Trao đổi Thư tín ngày 26.8.2016

Hòa Ái, phóng viên RFA
2016.08.27
hop.jpg Hội nghị công bố biển Miền Trung đã sạch hôm 22/8/2016.
Photo courtesy of nld.com

Sau biến cố thảm họa môi trường biển do nhà máy thép Formosa Hã Tĩnh gây ra ở vùng biển bốn tỉnh miền Trung hồi đầu tháng 4, cuối cùng thì câu hỏi của người dân muốn biết khi nào biển sạch trở lại đã được cơ quan chức năng trả lời vào ngày 22 tháng 8 tại hội nghị công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế.

Theo Bộ Tài nguyên- Môi trường thì vùng biển miền Trung đã đạt chuẩn an toàn để tắm và nuôi trồng thủy sản. Nhằm minh chứng cho công bố đó, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã tắm biển và thưởng thức hải sản ở bãi biển Cửa Việt. Ông Bộ trưởng Trần Hồng Hà còn ví von là “Biển đẹp, biển an toàn thì tại sao lại không tắm biển”.

Đài RFA ghi nhận ý kiến của đa số người dân trong nước bày tỏ không chỉ nỗi thất vọng mà còn cả sự phẫn nộ trước thông tin và việc làm vừa nêu của giới chức lãnh đạo. Quý khán thính giả và độc giả của đài phản ứng như thế nào?

Công bố kết quả môi trường biển 4 tỉnh miền Trung cũng giống như công bố kết quả bầu cử Quốc Hội mà thôi.”

“Phải rồi, sạch lắm, sạch thiệt mà! Sạch bóng ngư dân và du khách đấy!”

“‘Đạt chuẩn an toàn để tắm và nuôi trồng thủy sản’. Trời ơi, ngôn ngữ trí thức quá, mà là trí thức nhà quê!”

“An toàn cái gì mà an toàn? Tin tức mị dân thì có. Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố biển miền Trung nuôi trồng thủy sản an toàn. Bộ Y Tế tuyên bố chưa đủ bằng chứng chứng minh hải sản ở vùng biển thuộc bốn tỉnh miền Trung là an toàn. Vậy thì nên tin ai? Không một vua chúa nào thương dân bằng cách lừa dân ăn thức ăn có độc trong đó, trừ quan chức lãnh đạo Việt Nam. Đất nước này thật là lạ quá!”

“Đất nước này quả thật là lạ lùng! Khoa học chưa công nhận thì ông Bộ trưởng Trần Hồng Hà công bố biển sạch theo kiểu rộng mồm đã 40 năm qua; nghĩa là Chính trị vẫn còn nặng nề nên đi trước, Kinh tế và Khoa học lẽo đẽo theo sau.”

Xin ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xem xét mà đóng cửa Formosa vĩnh viễn. Chất thải công nghiệp của Formosa rồi sẽ thải đi đâu, nếu không thải ra biển thì cũng thải trên bờ.
- Một thính giả

“Chất độc màu da cam 50 năm rồi mà giờ vẫn còn tồn đọng còn độc tố do Formosa xả ra biển thì chỉ mới có 5 tháng thôi mà biển đã hồi sinh.”

“Hành động của giới lãnh đạo không phải lo cho an toàn của dân mà muốn duy trì Formosa. Bởi vì Formosa rất cần cho túi tiền của họ, còn dân bị chết hay không có việc làm thì đâu có liên can gì đến họ?”

“Hiện tại họ vẫn đang giấu thông tin trong nước cho nên điều đó không thể tin được. Ví dụ, Bộ Tài nguyên-Môi trường thì bảo làm theo chức trách của họ; còn đánh giá kết quả của việc làm đó là Bộ Y Tế. Tất cả những chuyện đấy thì cứ đổ trách nhiệm cho nhau. Và thứ hai nữa là chưa dám minh bạch thông tin mà điều này là quan trọng nhất. Tất nhiên, người dân quá hiểu rồi và người ta không quá tin vào những tuyên bố như thế này.”

“Việc mà các ông quan chức nói biển đã tự đào thải và vùng biển các tỉnh miền Trung đã hết độc rồi nên có thể du lịch, tắm biển đều được hết. Tuy nhiên quên rằng ngay những ngày đầu nóng bỏng khi mới xảy ra thảm họa Formosa thì lãnh đạo của Đà Nẵng hay của Vũng Áng, Kỳ Anh vẫn khuyên vẫn khuyên dân ăn cá và tắm biển nhưng kết quả là người dân gặp thảm họa. Đến bây giờ những người khuyên dân đó đâu có chịu trách nhiệm. Ngay từ đầu họ nói Formosa không phải là thủ phạm nhưng cuối cùng Formosa nhận là thủ phạm rồi. Đến nay vẫn còn thông tin người dân ăn cá vẫn còn nhiễm độc và sinh bệnh. Cho nên những lời tuyên bố này của các ông lãnh đạo có đáng tin cậy hay không? Vì thế ‘Formosa nhận lỗi-Đảng nhận tiền-Nhân dân nhận thảm họa’ vẫn tiếp tục như vậy.”

Chia sẻ của quý thính giả vừa rồi khẳng định rằng không có ai chịu trách nhiệm về thảm họa môi trường do Formosa gây ra ở Việt Nam. Trong khi đó, về phía Chính phủ Hà Nội, vào hôm 24 tháng 8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ trích cán bộ các ban, ngành vô trách nhiệm trong biến cố Formosa. Thủ tướng Việt Nam tuyên bố sắp đến những bộ trưởng, chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp phải chịu trách nhiệm về môi trường trong phạm vi quản lý được giao. Lời tuyên bố này càng gây nên sự căm phẫn trong dư luận vì cho rằng giới chức lãnh đạo Việt Nam diễn một vỡ kịch lố bịch khi chính quyền không trung thực và minh bạch thì dân chúng càng mất niềm tin vào Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Ngư dân miền Trung. Photo courtesy of nguyentandung.org
Ngư dân miền Trung. Photo courtesy of nguyentandung.org
Ngư dân miền Trung. Photo courtesy of nguyentandung.org

Tiếp theo là một số ý kiến của quý khán thính giả và độc giả nhờ Đài Á Châu Tự Do chuyển đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

“Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tắm biển và ăn hải sản rồi kết luận biển sạch thì còn chịu trách nhiệm gì nữa, thưa ông thủ tướng?”

“Thưa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông có trả lời được những thắc mắc này không: Ai chịu trách nhiệm cho việc đầu độc đồng bào bằng hóa chất? Ai chịu trách nhiệm cho nhà thầu và công nhân Trung Quốc tràn sang Việt Nam hủy hoại môi trường biển, đất, không khí? Ai chịu trách nhiệm cho việc cướp đất phá nhà của dân? Ai chịu trách nhiệm cho công an trong việc đàn áp, bắt bớ, sát hại, vu oan dân vào tù? Ai chịu trách nhiệm cho vơ vét tài sản của cải để dân nghèo đói?”

“Việc gì ông Thủ tướng Phúc phải nói nhiều? Sao không khởi tố Formosa tội hủy hoại môi trường và khởi tố các cán bộ có liên quan?”

“Nếu chính phủ không giải quyết triệt để nguy cơ ô nhiễm biển thì ngành thủy sản Việt Nam có thể mất trắng các hợp đồng xuất khẩu hải sản ra thị trường thế giới và các kế hoạch phòng vệ biển Việt Nam đối mặt với nhiều nguy cơ rủi ro.”

“Xin ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xem xét mà đóng cửa Formosa vĩnh viễn. Chất thải công nghiệp của Formosa rồi sẽ thải đi đâu, nếu không thải ra biển thì cũng thải trên bờ. Nếu lấy hết độc tố trước khi cho ra biển để không gây ô nhiễm môi trường thì phải xây nhà máy với kinh phí lớn mà công ty không thể nào chịu nỗi. Xin các ông tính lại, không thể đánh đổi mạng sống của người dân để có thép. Lợi nhuận Formosa huởng, còn Việt Nam chỉ được ít tiền thuế mà thôi.”

Mong ông thủ tướng đương nhiệm nói được thì làm được. Nói thì dễ lắm, còn làm thì không biết dân sẽ chờ đến bao giờ. Đất nước Việt Nam này lãnh đạo như ông đều nói được và làm được thì dân đã không đói khổ như bây giờ. Ông nói ‘lãnh đạo phải chịu trách nhiệm’, vậy ông cần nêu hẳn tên từng lãnh đạo, chịu trách nhiệm phần nào. Nếu ông không làm được thì ông sẽ chịu trách nhiệm ra sao? Thực ra, người dân chúng tôi không phải là không có ý thức, nhưng lãnh đạo không minh bạch, không trong sạch thì làm sao kêu gào được lòng dân, thưa ông Nguyễn Xuân Phúc.”

Người dân than khóc

Trong tuần qua, qua trang Facebook RFA, nhiều thính giả chia sẻ thật là xót xa khi nghe tiếng hát ai oán của những ngư dân ở Hà Tĩnh rằng “Ai về cửa khẩu Kỳ Anh, mà cá chết đầy bãi, mà đau lòng anh hỡi ơi nàng!”. Không những vậy, quý thính giả còn bày tỏ lòng đau quặng thắt trước những cảnh đời cơ hàn của người dân ở Thanh Hóa bị quan chức địa phương bắt đóng nhiều loại thuế và phí, nào là cho “Quỹ An ninh Quốc phòng”, “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, “Quỹ Phòng chống Thiên tai”, “Phí Vệ sinh Môi trường”… chẳng khác nào hình ảnh “Chị Dậu” trong tác phẩm Tắt Đèn của Ngô Tất Tố vào thời Thực dân Pháp hồi đầu thế kỷ trước.

Thính giả Linh Đinh cho biết ở cấp xã mà còn bày vẽ vạch ra công trình nọ kia để vận động dân góp tiền cho “xã hội hóa nông thôn mới”, trong đó hộ nghèo cũng phải đóng. Thính giả Pham Van Hai lên tiếng rằng “Dưới thời Thực dân Pháp, người dân Việt Nam ta thán vì một loạt thuế, trong đó có thuế thân...Nhưng thật ra những loại thuế này chẳng khác nào so với các loại thuế, phí mà người dân đang phải è lưng gánh chịu để nuôi các đảng viên Đảng Cộng sản ngày ngày ăn nhậu và làm giàu”. Và nhiều thính giả kêu than không rõ Trời cao có thấu!

Quan to chức lớn tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam bạc trăm triệu bạc tỷ, gửi tiền ra nước ngoài mua nhà mua cửa, làm đủ thứ chuyện ở nước ngoài trong khi người dân ‘nghèo xác mồng tơi-nghèo rơi con mắt’...
- Một thính giả

“Quan to chức lớn tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam bạc trăm triệu bạc tỷ, gửi tiền ra nước ngoài mua nhà mua cửa, làm đủ thứ chuyện ở nước ngoài trong khi người dân ‘nghèo xác mồng tơi-nghèo rơi con mắt’, họ thiếu một chút thuế mà không biết là thuế gì? Thuế các ông tự đặt ra rồi chụp lên đầu người dân tòan cõi Nam-Trung-Bắc của Việt Nam, bắt buộc họ đóng. Đóng rồi thì các ông dùng tiền đó xài phí, xài phạm, ra nước ngoài ăn chơi du hý thì không sao. Trong khi người dân quá là đói ‘cơm ăn không đủ no-áo co không đủ ấm’ mà người dân lỡ thiếu thuế một chút đỉnh; thay vì các quốc gia trên thế giới có lòng nhân đạo nên giúp đỡ cho vấn đề an cư xã hội; chớ ai đời như các ông còn đi tận thu cả cái giường, xiết cả quần áo của người ta. Trời đất ơi, các ông ơi!”

Trong thời gian còn lại của chương trình, Hòa Ái chuyển đến tin nhắn của thính giả Brian Tran:

“Xin chào Hòa Ái. Đây là thông tin rất quan trọng cho một người lính Việt Nam Cộng Hòa. Có 1 gia đình ở Xuân Lộc, Đồng Nai, trong lúc đào đất để làm nền nhà đã thấy một bộ hài cốt kèm theo tấm thẻ bài với tên Võ Văn Hiếu, số quân là SQ 61-18 1497. Tạm thời họ đã đưa hài cốt này vào chùa cho nên họ nhờ các đài bên Mỹ liên lạc để giúp những gia đình nào có người con đang thất lạc bao nhiêu năm qua.”

Quý vị có thể liên lạc qua email tại địa chỉ vietweb@rfa.org hoặc hoaai@rfa.org, hoặc qua hộp thư thoại tại số 202-530-7775.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.