Trao đổi thư tín với thính giả (07.11.2014)

Hòa Ái, phóng viên RFA
2014.11.07
043_dpa-pa_10780830.jpg Bức tường Berlin bị phá hôm 9/11/1989.
AFP photo

 

25 năm bức tường Berlin sụp đổ

Những ngày qua, nước Đức kỷ niệm 25 năm bức tường Berlin dài 155 km sụp đổ trong niềm hân hoan vô bờ của dân chúng 2 miền Đông và Tây Đức bị chia cắt hơn một phần tư thế kỷ. Trong chương trình hôm nay, Hòa Ái trích đăng các ý kiến xoay quanh sự kiện này. Trước hết là chia sẻ của cộng đồng người Việt ở Đức:

“Nhìn lại mình mới thấy đây là một biến cố lịch sử, không ai có thể nghĩ đến bức tường Berlin có thể đổ nhanh như vậy. 25 năm nhìn lại cuộc cách mạng ôn hòa này, nước Đức đã thống nhất không đổ máu, không có tiếng súng. Sự may mắn này thì thế giới họ cho rằng đó là một phép lạ, một sự may mắn kỳ diệu cho nước Đức”.

“Cảm nghĩ của tôi thực sự là bình an. Mọi người đều có sự công bằng trước pháp luật và trước cơ quan công quyền Nhà nước. Ai cũng được quyền tự do tham gia và việc của Nhà nước. Đó là giá trị mà tôi cảm thấy may mắn, hạnh phúc được sống trong một nền tự do”.

“Hai người bây giờ nắm giữ chức vụ quyền lực cao nhất là ông Tổng thống Đức và bà Thủ tướng Merkel, là người xuất thân ở vùng Đông Đức. Chính vì những hoạt động đảng phái mà họ có tầm nhìn xa như vậy, đã đóng góp một phần nào vào sự phát triển của nước Đức. Họ đã không có chuyện tù đày, trại cải tạo hay đàn áp. Nếu so với sự thống nhất ở VN thì họ đã khôn khéo nhìn ra những vấn đề đó để phát triển nước Đức, một trong những cường quốc-ít nhất là cường quốc về kinh tế trên thế giới hiện nay”.

Nhìn lại mình mới thấy đây là một biến cố lịch sử, không ai có thể nghĩ đến bức tường Berlin có thể đổ nhanh như vậy.
-Một thính giả ở Đức

“Tôi chỉ có mỗi một so sánh nhỏ trong đời đó là người ta cũng đấu tranh để thống nhất nước Đức nhưng mà người ta đã thống nhất bằng một cách rất khôn ngoan, không bị thương tổn nhiều, không như VN mình”.

“Chính người dân Đông Đức đã tự định đoạt số phận của mình. Họ kiên trì tranh đấu cho tự do dân chủ, bất chấp tù đày. Vấn đề chuyển hóa tại VN là phải do chính người dân mình tự quyết định vận mạng của mình”.

Tiếp theo là những tiếng nói của cộng đồng người Việt khắp nơi:

“Mừng cho người dân Đông Đức. Cảm ơn Đảng Cộng Sản Đông Đức đã vì dân mà bỏ đi lợi ít nhóm”.

“Ý dân là ý Trời. Đây mới gọi là ‘dân chủ’ theo đúng ý nghĩa của nó”.

“Nước Đức thống nhất vô cùng ngoạn mục. Có những cuộc thống nhất trả giá quá đắt bằng sinh mạng hàng triệu người vô tội”.

“Mừng cho nước Đức một nửa tối tăm đã trở nên sáng sủa hoàn toàn. Nghĩ mà buồn cho quê tôi. Một nửa tối tăm đã trở thành tối tăm hoàn toàn”.

“Lãnh đạo nước Đức thống nhất 2 miền trong tình đoàn kết, thương yêu của nhân dân 2 miền. Đúng là người Đức rất thông minh! Còn đất nước ta thống nhất đầy tan thương và thù hận. Cho đến bây giờ vẫn còn phân chia giai cấp, chế độ, quyền lực, tuyên truyền thì làm sao mà người dân yên tâm được”.

“Đất nước đã thống nhất được 40 năm, bên nào đúng bên nào sai hãy để lịch sử phán xét. Nhưng có một sự thật là sau 40 năm thống nhất, VN vẫn là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Chúng ta chỉ ngủ quên trong chiến thắng như thể ăn mày dĩ vãng. Các dư luận viên thì lúc nào cũng bảo thủ biện hộ nào là xuất phát điểm thấp, nào là chiến tranh. Hãy nhìn những nước cũng phải chịu chiến tranh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan kinh tế của họ giờ thế nào. Chính phủ thì cũng chỉ biết ‘quan ngại sâu sắc’, ngày càng ảnh hưởng Trung Cộng, cho phép khai thác bauxite Tây nguyên, Vũng Áng...Đâu đâu cũng có người Trung Quốc. Từ sai lầm của các nhà lãnh đạo thế hệ trước mà dẫn đến hệ luỵ lâu dài. Ải Nam Quan, thác Bản Dốc, Hoàng Sa, Đảo Gạc Ma... bao giờ mới về đất mẹ? Ôi nói ra thì không hết lại còn bị gán cho tội phản động. Cái gì không đúng theo quy luật tất yếu của lịch sử sẽ bị đào thải”.

“Thực tế và lịch sử đã chứng minh con đường ‘Xã hội Chủ nghĩa’ là sai lầm”.

“Sớm hay muộn thì cũng phải đi theo tư bản. Ai cũng hiểu điều này trừ những người chậm tiến bộ hoặc những ‘con ếch ngồi đáy giếng’ mà thôi”.

“Hy vọng VN mình sẽ có 1 ngày không còn Cộng Sản nữa!”

Thủ tướng Việt Nam thăm Đức

Một chế độ chỉ bắt những người dân lành để làm quà trao đổi xin viện trợ của nước tư bản đang giãy chết mà không biết nhục. Thiên đường ‘Xã hội Chủ nghĩa’ như vậy sao?
-Một thính giả

Thưa quý thính giả, vài ngày trước khi người dân Đức kỷ niệm sự kiện 25 năm bức tường Berlin “ô nhục” sụp đổ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng viếng thăm Đức, với lời phát biểu:“Chúng tôi tin rằng nhân quyền, tự do, dân chủ là xu hướng không thể đảo ngược và là đòi hỏi khách quan của xã hội loài người. VN không phải ngoại lệ, không đứng ngoài xu thế này”. Không lâu sau chuyến công du đến Tây Âu và Tòa thánh Vatican, tình hình dân chủ nhân quyền VN có nhiều biến động, gây sự chú ý của công luận quốc tế như tù nhân lương tâm-Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải bị tống xuất từ trại giam thẳng sang Hoa Kỳ; công bố bản kết luận điều tra Blogger Basam Nguyễn Hữu Vinh và người cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy, khởi tố theo điều 258 Bộ Luật Hình sự Việt Nam; nhiều tù nhân lương tâm liên tiếp bị cô lập, sách nhiễu…khiến dư luận hoài nghi về lời phát biểu của người đứng đầu Chính phủ VN.

Sau đây Hòa Ái trích đăng một số ý kiến liên quan:

“CSVN luôn xem những nhà hoạt động dân chủ và những người yêu nước VN là ‘thế lực thù địch’. Nhà cầm quyền CSVN thẳng tay đàn áp”.

“Cô lập là để họ không còn một cơ hội nào đưa tin ra bên ngoài, để cho thế giới bên ngoài khỏi biết những chuyện xấu xa của Đảng và Nhà nước. Sách nhiễu là để chính bản thân người đó sợ đừng làm nữa và gia đình người đó cảm thấy phiền phức để khuyên người đó đừng làm những chuyện không có lợi cho Đảng và Nhà nước”.

“Một chế độ chỉ bắt những người dân lành để làm quà trao đổi xin viện trợ của nước tư bản đang giãy chết mà không biết nhục. Thiên đường ‘Xã hội Chủ nghĩa’ như vậy sao?”

“Thật buồn cho đất nước khi những tiếng nói bất đồng bị đối xử như vậy!”

“Quan trọng Nhà nước cũng phải nghe tiếng nói của dân, dân sai thì giải thích cho dân hiểu. Còn Nhà nước sai thì phải sửa đổi. Nếu được vậ, ai thắc mắc chi nữa” .

Cần phải hiểu rõ định nghĩa ‘dân chủ’ theo kiểu Cộng Sản là thế nào trước khi có kết luận VN đi theo lối ‘dân chủ’ kiểu ta thường nghĩ”.

“Chúng ta sẽ có dân chủ, tự do nhưng mà là dân chủ tự do trong khuôn khổ của Đảng CSVN đề ra”.

Thượng nghị sĩ gốc Việt Janet Nguyễn

Janet Nguyễn, người phụ nữ gốc Việt đầu tiên trở thành thượng nghị sĩ tiểu bang California.
Janet Nguyễn, người phụ nữ gốc Việt đầu tiên trở thành thượng nghị sĩ tiểu bang California.
Photo Ngọc Lan, RFA

Trong tuần qua, tại Hoa Kỳ, Quốc hội California chào đón Thượng nghị sĩ gốc Việt đầu tiên-cô Janet Nguyễn, Hòa Ái chuyển một vài thông điệp của quý khán thính giả cùng độc giả đến Thượng nghị sĩ Janet Nguyễn:

“Chúc mừng Janet. Là người Việt, chúng tôi tự hào vì cô. Cô là người tiên phong, là tấm gương cho những chính khách gốt Việt trong tương lai. Là người Mỹ, chúng tôi tin tưởng và trông đợi năng lực của cô”.

“Chúc mừng cô Janet Nguyễn. Tôi tin cô đã và sẽ hết lòng phục vụ cho cộng đồng và chắc rằng mọi người sẽ ủng hộ cô cho những chức vụ dân cử cao hơn trong tương lai. Cô là một trong những người gốc Việt mà tôi ngưỡng mộ cũng như Tướng Lương Xuân Việt. Hoan hô hậu duệ của người Việt tị nạn Cộng Sản”.

Chúng ta đã làm nên lịch sử hôm nay tại Mỹ. Phổ thông đầu phiếu là mơ ước của cách mạng dù ở Hồng Kông, là ước mơ của người dân Việt Nam cho tự do và dân chủ”.

Trong phần cuối chương trình, mời quý thính giả nghe tin nhắn của 1 thính giả ở bang Oklahoma, Hoa Kỳ:

“Chào chị Hòa Ái. Tôi tên Nguyễn Thị Vĩnh Diệc, trú ngụ ở tiểu bang Oklahoma. Tôi mới nghe được bài hát ‘Anh của em ơi’ của ca nhạc sĩ Nguyệt Ánh trên trang mạng Dân Làm Báo. Tôi ước ao đài có thể phát bài này cho chị Tân, vợ của anh Điếu Cày ở VN. Tôi xin gửi lời hỏi thăm sức khỏe đến tất cả anh chị em trong đài. Cảm ơn rất nhiều. Chào chị”.

Thể theo lời yêu cầu, Hòa Ái kính chuyển nhạc phẩm “Anh của em ơi” do ca nhạc sĩ Nguyệt Ánh sáng tác và trình bày đến bà Dương Thị Tân và những người vợ quả cảm của các tù nhân lương tâm đấu tranh vì tự do dân chủ cho VN.

“Anh của em ơi! Ở nơi ấy chắc đang giao mùa? Trời đang nắng hay đang sương mù? Những con đường có ướt mưa thu? Em ở nơi đây, chiều quá rét run đôi vai gầy. Chiều nay kéo lê thân đọa đày, vẫn âm thầm gạt nước mắt đêm mai...

Em và con thơ, bạn thân cũ thiết tha mong chờ. Biển Đông dẫu cách ngăn đôi bờ. Hãy mang về nắng ấm tự do”.

Mục “Trả lời Thư tín” đến đây xin tạm dừng. Kính mong quý khán thính giả cùng độc giả tiếp tục gửi về đài những ý kiến đóng góp cũng như những chia sẻ về các vấn đề mà quý vị quan tâm. Quý thính giả có thể gửi email qua địa chỉ vietweb@rfa.org hoặc hoaai@rfa.org. Ngoài ra, quý vị có thể gọi vào hộp thư thoại tại số 202-530-7775.

Hòa Ái xin kính chào và hẹn gặp lại trong chương trình này lần sau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.