Curator – Họa sĩ Trần Lương

Trong câu chuyện văn học nghệ thuật tuần này Mặc Lâm mời quý vị trở lại khu vườn mỹ thuật đương đại Việt Nam một lần nữa để tìm hiểu thêm về những hoạt động của các họa sĩ Việt Nam cũng như bước đi của các loại hình nghệ thuật đương đại như: nghệ thuật sắp đặt còn được gọi là Installtion, nghệ thuật thị giác Visual Art, nghệ thuật trình diễn: Performing Art, cũng như nhiều nghệ thuật đương đại khác đang có mặt tại Việt Nam.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2011.12.17
tran-luong-305.jpg Curator Trần Lương vừa giám tuyển cho “Phập phồng” ở viện Goethe Hà Nội.
Photo courtesy of soi.com.vn

Curator đầu tiên

Khách mời của chúng tôi hôm nay là curator Trần Lương, một họa sĩ rất nổi tiếng trong lĩnh vực Nghệ thuật thị giác và cũng là người đầu tiên chấp nhận dấn thân để trở thành một curator chuyên nghiệp.

Curator là một nghề nghiệp thật sự quan trọng trong ngành mỹ thuật. Tại các viện bảo tàng thì curator là người am tường sâu rộng các quá trình hình thành những giai đoạn mỹ thuật qua các thời kỳ của lịch sử mỹ thuật, từ đó tư vấn cho viện bảo tàng các trưng bày, đánh giá, cũng như triển lãm những tác phẩm được mua hay mượn từ các nơi khác.

Tại các cuộc triển lãm mỹ thuật tư nhân, curator là người có hoạt động chính là giới thiệu những sáng tác, những khuynh hướng mới bằng chất liệu hay cách thức trình bày. Curator là cầu nối giữa họa sĩ và người thưởng ngoạn. Curator cũng được xem là thước đo cho phòng triển lãm bởi uy tín và nhận thức thẩm mỹ của một curator sẽ dẫn dắt và giới thiệu tới công chúng những phát hiện mới trong ngành mỹ thuật.

Curator Trần Lương có lẽ là người duy nhất hành nghề tại Việt Nam hiện nay. Sau nhiều năm tiếp cận với công việc đầy thử thách này, anh được một số lớn họa sĩ đánh giá là người có khả năng bởi ham học hỏi và đi nhiều, khám phá nhiều về kinh nghiệm của các đồng nghiệp bên ngoài Viện Nam. Anh cũng được tin cẩn bởi các cơ quan văn hóa của các đại sứ quán ngoại quốc tại Việt Nam, và anh đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm cho các họa sĩ trẻ tại những nơi này.

Chưa so với ai được

Trong câu chuyện với chúng tôi hôm nay curator Trần Lương sẽ cho chúng ta biết về sinh hoạt của các họa sĩ trong lĩnh vực nghệ thuật đương đại qua sự làm việc chung với anh từ nhiều chục năm qua. Bây giờ mời quý vị theo dõi sau đây.

Mặc Lâm: Chúng tôi được biết là anh rất chú ý tới các nghệ sĩ sáng tác theo khuynh hướng đương đại, là một curator anh có nhận xét gì về khả năng, về cách chuyển tải tư tưởng của họ tới công chúng cũng như những yếu tố khác để có thể nói họ đạt được yêu cầu nào đó so với quốc tế thưa anh?

Trần Lương: Phải nói trước là trong bối cảnh nghệ thuật đương đại Việt Nam ngày nay khó nói được một tiêu chuẩn quốc tế theo thời điểm từ năm 2.000 trở về trước. Trước kia thì phải nói thật cái tính định dạng, định chất, định tính của nghệ thuật nói chung và mỹ thuật đương đại bị khuynh loát bởi ngành nghệ thuât chuyên nghiệp trong ấy có các bảo tàng, các hoạt động của curator phương Tây. Đấy là điều không công bằng của thế giới vì vậy những nghệ sĩ của thế giới thứ ba thường khó có cơ hội tiếp cận vì rất nhiều lý do. Vì điều kiện làm việc không chuyên nghiệp của họ. Vì không đào tạo. Vì thiếu kinh nghiệm. Vì các chế độ độc tài kiểm duyệt và nhiều lý do khác nhau nữa nhưng không phải là họ không có những người giỏi.

Điển hình như MoMA, Modern Art of New York thì cho đến tận năm 2.000 mới bắt đầu có chiến lược mở rộng bản đồ riêng của mình ra những góc khuất của thế giới. Thí dụ trước kia khi nói tới châu Á thì chỉ nghĩ đến Nhật Bản, Trung Quốc hay Ấn Độ, nhiều lắm là có thêm tí xíu Iran, Iraq hay Hàn Quốc, còn phần còn lại của Châu Á coi như biến mất trong bản đồ của họ.

Sau năm 2.000, sau khi họ xây dựng một khu nhà mới thì họ thay đổi quan điểm chú ý tới nhiều góc khuất của thế giới, những nơi có cuộc sống với nhiều xung đột và cách nhìn của họ cũng trở nên khác. Tuy nhiên nó không phổ biến được vì mang nét văn hóa địa phương mà không đáp ứng nhu cầu toàn cầu qua tính chất mặc định của những nước tư bản lớn, thành ra có rất nhiều nghệ sĩ trong nhiều năm mới ra mặt được.

Mặc Lâm: Vâng, đó là tình hình chung của những năm cuối thế kỷ trước, riêng tại Việt Nam trong bước đầu tiếp cận với nghệ thuật đương đại thì sao?

Tuy vậy những thành công của mỹ thuật Việt Nam chưa so với ai được, đặc biệt là những nước lớn như Trung Quốc hay những nước tư bản phát triển đã lâu.

Curator Trần Lương

Trần Lương: Tôi nghĩ rằng chúng tôi lớn lên ở trong nước điều kiện rất khó khăn nhưng về cơ bản nhất là ngành mỹ thuật chúng tôi không có mặc cảm gì về sự không bằng hay kém người ta so với thế giới. Tôi cũng nghĩ là từ sau mở cửa thì mỹ thuật Việt Nam là ngành đi đầu trong vấn đề tiếp cận các loại hình khác nhau, cũng như cách làm việc. Ngay trong cơ chế làm việc, cơ chế suy nghĩ thì mỹ thuật đã đi trước các ngành nghệ thuật khác để xã hội hóa cũng như tiếp cận với thế giới.

Tài năng thì còn cái vướng mắc như tôi nói với anh. Tôi lớn tuổi rồi nhưng cố gắng rất nhiều để dần dần trở thành một phần nào đấy trong nền mỹ thuật đương đại quốc tế. Chúng tôi vấp rất nhiều thứ, từ ngoại ngữ cho đến tri thức vì cả tuổi trẻ chúng tôi chỉ có chiến tranh thôi, không có trường lớp. Cho tới năm 13 tuổi mà không được đi đến trường. Thành ra rất là khó để có thể tiếp cận trong một thời gian ngắn.

Tuy vậy những thành công của mỹ thuật Việt Nam chưa so với ai được, đặc biệt là những nước lớn như Trung Quốc hay những nước tư bản phát triển đã lâu. Tuy nhiên những thành công lúc gần đây thì tôi hoàn toàn tự tin vì nghĩ rằng các nghệ sĩ trẻ Việt Nam đã nhận thức được, không còn căn bệnh xã hội ban đầu với (material live) khi mới mở cửa chỉ nghĩ đến Commercial Art, chỉ nghĩ đến nghệ thuật thương mại và du lịch.

Đã có những nghệ sĩ trẻ gọi là phi thân hay Society Artist. Họ khá biết hướng đi xa hơn và không còn bị những cám dỗ nhỏ. Hai nữa nếu để so sánh thì dân tộc Việt không có gì phải buồn. Những nghệ sĩ Việt Kiều trở về nước sống cũng lâu rồi như anh Lê Quang Định hay anh Chu Nguyễn hay các nghệ sĩ làm ngành nghệ thuật thực nghiệm khác họ cũng thành công. Họ trở về lấy các tình trạng xã hội, hoàn cảnh hay văn hóa trong nước làm đề tài. Từ Elsola Thụy Trần Đinh Hùng cho đến các nghệ sĩ bên nghệ thuật thị giác và họ đạt được những tầng cấp không phải là kém so với quốc tế.

Vì vậy tôi cũng tin là có thể một hai thế hệ như thế trở thành những viên đá lát đường cũng không sao nhưng các em trẻ tôi nghĩ là nhanh thôi họ sẽ tiếp cận được trình độ quốc tế.

Vấn đề thưởng ngoạn

Mặc Lâm: Đó là phác thảo những hình ảnh mà anh đưa ra trong giới sáng tác. Riêng về người thưởng ngoạn thì sao thưa anh? Có vẻ giới thưởng ngoạn người Việt mình không theo kịp các sáng tác của nghệ sĩ trong nước. Theo anh thì giải quyết vấn đề khá gay cấn này đòi hỏi những gì?

Trần Lương: Chúng tôi cũng nói nhiều về chuyện này, về vai trò của người nghệ sĩ nói riêng, với xã hội, với lịch sử thì nó chỉ là một hướng thôi. Một hướng khác là hướng của xã hội, trong đấy có chính trị, có cơ chế xã hội đến nền văn minh cho đến cái cụ thể hơn như giáo dục, rồi các chủ trương chính sách của xã hội mới có thể đẩy cái mặt bằng văn hóa của đất nước đi lên được. Cũng như nhỏ hơn là đẩy người thưởng ngoạn đến gần với nghệ thuật hơn.

Tôi nghĩ điều này là một tổng hòa và với lịch sử chính trị xã hội như Việt Nam thì điều này không đốt cháy nó trong thời gian ngắn được.

Mặc Lâm: Được biết anh đã có điều kiện đi rất nhiều nước để học hỏi cũng như làm việc hay nghiên cứu, anh có thể cho biết có khu vực nào đáng chú ý bởi tình trạng tương tự như Việt Nam hay không?

Người nghệ sĩ tìm mọi cách tìm mọi phương thức, kỹ năng khác nhau để tiếp cận khán giả các tầng lớp khác nhau.

Curator Trần Lương

Trần Lương: Tôi đã từng đi những nước xa xôi như Argentina thì họ cũng vướng vào vấn đề này mặc dù họ cũng nằm trong hệ tư bản. Đây là sự phát triển tổng hòa và rất nhiều mặt. Giai đoạn phát triển kinh tế tốt rồi không ăn thua, mà phải có dân chủ, phải có những chính sách sáng sủa thì mới làm được việc đó. Tuy vậy đối với nghệ thuật đương đại nói riêng thì một bản chất rất rõ ràng của nghệ thuật đương đại là kế thừa và phát triển kỹ thuật cao (high technology) cũng như phát triển dân chủ mà nghệ thuật đương đại phải bỏ khuôn phép của những nghệ thuật trở về trước thí dụ như những bức tường của bảo tàng, của gallery hay của sân khấu. Họ tương tác (interactive) với đời nhiều hơn.

Cái xu hướng đó tôi nghĩ cũng phần nào có thể giải quyết được nhưng nó mất nhiều thời gian. Người nghệ sĩ tìm mọi cách tìm mọi phương thức, kỹ năng khác nhau để tiếp cận khán giả các tầng lớp khác nhau mà trước kia trong thời kỳ hiện đại kể cả những nước tư bản lớn không làm nổi, tức là đưa nghệ thuật đến với những người không có một tí đào tạo gì. Những người nghèo, người bình dân, những vùng biệt lập thì đã có những dự án những cách thức làm việc để tiếp cận họ. Dĩ nhiên là sự tiếp cận được bao nhiêu phần trăm hay nó ở tầng lớp nào thì phụ thuộc vào nền tri thức và sự giáo dục của cộng đồng đó.

Tuy nhiên tất cả đều là con người nên có những biểu hiện văn hóa dân gian và có những điểm tích cực. Nếu mình tiếp cận đúng thì cũng có thể thay đổi cách nghĩ cách làm của người ta bằng cách liên tục và nhiều lần. Liên tục và bền vững. Đấy là những cách mà hiện nay chúng tôi đang áp dụng trong điều kiện chưa có một chính sách cũng như chưa có một nền giáo dục tích cực về văn hóa và thẩm mỹ cho đất nước . Đấy là cách mà các nghệ sĩ đương đại làm, tuy gọi là nhỏ lẻ thôi nhưng mà cũng biết chiến lược là như thế nào.

Không lạc quan không được

Mặc Lâm: Theo anh thì những thành tựu tuy rất nhỏ này có làm cho anh lạc quan khi nhìn về phía trước trong vòng 10 hay 20 năm nữa hay không?

Trần Lương: Chúng tôi chẳng lạc quan chẳng được là bởi vì nếu chúng tôi không lạc quan thì chúng tôi chết lâu rồi! Tôi cả đời lớn lên chỉ thấy chiến tranh thôi. Tôi sinh năm 1960 và tôi đói, đói thường trực, đói liên tục cho đến năm tôi 26 -27 tuổi không lúc nào tôi thấy tôi no đủ cả. Bảo rằng không lạc quan thì chúng tôi chả làm được gì. Giống thế hệ bố chúng tôi thì tự giết mình bằng rượu… nên tôi nghĩ rằng phải lạc quan thôi và những gì hay, những gì đúng mà nếu mình không vụ lợi và làm cái gì đúng thì chắc sẽ có một ngày nó tốt, còn trên thực tế thì còn xa vời.

Chúng tôi chẳng lạc quan chẳng được là bởi vì nếu chúng tôi không lạc quan thì chúng tôi chết lâu rồi!

Curator Trần Lương

Cho đến giờ phút này vẫn còn xa vời. Phía nghệ sĩ thì không nói làm gì, như con kiến làm được bao nhiêu thì làm, thế nhưng cái tổng hòa như lúc nãy tôi nói, sự ủng hộ của xã hội để phát triển bền vững thì chúng ta chưa thấy tín hiệu gì khả quan. Cụ thể trong các quản lý văn hóa, trong toàn bộ hệ thống ủng hộ và phát triển văn hóa. Xa hơn nữa là quan trí của những người quản lý văn hóa cực kỳ thấp cho nên tôi không thấy điều lạc quan gì. Chỉ có điều là cái lẽ phải, cái phát triển tất yếu của hướng nó đến với cộng đồng càng ngày càng rõ ràng hơn và sự tự do dù chậm nhưng trước sau gì nó cũng đến nên tôi nghĩ dựa vào đấy để lạc quan mà làm việc thôi anh ạ.

Mặc Lâm: Xin cám ơn họa sĩ kiêm curator Trần Lương về buổi nói chuyện hôm nay.

Thưa quý vị, nghệ thuật đương đại đang là xu thế tất yếu của cuộc vận động mỹ thuật hiện nay, vì vậy bất kể khó khăn hay thuận lợi, nó vẫn phát triển theo dòng chảy do các họa sĩ trẻ khai phóng. Những người thích sáng tạo trên cái nền của sự thách thức chính mình. Trong kỳ tới chúng tôi sẽ bàn sâu vào chi tiết của nghệ thuật đương đại qua họa sĩ sắp đặt Đào Anh Khánh và họa sĩ Ngô Lực người đang theo đuổi bộ môn Public Art và rất thành công hiện nay xin quý vị đón nghe.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.