Trao đổi thư tín với thính giả (09.01.2015)

Hòa Ái, phóng viên RFA
2015.01.09
94af87ef-90e7-48a6-bed7-53899d483fdf.jpeg Quân đội Việt Nam Cộng Hòa được di tản bằng trực thăng tại Quảng Trị ngày 30 tháng 6 năm 1972.
AFP photo

Mở đầu chương trình hôm nay, Hòa Ái trích đăng một vài chia sẻ của quý khán thính giả cùng độc giả gửi về đài về thông tin hàng loạt nữ tù nhân lương tâm tuyệt thực như Tạ Phong Tần, Bùi Hằng, Cấn Thị Thêu…

“Tạ Phong Tần là Công an mà đứng lên đấu tranh cho nhân quyền thì thật là người chân chính, quả cảm và yêu dân tộc. Thật đáng trân trọng!”

“Cảm phục các chị đã hiên ngang đấu tranh chống lại những kẻ cầm quyền bán nước, hèn với giặc, ác với dân”.

“Xin cảm ơn các nữ anh thư đã chiến đấu vì tự do, công bằng cho VN”.

Như đã loan, kể từ tháng 1 năm 2015, ban Việt ngữ đặc biệt gửi đến quý vị thông tin về chuyên đề “Ký ức 40 năm” nhằm để kỷ niệm 40 năm ngày 30 tháng 4 năm 1975. Chúng tôi thực hiện loạt bài về biến cố quan trọng nhất của đất nước và mong mỏi sự góp sức của quý khán thính giả cùng độc giả bằng các bài viết, âm thanh, video hay góp ý trong chủ đề này.

Mở đầu chương trình ‘Ký ức 40 năm’ là loạt bài hồi ký chiến trường 3 phần có tựa đề “Nhà báo và mặt trận An Lộc” của Nam Nguyên. Loạt bài này được nhiều khán thính giả cùng độc giả đón nhận. Hòa Ái trích đăng các ý kiến liên quan:

“Rất cảm ơn anh Nam Nguyên và đài ACTD đã cho phát chương trình ‘Ký ức 40 năm’. Chúng tôi tuy đã biết trước đây nhưng khi nghe tường thuật chi tiết rất xúc động rơi nước mắt, thương cho đồng bào miền Nam chúng ta. Xin phát lại nhiều lần mỗi chương trình để thế hệ thanh niên VN trên dưới 50 tuổi không nắm vững chi tiết về sự tàn bạo của Cộng sản Bắc Việt. Chúng tôi đều thu băng lại để bạn bè và con cháu cùng theo dõi, ghi nhớ. Xin đa tạ”.

“Xin cảm ơn anh Nam Nguyên, anh bạn Trung úy Không quân cũng như tất cả các chiến sĩ Quân lực VNCH đã chiến đấu anh hùng trên mọi mặt trận để bảo vệ tự do cho miền Nam VN chống lại cuộc xâm lăng khốc liệt của Cộng sản miền Bắc”.

“Xin cám ơn ông Nam Nguyên, người ký giả kỳ cựu và can đảm của Quốc gia VNCH, đã viết kể lại trận đánh đẫm máu mà Cộng sản miền Bắc đã dã tâm xâm lấn, giết hại trên 10,000 dân lành đang sống bình an dưới sự bảo vệ của các anh chiến sĩ miền Nam VNCH. Xin cám ơn những chiến sĩ VNCH đã hi sinh cho đất nước, nay còn sống hay đã chết. Trân trọng”.

“Đọc lại chiến tích của Quân đội VNCH vẫn thấy hay và muốn đọc mãi”.

“Theo tôi nên đưa vào sách giáo khoa cho thế hệ trẻ biết sự thật lịch sử. Trước giờ tôi được học sách lịch sử mà tôi không hiểu họ đang viết gì?”

“Vô cùng cám ơn anh Nam Nguyên, người đã cho tôi một món quà tuyệt vời nhân ngày đầu năm 2015. Với ngòi bút điêu luyện của một phóng viên chiến trường kỳ cựu, anh Nam Nguyên làm chương trình hấp dẫn, sôi động, hồi hộp ngay bài đầu tiên. Bài phóng sự đã làm ký ức tôi sống lại trong những ngày lửa đạn năm 1972. Trận đánh ác liệt một mất một còn như đang xảy ra trước mắt, đã giúp tôi sống lại những ngày binh lửa trong đời mình. Thú thật khi chưa nghe tôi cảm thấy ngán ngẩm, mệt mỏi những loại ký ức chiến trường này sau một thời gian dài ngủ quên trong tiềm thức nhưng khi nghe một đoạn mới thấy mình bị anh Nam Nguyên đánh thức! Đúng là một cây bút chuyên nghiệp. Thân mến”.

“Phóng sự của anh Nam Nguyên gợi nhớ rất nhiều kỷ niệm thời chinh chiến thật oai hùng”.

“Cảm ơn anh Nam Nguyên cho nghe lại ‘Ký ức 40 năm’ về trận chiến An Lộc 1972”.

“Trận này đánh ác liệt. Cao trao là nội bất xuất, ngoại bất nhập. Pháo kích dữ dội. Toàn tỉnh gần như không còn cây cột điện trụ vững, 1 người chết 2 lần.....Nói chung khốc liệt lắm”.

An Lộc nơi mình sinh ra, chiến tranh làm mọi người ly tán”.

“Chiến tranh đã qua đi giờ đã trở thành lịch sử. Dù lịch sử có bi hùng hay căm hận thế nào đi nữa nhưng có một sự thật không bao giờ thay đổi:

-Điều thứ nhất: Từ vĩ tuyễn 17 trở đi VNCH chưa một lần đem quân ra đánh miền Bắc. Tất cả những chiến tranh đau khổ, máu đổ đều do phía Cộng Sản Miền Bắc đem lại.

-Điều thứ 2: Quân lực VNCH đấu tranh để bảo vệ nhân dân, vì dân, đấu tranh cho tự do hòa bình. Thay vào đó người lính Cộng sản họ đấu tranh và quyết xả thân để bảo vệ lí tưởng Cộng sản cho họ mà vào Nam để ‘giải phóng’.

-Điều thứ 3: Nếu theo Đảng CSVN dùng chính nghĩa vào ‘giải phóng’ miền Nam để người dân miền Nam được ấm no hạnh phúc nhưng mỗi khi người lính Cộng Sản tràn vào các tỉnh miền Nam thì mọi người dân đều chạy về phía miền Nam-Thủ Đô Sài Gòn chứ không bao giờ chạy về phía Cộng sản”.

“Tóm lại, VNCH đã thua”.

“Kết quả chung cuộc ai thắng cũng đã rõ rồi”.

“Nếu nói ‘kết quả chung cuộc’ thì không ai nói được vì ‘chung cuộc’ là cả lịch sử một nước…còn chưa biết ngày sau sẽ ra sao. Một cuộc chiến, một thời đại chỉ là một thời gian của lịch sử, không phải là tất cả lịch sử”.

“Phải nói là Nhân dân Việt Nam đã thua. Còn chỉ thấy VNCH thua thì đầu óc chưa suy nghĩ quá đứa học sinh phổ thông”.

“Dù thắng hay bại cũng không vẻ vang gì đâu...đều là con dân VN hết mà...Nếu muốn vẻ vang thì như Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt…đánh quân Trung Quốc xâm lược. Quá khứ quá đau buồn nhắc lại thêm nhục mà thôi!”

“Bới móc gì cái thời đen tối ấy? Đẹp mặt gì cảnh nồi da nấu thịt. Mình chỉ mong có một điều, ước gì cuộc chiến 1955-1975 sẽ được thay bằng một cuộc thỏa hiệp thống nhất Bắc-Nam phải đặt lợi ích dân tộc lên trên hết. Đằng này lại buồn đau. Bên thắng cũng chẳng vẻ vang gì còn bên thua thì...”

“Thôi, mang lịch sử ra mà gặm nhấm làm gì? Chỉ biết là đau thương và đau thương. Phần quan trọng bây giờ là làm sao chúng ta có thể lấy lại các quần đảo mà Trung cộng chiếm đóng phi pháp kìa”.

“Chiến tranh đã lùi xa, quá khứ nên khép lại! VN tươi đẹp trong tim của mỗi người chúng ta!”

Về loạt bài cuộc chiến An Lộc, có thắc mắc của thính giả như sau:

“Chào cô Hòa Ái. Đài phát 30/4-40 năm, tôi nghe mục của ông Nam Nguyên nói có câu ‘An Lộc địa, sử ghi chiến tích/ Biệt Cách Dù vị quốc vong thân’ của cô giáo tên gì mà không nghe nói. Xin cô cho biết. Cảm ơn cô nghiều”.

Hòa Ái xin phép được thưa, trong phần 1 của loạt bài hồi ký chiến trường “Nhà báo và mặt trận An Lộc”, cựu Đại úy Lê Đắc Lực thuộc Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù đã kể lại câu chuyện về cô giáo tên Pha dạy ở An Lộc, cô bị pháo kích bị thương nơi bắp chân. Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù đã đưa cô về trạm xá và chữa trị cho cô. Từ trong ngôi nhà gọi là Tân Hòa Xương cô nhìn ra thấy những người lính Biệt Cách Dù cặm cụi đào hố chôn xác đồng đội dưới làn mưa đạn, cô Pha cảm động viết ra câu thơ “An Lộc địa, sử lưu chiến tích/ Biệt Cách Dù vị quốc vong thân”.

Kính thưa quý thính giả, nhắc đến 2 câu thơ cảm tác của cô giáo Pha “An Lộc địa, sử lưu chiến tích/ Biệt Cách Dù vị quốc vong thân”, nhiều khán thính giả và độc giả gửi về đài cho rằng “An Lộc địa, sử ghi chiến tích” mới là chính xác. Hòa Ái xin được nhường lời cho anh Nam Nguyên có vài lời chia sẻ cùng quý vị như sau:

“Chúng tôi chân thành cảm ơn quí thính giả, độc giả có sự quan tâm tới loạt bài Nhà báo và mặt trận An Lộc trong chuyên đề ‘Ký ức 40 năm’. Vì thời lượng mỗi bài có giới hạn, nên chúng tôi đã không nói rõ một số chi tiết mà nhiều thính giả đã điện thoại hoặc phản hồi trên trang Web. Đó là câu thơ huyền thoại ‘An Lộc địa sử ghi chiến tích’ hay ‘An Lộc địa sử lưu chiến tích’. Trong loạt bài ‘Nhà báo và mặt trận An Lộc’, chúng tôi đã thống nhất sử dụng ‘An Lộc địa sử lưu chiến tích-Biệt cách dù vị quốc vong thân’.

Trong ký ức của mình, tôi nhớ là khi vào được An Lộc ngày 13/6/1972, nghĩa trang Biệt cách lúc đó chưa hoàn tất chỉnh trang, thì lời thơ của cô giáo Pha trên một tấm bảng gỗ nguyên văn là: ‘An Lộc địa sử ghi chiến tích, Biệt Cách Dù vị quốc vong thân’. Vào thời gian đó anh em Biệt Cách đang bắt đầu dựng vòng rào và chuẩn bị bia tưởng niệm. Khi tôi tường thuật trên đài phát thanh Saigon và đăng bài và hình trên báo Sóng Thần thì theo lời thơ nguyên thủy này.

Khi tôi vào lại An Lộc ngày 7/7/1972 tháp tùng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, thì lời thơ trên đài tưởng niệm được khắc là ‘An Lộc địa sử lưu chiến tích, Biệt Cách Dù vị quốc vong thân.’ Khi thực hiện loạt bài ‘Nhà báo và mặt trận An Lộc’ chúng tôi có phối kiểm với cựu Đại úy Lê Đắc Lực thuộc Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù, ông Lực là người thực hiện tôn tạo Nghĩa trang Biệt Cách trước khi anh em rời khỏi An Lộc, chuyển ra mặt trận Quảng Trị. Cựu Đại úy Lê Đắc Lực cho biết Nghĩa trang được tôn tạo theo bản vẽ ngay tại mặt trận của Đại tá Lê Huấn chỉ huy trưởng Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù, kèm theo chỉ thị dùng chữ ‘lưu’ thay vì ‘ghi’ vì nó có ý nghĩa mạnh mẽ hơn rất nhiều.

Đối với chúng tôi ‘An Lộc địa sử ghi chiến tích- Biệt Cách Dù vị quốc vong thân’ hay ‘An Lộc địa sử lưu chiến tích- Biệt Cách Dù vị quốc vong thân’ thì lời thơ xuất phát từ trái tim của cô giáo Pha đã đi vào huyền thoại”.

 

Nhìn lại quá khứ để hướng tới tương lai là mục đích mà chuyên mục “Ký ức 40 năm” nhắm tới. Ban Việt Ngữ hy vọng rằng đây là dịp để người Việt cùng nhìn lại một quãng thời gian khá dài với muôn vàn khác biệt nhằm kết nối những trái tim Việt Nam trên khắp thế giới. Liên lạc với ban Việt ngữ liên quan đến chuyên đề “Ký ức 40 năm”, quý vị gửi về theo địa chỉ email: kyuc40nam@rfa.org

Mục “Trả lời Thư tín” đến đây xin tạm dừng. Kính mong quý khán thính giả cùng độc giả tiếp tục gửi về đài những ý kiến đóng góp cũng như những chia sẻ về các vấn đề quý vị quan tâm. Để liên lạc với ban Việt ngữ, quý thính giả có thể gửi email qua địa chỉ vietweb@rfa.org hoặc hoaai@rfa.org. Ngoài ra, quý vị có thể gọi vào hộp thư thoại tại số 202-530-7775.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.