“Bên Thắng Cuộc”

Quyển sách Bên Thắng Cuộc của tác giả Huy Đức đang được mọi giới trong cũng như ngoài nước đón dọc, đồng thời cũng gây nên nhiều tranh cãi.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2013.01.19
Hình trên facebook của Sách Bên Thắng Cuộc.
Nguồn: Sách Bên Thắng Cuộc's facebook

Những bài viết khen tặng, phê bình cũng như phê phán gay gắt xuất hiện chỉ vài ngày khi cuốn sách ra đời đã làm cho độc giả thêm hứng khởi khi tìm mua nó. Một trong những bài viết có tính cách khách quan của một tác giả hiện sống tại hải ngoại được chúng tôi chọn ra trong chương trình Văn Hóa Nghệ Thuật hôm nay là của Tiến Sĩ Đinh Xuân Quân để bàn thêm về cuốn sách này.

TS Đinh Xuân Quân là một kinh tế gia về phát triển và tổ chức cơ chế. Ông từng bị tù cải tạo, vượt biển tìm tự do tại Hoa Kỳ để rồi sau đó có dịp về làm việc tại Việt Nam trong chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) nhằm giúp cải tổ hành chánh và kinh tế từ năm 1994 đến 1997.

Trước năm 1975 ông làm cho Quỹ Phát Triển Kinh Tế Quốc Gia và tham gia vào Nhóm kinh tế hậu chiến thuộc Bộ Kế Hoạch của VNCH. Ông là GS Kinh tế tại Đại Học Luật và ĐH Minh Đức. Cho đến nay ông đã làm chuyên gia cố vấn cho trên 20 nước trên thế giới, kể cả gần đây làm cố vấn kinh tế - hành chính cho Phủ TT Iraq và Phó TT tại Afghanistan dưới sự bảo trợ của World Bank, UNDP và USAID.

Hôm nay TS Đinh Xuân Quân dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn chung quanh cuốn sách Bên Thắng Cuộc, quyển một có tựa là Giải Phóng. Do thời lượng không cho phép, chúng tôi chỉ xin hỏi trong lĩnh vực chuyên môn của ông nhằm tìm hiểu thêm nhận xét của một chuyên gia đã sống trong chính giai đoạn mà cuốn sách nhắc tới.

Phơi bày sự thực

Ông Lê Duẩn chụp vào ngày 15/5/1975. AFP photo
Ông Lê Duẩn chụp vào ngày 15/5/1975. AFP photo
Ông Lê Duẩn chụp vào ngày 15/5/1975. AFP photo
Mặc Lâm: Thưa TS ông từng viết rằng “Bên Thắng Cuộc đã mang một ánh sáng mới cho những trang sử cận đại Việt Nam khi tác giả đã cố gắng có cái nhìn cân bằng – trung thực mặc dù thiếu phân tích”. Đây có phải là nét nổi bật nhất của Bên Thắng Cuộc hay không?

TS Đinh Xuân Quân: Tôi thấy nó có rất nhiều điểm rất quan trọng. Tác giả bày cho mình một bữa cơm có rất nhiều món vì vậy khi độc giả hay người ăn thì người ta mới biết ngon hay dở. Đây cũng vậy, tác giả cho mình những dữ kiện, nói dữ kiện lên nhưng không phân tích, tác giả để người đọc tự phân tích lấy, tự đánh giá lấy.

Hai nữa tôi nghĩ đây là một tài liệu còn hơn WikiLeaks nữa, có thể nói là BookiLeaks hay cái gì tương tự như vậy.

Hai nữa tôi nghĩ đây là một tài liệu còn hơn WikiLeaks nữa, có thể nói là BookiLeaks hay cái gì tương tự như vậy.

TS Đinh Xuân Quân

Tất cả dữ kiện, những gì đã xảy ra sau 1975 được nó moi ra hết, tôi lấy cho quý vị vài ví dụ. Khi ông Nguyễn Văn Linh nói chuyện với ông Đỗ Mười thì ông ta nói “sắp mất chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa rồi mà còn báo cáo gì nữa?”, còn ông Lê Duẩn thì nói “mình làm gì thì làm không thể để mất quyền hạn được”. Do đó nó cho thấy điều gì? Trong những năm sau 1975 những người lãnh đạo có thể nói là chỉ có Lê Duẩn thôi, và những người trong Bộ Chính Trị họ đã quản lý nước Việt Nam ra sao, họ làm những cái gì, và những gì quan trọng trong đầu họ? Đó chỉ là giữ quyền, giữ quyền hạn. Tôi chỉ lấy ra một vài chuyện như vậy để thấy rằng cuốn sách này rất quan trọng, nó cho mình thấy ánh sáng mới.

Ví dụ nữa là ai cũng biết là có đổi tiền nhưng ai quyết định đổi tiền và tỷ lệ là bao nhiêu? Những người nào được hưởng. Ví dụ như lấy tiến lấy vàng của người Việt gốc Hoa thì ai quyết định cái đó? Đó là cả một chương trình, một chính sách làm nghèo dân miền Nam. Cuốn sách này đem ra những chứng cớ cho mình biết. Cũng như mình ăn phở mình biết mùi vị của món phở đó nhưng mình không biết người ta đứng đàng sau nấu phở. Không biết người ta cho cái gì vô trong đó.

Cuốn sách này nó đưa ra được những sự thực vì vậy tôi nói nó là một ánh sáng mới, một cái gì đó rất mới đối với những gì mình đã thấy trong quá khứ.

Phá nát kinh tế miền Nam

Một góc Sài Gòn trước năm 75. Photo courtesy of Dân Làm Báo.
Một góc Sài Gòn trước năm 75. Photo courtesy of Dân Làm Báo.
Mặc Lâm: Trong Bên Thắng Cuộc nó nêu lên rất nhiều vấn đề trong đó có những sai lầm trong phần kinh tế. Ông nhận thấy thế nào dưới đôi mắt một kinh tế gia từng làm việc tại Việt Nam trong chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP)?

TS Đinh Xuân Quân: Người ta vẫn nói kinh tế miền Nam là phồn vinh giả tạo, nhờ viện trợ của Mỹ, nhưng cuốn sách nó cho mình thấy điều gì? Nó cho mình thấy cả một quy trình đi từ chỗ đánh tư sản mại bản, tới đổi tiền, tới đánh gian thương, rồi tập trung tất cả phương tiện sản xuất, bắt người ta vô tập thể hóa… tất cả những chuyện đó là cả một quy trình do Bộ chính trị muốn khoác cái cùm kinh tế tập thể lên miền Nam, do đó phá kinh tế miền Nam. Không những phá kinh tế miền Nam mà phá luôn cả kinh tế miền Bắc vì vậy mà họ gần như chết đói, chỉ một chút nữa thì cả Việt Nam đói hết rồi.

Những người này không hiểu gì về kinh tế do đó mang bao nhiêu tai họa cho miền Nam. Không những cho miền Nam mà sau này cả cho miền Bắc luôn.

TS Đinh Xuân Quân

Điều này là do quản lý sai lầm. Vì ngu xuẩn và duy ý chí, quá duy ý chí, chỉ nghĩ rằng Xã Hội Chủ Nghĩa mới thành công được còn nếu không thì kinh tế không thành công được.

Do đó cuốn sách này cho mình thấy những chuyện ấy chứ hồi xưa tới giờ mình có biết là ai đâu. Đâu biết người nào đứng ra làm những chuyện này! Mình chỉ biết có đánh tư sản mại bản là ông Đỗ Mười nhưng mà ai lôi ông Đỗ Mười vô? Ai quyết định điều ấy? Từ cuốn sách này mình thấy rõ ràng quy trình quyết định vận mạng kinh tế của đất nước do vài người làm mà thôi. Những người này không hiểu gì về kinh tế do đó mang bao nhiêu tai họa cho miền Nam. Không những cho miền Nam mà sau này cả cho miền Bắc luôn.

TT Võ Văn Kiệt xé rào

Mặc Lâm: Theo ông thì vai trò của ông Kiệt thông qua các chương sách có phản ảnh rõ nét quyết tâm mà ông thủ tướng này đã chứng tỏ hay không?

TS Đinh Xuân Quân: Phải nói rằng ông Võ Văn Kiệt là một thủ tướng rất thực tiễn. Ông ta cố gắng giải quyết những khó khăn của đất nước, những khó khăn về kinh tế. Trong cuốn sách cho biết chính ông này xé rào. Xé cái cuộn giây Xã Hội Chủ Nghĩa nhờ vậy mà cứu đói được Sài Gòn, cứu đói được miền Nam. Vì những chuyện xé rào này dần dần nó đưa tới chuyện đổi mới cởi mở về kinh tế, và không bắt buộc cả nước Việt Nam dưới nền kinh tế tập trung bao cấp nữa.

Mô hình bao cấp này thất bại hoàn toàn do đó mình thấy con người ông Võ Văn Kiệt, mà theo tôi hiểu tôi cũng đã gặp những cố vấn của ông ta, thì ông ta sẵn sàng để thay đổi. Lúc đó do một số chuyện nên không thể thay đổi hết được.

Nếu mình theo dõi chuyện này thì biết rằng lúc đó Việt Nam không những muốn đổi mới về kinh tế mà cả về chính trị nữa. Vì có hai phe cãi nhau do đó tới bây giờ “kinh tế thị trường theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa” lúc đó tính bỏ luôn cái đuôi “Xã Hội Chủ Nghĩa” nhưng hai bên vẫn còn tranh chấp nhiều nên Việt Nam tới giờ này vẫn phải mang cái đuôi đó. Những hậu quả của vấn đề định hướng xã hội đó vẫn còn tới nay và vì vậy Việt Nam vẫn còn thua kém rất nhiểu nước trong vùng Đông Nam Á.

Không nên có thành kiến

Bìa sách "Bên thắng cuộc" phần I. Photo courtesy of Osinbook.
Bìa sách "Bên thắng cuộc" phần I. Photo courtesy of Osinbook.
Mặc Lâm: Cái tên sách đã gây tranh cãi rất nhiều tại hải ngoại, ông là người đang sống giữa cộng đồng người Việt hải ngoại, nhận xét của ông về cái tựa ra sao?

TS Đinh Xuân Quân: Cái tựa Bên Thắng Cuộc có thể tự hỏi tại sao không phải là Bên Thắng Trận? Theo tôi hiểu thì tác giả không đánh giá cao một chiến thắng mà bên kia cho là lớn lắm, đó là một. Cái thứ hai mình ở nước Mỹ thì bao giờ mình cũng có dân chủ và lúc nào cũng có tự do ngôn luận. Tôi nghĩ tự do ngôn luận là một điều rất hay. Những người Việt Nam tỵ nạn có được nó rất tốt nhưng bao giờ cũng vậy, khi có dân chủ tự do thì nó phải có trách nhiệm.

Một người nào đó nói là ông tác giả này từ miền Bắc tới như vậy là “cộng con”! Nói như vậy là không có suy nghĩ, có thành kiến trước khi mình muốn đánh giá hay trao đổi. Khi mình ở trong một xứ dân chủ thì phải đánh giá cuốn sách qua nội dung của nó chứ chưa đọc cuốn sách mà nói là cuốn sách này thân cộng, làm lợi cho cộng sản… trong khi báo Công An Thành phố đang chửi và đánh ông tác giả này thì tôi nghĩ đây là một chuyện không hay.

Bao giờ cũng vậy, dân chủ phải đi song song với trách nhiệm. Thành ra muốn chỉ trích hay muốn khen thì phải dựa trên những chứng cớ rõ ràng. Vì vậy chúng ta phải thoát khỏi cái cùm, khi nghe tới cộng sản thì thấy sợ rồi.

Nhiều người hiện nay cũng đã về Việt Nam lấy vợ rồi cộng sản hết hay sao? Đối với tôi bao giờ cũng vậy tự do phải đi song song với trách nhiệm và khi mình muốn khen hay chê, chỉ trích gì thì phải dựa trên nội dung mà mình làm.

Mặc Lâm: TS vừa nhắc tới bài báo trên tờ Công An Thành Phố HCM làm tôi chú ý đến cách mà các tác giả trong bài báo này đổ lên đầu Huy Đức khi cho là ngang với những người chống cộng như Dương Thu Hương, như Trần Khải Thanh Thủy hay Bùi Tín, Vũ Thư Hiên. Ông có thấy đây là dấu hiệu cho biết rằng nếu Huy Đức trở về Việt Nam sẽ nhận những hậu quả nghiêm trọng hay không thưa ông?

TS Đinh Xuân Quân: Tôi tin hoàn toàn chuyện đó. Tôi muốn chia sẻ với quý vị là khi làm cho Liên Hiệp Quốc, khi ai đó viết một điều gì mà bị cộng sản đánh, thì thông thường những người làm cho LHQ không những bị đánh mà còn bị đuổi ra khỏi nước thì thường thường họ được lên chức!

Trong trường hợp của tác giả (Huy Đức) ở đây tôi rất lo cho tính mạng của ông ta. Tại vì không phải chỉ có bị bắt bớ mà quý vị đọc cuốn sách quý vị thấy biết bao nhiêu ông tướng còn bị accident phải thiệt mạng? Có rất nhiều cách để ám hại như ám sát, giết hay bắt tù… trong cuốn sách này nó nói rất nhiều về chuyện đó, thành ra tôi thấy chả lẽ những người chưa đọc cuốn sách lại tiếp tay cho báo Công An hay sao?

Khi mình làm điều gì thì phải vượt qua được định kiến. Sự thật sẽ giải thoát cho quý vị. Khi muốn biết sự thật thì quý vị hãy đọc. Đọc xong rồi mới đánh giá được. Cuốn sách này đa số dành cho những người sống ở Việt Nam, bị kềm kẹp không biết được những tin tức, và đây là lần đầu tiên họ thấy những chuyện gì đã thật sự xảy ra đối với đất nước hình chữ S này. Qua cuốn sách này mình mới thấy được tác giả khá can đảm.

Mặc Lâm: Xin cám ơn TS Đinh Xuân Quân.

Phần trên là cuộc nói chuyện giữa Mặc Lâm và TS Qinh Xuân Quân vê phần I của bên Thắng Cuộc. Cho tới nay theo chúng tôi biết Bên Thắng Cuộc quyển 2 mang tên Quyền Bính đã ra mắt bản điện tử trong khi cuốn một đã có bán sách in. Khi Quyền Bính tới tay chúng tôi, nó sẽ được xem xét và gửi tới quý vị những thông tin chung quanh nó qua các bài viết của những người đọc có uy tín, mong quý vị đón theo dõi.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.