốc độ phát triển nhanh chậm còn tuỳ từng trường hợp. Có những khối u chỉ cần vài tuần là có thể phát triển thể tích lên gấp đôi. Nhưng ngược lại, có những trường hợp sự phát triển này phải mất từ vài tháng đến nữa năm.

Có những khối u chỉ cần vài tuần là có thể phát triển thể tích lên gấp đôi. Nhưng ngược lại, có những trường hợp sự phát triển này phải mất vài tháng đến nữa năm

Thông thường, tốc độ phát triển của khối ung thư vú thay đổi theo độ tuổi. Phụ nữ càng trẻ tuổi thì khi mắc bệnh khối ung thư nó càng dữ hơn tức là nó phát triển nhanh hơn. Đối với phụ nữ sáu bảy chục tuổi thì khối ung thư vú phát triển chậm hơn. Đó là những trường hợp thông thường. Tuy nhiên vẫn có vài trường hợp cá biệt trong đó ưng thư vú ở người trẻ tuổi lại phát triển chậm và ở người lớn tuổi lại phát triển rất nhanh. Tốc độ phát triển khối u còn tuỳ vào thể trạng từng người nên khó ai đoán trước được cả. Quan niệm cho rằng mầm ung thư vú phải mất 2 năm mới phát triển thành khối u là sai lầm. Do đó, càng phát hiện ung thư vú sớm chừng nào thì cơ hội chữa lành càng dễ dàng chừng ấy. Phương pháp truy tầm ung thư bây giờ rất là giản dị, không có gì là rắc rối hết cả.

Khi đề cập đến vấn đề thông tin y học, chúng tôi được biết có thể nói khá nhiều phụ nữ không biết rõ về căn bệnh ung thư vú này. Càng ít thông tin thì họ lại càng hoang mang lo sợ . Cho nên cứ thấy có gì lạ trong ngực là lập tức nghĩ đến ung thư, rồi đâm ra lo âu, mất ăn mất ngủ, sụt cân. Rốt cuộc khi khám ra thì chỉ là một cái bướu lành ở ngực.

Quỳnh Như :  Là một Bác sĩ chuyên môn trong lĩnh vực điều trị bênh ung thư vú,  Bác Sĩ có lời khuyên gì cho chị em phụ nữ để giúp phát hiện sớm bệnh ung thư vú nếu chẳng may họ mắc phải?

Bất cứ kết quả xét nghiệm nào cũng có cái gọi là độ chính xác của nó. Độ chính xác của mammogram đối với loại tốt nhất hiện nay thì cũng chỉ đúng đến 50% mà thôi

Bác sĩ Nguyễn Bích Liên: Tôi vẫn khuyên các bệnh nhân là nếu có thể được, nên đi chụp hình vú mỗi năm một lần, bắt dầu từ tuổi 40. Phụ nữ Việt Nam chúng ta bị ung thứ vú ở tuổi còn trẻ hơn phụ nữ Mỹ đến 10 tuổi, thành ra quý vị đừng nghĩ là phải tới 50 tuổi mình mới có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Nghĩ như vậy là không đúng! Tuổi trung bình mắc bệnh ung thư vú của người Việt Nam mình là dưới 50 tuổi.

Nếu việc tầm soát ung thư vú đắt tiền thì mình đi tầm soát ít đi. Nhưng ngược lại, nếu mình làm tầm soát ít đi và mình khám phá ra bệnh ở thời kỳ trễ hơn thì sự tốn kém trong việc chữa bệnh ung thư vú sẽ hơn gấp 100 lần. Hậu quả không những nguy hiểm có thể tử vong mà còn gây thêm nhiều tốn phí. Chi phí cho việc chữa bệnh bao giờ cũng tốn hơn rất là nhiều so với việc mình đi tầm soát ung thư vú sớm hơn.  Thành ra, tôi vẫn tin là cách tốt nhất cho nền y tế và cho phụ nữ và cho tất cả mọi người là mình truy tầm ung thư ở thời kỳ sớm. Tất cả những dữ kiện cho tới bây giờ vẫn cho thấy thời điểm bắt đầu tầm soát tốt nhất là từ tuổi 40.

Hiện nay ở Việt Nam chưa có phương pháp nào để tầm soát những phụ nữ dưới 40 nên người ta chưa có những lời khuyên đối với những người đó. Nhưng theo tôi nghĩ, nếu mình có thể tầm soát 5-10 năm trước độ tuổi dễ mắc bệnh thì tốt hơn. Không nên đợi đúng 40 tuổi mình mới tầm soát bệnh ung thư vú, vì như vậy có thể bị sót rất nhiều người. Có rất nhiều phụ nữ bị ung thư vú ở độ tuổi 30. Điễn hình như ngày hôm nay tôi vừa mới gặp một cô mới có 31 tuổi, đã phát bệnh ung thư từ năm 27 tuổi. Cô này không phải là trường hợp duy nhất. Tôi còn có nhiều bệnh nhân như vậy. Thành ra tôi biết, nghĩa là coi như là chính cá nhân tôi đã hàng ngày phải đối diện với vấn đề này.

Các phương pháp chẩn đoán

Quỳnh Như có trao đổi với Giáo sư-Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, Giám Đốc Bệnh Viện Ung Bướu Thành phố Hồ Chí Minh về phương pháp tự tầm soát bệnh ung thư vú. Bác sĩ Hùng cho biết: Phụ nữ có thể tự khám vú bằng cách ở trần, đứng trước gương, hai tay buông xuôi, rồi đổi tư thế; hai tay để phía sau mông, nghiêng nhẹ người tới trước, đồng thời quan sát xem cả hai vú có thay đổi về kích thước không? Như một bên lớn hơn thường lệ hoặc teo nhỏ lại, hoặc da vú có chuyển màu hay bị lõm xuống không. Ấn nhẹ vào đầu vú xem có máu hoặc chất dịch tươm ra hay không?

Cách kế tiếp với tư thế nằm kê gối dưới vai bên phải, tay phải để sau ót. Bàn tay trái xoè thẳng nhẹ nhàng ép sát tuyến vú vào thành sườn. Vẫn dùng bàn tay trái ép sát di chuyển bắt đầu từ phần trên, rồi đến phần dưới của vú, cuối cùng là đầu vú, nhằm tìm xem có khối u hay bướu nào hay không? Dùng phương pháp trên với tư thế đổi ngược để khám vú bên trái. Nên khám cả vùng nách để tìm hạch. Quan trọng nhất là phải khám cho đúng cách.

Quỳnh Như : Thưa Bác Sĩ Nguyễn Bích Liên, có một số ý kiến cho rằng không nên quá tin vào kết quả xét nghiệm tầm soát bệnh ung thư vú hay còn gọi là kết quả xét nghiệm mammogram. Bác Sĩ nghĩ sao về những ý kiến này?

Bác sĩ Nguyễn Bích Liên: Vâng. Cái đó thì cũng đúng. Bất cứ kết quả xét nghiệm nào cũng có cái gọi là độ chính xác của nó. Độ chính xác của mammogram đối với loại tốt nhất hiện nay thì cũng chỉ đúng đến 50% mà thôi. Có nhiều trường hợp mình nhìn thấy giống như là ung thư nhưng khi xét nghiệm ra thì nó không phải là ung thư. Ngược lại, có khi mình rờ ngực mình thấy có một cục bướu, mình đi chụp mammogram thì mammogram nói nó không thấy gì cả, tuy nhiên cũng vẫn chưa chắc là không có ung thư. Cho nên tốt nhất mình vẫn phải tiếp tục xét nghiệm bằng những phương pháp khác. Bởi vậy theo tôi, mammogram chỉ là một trong những cách truy tầm khám phá ung thư vú sớm mà thôi. Đó là lý do mà từ nhiều năm nay chúng tôi vẫn khuyên bệnh nhân cần phải kết hợp vừa chụp mammogram, vừa khám vú. Dùng cả hai phương pháp ít ra cũng có nhiều cơ hội khám phá ra bệnh hơn. Nhưng không hẳn các phương pháp ấy có thể khám phá được hết tất cả mọi ung thư vú.

Phòng bệnh và trị bệnh

Quỳnh Như : Xin Bác Sĩ cho biết qua về cách điều trị chứng bệnh này.

Bác sĩ Nguyễn Bích Liên: Vâng. Đối với ung thư vú, tuỳ theo trường hợp mà người ta điều trị. Nói chung vẫn phải qua các bước sau đây:

Khi đã xác định có ung thư vú rồi thì có thể cần phải giải phẫu, phải sử dụng hoá chất trị liệu, có thể cũng phải sử dụng xạ trị, hoặc phải sử dụng đến một thứ thuốc viên để ngăn chận cái ảnh hưởng của kích thích tố nữ trên những cái đau ung thư vú. Bước nào là bước đầu tiên thì còn tuỳ trường hợp cụ thể.

Có trường hợp mình mới khám phá ra được thôi thì mình có thể cắt bỏ được. Việc cắt bỏ còn tuỳ trường hợp: có trường hợp mình giữ ngực được, có trường hợp mình không giữ ngực được. Thành ra người bác sĩ chuyên môn về ung thư họ phải ngồi xuống và nói chuyện với bệnh nhân để coi cách nào là cách tốt nhất. Nhiều khi không phải mình chỉ gặp có một bác sĩ mà thôi, có thể mình phải gặp 3-4 bác sĩ khác nhau, tại vì mỗi người một chuyên môn. Ví dụ có người cần phải xạ trị, rồi lại phải mổ, rồi phải làm hoá chất trị liệu chẳng hạn, thì có thể phải gặp 3-4 bác sĩ khác nhau, và những bác sĩ đó họ cũng cần phải liên lạc với nhau. Có trường hợp phải đưa ra hội đồng y khoa chuyên môn để có quyết định coi cách nào chữa cho người bệnh tốt nhất. Hội đồng sẽ tuỳ theo từng chi tiết của cá nhân của bệnh nhận mà ra quyết định. Không có thể nào nói tổng quát được.

Việc điều trị ung thư vú có ảnh hưởng đến thiên chức làm Mẹ. Các nghiên cứu cho thấy bệnh nhân ổn định sau nhiều năm điều trị mới có thể có con với ít nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ. Tuy nhiên việc mang thai sẽ làm tăng các nội tiết tố có nguy cơ kích hoạt ung thư trở lại. Do đó các phụ nữ sau khi điều trị ung thư vú phải hết sức cân nhắc trước khi quyết định mang thai. Các bác sĩ tư vấn cũng sẽ giúp bệnh nhân có quyết định đúng đắn.

Quỳnh Như : Thưa Bác Sĩ, nói chung là đối với căn bệnh ung thư thì khó mà nói đến chuyện đề phòng. Tuy nhiên, theo Bác Sĩ thì có cách nào để hạn chế nguy cơ mắc bệnh ung thư vú không?

Bác sĩ Nguyễn Bích Liên: Thực sự ra, phần lớn các trường hợp ung thư vú không bắt nguồn từ nguyên nhân nào rõ rệt cả. Có những người phát bệnh vì một số nguyên nhân, nhưng đó là những nguyên nhân không tránh khỏi. Chẳng hạn những người mà trong cơ thể có gene di truyền từ bố mẹ truyền lại thì trường hợp đó mình không có làm gì được hơn nhiều, nhưng mà mình có thể đi truy tầm sớm hơn. Mình có thể thay vì chỉ chụp mammogram thì mình có thể chụp thêm MRI chẳng hạn như vậy, thì việc truy tầm sẽ sớm hơn. Có nhiều phụ nữ họ quyết định là sau khi họ có con rồi thì có thể cắt bỏ cả hai vú, hay là họ cắt cả buồng trứng của họ để giảm nguy cơ bị ung thư vú chẳng hạn. Những trường hợp đó là những trường hợp rất đặc biệt, còn phần lớn phụ nữ chúng ta thì không có một dấu hiệu gì. Có những người chẳng hạn khi mà mình lớn tuổi rồi thì bất cứ phụ nữ nào cũng có thể có ung thư vú cả, thành ra những cái đó mình không tránh được. Những cái mình có thể tránh được là mình giữ cho cơ thể đừng có mập phì thì mình cũng tránh được phần nào. Mình không uống rượu, mình không hút thuốc lá thì nó cũng tránh được phần nào. Mình ăn uống nhiều rau trái, tức là cái phần ăn vừa trái cây vừa rau khoảng từ 5 cho tới 8 phần ăn một ngày thì có thể là mình cũng tránh được một phần nào. Nhưng mà những cái này cũng rất là nhỏ thôi. Về việc tránh uống rượu, nếu mình chỉ uống, thí dụ như 3 ly wine một tuần thì có thể gia tăng khả năng bị ung thư vú một chút. Quan trọng nhất là mình nên tập thể dục. Điều này cũng giúp giảm nguy cơ bị ung thư vú phần nào. Tuy nhiên, cho dù mình làm tất cả những cái đó mình vẫn có thể bị ung thư vú như thường. Mình làm tất cả những cái gì có thể làm được để giảm nguy cơ, nhưng không thể nào tiêu diệt hoàn toàn nguy cơ ung thư vú được. Mình vẫn phải tiếp tục theo dõi, mình vẫn phải chụp mammogram theo lời khuyên, và mình vẫn phải tự khám vú của mình, cũng như mình nên cần đi để bác sĩ họ khám vú cho mình.

Quý thính giả muốn cập nhật thông tin liên quan đến bệnh ung thư vú có thể truy cập vào Website của Hội Ung Thư Việt-Mỹ: www.ungthu.org hay gọi số điện thoại 714-751-5805.  

Quỳnh Như :  Quỳnh Như xin cảm ơn Bác Sĩ đã dành thời gian chia sẻ những thông tin rất là bổ ích cho chị em phụ nữ biết mà đề phòng căn bệnh nguy hiểm này.

Bác sĩ Nguyễn Bích Liên: Dạ vâng. Cảm ơn cô Quỳnh Như.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
01/01/2010 16:53

th­­ua bac si:chau di chup xquang vµ xet ngiem bao la chau bÞ viem tuyen vu, nhung cai cuc do no khong dau va khong phat trien gi, so thay lan di lan lai to bang dau ngon tay vay co phai la u vu khong? da lau roi chau khong di kham lai, xin bac cho chau y kien!

Anonymous
17/12/2009 13:24

toi bi ung thu vu da di can phoi vay toi co the song duoc bao nhieu nam nua ?