Trao đổi Thư tín ngày 03.12.2016

Hòa Ái, phóng viên RFA
2016.12.03
tau-ca-622.jpg Ảnh minh họa
Courtesy thanhhoa24h.com

Ngư dân Việt không được tiếp cứu ở Biển Đông

Trong tuần qua, hai tàu cá Quảng Ngãi cùng 20 người, bao gồm thuyền trưởng và thuyền viên trôi lênh đênh trên vùng Biển Đông do tàu chết máy suốt mấy ngày qua vẫn chưa được tiếp cứu; và một tàu đánh cá của ngư dân Thanh Hóa bị một tàu cá của Trung Quốc đâm rồi bỏ chạy, khiến một thuyền viên rơi xuống biển mất tích. Một lần nữa, dư luận bày tỏ bức xúc khi nghe tin Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cho biết cố gắng liên lạc với các tàu cá đánh bắt trong khu vực tìm cách giúp đỡ 2 tàu cá bị nạn nhưng không có tàu cá nào ở gần khu vực đó.

“Tại sao Cộng sản Việt Nam-các anh nhận được viện trợ của Nhật, được người Mỹ cố vấn, được các nước Âu Châu viện trợ và chỉ vấn thì các anh phải tuân thủ theo. Lúc tàu cá Việt Nam ra khơi đánh cá thì các anh phải tuôn các tàu hải giám, cảnh sát biển ra kiểm soát, đi tuần ngoài biển để tàu cá của Trung Quốc không ăn hiếp tàu cá của Việt Nam.”

Trong khi nhiều thính giả nhờ qua làn sóng Đài RFA chuyển đến Đảng Cộng sản lãnh đạo thiển ý của họ như tin nhắn vừa rồi thì thính giả Lê Hoàng đưa ra lời khẳng định “Việt Nam có các hoạt động tuần tra ở Biển Đông như báo chí trong nước đã đưa tin giải cứu thành công tàu cá Trung Quốc gặp nạn trên biển hồi tháng 4 năm nay”. Thính giả Tà Áo Xanh lý giải các ngư dân Quảng Ngãi và Thanh Hóa gặp nạn lần này đành phó thác cho số phận vì lãnh đạo Việt Nam đang bận cùng Cuba ngày đêm canh giữ hòa bình thế giới và còn lo việc quốc tang cho cựu Chủ tịch Fidel Castro vừa qua đời.

“Đảng tang” hay “Quốc tang”?

Trong tuần qua, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Quốc Hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tuyên bố để tang Chủ tịch Fidel Castro của Cuba với hình thức quốc tang. Rất nhiều thính giả Đài Á Châu Tự Do phản bác lại quyết định này. Tiếp theo trong chương trình, Hòa Ái trích đăng một vài ý kiến liên quan:

Đảo Gạc Ma chết bao nhiêu người không thấy tờ giấy nào ghi. Bây giờ vì một đồng chí cộng sản mà làm quốc tang. Nghĩ lại tội cho các anh bộ đội đã hy sinh vì tổ quốc.
-Thính giả RFA

“Đảo Gạc Ma chết bao nhiêu người không thấy tờ giấy nào ghi. Bây giờ vì một đồng chí cộng sản mà làm quốc tang. Nghĩ lại tội cho các anh bộ đội đã hy sinh vì tổ quốc.”

“Còn bao nhiêu sinh mạng người dân bị chết ngập do lũ lụt ở miền Trung chưa bao giờ được tưởng niệm.”

“Ngư dân Việt Nam mình đang bị Trung cộng ăn hiếp, giết chết hàng ngày nhưng có thấy ai kêu gọi mọi người chia buồn với gia đình người chết đâu? Vậy mà ông cựu Chů tịch Cuba Fidel Castro chẳng có dòng giống, không cùng màu da dòng máu với dân Việt lại đi tố chức quốc tang; có vô lý không?”

“Sẽ thuyết phục hơn nếu gọi là ‘đảng tang’ thay vì ‘quốc tang’.”

“Tôi là Tiêu Cà Mau, thưa các vị tướng lãnh cùng các vị Quốc Hội Việt Nam, ông Fidel Castro vừa từ trần thì chính người dân Cuba ra đường ăn mừng reo hò ngoài đường ở Florida. Ngược lại, Nhà nước của các vị bắt nhân dân Việt Nam làm quốc tang cho một người ngoại bang không có quốc tịch Việt Nam, không có công lao với đất nước. Trong khi, nhân dân miền Nam trước năm 1975, đi học được miễn phí, trị bệnh khỏi phải trả tiền. Vậy mà các vị nói có công lao giải phóng miền Nam. Trời ơi!”

Những phiên tòa phi lý

Bà Cấn Thị Thêu tại tòa phúc thẩm ở Hà Nội hôm 30/11/2016.
Bà Cấn Thị Thêu tại tòa phúc thẩm ở Hà Nội hôm 30/11/2016.
AFP PHOTO

Hòa Ái ghi nhận trong tuần qua, trên mạng xã hội, rất nhiều người dân trong nước tỏ ra buồn rầu không phải vì không khí quốc tang mà vì các phiên tòa phi lý. Đó là phiên tòa phúc thẩm xử y án 20 tháng tù giam vì tội “gây rối trật từ công cộng” đối với bà Cấn Thị Thêu, một dân oan kiên quyết trong việc đấu tranh chống thu hồi đất bất công và đòi hỏi công lý tại Việt Nam. Đó là cáo trạng 24 tháng tù giam cũng vì tội “gây rối trật tự công cộng” dành cho 4 phụ nữ đã tham gia với nhiều người khác ngồi thành hàng ngang trên quốc lộ 1A, tại khu vực đèo Con, thuộc xã Kỳ Nam, tỉnh Hà Tĩnh hồi tháng 12 năm 2015 để yêu cầu chính quyền địa phương thả hai người dân mà họ cho rằng đã bị bắt một cách tùy tiện.

Một trong các phiên tòa mà dư luận đặc biệt quan tâm theo dõi những ngày qua liên quan đến phiên xét xử nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, ông Nguyễn Văn Bổng cùng 6 bị cáo khác đã biến hóa đất công, hoặc đất tranh chấp thành đất nông nghiệp, để được hưởng đền bù 100%, làm thất thoát số tiền 10,4 tỷ đồng trong dự án kinh phí bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng tại khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương, thuộc khu kinh tế Vũng Áng. Trong phiên tòa kéo dài 4 ngày, bị cáo Nguyễn Văn Bổng xin được miễn tội để tiếp tục cống hiến.

Qua các phiên tòa vừa nêu, thính giả Michael Tran đưa ra lời nhận xét rằng ở Việt Nam chuyện xử tham nhũng sẽ không bao giờ hết vì tham nhũng cả hệ thống lãnh đạo, từ cấp trung ương cho đến địa phương. Vì thế, phiên tòa xét xử người dân là nạn nhân của hệ thống tham nhũng càng ngày sẽ càng nhiều hơn. Trong khi nhiều thính giả xót xa cho những hoàn cảnh dân lành bị tù đày vô cớ, một số thính giả lên tiếng ủng hộ những người chọn lựa cách ra đi, rời bỏ Việt Nam như một cứu cánh dù phải đánh đổi với những rủi ro như chấp nhận trở thành nạn nhân của nạn buôn người với hy vọng có thể sống bất hợp pháp ở một quốc gia Châu Âu hay Châu Mỹ nào đó.

Những nạn nhân người Việt Nam bị mất đất, bị oan sai và còn rất nhiều những tình huống liên quan đến quyền công dân, gọi là nhân quyền. Do hoàn cảnh như thế nào thì người ta muốn đi như thế. Và người ta có thể chấp nhận ngồi tù ở nước khác còn hơn là tự do ở Việt Nam.
-Thính giả RFA

“Ở Việt Nam bây giờ tình hình chính trị hiện nay đang rất phức tạp bởi vì Đảng Cộng sản rất xấu. Những nạn nhân người Việt Nam bị mất đất, bị oan sai và còn rất nhiều những tình huống liên quan đến quyền công dân, gọi là nhân quyền. Do hoàn cảnh như thế nào thì người ta muốn đi như thế. Và người ta có thể chấp nhận ngồi tù ở nước khác còn hơn là tự do ở Việt Nam.”

“Đừng nói chi con lãnh đạo có tiền hàng triệu đô la đi định cư hay đi du học, bản thân lãnh đạo Việt Nam cũng đi mất tiêu thì đừng nói chi bất kể một người đạp xích lô hay bán hàng rong trong xã hội Việt Nam; thậm chí, nói xin lỗi, cột đèn có chân cũng đi. Đây là câu cửa miệng mà bất kỳ ai trên mạng xã hội cũng biết. Tức là cột đèn còn chịu không nỗi nữa chứ nói chi con người. Bây giờ ở Việt Nam này đang chết từng ngày.”

Sau đây là chia sẻ ngắn của vị thính giả không nêu tên gửi qua email viết rằng “Tại sao phải lìa bỏ quê hương nơi tổ tiên dày công gầy dựng? Sinh tồn bất hợp pháp nơi xứ người hay sống một các hợp pháp trong xứ sở mà công lý chỉ là trò hề, đó là lựa chọn của mỗi người trong chúng ta. Những người dân tay không tấc sắt như bà Cấn Thị Thêu hay 4 phụ nữ bị kết án tù vì tội ‘gây rối trật tự’ chỉ vì thực hiện dân quyền của họ. Tôi không biết sẽ có bao nhiêu người giống tôi, chọn lựa cách cuối cùng để chống lại bạo quyền như những dân oan Thủ Thiêm đã tuyên bố quyết hy sinh đến cùng?”

Mục Trao đổi Thư tín đến đây xin tạm dừng. Hòa Ái xin lưu ý, hiện nay chương trình phát thanh mỗi ngày chỉ còn một chương trình buổi tối, phát trên làn sóng ngắn 22 và 25 mét cùng trên làn sóng trung bình 1503 KHz, từ 9 giờ đến 10 giờ tối, giờ Việt Nam. Quý thính giả vui lòng nghe các chương trình phát thanh trực tiếp hoặc các chương trình mới nhất qua internet tại trang nhà www.rfa.org/vietnamese hoặc www.RFATiengViet.net hoặc www.achautudo.info. Quý vị cũng có thể nghe qua trang mạng Soundcloud tại www.soundcloud.com/rfavietnam

Quý thính giả tại Hoa Kỳ có thể nghe qua điện thoại tại số 563-999-3262. Sau khi bấm dãy số này, quý vị bấm thêm số 1 để nghe chương trình phát thanh hàng ngày của chúng tôi. Và vào lúc 10 giờ tối, giờ Việt Nam, thứ Tư và thứ Sáu hàng tuần, chương trình truyền hình 30 phút của Ban Việt ngữ được phát trực tiếp trên Facebook, Youtube và trang mạng của Ban Việt ngữ, Đài Á Châu Tự Do. Kính mong quý khán thính giả và độc giả đón xem. Ban Việt ngữ luôn mong mỏi quý vị đóng góp ý kiến về các vấn đề quý vị quan tâm cũng như góp ý cho các chương trình phát hình trực tiếp được hoàn thiện hơn để chúng tôi tiếp tục cùng đồng hành với quý vị trong công việc chuyển tải thông tin chính xác và trung thực. Quý vị có thể liên lạc qua email tại địa chỉ vietweb@rfa.org hoặc hoaai@rfa.org, hoặc qua hộp thư thoại tại số 202-530-7775.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.