Ranh giới giữa cái đẹp và phản cảm

Câu chuyện về người mẫu, ca sĩ ăn mặc phản cảm, hở hang và đôi khi lộ hàng một cách cố ý trên sân khấu không phải chỉ mới xảy ra từ vài năm mà ít nhất đã hơn 15 năm qua.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2012.05.26

Tuy nhiên sự việc này trở nên nghiêm trọng đến nỗi Bộ Văn Hóa Thể Thao, Du Lịch đã phải tổ chức một cuộc trao đổi trực tiếp giữa ba đầu cầu Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra vào ngày 18 tháng 5 vừa qua đã tạo thêm nhiều bức xúc, quan tâm của dư luận nhiều hơn nữa trước đề tài này. Chương trình Văn Hóa Nghệ Thuật tuần này Mặc Lâm có thêm chi tiết về vấn đề này sau đây.

Khó xác định

Các người mẫu Việt Nam trong buổi trình diễn thời trang tại TP. HCM. AFP PHOTO.
Các người mẫu Việt Nam trong buổi trình diễn thời trang tại TP. HCM. AFP PHOTO.
Ca sĩ trên sân khấu, người mẫu trên sàn Catwalk đều cố tạo phong cách riêng của mình qua cách ăn mặc, trang phục, hay trang điểm bên cạnh những kỹ thuật trình diễn đã được đào tạo hoặc tự rèn luyện là chuyện rất bình thường trên khắp các sàn diễn của thế giới. Tuy nhiên tại Việt Nam, từ phạm vi của nghệ thuật được quần chúng chấp nhận, một số không ít nghệ sĩ trình diễn đã bước hẳn sang ranh giới của những điều cấm kỵ đối với phong tục tập quán và những cái nhìn không thiếu phần soi mói, định kiến của một thành phần khán giả Việt Nam.

Những khen chê, cổ vũ hay dè bỉu, phán xét nhìn từ nhiều góc cạnh khác nhau luôn nảy sinh những tranh cãi gay gắt mà kết luận rất khó rạch ròi. Trước nhất, hãy nhìn về hướng cảm nhận thẩm mỹ, ai là người dám đoan chắc rằng mặc thế này là đẹp và mặc thế kia là hở hang phản cảm? Ranh giới giữa cái đẹp và thô tục là điều mà hàng trăm năm nay giới nghiên cứu phê bình mỹ thuật thế giới đã tốn không biết bao nhiêu là giấy mực để chứng minh thế nào là nét đẹp vĩnh cửu và sản phẩm nào mang cái đẹp đã bị dung tục hóa.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh người nhiều lần ngồi trên ghế giám khảo các cuộc thi lớn về âm nhạc cho biết nhận xét của anh trước việc Bộ Văn hóa Du lịch Thể thao tổ chức cuộc họp tìm hướng đối phó các vấn nạn hở hang trên sân khấu, anh nhận xét những giới hạn của giới chức văn hóa hiện nay:

“Về vấn đề văn hóa và những phát triển mang tính văn hóa tại Việt Nam từ 5 tới 10 năm trở lại đây cho thấy những bất cập của xã hội Việt Nam trong một nhà nước vẫn luôn luôn có khuynh hướng đóng cửa với thế giới. Ở môi trường làm việc mình phải tiếp cận, phải chấp nhận những điều mới mẻ từ bên ngoài. Khi họ mở cửa thì tất cả mọi thứ tràn vào và bản thân những người kiểm soát văn hóa Việt Nam họ không đủ sức để kiểm soát và nhận định.”

Chưa xác nhận được ranh giới đâu là nghệ thuật đâu là dung tục phản cảm người ta sẽ đi từ ngộ nhận này sang ngộ nhận khác. Trình diễn ca nhạc hay thời trang là một trong các loại hình nghệ thuật trước công chúng mang tính định hướng, tiên báo hay thông tin về cái đẹp, về xu hướng nghệ thuật của thế giới trong đó có những điều mới mẻ được nghệ sĩ mang ra giới thiệu có cả phong cách ăn mặc và trang phục. Người nghệ sĩ trong trường hợp này đã đánh cược với chính bản thân mình về những gì anh hay chị ta trình diễn. Nó có thể được cổ vũ nhiệt tình nhưng cũng có khi bị ném đá không thương tiếc. Trong mục đích này dù được hay mất thì tính sáng tạo của người nghệ sĩ phải được hiểu như nỗ lực vươn lên hơn là sự phô trương cái xấu một cách vô thức và không cần thiết.

Nhạc sĩ Giáng Son trong nhóm 5 giòng kẻ cho biết suy nghĩ của cô về vấn đề này:

“Thật ra nếu so sánh với nước ngoài thì độ hở hang chưa là gì hay cùng lắm là gần bằng, nhưng đối với văn hóa Việt Nam hay châu Á thì nó không được phù hợp lắm. Theo em thì đúng là Bộ Văn hóa nên có luật chế tài. Tất cả các chương trình đều phải được duyệt trước khi được biểu diễn kể cả quần áo mọi thứ.”

Chiêu câu khách của báo chí

Tuy nhiên khán giả Việt Nam có vẻ bị cuốn theo những bài viết trên mặt báo nhiều hơn là nhận thức hình thành trong khi xem những show diễn. Tại đó, khi ánh đèn màu cộng với những phấn khích của người trình diễn đã hòa tan họ vào đám đông một cách vô thức để sau đó một hai ngày, khi đọc các bài báo về đêm diễn lên án ca sĩ hay người mẫu với những lời lẽ gay gắt thì khán giả mới nhận ra rằng họ đã bỏ lỡ một màn trình diễn ấn tượng.

Cách làm này của báo chí có phải là tiếp tay đưa các vụ lộ hàng, ăn mặc phản cảm trở thành đề tài câu khách? Câu hỏi này thật không khó trả lời đối với người đọc báo trên mạng. Với hàng trăm tờ báo đang lưu hành rất khó tìm ra một tờ không có các bài viết về đề tài này. Báo chí không chạy theo thị hiếu độc giả như nhiều người lên án mà chính báo chí đã định hướng, dẫn đường hình thành thói quen đọc các bài viết loại lá cải này cho độc giả.

Người đọc không có chọn lựa nào khác khi các mảng tin đứng đắn về xã hội, chính trị không đủ cho họ đọc hàng ngày trên một tờ báo. Nhu cầu đọc báo để tìm kiếm thông tin được đáp ứng bằng những bài viết rác mà họ không tài nào tránh được. Càng nhiều scandal báo càng bán chạy. Lâu dần thói quen ấy hình thành trong người đọc và các tờ báo nghiễm nhiên kiếm sống trên các vụ trần truồng một cách công khai và hợp pháp.

Ở một góc nhìn khác, Nhạc sĩ Tuấn Khanh cho biết nhận định của anh về nguyên nhân sâu xa mà báo chí và truyền thông chính thống gây nên tình trạng xuống cấp này:

Bản thân chuyện hở hang đã xuất hiện trước công chúng, đã được sự yểm trợ của hệ thống truyền hình, hệ thống thông tin đại chúng Nhà nước ngấm ngầm thu hút khán giả và thu hút lượng người xem.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh

“Ở Việt Nam cho tới ngày hôm nay một bức tranh hay một tấm ảnh gọi là nude vẫn bị tranh cãi giữa những nhà đánh giá. Họ không thể nhận thức trong một chừng mực nào nó thế nào mới được coi là khiêu dâm hay là nghệ thuật.”

Trong trường hợp của các ca sĩ thì âm nhạc là một trong những môi trường văn hóa phát triển sôi động nhất, hoạt động công khai và mạnh mẽ nhất Việt Nam hiện nay cho nên thường người ta nhìn vào những gì diễn ra thì thường là các sân khấu ca nhạc hay biểu diễn. Trong những lúc gần đây người ta nghe nói các vụ hở hang các thứ thì không phải tới giờ phút này mới hở hang đâu! Bản thân chuyện hở hang đã xuất hiện trước công chúng, đã được sự yểm trợ của hệ thống truyền hình, hệ thống thông tin đại chúng Nhà nước ngấm ngầm thu hút khán giả và thu hút lượng người xem. Nó là yếu tố ngấm ngầm không nói ra như một luật bất thành văn của nhà tổ chức.

Ngày trước người ta đã từng thấy ngôi sao, ca sĩ những người nổi tiếng người ta vẫn ăn mặc cái lối như vậy chứ không phải tới ngày hôm nay. Người ta đưa ra một ca sĩ nào đó mà tôi tạm giấu tên, đã nhiều năm bị đánh giá là ăn mặc hở hang phản cảm… không phải cho tới ngày hôm nay họ mới như vậy.

Nhiều năm trước đã từng có giải thưởng dành để chê bai, phản bác những người đó. Nhưng đến hôm nay khi nói đến những người đó là bởi sự xuất hiện của họ rộng rãi khắp mọi nơi, bởi sự đạo đức giả của hệ thống thông tin đại chúng Việt Nam, lúc nào cũng có vẻ như mình là người đạo đức nhưng luôn luôn mời gọi những người như vậy, những phong cách như vậy…

Ở đây Tuấn Khanh không đánh giá phong cách ấy là sai nhưng nếu không có sự cổ xúy của hệ thống thông tin độc quyền của nhà nước Việt Nam thì sẽ không bao giờ có chuyện đó cả. Họ chỉ là những người phản bội một cách đáng tội nghiệp bởi khi có dư luận chống lại những con người phản cảm đó thì lập tức họ đem những con người mà họ đang sử dụng ra thành những con chốt thí trong xã hội.

Hiện tượng đó cho thấy rằng không phải mới ngày hôm nay đâu! Người ta từng xử án một cô ca sĩ tạm giấu tên, là hở ¾ ngực rồi lên sân khấu tốc váy lên trên đùi..những xử phạt đó chỉ mang tính ước lệ và tới ngày hôm nay những chuyện như vậy đã vượt qua khỏi ranh giới nhiều hơn nữa và Sở văn hóa thông tin cũng chẳng làm được gì. Bởi vì chính sự sa đọa và đồi trụy của hệ thống truyền thông đại chúng của chính nhà nước gây ra."

Đạo đức giả

Các người đẹp trong trang phục áo dài tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam được tổ chức tại Hạ Long hôm 14/8/2010. AFP photo.
Các người đẹp trong trang phục áo dài tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam được tổ chức tại Hạ Long hôm 14/8/2010. AFP photo.
Khi một cơ quan nhà nước cấp Bộ chính thức nhờ sự tiếp tay của xã hội đem ca sĩ, người mẫu ra làm thí điểm để có biện pháp xử lý, người ta nhận thấy sự lúng túng ngay từ đầu vẫn là cái quy chuẩn về thế nào là phản cảm và thế nào là không. Dĩ nhiên khi không mặc một thứ gì trên người cả thì sẽ không ai cho phép người nghệ sĩ ra sân khấu. Tuy nhiên có ai phân tích rạch ròi được tại sao các cô hoa hậu khi trình diễn áo tắm trước hàng triệu cặp mắt của giám khảo lẫn khán giả lại được cho là đẹp trong khi một ca sĩ mặc kín mít từ đầu tới chân chỉ hở bụng một gang tay lại bị cho là phản cảm?

Nhà báo Thanh Hương, một cây viết trong các chương trình showbiz có nhận xét:

“Em cũng là người biên tập cho chương trình “Bước nhảy và tình khúc vượt thời gian” của đài VTV9 thật sự với anh chưa có một quy chuẩn gì về thẩm mỹ để có thể nói thế nào là phản cảm và thế nào là nghệ thuật vì thẩm mỹ mỗi người mỗi khác. Mấy bữa nay bên em cũng có họp với Sở Văn hóa thông tin, cũng có những quyết định này kia rất nhiều. Báo chí truyền thông cũng đưa tin và em thấy khía cạnh nào cũng có cái đúng của nó. Cứ nói về mặt phản cảm đi, nhiều khi tuổi trẻ họ có thể bỏ qua được nhưng người lớn thì người ta cảm thấy rất khó chịu và khi khó chịu thì người ta sẽ chửi!

Mấy bác trên Bộ thuộc dạng lớn tuổi chứ không trẻ trung gì lắm cho nên nó cứ bị khúc mắc giữa hai thế hệ. Em thấy nếu không có biện pháp mạnh thì cũng không được, bây giờ quá nhiều người mượn cái đó để tạo scandal gây chú ý cho bản thân mình.”

Nhà phê bình mỹ thuật Như Huy cho biết những nhận xét của ông qua các khuynh hướng trình diễn đang bị lên án. Theo ông đó chính là sự vận động của nghệ thuật và không nên lên án nó khi chưa thật sự hiểu hết về nó, ông nói:

“Thật ra chuyện này nó cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chúng ta thấy từ thời Pháp chẳng hạn một cái áo dài trong thời điểm đó mặc nó thì phải đấu tranh. Về nguyên tắc cái gì mới đến thì nó luôn luôn tạo sự xung đột do những cách nhìn đang hiện diện. Tôi nghĩ cuộc đấu tranh này thì nó sẽ có mãi thôi, có khi mấy chục năm nữa mặc comple thì sẽ bị cho là phản cảm! Đối với tôi thì chuyện này thì đúng là đối với người hiểu biết thì nó không được ổn ở một góc độ nào đó nhưng tôi nghĩ là nó sẽ có trong mọi xã hội và nó là điều luôn luôn diễn ra.”

Trong cuộc họp lấy kiến, nhiều nghệ sĩ đã có những phát biểu có thể vượt quá thẩm quyền của họ. Đây là thói quen ăn khá sâu vào tư duy của không ít người khi danh vọng của họ dính líu ít nhiều tới các bổng lộc mà nhà nước ban phát.

Ca sĩ Thanh Thúy thuộc Đoàn nghệ thuật Quân khu 7 đưa ý kiến nên nhìn các người mẫu, ca sĩ vi phạm như tội phạm khi cô phát biểu: “Chúng ta cần phải giáo dục nhận thức chính trị, tư tưởng cho văn nghệ sĩ trẻ. Tội phạm có thể cải tạo được thì văn nghệ sĩ chúng ta không có gì không thay đổi được”.

Tình trạng gọi là xử phạt bằng cách đưa đi cải tạo đó thì tôi nghĩ là phải đưa những nhà tổ chức chương trình, những người biên tập, những người kiểm duyệt báo chí truyền hình… phải xử phạt những người đó bằng cách cải tạo trước.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh

Trong khi đó nặng nề hơn, nhạc sĩ Thế Hiển, người vửa được nhà nước phong danh hiệu NSƯT vài ngày trước khi diễn ra cuộc họp đã mạnh mẽ lên tiếng đề xuất nên cho những người ăn mặc, biểu diễn phản cảm đi lao động công ích, đi trại cải tạo, dọn vệ sinh công cộng, nhặt rác...
Cũng là nhạc sĩ nhưng Tuấn Khanh nhận định những phê phán gay gắt này theo một lăng kính khác, anh nói:

“Ở Việt Nam vẫn tồn tại rất nhiều luồng dư luận và ý kiến, trong đó loại dư luận cực đoan bảo thủ mà Tuấn Khanh gọi là ngu xuẩn vẫn xuất hiện rất nhiều trong đất nước này. Họ không hiểu rằng xử phạt chỉ là bề mặt được rọi chiếu sự bất lực của xã hội người ta mới đưa đến xử phạt. Nếu xã hội đó được hình thành tốt đẹp trên những giềng mối giữa con người với nhau trong văn hóa cộng đồng thì bản thân người ta sẽ quý trọng giá trị văn hóa cộng đồng lúc đó người ta sẽ không bước lên nó một cách ngang nhiên và không sợ gì cả như đang diễn ra. Người ta dùng hình thức xử phạt giống như một ngọn roi lúc nào cũng hườm sẵn trên bề mặt xã hội, không chỉ trên mặt văn hóa đâu mà ở nhiều chỗ khác nữa.

Tình trạng gọi là xử phạt bằng cách đưa đi cải tạo đó thì tôi nghĩ là phải đưa những nhà tổ chức chương trình, những người biên tập, những người kiểm duyệt báo chí truyền hình… phải xử phạt những người đó bằng cách cải tạo trước. Nếu những con người đó không manh nha đạo đức giả đem những thứ đó lên hệ thống đại chúng thì công chúng sẽ không bao giờ thấy, tấm tắc khen ngợi như ngày hôm nay. Chưa bao giờ hệ thống truyền thông đại chúng Việt Nam lại đưa những hình ảnh đó, quảng bá nó nhiều như vậy nhưng lại đạo đức giả đến mức ghê tởm như ngày hôm nay.”

Văn hóa của các người mẫu chân dài

Có một sự thật mà báo chí trước đây không nói tới đó là trình độ văn hóa của các người mẫu chân dài.

Một đất nước nhiều người tử tế, gần bốn nghìn năm văn hiến mà bây giờ phải ngồi đây bàn chuyện nội y!

NSƯT Lê Chức

Ông Thanh Long, giám đốc công ty người mẫu PL xác định cụ thể với con số khó tin đó là số người mẫu tốt nghiệp trên lớp 12 chỉ đạt 30% còn lại là dưới lớp 12. Ông Long nhận định hầu hết người mẫu đều đi lên từ khó khăn, họ muốn kiếm tiền thật nhiều, thật nhanh. Với vốn kiến thức “hở hang” như vậy thì quan niệm “hở” là chìa khóa kiếm tiền chính là chân dung của nhiều người mẫu Việt.

Trong phát biểu của mình về cuộc họp này NSƯT Lê Chức - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu đã nói: “Một đất nước nhiều người tử tế, gần bốn nghìn năm văn hiến mà bây giờ phải ngồi đây bàn chuyện nội y”!

Có lẽ câu nói này đáng được xem là hay nhất trong tháng vì nó lột tả một cách trần trụi những gì mà nền văn hóa Việt đang cố gắng chống chọi để tồn tại.


Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.