Ứng dụng của hạt nhân

Giữa lúc các đám mây hạt nhân và lượng phóng xạ từ các vụ nổ lò phản ứng hạt nhân của nhà máy điện Fukushima rò rĩ ra ngoài không khí, nhiều người lại xôn xao về vấn đề an toàn hạt nhân.
Quỳnh Như, phóng viên RFA
2011.03.30
000_Hkg4738695-305.jpg Một người đeo mặt nạ khí để phản đối nhà máy hạt nhân trước trụ sở TEPCO (Tokyo Electric Power Co) tại Tokyo ngày 27 tháng 3 năm 2011
AFP photo

Trong thực tiễn, từ lâu người ta đã biết sử dụng hạt nhân để phục vụ cuộc sống của con người, nhưng hầu như ít ai lưu ý đến vấn đề này trừ các nhà chuyên môn.
Chương trình Sức khoẻ và Đời sống hôm nay tổng hợp một số ý kiến của các nhà chuyên môn về các ứng dụng của hạt nhân trong các lĩnh vực đời sống.

Được sử dụng trong y học

Khi nói về những ảnh hưởng từ các chất phóng xạ đối với cơ thể con người, Bác sĩ Trần Văn Sáng, ở tiểu bang Virginia, Hoa kỳ cũng đề cập đến một số ứng dụng của hạt nhân trong đời sống. Ông nói:

“Hiện nay thì những chất phóng xạ được sử dụng rất nhiều trong y học, và trong những kỹ nghệ khác, v.v...Những điều chúng ta thấy trong thiên nhiên đôi khi nó có thể gây ra những tác hại lớn. Nhưng nếu được sử dụng một cách chính xác, thì những tia phóng xạ này lại trở nên là một công cụ rất hữu ích để chữa bệnh cho con người hay sử dụng để sản xuất ra những năng lượng sử dụng thay thế những loại năng lượng khác giống như dầu, và than, v.v... trong tương lai.”      

Chất phóng xạ iodine mà người ta đang quan ngại rằng những người sống ở các vùng bị ô nhiễm phóng xạ có thể nhiễm phải, có thể được sử dụng trong y khoa để điều trị bệnh ung thư tuyến giáp. Bác sĩ Sáng giải thích về ứng dụng của hạt nhân trong việc điều trị này như sau:

Nhưng nếu được sử dụng một cách chính xác, thì những tia phóng xạ này lại trở nên là một công cụ rất hữu ích để chữa bệnh cho con người...

Bác sĩ Trần Văn Sáng

“Tất cả những cái áp dụng trong y học thì cũng sử dụng từ những cái hiểu biết trong thiên nhiên. Tức là cũng là cái chất, có mang chất đồng vị phóng xạ, thí dụ như chất radioactive iodine, nó cũng là một chất iodine nhưng có mang chất phóng xạ.

Thì cũng chính trong y học sử dụng chất này để chữa những bệnh về tuyến giáp trạng. Vì khi đưa chất này vào trong tuyến giáp trạng thì tia phóng xạ sẽ làm tiêu hủy tuyến giáp trạng, trong trường hợp cần phải huỷ diệt tuyến giáp trạng do những bệnh bướu, v.v... thì người ta sử dụng.

Đó là một thí dụ, những thí dụ khác, là người ta có thể sử dụng những tia phóng xạ, phát xuất từ chất gọi là Coban. Coban phóng ra những tia và người ta có thể sử dụng những tia đó để nhắm vào tiêu diệt những bướu ung thư, v.v...”              

Giáo sư Kim Kearfott, chuyên gia nghiên cứu về năng lượng nguyên tử hàng đầu của Hoa kỳ hiện đang làm việc tại Khoa Vật lý Hạt nhân thuộc Đại học Michigan, Hoa kỳ, phân tích những ứng dụng của hạt nhân trong y khoa.

Trước tiên là ở khâu chẩn đoán xét nghiệm y khoa. Theo ứng dụng này, một lượng nhỏ nguyên tử được đưa vào cơ thể để theo dõi sự hoạt động của các bộ phận bên trong cơ thể, dưới các hình thức phổ biến như: chụp X-quang, hay làm CT Scan. Giáo Kearfott nói:

“Một lần chụp X-quang phổi, trung bình sử dụng khoảng một lượng phóng xạ từ 100 đến 600 microsievert. Nhưng đối với các xét nghiệm như chụp cắp lớp CT Scan thì lượng phóng xạ cao hơn vào khoảng 10,000 microsievert. Nói chung là số lượng phóng xạ sử dụng trong các kỹ thuật xét nghiệm chẩn đoán tùy thuộc vào từng loại xét nghiệm khác nhau.”  

Ứng dụng kế tiếp của phóng xạ trong y khoa là dùng để khử trùng diệt khuẩn đối với các thiết bị giải phẫu. Ngoài ra nó còn được sử dụng tại các phòng Lab để thực hiện các xét nghiệm và trong một số nghiên cứu y khoa.

Nhưng quan trọng nhất là việc sử dụng một số loại tia phóng xạ để điều trị các chứng bệnh ung thư. Để chữa trị căn bệnh hiểm nghèo này, bên cạnh việc áp dụng phương pháp hoá chất trị liệu, hay giải phẫu, xạ trị là một trong những biện pháp được áp dụng từ lâu và mang lại kết quả hữu hiệu.

Phương pháp xạ trị

kim-200.jpg
Giáo sư Kim Kearfott, chuyên gia nghiên cứu về năng lượng nguyên tử Hoa kỳ. Hình do GS Kim cung cấp
Giáo sư Kim Kearfott, chuyên gia nghiên cứu về năng lượng nguyên tử Hoa kỳ. Hình do GS Kim cung cấp
Các chuyên gia giải thích về xạ trị, là phương pháp sử dụng các tia bức xạ ion hoá như: tia X, tia Gama có năng lượng cao, đó là các sóng điện từ hoặc các hạt nguyên tử như: électron, neutron, proton,.. để điều trị bệnh ung thư. Phương pháp này đã được sử dụng từ 100 năm nay nhưng vẫn còn là một trong những phương pháp chủ yếu và có kết quả trong điều trị ung thư. Với mốc đầu tiên được đánh dấu là việc nhà Vật lý học người Đức Wilhelm Roentgen khám phá ra tia X vào năm 1895. Sau đó người ta bắt đầu áp dụng tia X để điều trị ung thư. Từ đó, phương pháp điều trị ung thư bằng tia phóng xạ đã phát triển thành một chuyên khoa sâu trong Y học.

Xạ trị được tiến hành như thế nào? Phóng xạ được chiếu từ ngoài vào bên trong cơ thể bệnh nhân. Đây là phương pháp được chỉ định khá rộng rãi sử dụng kỹ thuật, nguồn xạ đặt ngoài cơ thể người bệnh. Máy sẽ hướng các chùm tia một cách chính xác vào vùng cần xạ trị để tiêu diệt các tế bào ung thư.

Giáo sư Kim Kearfott nhận định về phương pháp dùng xạ trị để chữa cho những bệnh nhân mắc các chứng bệnh ung thư như sau:

“Xạ trị sử dụng một lượng tia phóng xạ rất cao, nếu toàn thân chúng ta nhận một lượng tia tương đương với liều điều trị ung thư thì sẽ nguy hiểm cho tính mạng. Tuy nhiên trong phương pháp xạ trị người ta có quy định và kiểm soát rất gắt gao sự tập trung các chùm tia vào vùng khu trú của bệnh để tiêu diệt các tế bào ung thư, còn các bộ phận khác của cơ thể thì phải cố gắng giảm đến mức tối đa.”

Liên quan đến việc áp dụng phương pháp xạ trị để điều trị Ung thư, bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội vừa áp dụng thành công kỹ thuật xạ trị mới cho bệnh nhân ung thư, gọi là điều biến liều. Phó Giáo sư-Tiến sĩ Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu của bệnh viện này cho biết, kỹ thuật mới áp dụng có ưu điểm vượt trội so với cách xạ trị từ trước đến nay. Vì nó có khả năng tiêu diệt khối u nhưng đảm bảo liều xạ thấp nhất vào tổ chức lành, nên giảm nguy cơ biến chứng cho người bệnh.

Trong phương pháp xạ trị người ta có quy định và kiểm soát rất gắt gao sự tập trung các chùm tia vào vùng khu trú của bệnh để tiêu diệt các tế bào ung thư, còn các bộ phận khác của cơ thể thì phải cố gắng giảm đến mức tối đa.

Giáo sư Kim Kearfott

Cũng theo vị Phó Giáo sư của bệnh viện Bạch Mai, với kỹ thuật xạ trị 3D, hiện được áp dụng trong cả nước thì khối u bị tiêu diệt. Tuy nhiên các tổ chức lành cũng bị tổn thương do chịu liều phóng xạ cao. Lý do là các máy xạ trị phát ra trường chiếu thông thường có góc vuông, hình vuông, hình chữ nhật trong khi đó khối u có nhiều hình dạng khác nhau. Do vậy, với kỹ thuật xạ trị điều biến liều mới này, chùm bức xạ được tập trung chính xác vào chỗ khối u, và có thể điều chỉnh tăng hay giảm cường độ. Ông nhấn mạnh, tùy theo hình dạng, kích thước, thể tích, độ nông sâu và mật độ tế bào của khối u mà liều lượng bức xạ được phân bố cao hay thấp. Cách làm này sẽ giúp bảo vệ các tổ chức lành một cách tối ưu nhất.

Một ứng dụng khác về nguyên tử là được dùng để sản xuất than sạch, đặc biệt với hiện tượng trái đất ấm dần lên do hiệu ứng của các loại khí thải. Các quốc gia được khuyến khích nên sử dụng nguồn năng lượng từ điện hạt nhân. Tiến sĩ Vật lý Hạt nhân Kearfott cho biết:

“Năng lượng nguyên tử là nguồn nguyên liệu dồi dào phong phú, mà hiện nay người ta muốn sử dụng để thay thế các loại nhiên liệu như than đá và dầu, vì nó có khả năng ngăn chận việc thải khí, giúp giảm được tác hại của hiệu ứng nhà kính đối với môi trường, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay.

Tuy nhiên cũng có khả năng sử dụng năng lượng gió và năng lượng mặt trời để thay thế cho năng lượng hạt nhân, nhưng hiện nay công nghệ ứng dụng năng lượng gió và năng lượng mặt trời còn hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu cần sử dụng. Và năng lượng hạt nhân được xem là nguồn cung ứng năng lượng sạch lớn nhất hiện nay.”

Giới hạn cho phép

000_Hkg4695096-250.jpg
Những người dân sơ tán được quét bức xạ trong tỉnh Fukushima vào ngày 16 Tháng 3 năm 2011. AFP photo
Những người dân sơ tán được quét bức xạ trong tỉnh Fukushima vào ngày 16 Tháng 3 năm 2011. AFP photo
Nhận thức được tầm quan trọng của những ảnh hưởng do phóng xạ nguyên tử tác động lên sức khoẻ con người, người ta không khỏi băn khoăn: “Vậy đâu là giới hạn cho phép của việc bị phơi nhiễm phóng xạ khi con người phải tiếp xúc với các chất này?”. Trả lời về vấn đề này Tiến sĩ Kearfott giải thích như sau:

“Để chúng ta có một khái niệm về giới hạn cho phép của mức độ phơi nhiễm với các chất phóng xạ ở người. Tôi xin nói cụ thể như thế này, đối với các chất đồng vị phóng xạ có trong tự nhiên đất đá thì mức độ bị phơi nhiễm vẫn còn được an toàn ở vào khoảng 3.000 microsievert trong một năm; đối với các chất phóng xạ trong các phương tiện chẩn đoán, xét nghiệm y khoa trung bình mỗi năm có thể được phép sử dụng đến 3.200 microsievert. Về mặt địa lý thì giữa nhóm người ở vùng biển và những người ở miền núi, sự khác biệt về mức độ ô nhiễm phóng xạ trung bình vào khoảng 1.000 microsievert/năm. Và người ở miền cao thì nguy cơ cao hơn người ở vùng thấp.

Trong các cộng đồng dân cư, mức độ ô nhiễm với các chất có phóng xạ nếu có xảy ra những vấn đề trục trặc nhỏ liên quan đến hạt nhân trung bình hàng năm có thể vào khoảng 1.000 microsievert. Nói một cách khác người ta cố gắng giữ cho mức này ngang xấp xỉ mức chênh lệnh của người sống ở vùng biển và miền núi. Và đây là một con số rất nhỏ.”  

Các ứng dụng của hạt nhân đang ngày càng được mở rộng trong đời sống xã hội. Người ta có thể áp dụng nó vào lĩnh vực nông nghiệp, để phát triển các loại giống cây trồng, hoa màu và thu được nhiều lợi ích. Vì vậy hiện nay nhiều quốc gia đang xây dựng các chương trình hạt nhân sử dụng vào mục đích hoà bình.

Vấn đề sự cố xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima là một cảnh báo cho các quốc gia trong việc tuân thủ các biện pháp an toàn một cách tuyệt đối, và nên thường xuyên kiểm tra hệ thống này.  

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.