Trao đổi Thư tín ngày 25.9.2016

Hòa Ái, phóng viên RFA
2016.09.25
000_GD9BO Blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy tại phiên tòa phúc thẩm ở Hà Nội ngày 22/9/2016.
AFP PHOTO

“Tuần của những phiên tòa”

Những ai quan tâm sát sao tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, pháp luật… ở Việt Nam gọi tên cho tuần qua là “tuần của những phiên tòa”. Không những thế, chính những người dân trong nước cho rằng Việt Nam trong tháng 9 kỷ niệm 71 năm độc lập, dân chủ và công bằng với các phiên tòa đầy bất công.

Vào ngày 22 tháng 9 năm 2016, tại Hà Nội, phiên tòa phúc thẩm tuyên y án tổng cộng 8 năm tù giam đối với chủ trang blog Anhbasam, ông Nguyễn Hữu Vinh và người cộng sự của ông, là bà Nguyễn Thị Minh Thúy theo Điều 258 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Trước đó hai ngày, cũng tại Hà Nội, Tòa án Nhân dân Quận Đống Đa tuyên bà Cấn Thị Thêu 20 tháng tù giam với cáo buộc tội “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245.

Ông Nguyễn Hữu Vinh, bà Nguyễn Thị Minh Thúy và bà Cấn Thị Thêu phải chịu án tù vì họ thực hiện những quyền căn bản được quy định trong Hiến pháp Việt Nam về nhân quyền và dân quyền. Họ cất lên tiếng nói trung thực về những gì đang diễn ra trong xã hội. Họ đòi hỏi cho các quyền lợi chính đáng của mình đã bị tước đi. Họ dấn thân để góp một bàn tay vì đất nước văn minh, tiến bộ…Thế nhưng đối với chính quyền, họ là những người phạm pháp.

Chúng tôi ủng hộ các bạn đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình! Cần phải đòi lại công bằng, đòi bồi thường thiệt hại minh bạch cho người dân!
-Thúy Hạnh Nguyễn

Trong khi đó, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng tuyên giảm án cho các bị can trong vụ án “Năm công an đánh chết người” tại phiên phúc thẩm vào ngày mùng 7 tháng 9 năm 2016. Mặc cho cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ đạo xử nghiêm vụ án nhưng công luận bày tỏ sự phẫn nộ tột cùng với kết quả của phiên phúc thẩm này.

Ba phiên tòa trong tháng 9 mà công luận đặc biệt quan tâm đã diễn ra với kết quả được dự đoán trước vì dân chúng ở Việt Nam không mấy ai tin vào pháp luật được thực thi trên đất nước họ đang sinh sống, như thính giả Vân Nguyễn than rằng “Thương cho người dân quê hương tôi, công quyền, công lý không dành cho phía họ, mà chỉ dành riêng cho những kẻ lắm quyền và nhiều tiền!”

Thưa quý thính giả, thông tin về hàng trăm nạn nhân của thảm họa môi trường biển Bắc miền Trung do tập đoàn Formosa gây ra, vào ngày 26 tháng 9, sẽ nộp đơn khởi kiện lên Tóa án Thị xã Kỳ Anh đòi minh bạch cho người dân. Vụ kiện này sẽ diễn ra như thế nào? Tòa án sẽ thụ lý và xét xử ra sao? Dư luận và quý khán thính giả cùng độc giả Đài RFA tập trung theo dõi vụ kiện tụng trong những ngày tới. Tiếp theo đây, Hòa Ái trích đăng một vài ý kiến liên quan:

Thính giả Thúy Hạnh Nguyễn lên tiếng:

Chúng tôi ủng hộ các bạn đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình! Cần phải đòi lại công bằng, đòi bồi thường thiệt hại minh bạch cho người dân!”

Thính giả Net Thi Luong đặt câu hỏi:

“Toà án nào ở Việt Nam cũng phải theo định hướng và quy trình. Kiện ai và ai xử?”

Thính giả Kenny Cao kêu gọi:

“Cần phải kiện ra Tòa án Quốc tế, chứ không thể kiện ở Tòa án Việt Nam. Bởi vì Formosa có thể mua chuộc quan tham hết rồi, có đi kiện cũng mất công mà thôi.”

Thính giả Văn Vũ Hiệp lo ngại:

“Thật là khó cho bà con vì đi kiện rồi lại thành bị kiện với cáo buộc ‘tụ tập, khiếu kiện đông người’.”

Và thính giả Chi Trần khẳng định không có gì để lo lắng vì: “Nếu người dân Việt Nam bị xử tù vì đấu tranh cho các quyền lợi chính đáng của mình và nếu nhà tù Việt Nam có rất nhiều phạm nhân như bà Cấn Thị Thêu thì tôi tin rằng lịch sử đất nước mình đã đến hồi sang trang.”

Sự kiện chưa hề có tiền lệ trong Đảng CSVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại kỳ họp đầu tiên quốc hội khóa 14 hôm 20/7/2016. (ảnh minh họa)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại kỳ họp đầu tiên quốc hội khóa 14 hôm 20/7/2016. (ảnh minh họa)
AFP

Trong tuần qua, sự kiện chưa hề có tiền lệ trong Đảng Cộng sản Việt Nam, là Bí thư Nguyễn Phú Trọng quyết định tham gia Đảng uỷ và Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương, đặc biệt gây chú ý cho dư luận trong và ngoài nước. Nhiều thính giả Đài Á Châu Tự Do tỏ ra đồng tình với nhận định của Tiến sĩ Hà Sĩ Phu khi ông cho rằng:

“Ông Nguyễn Phú Trọng muốn nắm luôn cả công an là vì thế này: dư luận người ta biết lúc đầu, ông Trần Đại Quang tưởng đã đi theo ông Trọng một cách tuyệt đối, nhưng không phải. Càng ngày người ta càng thấy trong nội bộ của họ có những phân hoá, cho nên ông Nguyễn Phú Trọng, có thể nói người mà ông ấy muốn diệt nhất, trung tâm là ông Nguyễn Tấn Dũng. Sau Đại hội XII, tưởng là ông Nguyễn Tấn Dũng mất hết quyền lực, nhưng nghĩ vậy thôi, chân rết của ông ấy còn nhiều. Thứ hai nữa ngày càng có biểu hiện là công an cũng muốn bảo vệ ông Dũng đấy, chứ không phải chuyện đùa. Cho nên muốn đánh ông Dũng thì cũng phải nắm luôn cả công an. Chắc chắn như thế.”

Hòa Ái ghi nhận có rất nhiều ý kiến của quý khán thính giả cùng độc giả gửi về đài trong tuần qua cho rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất quyết tâm trong chiến dịch bài trừ tham nhũng và họ cho biết đang trông chờ những phiên tòa mà có thể sẽ được xử “đúng người đúng tội” một cách thích đáng.

“Nhân dịp Đảng Cộng sản Việt Nam do sự điều khiển của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ra lệnh coi như là tẩy chay cũng như đẩy Trịnh Xuân Thanh là một tay tham nhũng ra khỏi đảng. Tôi thấy việc này chỉ là chuyện cỏn con mà thôi. Ông Nguyễn Phú Trọng lúc trước hay nói cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cản trở những chuyện ông muốn mà gọi là ‘đả hổ diệt ruồi’, theo gương của Chủ tịch Nhà nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Vậy thì, tôi hy vọng ông phải mang người là ‘tay gộc’ chuyên môn tham nhũng rất là nhiều, con hổ đó là Nguyễn Tấn Dũng; phải đưa ra ánh sáng, đưa ra tòa để trừng trị.”

Làm sao chống tham nhũng khi bộ máy Nhà nước kết bè phái từ trên xuống dưới, ăn chia có quy ước. Đánh một kẻ tham nhũng thì lòi ra trăm tên khác. Còn gì là Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo?
-Nguyen Chan

Trong khi nhiều thính giả kỳ vọng sẽ có các phiên tòa công minh xét xử những “con sâu mọt” tham nhũng tại Việt Nam thì cũng có rất nhiều thính giả khác bày tỏ rằng các phiên tòa như thế sẽ chẳng bao giờ diễn ra vì Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam tuyên bố tham nhũng tại Việt Nam đang ổn định và số vụ được phát hiện ngày càng ít. Qua trang Facebook RFA, thính giả Nguyen Chan viết là: “Làm sao chống tham nhũng khi bộ máy Nhà nước kết bè phái từ trên xuống dưới, ăn chia có quy ước. Đánh một kẻ tham nhũng thì lòi ra trăm tên khác. Còn gì là Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo?" Hòa Ái xin được kết thúc chương trình hôm nay với lời chia sẻ của thính giả Nguyễn Công Sáng rằng “Chống tham nhũng ở Việt Nam, chỉ là giấc mơ ngọt ngào mà thôi.”

Mục “Trao đổi Thư tín” đến đây xin tạm dừng. Trước khi dứt lời Hòa Ái xin được trả lời thắc mắc của thính giả Nguyễn Tấn Nguyễn, hỏi tại sao không thể gửi bình luận qua trang web của đài Á Châu Tự Do, vì

luôn có báo lỗi là "Bạn nhập không đúng các ký tự" trong khi đã điền đầy đủ thông tin vào các ô trống. Quý thính giả quý mến, quý vị lưu ý cần phải bấm vào khung có ghi dòng chữ “Tôi không phải người máy”, trước khi bấm vào khung “Gửi đi”.

Hòa Ái kính mong là qua lời giải đáp này, Đài RFA sẽ nhận được nhiều lời bình luận hơn nữa cho các tin, bài được đăng tải trên trang nhà của Ban Việt ngữ. Hòa Ái cũng kính mong quý khán thính giả và độc giả tiếp tục liên lạc với đài cũng như đóng góp ý kiến về các vấn đề quý vị quan tâm. Quý vị có thể liên lạc qua email tại địa chỉ vietweb@rfa.org hoặc hoaai@rfa.org, hoặc qua hộp thư thoại tại số 202-530-7775.

Cảm ơn thời gian theo dõi của quý vị trong mục “Trao đổi Thư tín”. Kính chúc quý vị một ngày mới an lành. Hòa Ái chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong chương trình này lần sau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.