Tranh giả, vấn đề của người giàu?

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2016.07.23
hcm3976455_yjoi-622.jpg Nhà báo Lý Đợi (trái), người đầu tiên phát hiện ra các bức tranh tại triển lãm là giả.
Courtesy LĐ

Sự giả dối không thể che đậy

Ngay sau khi cuộc triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu được mở ra tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố từ ngày 10 tháng đến 21tháng 7 với 17 tác phẩm được giới thiệu là của các họa sĩ thế hệ Trường Mỹ thuật Đông Dương nổi tiếng như Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Sỹ Ngọc, Tạ Tỵ số tranh này thuộc bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung, đã dấy lên một sự cố chấn động cho nền mỹ thuật Việt Nam.

Trước tiên là bức tranh tên “Trừu tượng” được ký tên Tạ Tỵ lại bị họa sĩ Thành Chương lên tiếng công bố là bức tranh của ông. Khi dư luận chưa dứt bàn tán thì chỉ vài giờ sau số tranh còn lại bị các cặp mắt quan tâm về mỹ thuật Việt Nam đồng loạt cho rằng đều là tranh giả.

Lần đầu tiên tại một Bảo tàng mỹ thuật đẳng cấp quốc gia, nơi được cho là trung tâm của các trung tâm lại nổ ra cuộc trưng bày hàng giả đồng loạt và có tính toán như trong các bộ phim nói về các bức tranh bị mất cắp nổi tiếng trên thế giới.

Ông yêu cầu chúng tôi chứng minh là tranh giả thì chúng tôi yêu cầu ông hãy chứng minh đó là tranh thật. Tất nhiên anh cũng biết rồi ở nước ngoài thì không khó nhưng đối với Việt Nam thì khó.
-Họa sĩ Thành Chương

Tất cả 17 bức tranh đều được chứng nhận là tranh thật qua ấn chứng của ông Jean Francois Hubert, một chuyên viên cao cấp về thẩm định tranh của nhà đấu giá Christie’s tại Hong Kong, một đại chỉ danh tiếng của Á châu có các hoạt động buôn bán tranh cho người sưu tập.

Thế nhưng những bức tranh giả ấy xuất hiện trên báo chí cho thấy sự ngờ ngệch của những người âm mưu thực hiện cuộc lừa đảo vĩ đại này. Thật vậy, chỉ cần một chút kiến thức sơ đẳng về hội họa, người yêu tranh Tạ Tỵ cũng nhận ra ngay đường nét trên bức tranh mang tên “Trừu tượng” không thể là của ông, bởi nét vẽ lập thể của Tạ Tỵ không một chút gì tương tự để người ta có thể ngập ngừng nói đó là sáng tác của Họa sĩ.

Người chủ mưu đặt tên cho bức tranh này hiểu khá rõ về con đường sáng tác của Tạ Tỵ, một cây cọ đơn độc chọn cho mình lối vẽ lập thể trong khi các bạn bè cùng trường Đông Dương vẫn trung thành với bảng màu của các trường phái cổ điển. Mãi tới năm 1970, Tạ Tỵ muốn có cuộc thay đổi thì cũng chỉ chọn ý tưởng sáng tác chứ vẫn không thay đổi cách vẽ lập thể của ông.

Ý tưởng cuộc đời là một chuỗi sinh hoạt hình thành một cách trừu tượng được Tạ Tỵ áp dụng vào khá nhiều tranh, nhất là sau khi định cư tại Mỹ. Trừu tượng là chủ đề chứ không phải là phong cách vẽ cho nên người đặt tên “Trừu tượng” cộng với thời gian sáng tác năm 1972 ký trên bức tranh mà họa sĩ Thành Chương nói là của mình, tỏ ra rất cao tay, chuẩn bị sẵn nếu có ai hỏi về ý nghĩa cũng như giai đoạn sáng tác của Tạ Tỵ.

Họa sĩ Thành Chương, người phát hiện bức tranh của mình bị ký tên Tạ Tỵ cho chúng tôi biết:

“Ông Hubert là một người nước ngoài nhưng đứng ra thách thức mỹ thuật Việt Nam như thế. Ông ta đưa ra giấy chứng nhận cho những bức tranh giả như thế này rồi còn nói các ông chứng minh đây là tranh giả đi! Vậy thì ở đây có hành động ngược lại là ông nói đây là tranh thật vậy thì ông hãy chứng minh căn cứ vào cái gì mà ông chứng minh nó là tranh thật?

Nhà sưu tập Vũ Xuân Chung (áo tím)  tranh cãi với họa sĩ Thành Chương (áo đỏ) về bức Trừu tượng, Tạ Tỵ, 1952. Ảnh chụp sáng 19/7/2016 tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. Photo courtesy of LĐ.
Nhà sưu tập Vũ Xuân Chung (áo tím) tranh cãi với họa sĩ Thành Chương (áo đỏ) về bức Trừu tượng, Tạ Tỵ, 1952. Ảnh chụp sáng 19/7/2016 tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. Photo courtesy of LĐ.

Ông yêu cầu chúng tôi chứng minh là tranh giả thì chúng tôi yêu cầu ông hãy chứng minh đó là tranh thật. Tất nhiên anh cũng biết rồi ở nước ngoài thì không khó nhưng đối với Việt Nam thì khó. Thật ra nhà nước cũng không thật sự quan tâm về việc này đến nơi đến chốn, đầu tư cũng như mua các phương tiện khoa học, kỹ thuật cũng như các quan tâm thật sự khác. Mọi người đều biết nó là tranh giả nhưng không có bằng chứng nào để chứng minh được.

Đây là việc không may đối với tôi bị giả mạo như thế nhưng thật sự cũng là một cái may cho hội họa Việt Nam. Tôi có đầy đủ chứng cứ vì bản thân tôi còn sống đây là người hoạt động lâu năm có uy tín, bản thân người mẫu còn đó, bản thân tất cả hồ sơ liên quan tới từ ký họa cho tới phác thảo. . .cho tới hôm nay thì tôi công bố cái ảnh bức tranh này luôn. Bản thân con gái của họa sĩ Tạ Tỵ cũng xác nhận đây không phải là tranh của bố vậy thì việc xác nhận bức tranh này của tôi không còn quan trọng nữa bởi vì nhân chứng, vật chứng tất cả các thứ đều đầy đủ rồi và mọi người đã thấy sự nghiệp của tôi, cuộc sống của tôi đã đầy đủ rồi tôi đâu cần làm gì nữa.”

Mười bảy bức tranh giả cùng một lúc nắm tay nhởn nhơ tại khu đền mỹ thuật Việt Nam thì thật là khó tin, hay tại ông Hubert do quá biết rõ Việt Nam từng chân tóc và trong cái biết ấy ông đánh giá người xem Việt Nam sẽ không dễ nghi ngờ tờ giấy xác nhận 17 tuyệt phẩm này là thật?

Ông Hubert có lẽ quên một nguyên tắc rất phổ cập: do Việt Nam có quá ít họa sĩ nổi tiếng nên tranh của họ được cộng đồng người xem tranh Việt nhớ rõ hơn bất cứ tác giả ngoại quốc nào.

Mỗi họa sĩ là một đường nét và ngay cả khi đặt hai bức tranh giả và thật giống nhau như đúc cạnh nhau thì cái hồn, cái khô cũ của thời gian, cái ánh sáng phai nhạt không thể cùng một nguồn sáng hay ngay cả cái nét nhếch môi bí ẩn của một nhân vật nào đó trong tranh cũng sẽ nói lên sự giả dối không thể che đậy dù đó là nhà sao chép tranh bậc thầy của thế giới.

Người xem tranh nhanh chóng nhận ra tất cả các bức được triển lãm trong Bảo tàng Mỹ thuật thành phố đều là giả đã đặt nền mỹ thuật Việt Nam vào một tình thế nguy nan.

Đánh giá thấp người thưởng ngoạn Việt Nam

Tranh giả không phải là vấn đề mới mẻ gì tại Việt Nam mặc dù số tranh đáng để làm giả vẫn còn quá ít. Cộng vào đấy, họa sĩ người Việt vẫn còn rất khiêm nhượng trong cộng đồng thế giới.

Nói về tranh giả, nhà báo, nhà thơ Lý Đợi cũng là người đầu tiên phát hiện các bức tranh đang triển lãm tại Bảo tàng mỹ thuật là giả cho chúng tôi biết nguồn gốc của tranh giả tại Việt Nam:

“Tranh giả nó đến từ ba nguồn chính. Nguồn đầu tiên từ hoàn cảnh khách quan của lịch sử. Vào thời đó người họa sĩ vẽ cùng lúc một bức tranh với nhiều phiên bản giống nhau và đối với họ thì chuyện ấy rất là bình thường cũng như việc in một tập thơ ra thành nhiều tập để mình ký tặng cho nhiều người vậy! Chính Tạ Tỵ cũng làm việc đó. Lý do thứ hai đến từ các hoạt động ngoại giao đoàn. Trong thời gian đó ngoại giao đàon cảu Việt Nam thường lấy tranh của các họa sĩ của trường Mỹ thuật Đông Dương hay các họa sĩ tiêu biểu thời đó như ông Nguyễn Phan Chánh, Tôn Thất Đào… Ngoai giao đoàn yêu cầu Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và các cơ quan tương tự đặt các họa sĩ lành nghề chép những tranh này để tặng cho khách.

Nếu Christie’s hay các nhà đấu giá khác nếu không có sự thẩm định của một người cố vấn như vậy thì nạn tranh giả và tranh nhái sẽ còn hoành hành rất nhiều vì nó đã bị thả nổi.
-Nhà báo Lý Đợi

Thứ ba nó đến từ các hoạt động tranh giả, tranh chép do chính con cháu của các họa sĩ trong gia đình, hay các học trò các đệ tử do tham lợi nhuận họ đã chép lại để bán. Đó là ba lý do chính tạo nên tranh giả tranh nhái của Việt Nam.”

Tranh giả tranh nhái rõ ràng làm cho tranh mỹ thuật Việt Nam không đạt được giá cao trên thị trường. Niềm tin vào tranh đi đôi với uy tín của phòng triển lãm hay lớn hơn là nơi tổ chức đấu giá cũng như một cố vấn uy tín đầy kiến thức về tranh. Ông Jean Francois Hubert từng được biết là một chuyên gia về tranh Việt Nam, cố vấn cao cấp cho nhà đấu giá Christie’s tại Hong Kong nhưng qua vụ tranh giả này cho thấy uy tín của một chuyên gia là cần nhưng chưa đủ để lượng định về tranh.

Sự giả mạo này có thể do ông Hubert đánh giá thấp người thưởng ngoạn Việt Nam nhưng cũng có thể vì số tiền quá lớn đã mua được cả uy tín của một chuyên gia. Nhà báo Lý Đợi một lần nữa chia sẻ trường hợp của Hubert như sau:

“Đây là vụ đổ bể lớn nhất đối với ông ta. Thực ra trong khoảng 10 năm gần đây những chuyện lùm xùm liên quan tới việc Hubert có dính tới tranh giả tranh nhái của Mỹ Thuật Đông Dương và Mỹ thuật Việt Nam đối với quốc tế đã có đây đó rồi nhưng đây là vụ lớn nhất với 17 bức đều là tranh giả. Theo như thông cáo báo chí của Bảo tàng Mỹ thuật tp Hồ Chí Minh vừa đưa ra vào ngày 19 tháng 7 thì Bảo tàng đã kết luận 15 bức trên 17 bức của ông Vũ Xuân Chung sưu tập từ ông Hurbert là không phải bản vẽ do tác giả đứng tên thực hiện. Hai bức còn lại trong bộ sưu tập đó là mạo danh chữ ký của họa sĩ Tạ Tỵ và Nguyễn Sáng nên từ đó Bảo tàng ra lệnh tạm giữ 17 bức tranh của ông Vũ Xuân Chung để phục vụ công tác điều tra. Bảo tàng cũng đề nghị các cơ quan thẩm quyền xử lý sớm về vần đề này. Bảo tàng cũng gửi lời xin lỗi đến công chúng vì đã chấp thuận cho triển lãm diễn ra mà không có thông tin đủ xác thực về tranh giả tranh thật để kết quả 17 bức này đều là tranh giả dược trưng bày tại bảo tàng và đó là sai lầm của họ.”

Trước khi vụ tranh giả nổ ra chính nhà Christie’s đã gửi thư tới nhiều cơ quan triển lãm cũng như các tổ chức mỹ thuật trong khu vực cho biết ông Hubert không còn là cố vấn của Christie’s nữa. Điều này ý nghĩa thế nào? Nhà báo Lý Đợi chia sẻ:

“Việc trả lời của nhà Christie’s như vậy nó có hai điều kinh khủng. Điều thứ nhất tại sao họ không có một chuyên gia về tranh Việt Nam mà họ lại phải ngưng không cộng tác với một chuyên gia cao cấp như ông Hubert. Bởi vì thực sự làm một cố vấn cao cấp cho nhà Christie’s thì lợi nhuận của người cố vấn và cả cho Christie’s đều tốt hơn là Hubert không còn làm ở đó nữa. Nếu Christie’s hay các nhà đấu giá khác nếu không có sự thẩm định của một người cố vấn như vậy thì nạn tranh giả và tranh nhái sẽ còn hoành hành rất nhiều vì nó đã bị thả nổi.”

Theo nhà báo Lý Đợi cho biết vào cuối tháng 5 năm 2016 một nhà đấu giá tại Paris đã đấu giá một bức tranh giả của Vũ Cao Đàm và một bức tranh giả của Mai Trung Thứ, hai người trong bộ tứ Lê Phổ, Mai Thị Lựu, Vũ Cao Đàm và Mai Trung Thứ tại Paris. Khi báo chí trong nước phát hiện hai bức đó là tranh giả thì bài báo ấy được dịch sang tiếng Anh, người mua bức tranh ấy cầm bài báo đến gặp cơ quan cảnh sát Paris và gặp nhà đấu giá buộc phải trả lại tiền cũng như nói lời xin lỗi.

Khó có thể xác định tranh giả bằng cảm tính và nhất là trong trình trạng hạn hẹp về khoa học giảo nghiệm của Việt Nam hiện nay không thể phân tích chính xác một bức tranh giả ở chỗ nào nhất là kiến thức chuyên môn về tranh vẫn là điều cẩn phải bàn tới.

Trong vụ này nạn nhân đầu tiên của nó là nhà sưu tập, kế đến là Bảo tàng mỹ thuật thành phố, và sau cùng nhưng lớn nhất vẫn là nền mỹ thuật Việt Nam.

Nạn nhân thì như thế còn tác nhân và những yếu tố khách quan làm hiện tượng tranh giả không thể kiểm soát là do ai? Khi nào giải quyết cái gốc này thì mới có cơ may tranh giả không thể xuất hiện. Mà giải quyết rốt ráo có lẽ sự tốn kém sẽ quá sức chịu đựng của quốc gia trước vấn nạn tranh giả.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.