Trao đổi thư tín ngày 01.07.2016

Hòa Ái, phóng viên RFA
2016.07.01
000_C00Z2.jpg Người Việt sống ở Đài Loan biểu tình ở Đài Bắc phản đối công ty Formosa phá hoại môi trường biển Việt Nam hôm 18/6/2016.
AFP photo

“Người dân rất mong muốn chính phủ làm thí nghiệm cho biết độc hại nhiều hay ít hay độc hại từ chỗ nào ra để cho người dân đỡ phẫn nộ, để cho người dân đi làm ăn. Mấy tháng vừa qua người dân ăn không ngồi rồi, không có công ăn việc làm, thất nghiệp rất nhiều”.

Chia sẻ vừa rồi của một người dân ở Hà Tĩnh, nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thảm họa cá chết hàng loạt hồi đầu tháng 4 vừa qua. Và đó cũng là những lời nhắn gửi của rất nhiều thính giả ở các tỉnh Hã Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế nhờ Đài RFA chuyển đến Chính phủ VN trong suốt gần 3 tháng dài.

Kết quả đã có

Sự mong đợi trong mòn mỏi về nguyên nhân cá chết được minh bạch cuối cùng đã được nhà nước công bố vào chiều thứ Năm, ngày 30 tháng 6 năm 2016, xác nhận công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh là thủ phạm gây ra ô nhiễm và bồi thường thiệt hại số tiền 500 triệu USD. Qua kết quả công bố chính thức này, ý kiến của quý khán thính giả và độc giả của đài như thế nào?

“Cá chết, biển ô nhiễm trầm trọng biết bao năm sau nữa mới được như ngày xưa? Thật bất công khi không đưa Formosa và những ai bao che ra truy tố trước pháp luật VN! Cuộc sống vùng ven biển của nhân dân đi về đâu trong thời gian tới và các công bố của quan chức sau này dân còn tin nữa hay không?”

Mấy chục năm nay sống được nhờ biển. Bây giờ nhờ chính phủ, nhà nước trả lại cho dân biển làm sao để thuận lợi cho dân làm ăn.
- Một thính giả

“Formosa làm sai thì Formosa phải chịu trách nhiệm đền bù đó là nguyên tắc là trách nhiệm của hậu quả Formosa làm ra họ phải bồi thường là chính đáng. Trách nhiệm đó chính là nhà nước phải có phương án để Formosa họ thực hiện đối với dân với nước. Những ai đưa Formosa vào Việt Nam thì người đó phải có trách nhiệm nặng trước dân rồi còn có những bao biện cho sau khi Formosa gây ra thảm hại rồi đang còn bao biện cho Formosa, rồi động viên dân ăn cá, đi tắm biển. Biết bao người dân bây giờ đang mong muốn đi xuất khẩu lao động cũng không được, muốn đi đâu cũng không được.”

“Formosa nhận lỗi, Đảng lãnh đạo nhận công, nhà nước và các quan tham nhận tiền, nhân dân miền Trung nhận đói khổ, còn biển nhận cái chết đau thương khó phục hồi sinh thái. Đường nào nhân dân cũng khổ cả.”

“Ông Bộ trưởng Chủ nhiệm văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết công ty Formosa đã nhận lỗi và người Việt Nam có phương châm đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại nên sẽ cân nhắc khả năng khởi tố Formosa. Vậy yêu cầu chính phủ hãy để cho người dân biểu quyết trong trường hợp này.”

Trong khi rất nhiều thính giả cho rằng Chính phủ VN cần phải khở itố Formosa theo quy định của luật pháp VN đồng thời cần phải minh bạch số tiền bồi thường vì sao là con số 500 triệu USD thì cũng có rất nhiều thính giả yêu cầu Nhà nước VN phải nghiêm trị những ai đã đánh đập, bắt bớ người biểu tình ôn hòa trong các đợt biểu tình vì môi trường biển trong sạch hồi tháng 5:

“Yêu cầu Bộ Chính trị Đảng CSVN phải nghiệm trị, đưa ra tòa án những tên ác ôn đàn áp bắt bớ đánh đập người biểu tình ôn hòa trong vụ bảo vệ môi trường vừa qua. Những người biểu tình bảo vệ môi trường vừa rồi là những người yêu nước. Đảng Cộng Sản hãy làm hòa và sửa sai lỗi lầm vừa qua của mình.”

“Yêu cầu bồi thường cho những người dân đã đứng ra phản đối Formosa. Đâu phải là chống đối nhà cầm quyền CSVN đâu mà là chống đối Formosa đã xảy chất độc ra ngoài, đòi hỏi làm cho sạch biển thì mấy anh mang người ta nhốt, đánh người ta…Bây giờ Formosa nhận lỗi rồi thì mấy anh phải bồi thường tiền thiệt hại đó.”

Sẽ bồi thường ra sao?

Qua biến cố cá chết do Formosa xả thải có chất độc hại ra biển và những diễn tiến mới nhất, Hòa Ái ghi nhận có rất nhiều thắc mắc liên quan tới vụ việc như người dân bị ảnh hưởng sẽ được bồi thường ra sao, số tiền bồi thường sẽ đến tay ngư dân không, họ được chuyển đổi nghề nghiệp như thế nào, những thợ lặn bị chất độc làm chết cũng như những ai ăn trúng cá độc chết hay bị di chứng ung thư về sau thì ai sẽ bồi hoàn và còn rất nhiều những câu hỏi khác mà Chính phủ VN cần phải trả lời cho dân chúng. Tuy nhiên, hơn ai hết chính những ngư dân dọc 4 tỉnh miền Trung, họ rất đơn sơ lên tiếng mong Nhà nước VN nhanh chóng trả lại môi trường biển như trước đây để họ mưu sinh cho cuộc sống thường nhật của mình:

Nhà máy thép Formosa tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh chụp hôm 4/12/2015. AFP photo
Nhà máy thép Formosa tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh chụp hôm 4/12/2015. AFP photo
Nhà máy thép Formosa tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh chụp hôm 4/12/2015. AFP photo

“Mấy chục năm nay sống được nhờ biển. Bây giờ nhờ chính phủ, nhà nước trả lại cho dân biển làm sao để thuận lợi cho dân làm ăn.”

“Kính chào Đài RFA, sau đây là một bài thơ của tôi, cảm tác những tâm tình của một cô giáo Nguyễn Thị Lam:

“Đất Nước Mình Chẳng Ngộ Nữa Phải Không Con?

Sao thương quá dòng suy tư vất vả

Thành nguồn thơ hối hả chảy trong tôi

Từ niềm đau gây cảm xúc bồi hồi

Đến làng chài bên đại dương rực nắng

Và tình yêu với muôn ngàn cay đắng

Lẫn ngọt ngào chút dư vị đầy vơi

Chợt thổn thức nhòa máu lệ tơi bời

Khi trùng dương bỗng bàng hoàng dậy sóng

Bởi tai ương cướp mất đi nguồn sống

Lũ ngoại nhân đã đầu độc biển khơi

Để ngư dân đêm thức trắng nghẹn lời

Nhìn biển chết mà lòng đau quặn thắt

Hỡi bạo quyền đừng bưng tai nhắm mắt

Mở lòng ra thay đổi xót thương dân

Nhóm lợi quyền đã từ lâu gây máu ăn phần

Hãy ngưng lại, trả dân lòng biển sạch

Trả những điều dối trá ghi trong sách

Lừa bịp dân về lịch sử cha ông

Đuổi giặc Tàu, oai dũng giống lạc hồng

Chớ nhu nhược thoát Trung (Trung Quốc), gìn giữ nước

Noi gương xưa bao anh hùng thuở trước

Nguyễn Huệ, Trưng Vương nào phải chuyện trong mơ

Đừng hãy sợ, đừng vô cảm, chớ ơ hờ

Để tiền nhân được an lòng yên nghỉ

Bên kia đời cùng cháu con thủ thỉ

Đất nước mình chẳng ngộ nữa phải không con?”

Formosa nhận lỗi, Đảng lãnh đạo nhận công, nhà nước và các quan tham nhận tiền, nhân dân miền Trung nhận đói khổ, còn biển nhận cái chết đau thương khó phục hồi sinh thái. Đường nào nhân dân cũng khổ cả.
- Một thính giả

Trong tuần qua, Hòa Ái nhận được một vài chia sẻ bày tỏ sự nghi ngờ về chính sách phát triển của VN có hiệu quả thực sự hay không khi mà hàng loạt các dự án đầu tư không hề mang lại lợi ích nào cho quốc gia mà hiện tại những hậu quả khôn lường hiển hiện trút xuống đời sống của dân chúng VN ngày một nghiêm trọng, điển hình nhất là vụ thảm họa cá chết ở miền Trung. Đồng thời, nhiều vị thính giả từ trong nước tâm tình với Hòa Ái rằng họ thật sự sống trong khủng hoảng, “khủng hoảng niềm tin” và một khi họ cất lên tiếng nói vì sự sinh tồn của họ thì lại bị quy chụp với nhiều tội danh, nặng nhất là tội “phản động”. Thật là thương cảm khi nghe những tâm tình như vầy của đồng bào mình, phải không quý vị?

Trong thời gian còn lại của chương trình hôm nay, mời quý vị cùng nghe tin nhắn này:

“Chào cô Hòa Ái! Tôi là cư dân ở tiểu bang Florida. Tôi có ý kiến như thế này, nước VN bây giờ không có tự do-dân chủ-nhân quyền gì hết. Chúng ta tranh đấu cho VN được hoàn toàn tự do, có nhân quyền thì có nhiều cách. Nhưng tôi có một cái ý kiến là nên làm thỉnh nguyện thư để xin chữ ký xin VN gia nhập vào tiểu bang thứ 51 của Hoa Kỳ, chứ bây giờ tôi thấy tổng thống Obama sang VN được dân chúng VN đón tiếp rất là nồng hậu và hướng về nước Mỹ rất nhiều. Theo tôi nghĩ nếu mà được gia nhập vào một tiểu bang của Hoa Kỳ thì chúng ta có tất cả tự do, dân chủ. Đất nước chúng ta vẫn còn, chúng ta vẫn nói tiếng Việt và chúng ta sẽ bầu lên một thống đốc tiểu bang VN. Trung cộng sẽ không dám làm một cái gì hết, không dám đụng vô. Mong cô Hòa Ái cho tôi biết ý kiến này như thế nào. Chào cô.”

Hòa Ái cảm ơn vị thính giả không nêu tên ở Florida gửi về đài ý kiến vừa rồi. Hòa Ái chờ đợi nhận được nhiều ý kiến của quý thính giả khắp nơi gửi về liên quan đến ý kiến này.

Quý thính giả có thể liên lạc qua email tại địa chỉ vietweb@rfa.org hoặc hoaai@rfa.org, hoặc qua hộp thư thoại tại số 202-530-7775.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.