Ai phản động: Dân hay Nhà nước?

Hòa Ái, phóng viên RFA
2017.05.19
BDH1N.jpg Linh mục Anton Đặng Hữu Nam và những người dân Nghệ An đi kiện Formosa hôm 18/10/2016.
File photo

Vì sao dân thành “phản động”?

Chính quyền tỉnh Nghệ An sau khi tổ chức biểu tình đấu tố Linh mục Đặng Hữu Nam và Linh mục Nguyễn Đình Thục, trong tuần qua còn ra lệnh truy nã toàn quốc đối với hai nhà hoạt động xã hội, bao gồm Bạch Hồng Quyền và Hoàng Đức Bình về các tội “kích động biểu tình”, “gây rối trật tự công cộng”, “bắt giữ người trái pháp luật” “chống người thi hành công vụ”, “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước” là thông tin được khán thính giả và độc giả RFA đặc biệt quan tâm.

Vụ việc liên quan anh Hoàng Đức Bình bị nhóm người mặc thường phục lôi ra khỏi xe, bắt đi trong lúc chiếc xe hơi chở anh bị Cảnh sát Giao thông chặn lại, ở khu vực huyện Diễn Châu, để kiểm tra giấy tờ vào hôm 15/05/2017 khiến cho dư luận phẫn nộ, cụ thể người dân địa phương đã tập trung về quốc lộ, nơi anh Hoàng Bình bị bắt, để đòi người mà theo ước lượng của những người có mặt thì con số lên đến hàng ngàn người dân.

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận với vụ việc vừa nêu, rất nhiều thính giả lên tiếng ủng hộ việc làm của Linh mục Nguyễn Đình Thục, người đi chung xe và chứng kiến cảnh anh Hoàng Bình bị bắt, thông báo cho giáo dân cùng đến đòi người vì cho rằng cách hành xử của chính quyền tỉnh Nghệ An không đàng hoàng và chính danh. Tuy nhiên, không ít thính giả bày tỏ ý kiến phản đối những việc làm của các vị linh mục và giáo dân ở Nghệ An. Thính giả lấy tên Nước Cá Đuối giận giữ nói:

“Chúng mày biểu tình phản đối điều gì chăng nữa thì cũng không được phép nhân danh hai chữ ‘nhân dân’ ra chặn quốc lộ, vốn là một con đường chiến lược của đất nước. Ai cho phép chúng mày trắng trợn chà đạp lên kỷ cương phép nước và quyền lợi của người khác? Chỉ vì đám người chúng mày mà hàng hóa của tao bị hỏng, quá thời gian khách hàng đặt thì ai chịu trách nhiệm?”

Thính giả Bùi Văn Hiển đưa ra câu hỏi cho hai vị Linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục:

“Tu hành thì lo tu hành. Đạo giáo thì phải cầu nguyện quốc thái dân an. Đàng này các ông lo xách động giáo dân quấy rối dân sinh. Các ông có đáng được tôn kính không hả?”

Còn thính giả Truongdu Nguyen khẳng định:

“Ở quốc gia nào cũng có luật pháp răn đe, giáo dục công dân của nước đó. Nếu có gì không hài lòng thì cùng nhau tìm cách giải quyết. Ở đây họ lợi dụng vấn đề Formosa để cấu kết với bọn phản động lưu vong ở nước ngoài nhằm chia rẻ dân tộc, làm mất an ninh trật tự, gây ảnh hưởng xấu đến đất nước Việt Nam.”

Hai nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền (trái) và Hoàng Đức Bình.
Hai nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền (trái) và Hoàng Đức Bình.
Courtesy of chantroimoimedia.com

Sau đây là một số ý kiến trái chiều với các ý kiến vừa rồi:

“Chính quyền Cộng sản Việt Nam đã bị Formosa sai khiến, họ hay vì bỏ tù những lãnh đạo, quan chức dính líu tới các sai phạm của Formosa thì họ lại trấn áp người dân, những người chịu thiệt hại trực tiếp từ tội ác của Formosa. Người dân đi biểu tình đòi quyền lợi, đòi lại những gì chính quyền chưa đền bù xứng đáng thì đó là quyền công dân được hiến định trong Hiến pháp. Nhưng nhưng chính quyền Cộng sản Việt Nam lại không đứng về phía người dân. Trước khi trách cứ người dân ở Nghê An thì hãy tận tường mà truy tìm gốc rễ của vấn đề. Chỉ những người không có lương tâm mới thờ ơ trước nỗi đau của đồng bào.”

“Linh mục chỉ giúp người dân theo lương tâm của một người có lương tâm theo lẽ phải và dân Nghệ An là đoàn chiên của giáo hội, giao phó cho linh mục giúp đỡ về mặt tinh thần lẫn thể xác. Nếu phần xác mà bị sự khó về mọi mặt thì linh mục phải giúp đỡ là việc phải giúp. Người ta ví ‘một con ngựa đau, cả tàu chê cỏ’, chứ có gì sai đâu mà nói linh mục sai. Kể cả chị Mẹ Nấm cũng nói lẽ phải thôi.”

Cầu mong sao tất cả anh chị em giáo dân giáo phận Vinh luôn đặt niềm tin vào vị chủ chăn của mình. Chắc chắn công lý và sự thật sẽ chiến thắng.
- Thính giả

“Vừa rồi tôi coi trong tivi và Youtube có một cuộc biểu tình ở huyện Quỳnh Lưu. Đồng bào ta biểu tình rất rầm rộ để tuyên án hai Linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục. Tôi thấy có một bác già rất oai nghiêm, làm tôi tưởng nhớ đến hồi cải cách ruộng đất, cũng có mấy bác già giống như vậy làm quan tòa, tuyên án cho các nạn nhân hồi đó. Việc này khiến tôi có sự hồi tưởng lại thế kỷ XX, đã xử lý biết bao nhiêu người, gọi là cường hào-địa chủ bị chết oan.”

“Nhìn thấy linh mục này mà tôi lại nhớ đến các linh mục miền Nam sau ngày 30/4/1975, đặc biệt là giáo phận Xuân Lộc. Các Cha lúc đó cũng giống như tình trạng các Cha hiện nay và có thể còn hơn thế nữa. Nhưng giáo dân luôn ở bên các Cha, bảo vệ các Cha và luôn tin tưởng vào vị chủ chăn của mình. Ngày hôm nay giáo dân đã vượt qua những sự vu khống, những sự gian dối, bởi chúng tôi chưa bao giờ tin tưởng ai bằng tin tưởng các ngài. Cầu mong sao tất cả anh chị em giáo dân giáo phận Vinh luôn đặt niềm tin vào vị chủ chăn của mình. Chắc chắn công lý và sự thật sẽ chiến thắng.”

Thảm họa môi trường ở Vũng Áng không kém phần vụ biển bị đầu độc Miatamata tại Nhật Bản. Thế nhưng việc giải quyết hậu quả biển bị nhiễm thì hoàn toàn khác thường. Nhật Bản bắt công ty xả thải phải bồi thường và đóng cửa. Chính phủ cũng phải bỏ ra một khoản tiền cực lớn với công nghệ và khoa học hiện đại để nạo vét làm sạch biển. Còn chính phủ Việt Nam thì nhờ vào tuyên truyền viên của đảng, đọc những câu thần chú, viết những câu thần thoại là biển sạch, ăn cá đi, tắm biển đi... Như thế chẳng khác nào giết dân thêm một lần nữa? Hơn nữa, những ai hiểu biết nguy hại từ Formosa, đòi Formosa đền bù công bằng và phải đóng cửa là bị trù dập và vào tù.”

“Người dân là nạn nhân của Formosa đi đòi công lý thì bị tội. Chỉ những quan tham bán nước, hại dân, tham nhũng là không có tội”.

“Giờ này tại Việt Nam, người dân miền Trung đói ăn vì biển chết do Formosa. Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam quy trách nhiệm xả chất độc của nhà máy Formosa cho một vài quan chức tép riu đã về vườn, trong khi Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, Hoàng Trung Hải phải chịu trách nhiệm chính yếu thì lại bỏ qua. Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam tham nhũng. Công an thì gia bắt bớ các nhà đấu tranh dân chủ. Đến bao giờ người dân Việt Nam mới thoát khỏi ách Cộng sản?”

Chính quyền “phản động” hay không?

Linh mục Nguyễn Đình Thục (trái).
Linh mục Nguyễn Đình Thục (trái).
file photo

Trong tuần qua, quý thính giả RFA cũng chú ý đến thông tin Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định lập đoàn kiểm tra công tác cán bộ tại Bộ Xây dựng vì có những tin tức về tình trạng bổ nhiệm cán bộ tại cơ quan này. Dư luận trong và ngoài nước theo dõi sát sao diễn tiến một loạt các quan chức nhà nước như Vũ Huy Hoàng, Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, Võ Kim Cự bị kỷ luật và sắp tới thêm một hoặc nhiều nhân vật trong Bộ Xây dựng được nêu tên có phải là Chính phủ Hà Nội đang ráo riết chống tham nhũng? Thế nhưng với cách thức xử lý các cán bộ cao cấp của nhà nước vừa qua, những người quan tâm đến hiện tình đất nước Việt Nam càng ngao ngán hơn, như thính giả Trần Minh quả quyết:

“Không bao giờ và vĩnh viễn Việt Nam chống được tham nhũng. Bởi vì nói nôm na là một triều đình mà không ai kiểm soát được ai, cứ thế tham nhũng mọc lên như nấm. Kẻ đi trước ăn no tìm cách hạ cánh an toàn, người đi sau tiếp nối và cũng tìm cách vơ vét. Cả hệ thống như một hệ tuần hoàn đã định hướng và đúng quy trình.

Không bao giờ và vĩnh viễn Việt Nam chống được tham nhũng. Bởi vì nói nôm na là một triều đình mà không ai kiểm soát được ai, cứ thế tham nhũng mọc lên như nấm.
- Thính giả Trần Minh

Một thể chế chỉ một đảng cai trị đã đành, cộng thêm một quốc hội, toàn là đảng viên mà trong đó chủ tịch hoặc bí thư lại làm trưởng đoàn. Thế mấy vị lãnh đạo vừa thao túng đất nước vừa làm sai thì đâu ra để chống tham nhũng?

Người dân như chúng tôi gọi đó là ‘một thể chế cực kỳ lạ lẫm nhất thế giới”. Một thể chế không mang lại ấm no, hạnh phúc cho người dân mà khiến dân chúng ngày càng bất mãn và phẫn nộ, đẩy người dân phải trở thành đối đầu, vậy thể chế đó là ‘phản động’ hay không?”

Mục “Trao đổi Thư tín” đến đây xin tạm dừng. Trước khi chấm dứt chương trình, Hòa Ái trả lời các tin nhắn sau:

“Em ở Dăk Nông. Khi nào anh chị nhận được lời nahwsn này của em thì gọi em qua số em đang gọi nhé. Tại vì em có việc muốn nhờ.”

Quý thính giả không nêu tên quý mến, Ban Việt ngữ rất muốn liên lạc với quý vị, nhưng vì quý vị không đã để lại số điện thoại nên chúng tôi không thể gọi lại được. Mong là quý vị nghe được tin nhắn này và liên lạc lại với đài.

Quý thính giả lưu ý, mỗi khi quý vị gọi vào hộp thư thoại của Ban Việt ngữ, Đài RFA, tại (202) 530-7775, quý vị vui lòng để lại tên và số điện thoại trong trường hợp quý vị muốn đài liên lạc lại vì nhiều lúc số điện thoại của quý vị không hiển thị trong hộp thư thoại của đài.

“Chào các anh chị em trong đài, tôi tên là Sanh. Xin quý đài vui lòng cho tôi số điện thoại mới để tôi nghe đài mà không bị tính tiền. Trước đây tôi vẫn gọi các số cũ và bị T-Mobile tính tiền. Cảm ơn.”

Hòa Ái cảm ơn quý thính giả Sanh đã liên lạc với đài. Quý vị vui lòng gọi vào số 360-398-4204, nếu như quý vị sử dụng dịch vụ viễn liên của công ty T-Mobile. Quý thính giả nào sử dụng dịch vụ viễn liên từ các công ty điện thoại khác ở Hoa Kỳ, quý vị có thể gọi vào số 712-735-447.

Kính mong quý vị tiếp tục cùng đồng hành với chúng tôi trong thời gian tới cũng như nhiệt tình đóng góp ý kiến để giúp các chương trình phát thanh và phát hình của Đài RFA ngày một tốt hơn. Quý vị có thể liên lạc qua email tại địa chỉ vietweb@rfa.org hoặc hoaai@rfa.org, hoặc qua hộp thư thoại tại số 202-530-7775.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.