Teen Vọng Cổ

Chương trình VHNT tuần này Mặc Lâm mời quý vị theo dõi một câu chuyện khá vui hiện nay xoay chung quanh một bài hát đang được báo chí nhắc tới.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2011.07.09

Ác mộng của nền âm nhạc Việt?

vinh-thuyen-kim-200.jpg
Với thành công “khủng” của Teen vọng cổ, cái tên Vĩnh Thuyên Kim được nhắc đến khắp nơi sau một thời gian đi hát nhưng không mấy thành công. Photo courtesy of Việt Giải Trí.
Có báo cho rằng bài hát này là một thảm họa cho Vpop tức cho nền nhạc pop của Việt Nam. Có báo xem bài hát này là một loại rác rưởi khiến âm nhạc Việt ô nhiễm do đã lôi kéo lớp tuổi teen vào chỗ không phân biệt được nơi nào là sân chơi nghệ thuật cho lứa trẻ vốn dễ bị mê hoặc bởi những cái mới lạ đôi khi rất gần với ranh giới gàn dở, phá phách hay nổi loạn.

Bài hát mang tên Teen Vọng Cổ của tác giả Trần Anh Khôi do Vĩnh Thuyên Kim trình bày như sau:

Xa anh mới ban chiều
Thế mà lòng sao buồn hiu
Là nhớ anh nhiều, mong được ở bên người yêu
Để nói bao điều
Là sao ta
Nói chung là yêu đó
À mà đó có phải là yêu không
Mà sao vắng anh thì buồn

Không được ở bên anh lòng buồn vu vơ
Mong sao cho đôi ta một ngày nên thơ

Mong sao cho cơn mơ trở về trong em
Cho bao nhiêu yêu thương còn hoài không xa
Và...và nhớ anh nhiều lắm
Ước chi mình có nhau
Người yêu ơi em muốn cùng anh thề câu chung thủy
Không thay đổi lòng mình bên nhau
Đi đến cuối con đường….

Bản nhạc mà quý vị vừa nghe đang gây tranh luận trên nhiều tờ báo lớn mặc dù số doanh thu của nó do bán nhạc chuông đã lên hơn 1 tỷ đồng.

Số tiền được xem là lớn nhất từ trước tới nay kiếm được từ một bản nhạc bị cho là không giống ai, là nhạc rác, là cơn ác mộng của nền âm nhạc Việt.

Liệu những kết án gay gắt này có làm cho bạn trẻ Việt Nam tránh xa nó hay không, và phản ứng của giới tuổi teen ra sao nếu biết bản nhạc mà họ yêu thích nằm trong danh sách của các bản nhạc đáng bị ném đá?

Nghệ thuật luôn đòi hỏi sự sáng tạo để tồn tại, bởi nghệ thuật không thể dẫm chân tại chỗ với một khái niệm thẩm mỹ mà phải luôn vận động, luôn đổi mới và tìm cách vượt qua chính điều được cho là hoàn mỹ nhất.

Nghệ thuật đặt nền tảng trên sự tái tạo và tưởng tượng của người nghệ sĩ. Trong hội họa, nhiều khuôn mặt bậc thầy nổi lên nhờ sự tưởng tượng thiên phú và óc sáng tạo của họ đã nhào nắn những tưởng tượng ấy trở thành tác phẩm. Nếu những tác phẩm cubism của Picasso là bản tuyên ngôn chối bỏ mọi khái niệm của hội họa cổ điển thì chỉ một tác phẩm “Fountain” cái bàn tiểu của Marchel Duchamp đã thay đổi hẳn cách nghĩ quen thuộc của cả thế giới về cách tiếp cận trong sáng tác.

Trong âm nhạc đương đại nếu người ta còn nghĩ đến Bach, Beethoven như chiếc đèn báo bão trong đêm thì các dòng nhạc như Hip Hop, Rap sẽ là những ánh sao mai lung linh không thể thiếu trong những đêm tình nhân của thời đương đại. Khi thể loại vừa hát vừa nói của Rap xuất hiện thì ngay lập tức một luồng cuồng phong nổi lên trên các làn sóng radio và các chương trình ca nhạc của các ngôi sao Rap luôn chiếm số doanh thu khó tin nhất.

Rap không ngừng ở Mỹ, nó lan tràn khắp các châu lục, và cuối cùng bén rễ vào nhiều nước châu Á trong đó có Việt Nam. Giới trẻ Sài Gòn và Hà Nội không ngập ngừng gì khi thu nhận trào lưu này vì hình như nó đã thỏa mãn được sự thiếu thốn “cái tôi” trong tiềm thức của họ.

Thế nhưng từ thưởng thức, tiêu hóa đến sáng tác theo dòng nhạc hay một khuynh hướng nghệ thuật mới không phải là chuyện dễ dàng. Người nghệ sĩ tài năng là người biết nhào nặn, chưng cất cái tinh hoa ấy để biến nó thành cái của mình. Nhiều nghệ sĩ không đủ tài để sáng tạo dưới tâm thức này. Những bắt chước nguyên mẫu hay tái tạo từ nguyên mẫu một cách quá cẩn thận khiến cho nhiều tác phẩm hội họa hay âm nhạc Việt Nam hồi gần đây bị xem là lai căng, hay nặng nề hơn là rác rưởi.

Đáng bị lên án?

Quay trở lại với bài hát “Teen Vọng cổ ” nguời đọc báo gần đây thấy xuất hiện nhiều bài viết chê bai nhạc phẩm này không tiếc lời, ngay cả khi nó đạt doanh số bán cao nhất trong làng nhạc Việt từ trước tới nay đã đặt ra khá nhiều câu hỏi. Phải chăng giới làm báo quá khắt khe với sự sáng tạo mà tác giả nhạc phẩm đang cố gắng mang đến cho người nghe? Nếu giới làm báo đúng thì tình trạng nhận thức của tuổi teen Việt Nam đáng được xem lại hay không? Và cuối cùng thì đâu là biên giới của sự sáng tạo để người sáng tác biết ngừng phải lúc theo định hướng của người thưởng thức?

Nhạc sĩ Tuấn Khanh cho biết nhận xét của anh trong câu hỏi này:

“Đây là bài hát nhạc chuông nhạc chờ có số tiền lớn nhất Việt Nam trong năm vừa qua. Nói về sự sáng tạo của một ca khúc thì không có biên giới cho sự sáng tạo. Chuyện trình bày cũng không có biên giới nào cả, thế cho nên trên thế giới người ta mới xuất hiện những khuôn mặt đặc biệt như Lady Gaga hay Việt Nam trước đây xuất hiện những người hát rất bất thường nhưng khán giả thích thú, chẳng hạn như Ngọc Sơn có những phong cách trình diễn bất thường.”

Nói chung riêng cá nhân em thì em không lên án vì trên khía cạnh giải trí thì bài hát khá ổn không có gì đáng nói hết.

Thục Đoan

Thục Đoan, một người trẻ hoạt động trong ngành giải trí cho biết nhận xét của cô về vấn đề này:

“Em nghĩ có sáng tạo thì nên biểu dương vì sáng tạo là tìm ra cái gì mới có thể tốt nhưng cũng có thể xấu nhưng nếu người ta dám làm thử thì cũng đáng biểu dương rồi. Nói chung riêng cá nhân em thì em không lên án vì trên khía cạnh giải trí thì bài hát khá ổn không có gì đáng nói hết.”

Vì không có biên giới vạch ra cho người sáng tác nên điểm dừng chỉ tùy thuộc vào cảm hứng của người sáng tạo. Vấn đề đặt ra là có nên lấy sự đồng cảm của người tiếp nhận để đánh giá một tác phẩm hay không? Trong trường hợp này, tuy không còn ở tuổi teen nhưng Thục Đoan cũng nhận thấy:

“Em thấy nó không phù hợp với mình nhưng em nghĩ nếu dành cho giới trẻ mang tính cách giải trí thì nó cũng không có gì đáng lên án vì mục đích người ta ra cái bài đó là để giải trí mà! Dành cho lứa tuổi teen và cho một số người thích kiểu đó vì vậy không có gì đáng lên án như người ta đang lên án gay gắt hiện nay.”

Với Thuần Hậu, một người trẻ đang làm việc trong lĩnh vực IT cho rằng lên án bài hát này là đi quá xa vì tuổi teen hôm nay đã đủ khôn ngoan để lựa cho mình một thái độ, cô nói:

“Nghe chỉ vui tai thôi chứ không thích. Em cũng lớn hơn tuổi teen rồi cho nên đời sống của mấy bé bây giờ em không hiểu lắm. Thật sự nếu mà xét ra thì bài hát đó nếu nói để cho teen nó noi theo thì em chắc không có đâu vì bây giờ teen nó xét kỹ lắm nó cũng có tư duy và suy xét rất nhiều vì vậy nó có thể nghe cho vui như một trò đùa thôi.”

Lịch sử mỹ thuật thế giới cho thấy mỗi một ý tưởng, một trăn trở nhằm thay đổi tư duy thẩm mỹ của một họa sĩ đưa ra không những luôn tốn rất nhiều công sức của chính bản thân người ấy mà còn là sự kiên trì và đồng cảm của giới phê bình. Những ánh mắt nhìn xa hơn hiện tại và suy tư vượt thời gian là cốt lõi để tranh biện và giới thiệu cho những thay đổi, hay đột phá bất ngờ nhất.

Việt Nam thiếu thốn giới phê bình trên mọi lĩnh vực nghệ thuật nên vấn đề tranh luận về một phong trào, một khuynh hướng luôn luôn rơi vào bế tắc. Sự thiếu vắng người phê bình chuyên môn làm cho nhận xét của giới báo chí trở thành nói thay là một vấn đề nguy hiểm. Ca tụng hay chê bai chỉ dựa trên cảm tính mà thiếu nền tảng kiến thức của lý luận phê bình mỹ thuật hay âm nhạc thế giới sẽ làm nhận xét trở thành một chiều, khiên cưỡng và khập khiểng.

phi-thanh-van-200.jpg
Sau Da nâu, Phi Thanh Vân tung 'thảm họa' Tâm hồn vĩnh cửu. Photo courtesy of "EVA.VN".
Thử nhìn lại ngôn từ của bản “Teen Vọng Cổ” xem nó có đáng bị lên án hay không. Nhạc phẩm này có số ca từ đếm trên đầu ngón tay khiến cho người nghe dễ nhớ. cả bài hát như sau:

Xa anh mới ban chiều
Thế mà lòng sao buồn hiu
Là nhớ anh nhiều, mong được ở bên người yêu
Để nói bao điều
Là sao ta
Nói chung là yêu đó
À mà đó có phải là yêu không
Mà sao vắng anh thì buồn

Không được ở bên anh lòng buồn vu vơ
Mong sao cho đôi ta một ngày nên thơ

Mong sao cho cơn mơ trở về trong em
Cho bao nhiêu yêu thương còn hoài không xa
Và...và nhớ anh nhiều lắm
Ước chi mình có nhau

Nếu nghe thật kỹ thì ca từ có cái mộc mạc dễ mến, cái nũng nịu của tuổi teen ngây thơ và hồn nhiên. Trong toàn cảnh, bài hát rất gần gũi với những cô cậu mới bước chân vào lãnh địa của tình yêu, Cũng mong nhớ, ngờ vực và tự hỏi lòng rằng không biết như vậy có phải là yêu hay không?

Có khó tính cách mấy thì cũng không thể lấy câu nào trong bài ra mà nói là rác, là khó tiếp thu và đáng lên án…có chăng là những con chữ trong bài hát quá mộc mạc, quá đời thường…vậy thì tại sao nó lại khiến cho tuổi teen chào đón quá mức nồng nhiệt như vậy?

Câu trả lời có thể nằm trong mấy câu cuối, từ tân nhạc biến thành vọng cổ một cách bất thường không báo trước:

Mong sao cho cơn mơ trở về trong em
Cho bao nhiêu yêu thương còn hoài không xa
Và...và nhớ anh nhiều lắm
Ước chi mình có nhau
Người yêu ơi em muốn cùng anh thề câu chung thủy
Không thay đổi lòng mình bên nhau
Đi đến cuối con đường….

Làn điệu Vọng cổ chèn vào đây chính là tiền đề để báo giới phê bình bài hát. Nhiều người cho là lai căng nhưng thử hỏi vài chục năm trước khi thể loại tân cổ giao duyên xuất hiện đã được sự chào đón niềm nở của khán thính giả và họ đã thay nhau nuôi dưỡng thể loại này mãi cho tới ngày nay.

Tác động của kiểm duyệt văn hóa

Tìm hiểu thêm về những tiềm ẩn sâu xa hơn của vấn đề, nhạc sĩ Tuấn Khanh, người từng làm giám khảo cho nhiều cuộc thi âm nhạc nổi tiếng Việt Nam cho biết:

“Nhưng ở đây vấn đề chính nó có bối cảnh ở xã hội Việt Nam nói lên sự suy đồi của nền văn hóa cũng như hệ thống kiểm duyệt không tạo được lộ trình cho những bài hát tử tế, những giá trị khác tốt hơn những giá trị đập phá trong xã hội hay nổi loạn trong một giai đoạn nào đó. Tôi cho rằng “Vọng cổ Teen” cũng có giá trị nổi loạn trong một giai đoạn sáng tác vì bế tắc hay người nghe họ tìm thấy một chỗ phóng ra sự sáng tạo của họ.

Ở đây không nói tới việc sáng tạo này quá cao siêu nhưng mà sự đập phá này cho thấy sự kiểm duyệt và kềm nén trong văn nghệ thì kết quả nó chỉ nổi lên được những tác phẩm như vậy mà thôi. Không phải chỉ tác phẩm này là số một mà còn những tác phẩm vĩ đại khác còn nằm chờ nhưng chúng không được phép xuất hiện và sự nổi loạn thì lại xuất hiện trước! Nó cho thấy rằng xã hội Việt Nam có chỗ hở duy nhất là chỗ này mà thôi.

Nhưng ở đây vấn đề chính nó có bối cảnh ở xã hội Việt Nam nói lên sự suy đồi của nền văn hóa cũng như hệ thống kiểm duyệt không tạo được lộ trình cho những bài hát tử tế, những giá trị khác tốt hơn những giá trị đập phá trong xã hội hay nổi loạn trong một giai đoạn nào đó.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh

Cho nên nếu có phê phán nó thế nào thì tự thân tác phẩm và người trình bày nó không có tội. Nếu một sản phẩm tệ thì tự động nó sẽ tệ theo thời gian hay tác phẩm không giá trị thì nó cũng sẽ không giá trị trong một thời gian. Còn vấn đề khác ở đây những tác phẩm như vậy nó không đại diện cho nền âm nhạc Việt Nam nhưng lúc này nó trở thành đại diện cho nền âm nhạc Việt Nam đang bế tắc bởi vì nó không có cánh cửa ra cho tác phẩm tử tế.”

“Teen Vọng cổ” vẫn tiếp tục nổi tiếng bất kể lời khen hay chê trên mặt báo. Phải chăng đây chính là câu hỏi lớn cho giới làm nghệ thuật tại Việt Nam, khi mà những lời than thở đậm nét nghệ thuật hay câu cú trau chuốt một cách công phu nay chỉ là phù phiếm, không còn thích hợp với ngôn ngữ của blogger của internet nữa. Và suy cho cùng thì bài hát này cũng chỉ là một sáng tạo như mọi sáng tạo khác. Hãy để nó vùng vẫy trong trí nhớ người nghe thuộc giới trẻ hơn là cố sức giết nó bằng những con dao định hướng không đủ bén của người phê bình.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.