Hát ru, con lớn lên từ ngọt ngào môi mẹ

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2013.05.11
ru-con-ngu305.jpg Mẹ hát ru con, tranh minh họa.
Photo courtesy of baclieu.net

 

Mỗi năm vào ngày Mother’s Day, những người con lại có cơ hội nhớ về mẹ mình để bày tỏ sự biết ơn, lòng thương nhớ hay những cảm xúc mà mẹ đã mang đến cho họ. Những người mẹ dầu già hay trẻ, dù nghèo nàn hay giàu có cũng đều có một tình yêu với con mình bằng nhau. Sự khác biệt nếu có chỉ nằm trong cách diễn đạt của từng bà mẹ, và lạ thay tạo hóa cũng ban cho con cái những bà mẹ này niềm yêu mến sâu xa và bằng nhau, bất kể họ được sinh ra bởi một người mẹ có giai cấp nào trong xã hội.

Tiếng ru ngọt ngào từ tim mẹ

Người Việt Nam ở lứa tuổi trên dưới 50 là những thế hệ may mắn nhất khi từng thụ hưởng một gia tài đồ sộ từ người mẹ qua giọng hát ru con của bà. Từ Bắc vào Nam trong từng mái gia đình bất kể trong hoàn cảnh chiến tranh hay tạm yên tiếng súng, giọng ru con của mẹ có mãnh lực làm người ta tạm quên những gì đang xảy ra khắp nơi. Khi cả nước lăn xả vào chiến tranh thì những giọng ru con ấy cứ bình thản, nhẹ nhàng như dòng nước mát đem đứa trẻ ra khỏi những thảm cảnh mà chỉ có mẹ mới biết, mới nặng trĩu cho con mình.

Ca sĩ có những đẳng cấp khác nhau tùy theo giọng hát, còn bà mẹ Việt Nam thì chỉ  có một đẳng cấp như nhau: tất cả đều là Diva, tất cả đều là huyền thoại.

Những tiếng ru mang ngọt ngào từ tim mẹ rót vào giấc ngủ của con ấy không gì có thể so sánh. Một trưa hè êm ả, một đêm đông gió rét hay một sáng tinh mơ giật mình thức giấc khó mà diễn tả được lòng chúng ta khi nghe tiếng ru dịu dàng bên kia hàng rào nhà mình. Tiếng khóc trẻ thơ không còn làm cho ta khó chịu vì nó được đùm bọc, chở che bằng trái tim người mẹ qua giọng ru mà tiếng à ơi đơn giản lại có khả năng thay thế cho hàng trăm nhạc cụ. Cứ thế tiếng ru, tiếng gió bên thềm cộng với tiếng võng tre kẽo kẹt đã đưa những đứa con Việt Nam tới tuổi trưởng thành….

Chúng tôi dạy cho họ nghệ thuật hát ru cho lớp trẻ và những người đã từng sinh con. Nó có nhiều tác dụng trong những lời hát ru mang đậm tính nhân văn, giáo dục con cái ca ngợi quê hương đất nước.
-Bà Cao Thị Hiền

Ầu ơ….ví dầu cầu ván long đinh, cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi.

Khó đi mẹ dắt con đi

Con đi trường học mẹ đi trường đời..

Ầu ơ

Ai về sông nước Cửu Long

Mà nghe chim sáo sổ lồng sang sông

Ai về hát lý cây bong

Mà nghe chim cú ngoài đồng kêu đêm…

Ầu ơ ví dầu câu lý còn thêm

Mong con ghi nhớ những đêm mẹ ví dầu..

Giáo sư Trần Văn Khê một người cống hiến cả đời cho nền âm nhạc dân tộc Việt Nam nhắc lại những kỷ niệm của ông về kỹ thuật hát ru mà từ xa xưa ông có dịp nghe tại quên nhà:

Hồi xưa lúc còn nhỏ thì tất cả trong làng tôi đều ru như thế này: Ầu ơ…ví dầu…con cá nấu canh (hò sang… quảng 4) bỏ tiêu (hò xê… quảng 5) cho ngọt, bỏ hành cho thơm…

À …ơi….Mẹ ru cái lẽ ở đời

Sữa nuôi phần xác…hát nuôi phần hồn

À…ơi…

Bà ru mẹ, mẹ ru con

Liệu mai xa cách con còn nhớ chăng

Ạ ời…Ạ… ơi

Con ơi muốn nên thân người

Lắng tai nghe lấy những lời mẹ ru…

Lời của những bài hát ru không tự nhiên mà có, chúng được giới bình dân sáng tác và truyền miệng cho nhau đủ mọi đề tài, từ nuôi con, dạy trẻ khi lớn cho tới canh tác và chăm sóc công việc đồng áng. Dĩ nhiên một mảng quan trọng khác luôn thấy trong gia tài thi ca bình dân đó là tình yêu đôi lứa vẫn không thiếu trong hát ru.

Ạ…ư…

Ai về (mà) nhắn với bạn nguồn

Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên

Chột kêu chút chít trong rương

Anh đi cho khéo (chứ) đụng giường mẹ la

Khi xa thì chỗ ngõ cũng xa

Khi gần Vĩnh Điện…La Qua cũng gần

Nỗ lực gìn giữ hát ru

Hình bìa CD Hát ru Nam bộ, ảnh minh họa. Photo courtesy of PhuongNamBook.
Hình bìa CD Hát ru Nam bộ, ảnh minh họa. Photo courtesy of PhuongNamBook.

Gia tài hát ru Việt Nam đã mai một thấy rất rõ trong những lúc gần đây. Trước tình hinh này một nhóm các nghệ nhân có lòng đã tụ nhau với mục đích gây dựng lại tiếng hát ru đang mất. Bà Cao Thị Hiền, một nghệ sĩ thành viên thuộc Hội Quán Các Bà Mẹ nơi đang có nỗ lực làm công việc này cho biết:

“Nói chung hát ru Việt Nam rất phong phú. Chúng tôi xây dựng những chương trình truyền lại cho lớp trẻ những người đang nuôi dạy con những người làm cha làm mẹ. Chúng tôi dạy cho họ nghệ thuật hát ru cho lớp trẻ và những người đã từng sinh con. Nó có nhiều tác dụng trong những lời hát ru mang đậm tính nhân văn, giáo dục con cái ca ngợi quê hương đất nước. Bây giờ thì nó đã mai một đi một chút vì vậy chúng tôi và tất cả mọi người cũng đang muốn cố gắng khôi phục nó và bảo tồn loại hình nghệ thuật dân tộc này.

Rất nhiều trẻ bây giờ họ cũng say mê, có những người hát rất hay. Nhiều người say mê đến nỗi làm thành cả một tác phẩm riêng cho họ.”

Lắng tai nghe những lời mẹ ru êm ả nồng nàn ấy đứa trẻ là chúng ta không khỏi ảnh hưởng đến lòng từ tâm, âm thanh yêu thương từ mẹ để rồi sau đó bước ra đời với hành trang yêu người, yêu đời ăm ắp trong tim. Bài học đầu tiên của chúng ta, những người được nghe tiếng ru của mẹ từ khi chưa biết nói, nhưng từ cuống rốn chưa khô ấy, chúng ta đã tiếp xúc trực tiếp với mẹ bằng giác quan, bằng cảm nhận và chắc chắn rằng âm thanh từ giọng ru đã hình thành nhân cách cho từng người chúng ta từ tiềm thức.

Khi lớn lên một chút nghe mẹ ru cho em mình, ngồi bên cạnh mấy ai trong chúng ta không khỏi nhìn mẹ và tự hỏi rằng mình yêu mẹ bao nhiêu cho hết đây. Cái miệng mềm mại ấy đã từng ru mình bây giờ ru cho thế hệ nhỏ hơn…lời ru ấy tiếp nối và che chở chúng ta trong cuộc đời này. Lời ru như chiếc khiên, che chắn phong ba bão táp cuộc đời khi chúng ta gặp phiền muộn, bất ngờ hay thất bại trong cuộc sống. Tiếng ru có khả năng hàn lại vết gãy vỡ trong một lúc nào đó khi ta ngồi cô đơn một mình nhớ mẹ…

“Năm 1976 tôi về nước khi trở lại tôi đi khảo sát từ Bắc chí Nam, sau 25 xa vắng tôi giật mình, đi đến đâu tôi cũng thấy tiếng hát ru đã tắt trên môi của các bà mẹ vì hoàn cảnh, vì nếp sống mới, vì chiến tranh mà các bà mẹ không còn ôm con ru nữa. Tôi nghĩ rằng điều này rất tiếc bởi vì bài hát ru là một bài giáo dục âm nhạc đầu tiên người mẹ truyền sang cho đứa con, cùng một lúc với giòng sữa nóng nuôi thân thể trẻ con thì một điệu thi ca dân gian một cái nét nhạc dân tộc được rót vào tiềm thức của em bé.”

Kể từ biến cố 75, tiếng ru của mẹ cũng tắt dần theo với mệnh nước. Người ra đi tiếp cận đời sống mới với vật chất hiện đại tràn đầy từ đó tiếng ru trở thành khan hiếm trong mọi gia đình Việt Nam tại hải ngoại.

Trong nước cũng không hơn gì, xã hội bon chen với lầm than trong một thời gian dài để khi thức giấc thì tiếng ru cũng mất hồi nào không ai hay biết. Trưa hè vẫn nóng, đêm đông vẫn buốt giá nhưng thiếu tiếng ru làm những người từng nghe và may mắn được mẹ ru trước đây cảm thấy họ không còn là người Việt 100% nữa…có một cái gì đấy hụt hẫng, xót xa và thiếu vắng khi chợt nghe lại một giọng hát ru trên radio hay trong một chương trình truyền hình nào đó.

Lời hát thì vẫn vậy nhưng âm hưởng thì không còn yêu thương ngọt ngào như từ giọng ru của mẹ…Ôi giọng ru yêu dấu…không thể nào tìm thấy nữa…

Cái cò đi đón cơn mưa

Tối tăm mù mịt ai đưa có về

Có về thăm quán cùng quê

Thăm cha thăm mẹ, cò về thăm anh…

À..ời…ạ….ơi…

…………

Hà ư…

Trưa hè bên chiếu võng đưa

Mẹ ru con ngủ..hà ư…mẹ ru con ngủ giữa trưa nắng vàng

Chim trời ai dễ đếm lông chứ nuôi con ai nỡ kể công tháng ngày!

Con ơi con ngủ cho ngoan

Để mẹ xúc nước bồ thang cho đầy.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.