Trao đổi thư tín với thính giả (10.04.2015)

Hòa Ái, phóng viên RFA
2015.04.11
1.jpg Trạm xe bus đường Hàm Nghi, Saigon trước 1975
File photo

Tháng 4 năm 2015 đánh dấu 40 năm một sự kiện trọng đại trong lịch sử cận đại VN. Những ngày tháng 4 năm nay, hầu hết người Việt trong và ngoài nước đều có những cảm xúc của riêng mình. Cuộc chiến tranh VN kết thúc tròn 4 thập kỷ vẫn đọng lại niềm vui trong lòng nhiều người vì đất nước hòa bình, thống nhất nhưng đồng thời cũng là nỗi xót xa, đớn đau của không ít người về quá khứ của một quốc gia mang tên Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã bị xóa tên. Trong chương trình hôm nay, Hòa Ái gửi đến những chia sẻ của quý khán thính giả cùng độc giả nghĩ gì về Việt Nam Cộng Hòa và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam:

Xót xa cho Sài Gòn

“Nước VNCH từ năm 1954 đến 30/4/1975 là nhà nước dân chủ, tam quyền phân lập đầu tiên trong lịch sử VN, dưới sự lãnh đạo và xây dựng của Tổng thống Ngô Đình Diệm. 2 mặt rất ưu việt là giáo dục và y tế. Toàn bộ hệ thống giáo dục từ mẫu giáo đến đại học hoàn toàn miễn phí để đào tạo nhân tài về đạo đức và kiến thức để xây dựng đất nước. Điều này trái ngược hoàn toàn với giáo dục của CSVN hiện nay ở VN. Còn hệ thống bệnh viện hoàn toàn miễn phí như Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Vì Dân ở Sài Gòn. Còn các tỉnh của VNCH đều có bệnh viện riêng và cũng hoàn toàn miễn phí”.

“Tôi thích chế độ VNCH. Tôi không phải là con cháu của VNCH. Tôi là Cộng sản. Tôi quá hiểu về chế độ Cộng sản này”.

Giới trẻ ngày nay thậm chí còn không biết cái gì là VNCH. Trong sách lịch sử thì chỉ toàn gọi chính quyền Sài Gòn là ‘ngụy quân ngụy quyền’.
-Một thính giả

“Có lẽ sai lầm lớn nhất của VNCH là không giải phóng miền Bắc, thống nhất đất nước. Lẽ ra phải tuyên truyền cho người dân chống lại giặc Tàu nhưng lại không làm”.

“Tôi là người miền Bắc, cảm thấy xót xa cho Sài Gòn và miền Nam”.

“Ước gì VNCH không bị ‘giải phóng’!”

“Khi nghe tin anh em miền Nam đang bị Mỹ áp bức, lòng yêu nước của hàng triệu người đã bị Cộng sản lợi dụng”.

“Nếu chế độ VNCH không bị lật đổ, tôi tin miền Nam VN không thua nước nào trên thế giới. Hãy nhìn Bắc Triều Tiên và Nam Triều Tiên thì sẽ thấy”.

“Tiếc nuối cho VNCH, tiếc nuối cho dân tộc VN! Xin được bày tỏ sự ngưỡng mộ và khắc ghi tận đáy lòng!”

“Giới trẻ ngày nay thậm chí còn không biết cái gì là VNCH. Trong sách lịch sử thì chỉ toàn gọi chính quyền Sài Gòn là ‘ngụy quân ngụy quyền’. và đúng như những nhận định trên, họ dạy rằng VNCH độc ác như những con quỷ, khiến người dân rên xiết phải kêu gọi Đảng CSVN như một người hùng giải phóng người dân miền Nam khỏi những con quỷ đó. Với tư cách là một người từng sống dưới chế độ VNCH, tôi thật sự ghê tởm cách Đảng CSVN viết sử và tuyên truyền”.

“Riêng tôi thì chưa từng nghe nhắc đến VNCH bao giờ. Tôi chưa từng biết đến lá cờ vàng 3 sọc đỏ là gì. Tôi chỉ nghe nói miền Nam ngày xưa bị rên xiết dưới gọng kìm Mỹ ngụy, đồng bào miền Bắc đã giúp miền Nam giải phóng và thống nhất Nam-Bắc 1 nhà, đất nước ta hoàn toàn độc lập sau 30/4/1975. Sau này lên Facebook thấy có những người bị gọi là ‘phản động’, tò mò tìm hiểu sao họ có gan lớn vậy, tôi mới hiểu ra sự thật. Lúc đó chưa tin vào những gì mình thấy nhưng nhìn vào thực tế và hỏi những người trưởng bối, tôi mới chấp nhận sự thật. Hóa ra lâu nay mình đã bị lừa một cách trắng trợn”.

“’Thắng làm vua-Thua làm giặc’ nên ở một phương diện nào đó của lịch sự đã bị những người chiến thắng bẻ cong ở góc độ nào đó. Ở VN, giới trẻ rất ít mê lịch sử vì trong hệ thống giáo dục chỉ gói gọn những điều được phép nói đến”.

Một tàu đổ bộ của Hải quân Việt Nam chất đầy người tị nạn từ Huế, ghé Đà Nẵng hôm 24/3/1975.
Một tàu đổ bộ của Hải quân Việt Nam chất đầy người tị nạn từ Huế, ghé Đà Nẵng hôm 24/3/1975.
Courtesy of Bettmann/CORBIS

“Trong chiến tranh thắng bại là chuyện bình thường. Các người chiến thắng nhìn xem chế độ nào phúc lợi xã hội cho người dân tốt hơn? Các người thắng mà bên phía Bắc Việt quân nhân tử trận nhiều hơn nhiều so với VNCH mà vẫn tự hào là kẻ thắng cuộc sao? Nướng hàng triệu người trong nội chiến để thống nhất đất nước rồi kéo cả nước cùng nhau tụt hậu thì việc thống nhất đó có ý nghĩa gì?”

“Nếu không có ông Hồ Chí Minh thì VN đã không bị chia cắt, đã không có Đảng CSVN, không có nội chiến mấy chục năm. Chúng ta cũng giành độc lập nhưg theo cách của Singgapore chẳg hạn. Hàng triệu thanh niên đã không phải chết oan uổng và đất nước đã không bị thụt lùi như bây giờ”.

“Không có internet thì không biết còn bị lừa bịp, dối trá đến khi nào?”

“Nhiều người có suy nghĩ giống mình. Hồi xưa học lịch sử thấy thích. Nếu là bây giờ, chắc mình sẽ nói thầy giáo giảng sai sự thật”.

“Tôi là 1 người trẻ. tôi cảm thấy thương tiếc cho 1 cuộc chiến vô nghiã mà miền Bắc gây ra cho nhân dân miền Nam. Cảm thấy thương tiếc cho 1 nền cộng hòa còn non trẻ bị mất đi. Cảm thấy thương tiếc cho 1 nền văn minh nhân bản không còn nữa và tôi cảm thấy thương tiếc cho những ai còn tin tưởng vào thiên đường XHCN”.

“CSVN thắng, thắng để thua. Trước năm 1975, VNCH hơn cả Đại Hàn , Singapore, Đài Loan, Hồng Kông và đứng đầu Đông Nam Á. Chiến thắng của CSVN đến nay 40 năm thì ai cũng rõ VN giờ đứng chót bảng ASEAN, không biết có hơn Campuchia không? Vậy, có phải là chiến thắng hay là nỗi nhục của cả dân tộc, cả đất nước?”

“Phải chi miền Nam giải phóng miền Bắc thì đất nước và dân tộc VN đã tốt đẹp hơn biết bao nhiêu lần so với hiện tại!”

Nếu người CSVN không sòng phẳng với lịch sử thì vết thương nhức nhối của chiến tranh ‘huynh đệ tương tàn’ mãi mãi là ngòi thuốc nổ còn âm ỉ trong lòng người.
-Một thính giả

“Dù gì trận chiến cũng kết thúc 40 năm đến hai lực lượng chính trong cuộc chiến là Đảng CSVN và Mỹ cũng bắt tay hợp tác mọi mặt rồi. Mỹ khác ta về dòng máu, màu da, tư tưởng, văn hóa...mà còn bắt tay nhau được còn chúng ta tự nhận là con cháu lạc hồng, 4 ngàn năm dựng nước đoàn kết là vậy mà không bỏ qua được hay sao? Hãy suy nghĩ và sửa đổi mình, cả ‘cờ đỏ sao’ lẫn ‘cờ vàng’, cờ nào thì vẫn là máu đỏ da vàng con cháu đất Việt thôi”.

“Nếu người CSVN không sòng phẳng với lịch sử thì vết thương nhức nhối của chiến tranh ‘huynh đệ tương tàn’ mãi mãi là ngòi thuốc nổ còn âm ỉ trong lòng người”.

“Theo quan niệm của tôi nên bỏ qua quá khứ, không nhắc lại sự kiện đã qua và xây dựng mới lại tình thương chân thật cho dân tộc VN sống bình đẳng”.

Chuyên đề “Ký ức 40 năm”

Quý thính giả quý mến, trong mục đích nhìn lại quá khứ để hướng tới tương lai, Ban Việt ngữ vẫn tiếp tục thực hiện chuyên đề “Ký ức 40 năm” cho đến ngày 30/4 năm nay, được đăng tải trong chuyên mục riêng biệt “Ký ức 40 năm” trên trang web tại www.rfa.org/vietnamese hoặc www.RFATiengViet.net. Quý vị có thể bấm vào hàng chữ “Ký ức 40 năm” ngay dưới biểu tượng RFA-Đài Á Châu Tự Do để vào nghe và đọc.

https://www.rfa.org/vietnamese/SpecialTopic/40years-april30

Kính mong quý khán thính giả cùng độc giả tiếp tục gửi về đài các bài viết và hình ảnh cũng như âm thanh, video hay những chia sẻ về cảm xúc trong tháng 4. Ban Việt Ngữ hy vọng rằng đây là dịp để người Việt cùng nhìn lại một quãng thời gian khá dài với muôn vàn khác biệt nhằm kết nối những trái tim Việt Nam trên khắp thế giới. Liên lạc với ban Việt ngữ liên quan đến chuyên đề “Ký ức 40 năm”, quý vị gửi về theo địa chỉ email: kyuc40nam@rfa.org

Tiếp theo trong chương trình, Hòa Ái chuyển đến một tâm tình của 1 thính giả không nêu tên:

“Trong chương trình ‘Hồi ức 40 năm’, tôi xin kể một chuyện nhỏ: Tôi là một quân nhân Quân lực VNCH. Công việc cuối cùng của tôi làm ở Ban 3 hành quân thuộc Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 33, Sư đoàn 21 Bộ binh, hậu cứ đóng tại Trà Nóc-Cần Thơ. Đơn vị hành quân của chúng tôi đóng quân tại căn cứ Hỏa Lựu, thuộc chợ Hỏa Lựu, tỉnh Chương Thiện thời đó, bây giờ là Vị Thanh. Tôi bị pháo kích, bị thương, được tản thương về bệnh viện Vị Thanh. Tối hôm đó thì nghe tivi thông báo ‘các vị tư lệnh sư đoàn, các vị tiểu khu trưởng sẵn sang bàn giao’. Hôm đó ngày bao nhiêu tôi không nhớ rõ, chỉ nhớ ông Đại tá Hồ Ngọc Cẩn, Tiểu khu trưởng tiểu khu Chương Thiện ra lệnh các đơn vị ở xa thị xã Vị Thanh rút về phòng thủ chung quanh tiểu khu Chương Thiện. Giao tranh ác liệt đêm đó. Đến sáng hôm sau, lúc 9 giờ thì hết đạn. Tôi nghe tin ông Đại tá Hồ Ngọc Cẩn bị bắt sống, sau đó bị hành quyết. Tôi ra khỏi bệnh viện, bẻ cây giăng mùng làm nạng chống vì chân trái tôi bị thương. Tay phải cột dây treo lên cổ, máu chảy ra từ vết thương vì nhập viện mới 2 ngày. Trên đường từ bệnh viện ra bến tàu để tìm đường về Sài Gòn, trên đường đi tôi khóc như một đứa con nít”.

Và sau đây là tin nhắn của một thính giả muốn gửi đến thông tin về đồng bào ở các tỉnh Cao nguyên Trung phần chạy loạn trên liên tỉnh lộ 7 đã gặp nạn ở khu vực Bãi Sim-Thành Hội, sông Lòng Bò, xã Sơn Hòa, quận Sơn Hòa vào ngày 19/3/1975.

“Tôi là người trực tiếp trong giờ phút cuối cùng cũng như trận đánh cuối cùng tại tiểu khu Phú Yên. Con đường liên tỉnh lộ 7 là con đường liên tỉnh lộ rất kinh hoàng. Lúc đó tôi thấy những sự chết chóc dã man quá. Không ai nhắc đến liên tỉnh lộ 7 thì cũng thấy đau thương nên tôi muốn cung cấp một số tin tức để bà con có thân nhân ở 5 tỉnh Cao Nguyên Trung phần để tìm lại thân nhân của họ trong những vùng chúng tôi giao tranh. Ở tỉnh Phú Yên, người ta cũng đem những linh hồn thiếu may mắn chôn cất rất nhiều ở các tỉnh liên tỉnh lộ 7 cũng như đơn vị của tôi chon cất một số bà con anh em ở những vùng đó. Tôi hướng dẫn đến liên tỉnh lộ 7 để tìm cách tìm lại thân nhân. Đại khái tôi hướng dẫn để bà con biết liên tỉnh lộ 7 nằm ở đâu để người ta có thể tìm ra. Bây giờ đến ngay thành phố Tuy Hòa và từ đây đi về hướng Nam khoảng 5 cây số đến quận Hiếu Xương. Đến Hiếu Xương thì hỏi liên tỉnh lộ 7 ở đâu thì người dân địa phương chỉ cho đi. Mục đích của tôi chỉ để thông báo cho một số đồng bào để người ta biết, người ta liên lạc với Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất ở tỉnh Phú Yên, liên lạc với những thầy lớn tuổi ở quận Hiếu Xương, Phú Yên thì họ có thể biết nơi chôn cất”.

Mục “Trả lời Thư tín” đến đây xin tạm dừng. Kính mong quý khán thính giả cùng độc giả tiếp tục gửi về đài những ý kiến đóng góp cũng như những chia sẻ về các vấn đề quý vị quan tâm. Liên lạc với Ban Việt ngữ qua hộp thư thoại, quý vị vui lòng gọi số 202-530-7775. Ngoài ra, quý vị có thể liên lạc với đài qua email tại địa chỉ vietweb@rfa.org hoặc hoaai@rfa.org.

Cảm ơn thời gian lắng nghe của quý thính giả cùng Hòa Ái. Kính chúc quý vị 1 ngày mới an lành. Hòa Ái xin kính chào và hẹn gặp lại trong chương trình này lần sau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.